Lịch sử Phật giáo Việt Nam có nhiều cao tăng và cư sĩ nổi tiếng tuổi Ngọ, chúng tôi xin giới thiệu với quí vị độc giả một số vị:
1. Sư cụ Diệu Nhân
Sư cụ tên đời Lý Ngọc Kiều, sinh năm Quý Ngọ (1042), là trưởng nữ của hoàng thân Phụng Quỹ (vợ Ngài người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du) thiên tư hiền hậu, nói năng phép tắc. Vua Lý Thái Tông (1028-1054) đem vào trong cung nuôi, khi trưởng thành, lấy quan Mục châu Đăng là Lê Thị.
Lê Thị mất sớm, Ngọc Kiều thề thủ tiết không tái giá. Một hôm, Sư than rằng: “Chao ôi! Ta xem hết thảy mọi phép trong thế gian, y như một giấc mộng hão huyền, huống chi cái giàu sang mây nổi này, cậy làm sao được”. Kế đó, có bao vốn riêng, đem làm phúc hết rồi cắt tóc xuất gia, vào thụ Bồ tát giới sư cụ Chân Không (đời thứ 16 thiền phái Tỳ ni đa lưu chi) trụ trì chùa Hưng Hải, Phù Đổng. Sư giữ luật tinh nghiêm, tu thiền thân mật, thấy tỏ đạo mầu, nổi tiếng trong các Ni chúng. Có ai đến học, Sư đều truyền cho phép Đại thừa và bảo rằng: “Nếu trở về được nguồn tự tính thì đốn ngộ hay tiệm ngộ cũng sẽ tùy đó mà tiếp nhận”. Sư thường ưa lặng lẽ, tránh thanh sắc ồn ào. Có một đệ tử hỏi rằng:
Hết thảy chúng sinh đều bệnh thì ta cũng bệnh, tại sao cứ phải kiêng kị thanh sắc?
Sư dẫn kinh Kim Cương đáp:
Nếu dùng sắc cầu thấy ta, lấy âm thanh cầu thấy ta, người làm như thế là tà đạo, không thể thấy Như Lai được.
Vì cớ gì mà thầy hay ngồi lặng yên?
Nguyên lai vẫn thế.
Làm sao thầy không nói?
Đạo vốn không phải nói.
Ngày mồng một tháng 6 năm Hội Tường Đại Khánh thứ tư (1113) Sư trở bệnh, gọi đồ chúng đến đọc bài kệ:
Nguyên văn chữ Hán:
Sinh, lão, bệnh tử
Tự cổ thường nhiên
Dục cầu xuất ly
Giải phược thiêm triền
Mê chi cầu Phật
Hoặc chi cầu thiền
Thiền Phật bất cầu
Uổng khẩu vô ngôn
Việt dịch:
Sinh, già, bệnh, tử,
Tự xưa thường thế,
Muốn tìm lối ra,
Càng thêm chằng chịt,
Mê nên tìm Phật,
Hoặc đến tìm thiền,
Thiền Phật chẳng cầu,
Im miệng không nói.
Đọc xong, Sư tắm gội sạch sẽ, ngồi kết già mà hóa, thọ 72 tuổi(1).
2. Lý Nhân Tông
Ngài sinh năm Bính Ngọ (1066) tên thật là Lý Càn Đức, con trưởng của Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan. Lên ngôi vua lúc 7 tuổi, Nhân Tông ở ngôi 56 năm, là một vị anh quân đệ nhất của nhà Lý, lập được nhiều sự nghiệp lớn lao, như: Lập Quốc tử giám, kén chọn văn quan vào giảng dạy, lập toà Hàn Lâm, mở khoa thi tam trường, khuyến khích Nho học. Chỉnh đốn quân ngũ, xây dựng lên một đội quân hùng mạnh, phát triển kinh tế văn hóa…
Nhà vua lại rất sùng bái Phật giáo và thành tựu nhiều Phật sự: Năm 1087, Nhân Tông ngự giá đi lễ Phật, nghe kinh ở chùa Lãm Sơn, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, rồi thiết triều yến ở chùa, đề thơ “Lãm Sơn dạ yến”. Vua đặt ra một vị quan triều cao cấp để trông nom các chùa trong nước. Năm 1088, Nhân Tông phong chức Đại sư cho Khô Đầu thiền sư, dùng Thiền sư làm cố vấn trong quốc chính như Khuông Việt Đại sư đời Đinh, Tiền Lê.
Năm 1105, vua cho sửa chữa chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, vét hồ Liên Hoa đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ở ngoài hành lang lại đào hồ gọi là Bích Trì; đều bắc cầu vồng để đi qua; trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ ngày Phật đản sinh mồng 8 tháng 4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu sống lâu, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm làm lệ thường.
Năm Mậu Tuất (1118), tháng 9, nước Chiêm Thành sai sứ sang cống hiến lễ vật, vua cho mở đại hội Phật giáo gọi là Thiên Phật hội (ngày hội của một nghìn đức Phật) để khánh thành chùa Thắng Nghiêm Thánh Thọ, cho sứ Chiêm Thành đến xem.
Năm 1122, tháng 3, mở hội khánh thành bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tháp được sử sách ca ngợi không chỉ nổi tiếng với vẻ nguy nga đồ sộ, mà còn nổi tiếng cả về nghệ thuật kiến trúc, trang trí kiến trúc.
Cùng với việc phá chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, hai trong 4 đại khí bằng đồng lớn nhất nước ta thời kỳ Lý – Trần, để đúc đạn, quân Minh đã đập nát hầu hết kiến trúc và nghệ thuật kiến trúc của tháp Long Đọi.
Ở trong tháp có tấm bia ghi dòng chữ: “… dồn dập ruổi quân sự dịch, ầm ầm sấm động ra uy. Thành Ủng Châu sức nghìn quân giặc, tan thành như trận gió cuốn mây. Sông Như Nguyệt, trăm vạn binh thù, vỡ tổ như mặt trời đốt giá. Từ đó về sau, ngôi cả thảnh thơi, nhân dân phú thọ…”
Văn hay, ý đẹp, lời bia ghi lại cho đời đời con cháu một trong những chiến công rực rỡ của cha ông ở buổi đầu của thời kỳ độc lập tự chủ(2).
3. Nguyễn Minh Không thiền sư
Sư sinh năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tư thứ nhất (1066) đời Lý Thánh Tông. Ngài họ Nguyễn húy Chí Thành, người hương Điềm Giang (Điềm Xá) đất Trường Yên, nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Mồ côi cha hồi lên 6 tuổi, mồ côi mẹ hồi 10 tuổi, được Từ Đạo Hạnh đưa về chùa nuôi từ năm 11 tuổi. Từ Đạo Hạnh thấy Minh Không rất thông minh, nên hết lòng dạy dỗ để sau này có thể truyền y bát cho. Minh Không học Từ Đạo Hạnh gần 40 năm. Dã sử chép sự tích Minh Không sang Trung Hoa xin vua Tống đồng về đúc tượng khá ly kỳ.
Với số đồng khuyến hoá được, Minh Không dựng lên:
1. (Đỉnh) Tháp Báo Thiên ở Hà Nội
2. Vạc Phổ Minh ở Nam Định (thực ra sang đời Trần mới làm)
3. Tượng Phật A Di Đà ở chùa Quỳnh Lâm ở tỉnh Đông (Hải Dương)
4. Chuông Thử lại ở tỉnh Bắc (Bắc Ninh)
Bốn bảo vật nói trên, trong Phật sử chép là: “Thiên Nam tứ đại khí”. Ở đền thờ Minh Không, còn đôi câu đối:
“Nhất nang quát tận Bắc Kinh đồng, lục thông huyền trị.
Tứ khí dung thành Nam Việt bảo, thiên cổ kỳ quan”.
Dịch:
“Một túi gai thu sạch kho đồng của nước Trung Hoa lầu không sáu pháp
Bốn thứ báu đúc thành của chung cho nước Việt truyền để nghìn năm”.
Nhờ có công chữa cho vua Lý Thần Tông khỏi ác bệnh, Minh Không được vua ban hiệu Quốc sư. Vua tạ ơn ban cho 1.000 lạng vàng, 1.000 khoảnh ruộng để làm hương hoả cho chùa, ruộng này miễn thuế.
Minh Không tịnh năm Tân Dậu (1141) dưới đời Lý Anh Tông, thọ 76 tuổi. Ngày Sư viên tịch không rõ, nhưng theo tục truyền các nơi thờ Minh Không đều tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng 9 âm lịch.(3)
4. Trần Nhân Tông (1258 – 1308)
Ngài tên thật là Trần Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông, sinh năm Mậu Ngọ (1258), lên ngôi 1278. Ngài là một vị vua nhân từ, hoà nhã cố kết lòng dân, quyết đoán, hết lòng vì dân vì nước. Trong thời gian 14 năm ở ngôi, Trần Nhân Tông cùng vua cha và các tưởng lĩnh tài giỏi như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật,hai lần lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên – Mông hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ vào các năm 1285 và 1288.
Năm 1293, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, làm Thái thượng hoàng.
Tháng 3 năm 1301, Thượng hoàng Nhân Tông vào Bố Chính, Quảng Bình. Ngài lập am Tri Kiến. Sau đó sang Chiêm Thành, gặp gỡ vua nước này và tạo được mối bang giao hoà bình bằng cách gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân, vua Chiêm dâng tặng Thượng hoàng hai châu Ô và Rí làm của hồi môn. Đại Việt được mở mang bờ cõi mà không phải tiến hành chiến tranh.
Như vậy là ở cả ba lĩnh vực: giữ nước, dựng nước và mở nước, Trần Nhân Tông đều có những đóng góp đáng kể, song điểm được coi là nổi bật nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của Ngài là việc sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền của riêng người Việt và thành lập Giáo hội Phật giáo Đại Việt.
Thiền tông ở nước ta còn lưu truyền đến ngày nay là nhờ phái Trúc Lâm Yên Tử do Trúc Lâm tam tổ sáng lập và Trần Nhân Tông là sơ tổ.
5. Hòa thượng Bích Không-Thích Giác Phong (1894-1954)
Ngài sinh năm Giáp Ngọ trong một gia đình khoa bảng, quê làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1918, Ngài đậu Tú tài, ra làm quan ở văn phòng của vua Khải Định. Sau, Ngài treo ấn từ quan, vân du sang Nhật, Trung Quốc tham khảo giáo lý, văn hóa nước ngoài. Về nước, Ngài khai sơn chùa Giác Phong ở Quảng Trị, năm 1935 Ngài thụ Cụ túc giới, rồi vào Bình Định tham học với Quốc sư Phước Huệ. Ngài đã cộng tác với chư tôn đức ở Đà Nẵng, thành lập hội Đà Thành Phật học, xuất bản tờ Tam bảo chí và khai mở Phật học đường tại chùa Phổ Đà cho hai cấp Tiểu học và Trung học do Ngài làm Giám đốc. Năm 1939, Hòa thượng Phước Huệ thấy mình già yếu đã lập di chúc giao hẳn chùa Hải Đức ở Nha Trang cho đệ tử Giác Phong. Việc trùng tu di dời chùa gặp không ít khó khăn, nhưng Ngài Giác Phong đã vượt qua với một quyết tâm cao, nên mới có được một đại tùng lâm uy nghi ngày nay (Trường Cao đẳng Phật học Nha Trang) để cho chư tăng tu học và Phật tử chiêm bái.
Năm 1947, Ngài tản cư ra Quảng Trị rồi lần đến Nghệ An, tá túc tại chùa Diệc. Rồi lâm trọng bệnh mất tại Vinh năm 1954.
Công cuộc chấn hưng Phật giáo ở suốt dải đất từ Thanh Nghệ vào tới Phan Thiết đều có dấu tích hoằng dương đạo pháp của Hòa thượng Bích Không-Giác Phong. Ngài vẫn sang mãi như thế hệ của Ngài, thế hệ nở rộ những bông hoa Ưu đàm cho ngày sau hưởng quả(4).
6. Hòa thượng Thích Trí Hải
Ngài thế danh Đoàn Thanh Tảo, sinh năm Bính Ngọ, quê xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 17 tuổi, Ngài xuất gia ở chùa Mai Xá, 18 tuổi thụ giới Sa di ở tổ đình Tế Xuyên, hai năm sau Ngài thụ đại giới. Năm 25 tuổi, Ngài về trụ trì chùa Phú Đa, xã Yên Lập, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm sau vì bản sư viên tịch, Ngài trở lại trông coi chùa Mai Xá.
Năm 27 tuổi, cùng với một số tăng sĩ và cư sĩ, Ngài thành lập Ban Phật học tùng thư. Tháng 11 năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Ngài là thành viên sáng lập, nhưng chỉ làm Đương gia chùa Quán Sứ.
Tháng 3 năm 1937, Ngài cùng Thượng tọa Thích Mật Thể ở Trung Kỳ đi du học ở Trung Quốc. Ngài được tiếp xúc với đại sư Thái Hư – lãnh tụ Phật giáo Trung Hoa và cư sĩ Đường Đại Viên nhà Duy thức học nổi tiếng của Trung Quốc.
Về nước đầu năm 1938, thấy việc xây dựng chùa Quán Sứ không tiến triển, Ngài đề nghị Hội củng cố lại Ban Hưng công, cử cư sĩ Thiều Chửu phụ trách phần tài chính, Ngài phụ trách về kiểu mẫu chùa, thợ thuyền và mua sắm vật liệu. Nhờ khả năng tổ chức và nỗ lực cố gắng của hai người, năm 1942 chùa Hội quán đã được hoàn thành về cơ bản.
Năm 1938, Ngài tích cực vận động có được 37 mẫu ruộng tại huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình để giải quyết vấn đề tài chính cho các tăng sinh. Đầu năm 1945, Ngài cùng Thượng tọa Tố Liên, cư sĩ Thiều Chửu thành lập Tổng hội Cứu tế do ông Nguyễn Văn Tố làm Hội Trưởng, để giúp đỡ những người đói khổ, trẻ mồ côi trong nạn đói…
Cuối năm 1945, Thượng tọa Trí Hải được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn cho Bộ trưởng Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố. Ngài được dự phiên họp đầu tiên do Hồ Chủ tịch chủ toạ tại Trường Viễn Đông Bác Cổ để thành lập Ban Cứu đói.
Đầu năm 1947, Ngài cử các sư Tâm Giác và Quảng Thạc xuống Đan Thầm, Thanh Oai, tỉnh Hà Đông đón hơn 30 em trên 10 tuổi trong đoàn của cư sĩ Thiều Chửu tản cư kháng chiến. Ban đầu, đoàn về chùa Đông Kiệt, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; sau sang chùa An Ninh, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Cuối cùng, đoàn về chùa Mai Xá, huyện Lý Nhân là nơi trước đây Ngài trụ trì, dạy nghề thủ công để tự túc.
Năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ngài làm Phó Hội chủ thứ nhất.
Từ 30-11-1952 đến năm 1954 Ngài là Phó trụ trì chùa Quán Sứ. Năm 1952, Giáo hội Tăng già toàn quốc được thành lập tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, suy bầu Ngài làm Trưởng Ban Trị sự. Năm 1953, Ngài đứng ra xây Trường Trung, Tiểu học Vạn Hạnh trong khuôn viên chùa Hàm Long, Hà Nội, giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông. Năm 1954, đất nước tạm chia đôi, dù gặp bao khó khăn tài chính, không có kiến trúc sư… Ngài vẫn quyết tâm xây dựng hoàn tất chùa Phật Giáo (nay là chùa Nam Hải – Hội quán Phật giáo Hải Phòng) để tiếp tục Phật sự và ổn định tinh thần Phật tử.
Sau ngày thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (3-1958), Ngài về chùa Phật Giáo, Hải Phòng hướng dẫn Phật tử, sáng tác và biên dịch nhiều tác phẩm, gồm 40 đầu sách.
Năm 1979, Ngài vào thăm miền Nam, được tăng ni, Phật tử nghênh tiếp trọng thị. Việc này có ý nghĩa lớn đối với cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1981. Khi trở về Bắc được mấy hôm, Ngài lâm bệnh và thị tịch ngày 7 tháng 6 năm Kỷ Mùi tại chùa Phật Giáo Hải Phòng.
Hoà thượng Thích Trí Hải là một trong những bậc cao tăng của lịch sử Phật giáo Việt Nam, Ngài có công đầu trong việc thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ và đã suốt đời xây dựng cho cơ sở Phật giáo tại miền Bắc(5).
7. Hòa thượng Thích Thiện Hoa
Ngài pháp danh Thiện Hoa, hiệu Hoàn Tuyên, sinh năm Mậu Ngọ (1918) tại làng Tân Qui, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Xuất gia năm 7 tuổi, sau đó được gửi tới chùa Đông Phước, huyện Cái Vồn theo học với tổ Khánh Anh. Ngài thụ giới Sa di năm 1935 khi đang theo học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên. Từ năm 1938, Ngài được cử ra học Phật pháp ở Huế, Bình Định, đến năm 1945, Ngài về Nam hiệp cùng Thượng tọa Trí Tịnh khai giảng Phật học đường Phật Quang tại rạch Bang Chang, huyện Trà Ôn.
Năm 1953, Ngài giữ chức Trưởng ban Giáo dục và Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Tăng già Nam Việt, kiêm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang, Sài Gòn.
Năm 1963, Ngài đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm kỳ thị Phật giáo với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo. Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Ngài nhận chức Phó Viện trưởng thứ nhất Viện Hóa đạo, kế đến nhận chức trụ trì Việt Nam Quốc Tự. Năm 1968, Ngài được toàn thể đại biểu bỏ phiếu lưu nhiệm chức Viện trưởng Viện Hóa đạo. Lúc ấy dù bệnh duyên Ngài vẫn không nề hà gánh lấy trách nhiệm Giáo hội ngày càng nặng nề.
Năm 1973, bệnh tình ngày càng nặng, Ngài phải giải phẫu nhưng vẫn không qua khỏi. Hòa thượng viên tịch ngày 23-1-1973.
Cả cuộc đời, Ngài hy sinh trọn vẹn cho đạo pháp. Với tấm lòng bao dung hòa ái nhưng rất cương nghị trong đường lối mà Ngài vạch ra, dù khó khăn đến mấy cũng quyết thực hiện thành công. Và, Ngài đã thành công rực rỡ trong việc thực hiện sứ mạng của một sứ giả Như Lai, để lại cho mai sau lòng kính trọng và mãi mãi khắc ghi công ơn Ngài(6). Ngài đã để lại rất nhiều tác phẩm là những nấc thang giáo lý có giá trị đặt nền tảng học Phật cho tăng tín đồ với 80 quyển trong 8 chuyên đề, trong đó có những bộ sách nổi tiếng như Phật học Phổ thông 12 quyển, Bản đồ tu Phật 10 quyển, Duy thức học 6 quyển…/.
_____________________________________________________________________________________________
(1) Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch, Nxb Văn học, 1990.
(2) Bồ Đề Tân Thanh-Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên tới 1981, Nxb Văn học, 2012.
(3) Sách đã dẫn.
(4) Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.
(5) Kỷ yếu Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải (1906-1979), Nxb Tôn giáo, 2008.
(6) Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sư danh tăng Việt Nam, tập 1, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG