Nhìn lại lịch sử và văn hóa dân tộc, Việt Nam là một nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt từ rất sớm. Vốn là một tôn giáo xuất thế (1) nhưng khi vào Việt Nam, Phật giáo đã trở nên rất nhập thế (1). Ta thấy rằng ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên Phật giáo đã được tiếp nhận mạnh mẽ ở Việt Nam. Tư tưởng, triết học Phật giáo là đạo lý Duyên khởi (2), Tứ diệu đế (3), Bát chánh Đạo (4)... có nhiều điểm phù hợp với tâm tư, tình cảm, đạo lý dân tộc nên đã được người Việt Nam nhanh chóng tiếp nhận và dung hòa. Người Việt vốn hòa hiếu, chân thật, yêu thương đồng loại, Đạo Phật lại dạy con người biết ăn ở hiền lành, cải tà quy chánh, trau dồi đức hạnh và thăng hoa trí tuệ, cho nên được quảng đại quần chúng chấp nhận.
Trong thần thoại, văn học bác học, văn học dân gian (như tác phẩm Tây Du Ký, Bảo Liên Đăng của Trung Quốc, Quan Âm Thị Kính của Việt Nam...), hay trong kinh sách nhà Phật như Kinh Phổ Môn, thì Quán Thế Âm Bồ tát được xem là vị Bồ tát gần gũi với mọi tầng lớp chỉ sau đức Phật Thích Ca. Trước khi chứng quả Bồ tát thì Ngài có mười hai đại nguyện và cả mười hai đại nguyện đó đều liên quan đến việc cứu khổ, cứu nạn. Do đó, Quán Thế Âm được xem là vị Bồ tát cứu độ chúng sinh và là Bồ tát đặc trưng cho tinh thần của Phật giáo Đại Thừa - giác tha, có nghĩa là cứu vớt và giác ngộ người khác. Vì vậy, có thể nói Phật giáo Đại thừa đã nâng Ngài lên tầm quan trọng. Điều này càng làm tăng lòng sùng kính của người theo đạo Phật đối với Quán Âm Bồ Tát.
Trong một năm có ba ngày vía Quán Âm là 19/02 ÂL, 19/06 ÂL, 19/09 ÂL. Mỗi ngày vía có một ý nghĩa riêng. Cụ thể là:
– 19/02: Kỷ niệm ngày Bồ Tát Quán Thế Âm đản sinh.
– 19/06: Kỷ niệm ngày Bồ Tát Quán Thế Âm thành đạo.
– 19/09: Kỷ niệm ngày Bồ Tát Quán Thế Âm xuất gia.
Quán Thế Âm Bồ Tát không chỉ là một trong Tam Thánh (5) ở cõi nước Tây Phương mà Ngài có cơ duyên rất lớn với cõi Ta Bà của chúng ta. Vì vậy Đức Quán Thế Âm là một vị Bồ Tát được người Á Châu như Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam phụng thờ trang nghiêm, sùng kính.
Ý nghĩa danh hiệu Quán Thế Âm
Quan hay Quán Thế Âm tiếng Phạn là “Avalokitesvara” dịch sang tiếng Hán là Quan Thế Âm hay Quán Tự Tại… Quán Thế Âm Bồ Tát nghĩa là ngài Bồ Tát có thể lắng nghe được tất cả nỗi đau khổ kêu than của thế nhân, quan sát tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ. Điều này chỉ có được ở những vị Bồ Tát phát nguyện thậm thâm. Khi ấy, tất cả các giác quan có thể hòa trộn được vào nhau (kiểu như mắt có thể nghe thấy tiếng kêu, tai có thể ngửi thấy mùi vị…). Như Địa Tạng Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát...
Thực ra, "Avalokiteśvara" không phải là nữ thần mà là một vị Bồ tát... nam. Tên phiên âm của ngài sang tiếng Hán (đọc theo âm Hán Việt) là “A bà lô kiết đê xá bà la”. Còn mỹ danh đầy đủ của ngài bằng tiếng Hán là “Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn quán thế âm Bồ tát” (vị Bồ tát đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn nghe thấu tiếng kêu khổ não của chúng sinh). Mỹ danh này thường được gọi tắt là Quán Thế Âm; đến đời Đường vì kiêng húy của Đường Thái Tông là (Lý) Thế Dân nên bỏ chữ “thế” mà gọi thành Quán Âm, thường đọc trại thành Quan Âm. (Vì vậy trong bài này lúc dùng chữ Quan hay chữ Quán cũng không sai)
“Phật học từ điển” của Đoàn Trung Còn cho biết như sau:
“Quán - Âm là một vị đại Bồ - tát trong Phật - giáo Đại - thừa (q.II, tr.679). Hễ ai thờ ngài, ắt được các sự phước đức; ai cầu nguyện và niệm tưởng ngài thì được sức lành của ngài chở che và cứu trợ trong các nạn nguy (...). Vì lòng từ bi cứu khổ cứu nạn cho các chúng sanh và vì sự tuyên truyền Phật pháp, ngài tùy tiện mà hiện thân, khi làm Phật, khi làm Bồ tát, khi làm Duyên - giác, khi làm Thinh - văn, khi làm tiên, khi làm quỷ, thần, khi làm quốc vương hoặc đại thần, trưởng giả, tỳ kheo, cư sĩ. Và ngài cũng mang thân phụ nữ (chúng tôi nhấn mạnh) mà độ chúng sanh nữa” (q.II, tr.685-686).
Bồ Tát Quan Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai, nếu chúng sinh còn đau khổ. Vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ, cũng như chỉ có trí tuệ mới diệt được ngu si. Do đó, Bồ Tát Quan Thế Âm thiết lập tâm đại từ, đại bi mà thực hiện đại thệ nguyện độ sanh của Ngài.
TỪ là đem niềm vui đến cho kẻ khác. Chữ Từ như người ta thường nói: Từ thiện, từ ái, từ mẫu, từ tâm. Từ tâm đối với ác tâm, sân tâm, ích kỷ tâm….
BI là phương châm, là cách thức hành động để cứu khổ.
Từ là lòng yêu thương, Bi là ra tay giải quyết và dấn thân nỗ lực làm việc để cứu giúp thực tế. Tóm lại Từ Bi: Thương yêu chúng sinh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ (maritrya, maitri). Đồng cảm nỗi khổ và thương xót chúng sinh, trừ bỏ nỗi khổ cho họ gọi là Bi.
Ngoài ra, Kinh Quán Âm Tam Muội nói: "Xưa kia Ngài Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là "Chính Pháp Minh Như Lai". Tiền thân Đức Thích Ca hồi ấy đã từng ở dưới pháp toà, sung vào trong số đệ tử khổ hạnh để gần gũi". Ngày nay Đức Thích Ca thành Phật, thời Ngài trở lại làm đệ tử để gần gũi lại:" Một Đức Phật ra đời thì hàng ngàn Đức Phật phù trì".
Trong Kinh Đại Bi Tâm Đà Na Ni thì chép lời Ngài bạch Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn ! con nhớ vô lượng ức kiêp trước có Đức Phật ra đời hiệu là Thiên Quan Vương tĩnh trụ Như Lai" Đức Phật ấy vì thương đến con và tất cả chúng sanh nên nói ra môn Đại Bi Tâm Đà La Ni. Ngài lại dùng cánh tay sắc vàng xoa đầu con mà bảo:"Thiện Nam Tử ! Ông nên trụ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sanh trong cõi trược ở đời vị lai mà làm cho họ được sự lợi ích yên vui lớn." Lúc đó con mới ở ngôi Sơ Địa, vừa nghe xong thần chú này liền vượt lên chứng đại Bát Địa".(6)
Mật tông thì theo trong Kinh Đại Bản Như Ý nói có 8 vị đại Quan Âm là:
1) Viên Mãn Ý, Nguyệt Minh Vương Bồ Tát.
2) Bạch Y Tự Tại.
3) Cát La Sát Nữ.
4) Tứ Diện Quán Âm.
5) Mã Đầu La Sát.
6) Tỳ Cầu Chi.
7) Đại Thế Chí.
8) Đà La Quan Âm (Quán Âm Chuẩn Đề).
Bồ Tát Quán Thế Âm là nam hay nữ?
Phật tử khắp nơi đã quá quen với hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát là người phụ nữ đoan trang, xinh đẹp. Có nơi Quan Thế Âm Bồ Tát còn được gọi là Phật Bà Quan Âm. Thế nhưng, lại có ý kiến cho rằng Quan Thế Âm Bồ Tát là nam chứ không phải nữ. Vậy thực hư chuyện giới tính của Quan Thế Âm Bồ Tát là thế nào và vì sao lại có những tranh luận dị thường, tưởng như bất tôn kính như vậy?
Khi chúng ta thờ một đức Phật, một vị Bồ tát cần phải thâm hiểu ý nghĩa Pháp tướng, hình tượng, hình tướng của đức Quan Thế Âm như thế nào không?
Quan Thế Âm Bồ tát là tượng nam hay nữ?
Phật Giáo quan niệm 10 phương chư Phật thì không hề có nữ nhân. Đức Quán Thế Âm là nam hay nữ? Chư vị Bồ Tát không phải là những nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt có sanh có tử, mà các ngài thị hiện ở đời dưới nhiều hình tướng: nam, nữ, già, trẻ, người, thú vật, núi sông... tùy tâm niệm của chúng sanh chiêu cảm mà ứng thân thị hiện. Như vậy, chắc chắn Đức Quán Thế Âm phải là nam.
Tại Trung Quốc, đến thế kỷ thứ mười, Quan Âm còn được giữ dưới dạng nam giới, thậm chí trong hang động ở Đôn Hoàng, người ta thấy tượng Quan Âm để râu. Đến khoảng cuối thế kỷ thứ mười thì Quan Âm được vẽ mặc áo trắng, có dạng nữ nhân. Có lẽ điều này xuất phát từ sự trộn lẫn giữa Phật giáo và Lão giáo trong thời này. Một cách giải thích khác là ảnh hưởng của Mật Tông trong thời kỳ này: đó là hai yếu tố Từ bi và Trí huệ được thể hiện thành hai dạng nam nữ, mỗi vị Phật hay Bồ tát trong Mật tông đều có một “quyến thuộc” nữ nhân. Vị quyến thuộc của Quán Thế Âm được xem là vị nữ thần áo trắng Đa La và Bạch Y Quan Âm là tên dịch nghĩa của danh từ đó. Kể từ đó, Phật tử Trung Quốc khoác cho Quan Âm áo trắng và xem như là vị Bồ tát giúp phụ nữ hiếm muộn. Đức Quán Thế Âm xuất hiện dưới hình dạng phụ nữ chỉ mới được thịnh hành từ đời Đường bên Trung Hoa.
Người Tây Tạng lại hay tạc tượng đức Quán Thế Âm theo hình người nam, tượng trưng cho sức mạnh kiên cố, oai dũng để trấn áp tà ma quỷ dữ. Người Tây Tạng tu theo Mật Tông, miệng đọc thần chú, tay bắt ấn quyết để nhiếp phục thân tâm đến chỗ đắc định, phát huy trí huệ.
Đến nay, hầu như ở khắp các cơ sở thờ tự Á Đông đều quen thuộc với hình ảnh Bồ Tát dưới hình dạng là phụ nữ.
Tại sao lại có điều này?
Thực ra thì trong Phật giáo, giới tính của Phật là điều không quá quan trọng. Các tín đồ Phật giáo thường không quan tâm nhiều đến giới tính và sự sinh sản của các vị Phật, Bồ tát mà họ thờ phụng. Nhưng Phật là Phật không có bà có ông. Chỉ vì dân gian gọi theo cảm tính thôi, danh xưng Phật bà, Phật ông không có trong danh từ chuyên môn nhà Phật. Bồ Tát Quán Thế Âm đã phát huy được trí huệ thần thông diệu dụng gọi là "Chủng Loại Câu Sanh Vô Hành Tác Ý Sinh Thân", có thể tùy tâm niệm chúng sanh mà chiêu cảm ứng hiện dưới nhiều hình tướng, không nhất thiết phải là người hay vật, nam hay nữ, cho nên được gọi là phi tướng.(7)
Hơn nữa, theo phẩm Phổ Môn thì khi ra tay cứu vớt chúng sinh, Bồ Tát thường chuyển hóa thành 32 sắc tướng. Khi thì thành thiện nam, khi thì thành tín nữ, lúc thành người hành khất khi thành bà góa phụ…
Đức Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát như chúng ta vẫn thấy dưới hình dạng ngày nay chỉ là 1 cách thể hiện sắc tướng được nhiều người quen thuộc và thừa nhận.
Ở các nước theo Phật giáo Bắc truyền, đa phần tôn tượng của Bồ tát Quán Thế Âm được thờ phụng dưới dạng nữ thân. Vì trong tâm thức của mọi người, ngài là người Mẹ hiền, thường che chở và gia hộ cho chúng sanh, nhất là trong những lúc nguy khốn.
Kinh Bi Hoa dạy rằng: Về thời quá khứ, ngài Quán Thế Âm là thái tử con vua Vô Tránh Niệm. Lúc bấy giờ có Đức Bảo Tạng Như Lai ra đời giáo hóa chúng sinh. Sau vua và thái tử xuất gia, vua Vô Tránh Niệm thành Phật, làm giáo chủ cõi Cực lạc, lấy hiệu A Di Đà. Thái tử công hạnh trọn đủ, cũng sanh về cõi ấy thành Bồ tát Quán Thế Âm. Ngoài việc thường trợ hoá cho Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sanh về Tây phương Cực lạc, Ngài còn phát bi nguyện cứu khổ, cứu nạn cho tất cả chúng sanh nếu họ thành tâm niệm danh hiệu của Ngài.
Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Bồ tát Quán Thế Âm có thần lực tự tại, có khả năng ứng hiện vô số thân để cứu độ chúng sanh. Ngài có thể hiện thân Phật, Duyên giác, Thanh văn, Phạm vương, Đế thích, Sa môn, Trưởng giả, Cư sỹ, Phụ nữ, Trời và Thần vv… để thực thi bi nguyện, làm lợi ích chúng hữu tình.
Do mong ước độ sinh mà Người hiện thân là Bồ tát. Và trong kinh Bi Hoa, đức Phật hay gọi đức Quan Thế Âm Bồ Tát là Thiện – nam – tử tốt ! Vì thế Quan Thế Âm Bồ Tát không tài nào là nữ nhân được.
Dựa vào lịch sử về tôn giáo, dân gian dật sử(8), Linh ứng truyện ký và những lịch sử của Trung Quốc từ sau nhà Châu vua Chiêu Vương tới cận đại và tới VN từ đầu TK thứ III tới cận kim thì đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã từng hiện hóa vào những thế gia và cả bần gia để ứng cơ hóa độ chúng sinh.
Nhờ sự tướng của thế đạo để chỉ hướng dân gian quay về chính đạo và loại bỏ cái xấu ra khỏi cơ thể. Giống Quan Âm Diệu Thiện về đời vua Vương Trang. Quán âm cầm giỏ cá thời vua Tôn Huyền nhà Đường, Quán Âm Thị kính thời nhà Minh, Quán Âm linh thiêng thời nhà Nguyễn,…
Như vậy, không nhất thiết Ngài chỉ thị hiện nữ thân mà là vô số thân. Nhưng do niềm tịnh tín của các dân tộc vùng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng thì hình ảnh người Mẹ hiền, thương chúng sanh như con đỏ, thường che chở, gia hộ và tưới mát những tâm hồn khổ đau của Ngài, rất được quần chúng nhân dân ngưỡng mộ và tôn thờ.
Vì vậy, tượng Ngài được thờ phụng khắp nơi đa phần là thân nữ. Tuy nhiên, một vài ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc, tôn tượng của Ngài được thờ phụng là thân nam.
Tượng Bồ tát Quán Thế Âm tại chùa Beopjusa, Hàn Quốc
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là người có thể dùng “Phật nhãn”(9) của mình để lắng nghe và thấu hiểu mọi sự ai oán, đau khổ của chúng sinh để mà ra tay cứu khổ cứu nạn.
Khi có việc gì đau khổ, người ta thường kêu nơi Phật Quán Âm.
Oan ức, thiệt thòi người ta cũng đến trước Phật Quán Âm
Vợ chồng muộn con thường được khuyên nên đến cầu nơi tượng Đức Phật Quán Âm.
Bồ tát Quán Thế Âm là một vị Bồ tát đã thân chứng và thể nhập Pháp thân(10). Khi đã an trụ trong Pháp thân cố nhiên siêu việt danh sắc, nam nữ, sanh diệt… vì thực tướng vốn là vô tướng. Do đó, không thể đặt vấn đề “nam hay nữ” đối với những vị đã thể nhập Pháp thân.
Theo Kinh A-Di-Đà nói: Người sanh về cõi cực lạc tuy chưa chứng quả Thánh, vẫn không có tướng nam, tướng nữ. Kinh A Hàm nói người nữ có 5 chướng không thể thành Phật…..Thế mà Bồ Tát Quan Thế Âm lại hiện thân người Nư ư?
Quán Thế Âm là một vị Bồ tát hiện thân lòng từ bi của tất cả chư Phật. Được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cả thân nam lẫn nữ giới, Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ-tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo. Trong Kinh Bát Nhã Ba-La-Mật, Quán Thế Âm Bồ Tát được gọi là Quán Tự Tại Bồ Tát, ẩn tàng một triết lý sâu xa và phương thức tu tập nhiệm mầu nhờ quán chiếu mà được tự tại, giải thoát. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã giải thích rõ cho Vô Tận Ý Bồ Tát về ý nghĩa của danh hiệu Quán Thế Âm là do vị Bồ tát này khi nghe âm thanh của chúng sanh xưng danh hiệu mình thì tức thời tầm thanh để cứu khổ. Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não nghe đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, một lòng xưng danh Ngài thì ngay khi đó, Bồ Tát Quán Thế Âm tức thì quán sát âm thanh ấy, khiến cho họ đều được giải thoát. |
Về phương diện Ứng hoá thân(11), thì như đã trình bày, tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện và chủng loại chúng sanh để Bồ tát thị hiện thân tương ứng mà cứu độ.
Thế sự xuất hiện người nữ với mục đích chuyển đổi tâm tà ác và hạn chế các xa hoa trụy lạc, đó là mục đích tùy duyên hóa độ của Quan Thế Âm Bồ Tát, và cũng từ đó mà tượng, ảnh của Người trở thành diện mạo nữ trong 1 vài nước châu Á. Tuy nhiên, điều căn bản là con người cần hiểu rằng, đó là hình ảnh thị hiện, không nên chấp là Phật Thân của Người.
Danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát trong dân gian ai cũng đều biết tới, Ngài luôn xuất hiện ở những nơi có con người sống cơ cực và khổ đau để giúp đỡ. Ngài đi khắp thế gian để giáo hóa chúng sanh, đưa con người hướng Phật, luôn yêu thương tất cả nhân loại, không phân biệt là ai, không oán thù hay để tâm với những người đã sỉ nhục hay đối xử bất kính với mình. Vì thế, Quan Thế Âm Bồ Tát được xem là người mẹ của thiên hạ, luôn bao che và giúp đỡ các con nhân gian của mình vượt qua những trở ngại trong cuộc sống để thành người tốt và có ích.
Thờ phụng và hành trì danh hiệu Quán Thế Âm đúng pháp
Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát có đức uy thần công đức và lòng từ bi rất lớn. Ngài vốn không phải là nữ tướng, nhưng vì ngài thường cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh (mà phụ nữ thường nhiều khổ nạn hơn so với nam giới) cho nên giới phụ nữ đặc biệt tín ngưỡng về Ngài. Nên chúng sanh mới tưởng tượng ra Ngài là nữ tướng để tiện hoá độ cho phụ nữ.
Bồ Tát Quan Thế Âm hiện thân của Đức Từ Bi, muốn nói lên tình Mẹ thương con, Mẹ đối với con là tình thương chân thành, tha thiết nhất không có tình thương nào sánh bằng. Cho nên, Đức Quan Thế Âm hiện thân là một người mẹ hiền của nhân loại, hay của tất cả chúng sinh.
Căn cứ theo hình tướng đã thể hiện và đức tính Quan Thế Âm đã cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh, nhân loại được thoát khổ đau ở ta bà này to lớn biết chừng nào!
Chúng ta biết niệm đức Quán Thế Âm tức là nhớ nghĩ đến sự giác ngộ, giải thoát, từ bi hỷ xả, tình thương rộng lớn, biết rằng thân xác là bất tịnh, thế giới là vô thường, ngũ uẩn giai không, thì còn gì mà lo sợ nữa? Chẳng có gì được (vô sở đắc) thì còn gì để giữ, còn gì để mất, còn gì để lo sợ? Do đó, chúng ta được an nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh đổi thay dù thuận, dù nghịch, ví như đã được đức Quán Thế Âm ban cho lòng không sợ sệt (thí vô úy).
Khi niệm đức Quán Thế Âm, chúng ta thường đọc: Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát. Linh là linh thiêng, linh nghiệm, nhiệm mầu; Cảm là cảm ứng, cảm thấy, cảm thông. Có cảm là có ứng, mà sự ứng thân này rất linh nghiệm, nhiệm mầu nên gọi là linh cảm. Muốn vậy cần có sự cảm thông giữa chúng sanh đau khổ và đức Bồ Tát đầy lòng từ bi. Người đang bị khổ nạn phải chí tâm nghĩ đến ngài, tâm trụ vào một chỗ nên có sức mạnh, rung động truyền thông đến đức Bồ Tát; ngài tu nhĩ căn viên thông nên nghe được tiếng cầu cứu, liền đến giúp.
Tiếng cầu cứu đó cần mạnh mẽ, chí tâm, thiết tha và nhất là không mang nặng tính chất tham, sân, si thì mới có cảm ứng. Đức Quán Thế Âm Bồ tát là từ bi, là thanh tịnh, là tình thương, thì chúng ta dùng tâm từ bi, thanh tịnh, tình thương sẽ có cảm ứng. Trái lại, nếu chúng ta dùng tâm ích kỷ, tham lam, ngã chấp, cầu trúng số để hưởng sang giàu thì chắc chắc không có sự cảm thông, không được ngài giúp đỡ.
Đức Quán Thế Âm thường được tạc tượng đứng trên tòa sen, tay cầm cành dương liễu, vẫy nước cam lồ. Hoa sen tượng trưng cho thanh tịnh, thơm mát, cành dương liễu thì mềm mại, không hay gẫy tượng trưng cho tình thương rộng lớn, êm dịu, mềm thắng cứng, nhu thắng cương, hiền thắng ác; nước cam lồ có vị ngọt mát làm dịu cơn đau khổ, tức giận, buồn rầu, phiền não, si mê, vọng tưởng; ai nếm được nước cam lồ thì cảm thấy một sự mát mẻ, an lạc, sáng suốt hoàn toàn, như người đó được ăn, người khát được uống, người mù được thấy, người mê được tỉnh. Hình ảnh đó tượng trưng cho lòng đại từ đại bi, tình thương rộng lớn bao la, ai phát khởi được tâm này thì được hết khổ, an vui, lợi mình lợi người.
Đức Quán Thế Âm còn được tạc tượng có ngàn tay, ngàn mắt (thiên thủ, thiên nhãn) diễn tả oai lực của Bồ Tát, chỗ nào ngài cũng thấy, nơi nào ngài cũng tới để đưa tay cứu vớt. Diệu ý của tượng này là tâm đại bi trải rộng khắp không gian và thời gian, soi sáng cho tất cả chúng sanh thấy được chân lý, hiện hành khắp nơi, khắp chốn, không sót chỗ nào, lúc nào. Tượng này cũng còn ẩn nghĩa thâm sâu là những ai tu hành chân chính, minh tâm kiến tánh, thấy được tánh Phật của mình, thấy tất cả, ghi chép tất cả và làm tất cả mọi việc để cứu giúp chúng sanh (hiển tánh và ứng dụng).
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: đức Quán Thế Âm Bồ Tát có lòng đại bi cứu vớt chúng sanh, tại sao những lời cầu nguyện có lúc ứng, có lúc không? Có người cầu được, có người không được?
Trong kinh dạy: Muốn được đức Quán Thế Âm Bồ Tát cảm ứng cứu giúp thì phải có lòng thành, nhớ niệm ngài mà không chút nghi ngờ (niệm niệm vật sanh nghị); khi niệm ngài mà không chút nghi ngờ thì được nhất tâm bất loạn, hoàn toàn tin tưởng vào oai lực tầm thanh cứu khổ của Bồ Tát, niệm tới chỗ quên mình, quên cảnh, chỉ còn có một tâm thanh tịnh, trang nghiêm thì mới cảm ứng với đức Bồ Tát được.
Vì Bồ Tát là tình thương, là thanh tịnh, là hy sinh, là vô ngã, người cầu nguyện cần có những đức tính như vậy mới mong cảm thông, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nếu lời cầu xin nhằm mục đích ích kỷ, danh lợi thì chắc chắn không có cảm ứng, vì luật nhân quả nghiêm minh còn đó, thuận với luật thì thành, trái với luật thì hỏng, đức Quán Thế Âm Bồ Tát cũng không làm trái với luật nhân quả được.
Ngoài việc niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu an thoát khổ nạn, chúng ta còn niệm danh hiệu ngài để cầu siêu nữa. Kinh Vô Lượng Thọ nói rõ là ở Tây Phương Cực Lạc có đức A Di Đà và hai vị Bồ Tát: đức Quán Thế Âm đứng bên tả, đức Đại Thế Chí đứng bên hữu, cả ba vị lúc nào cũng sẵn sàng phóng quang đến tiếp dẫn tất cả những chúng sanh nào muốn về cõi Cực Lạc và đã niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn, tín, hạnh, nguyện đầy đủ.
Người tu pháp môn Tịnh Độ khi niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà bao giờ cũng niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí tiếp theo. Như vậy đức Quán Thế Âm không những tầm thanh cứu khổ ban vui cho người sống, mà lại còn phóng quang tiếp dẫn các hương linh về cõi Tây Phương Cực Lạc, thật trọn vẹn đôi đường, ngài được các Phật tử xưng danh tán thán, cung kính phụng thờ, thành tâm lễ bái, tụng niệm đêm ngày, thật là xứng đáng.
Đời nhiều nỗi khổ, muốn thoát khổ phải niệm Quán Thế Âm, phát khởi và thực hành tâm đại bi. Nếu cứ chữ đâu, nghĩa đó, cứ nhất tâm xưng danh hiệu và nhớ nghĩ đến công hạnh của ngài, thì sẽ được cảm ứng, được ngài hiện thân cứu giúp. Nhưng đọc kinh điển Đại Thừa cầm tìm nghĩa ẩn, diệu lý trong lời kinh, nương sự hiển lý, sự lý viên dung mới đầy đủ, viên thành Phật đạo. Trong Phẩm Phổ Môn có câu:
Diệu Âm, Quán Thế Âm,
Phạm Âm, Hải Triều Âm.
Thắng bỉ Thế gian Âm,
Thị cố ưng thường niệm.
Cho nên, Phật Tử chúng ta dù tu theo pháp môn nào: Mật Tông, Tịnh Độ hay Thiền Tông cũng phải thường xuyên niệm hồng danh của Ngài. Ngài gia hộ, độ trì cho mới thoát khỏi tai nạn, khổ ách mỗi khi đến với mọi người chúng ta đều phải niệm "Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát" thì được giải thoát, tai qua nạn khỏi và sự nghiệp tu hành mới mau chóng thành tựu theo sở cầu như nguyện.
Phật tử Việt Nam chú trọng trí tuệ và từ bi nên chùa nào cũng có tượng Bồ-tát Quán Thế Âm. Vì thế chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa hình tượng tôn thờ ấy, để ứng dụng Phật pháp đúng vào đời sống của bản thân, đem lại lợi ích cho mình và mọi người, mang một niềm tin chơn chánh./.
Ghi chú:
1- Xuất thế, Nhập thế: Đạo Phật chính ra là một đạo nhập thế. Vì nếu không nhập thế thì làm sao nó làm nhiệm vụ giáo hóa chúng sinh cho được. Ngay cả Đức Phật cũng phải nhập thế hơn 45 năm ròng rả để thuyết giảng, Ngài chỉ bỏ hơn 6 năm xuất thế để tu tập tìm con đường đạo, và khi đã “ngộ đạo” tìm được con đường cứu khổ và giải thoát khỏi luân hồi cho chúng sinh, Ngài đã hoàn toàn nhập thế, lặn lội từ nơi này đến nơi khác để truyền bá con đường ấy cho chúng sinh, mà chỉ mong chúng sinh “Ngộ, Nhập tri kiến Phật” và chỉ cho chúng sinh biết rằng mình có Phật tánh là hạt nhân để mình có thể trở thành Bậc Giác Ngộ và thoát khỏi Luân Hồi. Nhưng điều quan trọng vẫn là do chính người đó muốn được giải thoát, tự tu tập theo con đường mà Đức Phật hướng dẫn theo chính kinh nghiệm của Ngài hay không?
Theo như vậy, chúng ta không thể nói rằng Đạo Phật là Đạo Xuất Thế. Sở dĩ, người ta hiểu lầm hay hiểu không đúng tại vì họ và chúng ta chưa quán triệt được trong tư tưởng của chúng ta mà thôi! Chúng tôi không phải nói ngoa! Mà đó chính là một sự thật! Mà sự thật đó người ta không thể ngờ tới!
2- lý Duyên khởi: gốc từ tiếng Pàli là "Paticca Samuppàda Dhamma", dịch là "tuỳ thuộc phát sinh, nương theo các duyên mà sinh". Tiếng Anh dịch là Dependent origination. Lý là nguyên lý hay định lý. Duyên là điều kiện. Lý Duyên Khởi có nghĩa là: "Tất cả những hiện tượng thế gian khởi lên là do nhiều điều kiện hay nhiều nhân nhiều duyên mà được thành lập." hay nói ngắn gọn: "Lý Duyên Khởi là từ điều kiện này khởi ra cái khác".
3- Tứ diệu đế: Hán dịch từ chữ Phạn Catvary Aryasatyani. Arya là Diệu, cao quý, mầu nhiệm; Satya là Đế, là sự thật, là chân lý. Tứ diệu đế còn được gọi là Tứ chân đế, Tứ thánh đế, Bốn chân lý mầu nhiệm.
- Khổ đế (Dukkha): là thực trạng đau khổ của con người.
- Tập đế (Samudaya): là nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ.
- Diệt đế (Nirodha): là sự kết thúc hay sự chấm dứt khổ đau.
Đạo đế (Magga): là con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt khổ đau.
Giáo lý Tứ diệu đế được nói đến trong các kinh: Đế phân biệt tâm kinh (Trung Bộ III), kinh Phân biệt thánh đế (Trung A Hàm), kinh Chuyển pháp luân (Tương Ưng & Tạp A Hàm), và rải rác trong kinh tạng Pàli cũng như Hán tạng.
4- Bát chánh Đạo: (Hán-Việt. 八正道, Sa. Ārya 'ṣṭāṅga mārgaḥ, Pi. Ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, Anh. Eightfold path).
Bát Chánh Đạo là con đường có 8 chi nhánh (eightfold) là: 1.-Chánh Kiến (正見, Pa. Samma ditthi, Anh. Right view), 2.-Chánh Tư duy (正思唯, Pa. Samma sathkappa, Anh. Right intention), 3.-Chánh Ngữ ( 正語 , Pa. Samma vaca, Anh. Right speech), 4.-Chánh Nghiệp (. 正業 , Pa. Samma kammanta, Anh. Right action), 5.-Chánh Mạng (正命, Pa. Samma ajiva, Anh. Right Livehood), 6.-Chánh Tinh Tấn (正精進, Pa.Samma Vayama, Anh. Right Effort), 7.-Chánh Niệm (正念, Pa. Samma sati, Anh. Right Mindfulness), 8.-Chánh Định (正定, Pa. Samma Samadhi, Anh. Right Concentration)."
5- Tam thánh: Phật Di Đà, Bồ Tát Quán Âm, Bồ Tát Thế Chí
6- Bát địa: Sơ địa là phàm phu của Sơ tín; Nhị địa là bậc Hiền; Tứ địa bằng với thánh nhân Sơ quả của Tiểu thừa; Ngũ địa bằng với Nhị quả Tiểu thừa; Lục địa bằng với Tam quả Tiểu thừa; Thất địa đồng với Tứ quả A la hán của Tiểu thừa; Bát địa đồng với Bích chi ca Phật vị của Tiểu thừa; Cửu địa từ “Không ra Giả”, đắc pháp nhãn và tập khí sắp hết, vì thế gọi là Bồ tát địa; địa thứ mười là Phật địa. Thất địa trở về trước thông cả Tam thừa. Bát địa thông với Bích chi ca Phật.
7- Phi tướng: Thấy được cái tướng nơi không hiện tướng
8- Dật sử: sách ghi chép những sự việc tản mạn mà chính sử không ghi chép lại (do bỏ sót hoặc vì lí do nào đó mà không nói đến).
9- Phật nhãn: thuộc trong ngũ nhãn của Đức Phật: 1- Nhục Nhãn: Là mắt phàm phu ai ai cũng có. 2- Thiên Nhãn: Nhìn thấy ba mươi ba cõi trời của ba giới là:Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. 3- Pháp Nhãn: Biết được vạn pháp ở thế giới và vũ trụ này khi sinh ra và mất đi đều có nguyên do cả,… 4- Huệ Nhãn: Thấy được mênh mông trong vũ trụ và vạn vật là Thành – Trụ – Hoại – Không, từng kiếp người một, vô số các đời về trước, vô số các đời về sau,… 5- Phật Nhãn: Là con mắt của Phật, gồm đủ bốn mắt trên và hoàn toàn sáng suốt thấu hết tất cả.
10- Pháp thân: Pháp thân (zh. 法身, sa. dharmakāya), là thể tính thật sự của Phật, đồng nghĩa với Chân như, là thể của vũ trụ. Pháp thân được xem là thường hằng, vô tướng, nhất nguyên, là thể tính chung của các vị Phật, là dạng tồn tại thật sự của chư Phật. Pháp thân có nhiều tên gọi khác nhau, tuỳ trường hợp sử dụng. Có lúc người ta xem nó là thể tính của mọi sự, là Pháp giới (sa. dharmadhātu, dharmatā), là Chân như (sa. tathatā, bhūtatathatā), là tính Không (sa. śūnyatā), A-lại-da thức (sa. ālayavijñāna), hay xem nó như là Phật, Phật tính (sa. buddhatā), là Như Lai tạng(sa. tathāgatagarbha).
11- Ứng hoá thân: Ứng thân (zh. 應身, sa. nirmāṇakāya), cũng được gọi là Ứng hoá thân hoặc Hoá thân, là thân Phật và Bồ Tát hiện diện trên Trái Đất. Ứng thân do Báo thân chiếu hiện, dựa trên lòng từ bi và có mục đích giáo hoá chúng sinh. Như thân người, Ứng thân chịu mọi đau khổ của già chết bệnh tật, nhưng Ứng thân có thần thông như thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông. Sau khi chết, Ứng thân tự tiêu diệt.
Hình ảnh thêm về Bồ tát Quán Thế Âm là nam hay nữ giới?