Theo chia sẻ của TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện y học Ứng dụng với phóng viên báo Zing, thì đến nay, y văn chưa ghi nhận trường hợp nào bị ung thư dạ dày vì ăn cơm nguội hâm nóng.
Việc ăn cơm nguội hay hâm nóng cơm nguội không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bảo quản cơm trước khi được hâm nóng không đúng cách dẫn đến việc cơm đã bị hỏng trước khi hâm, người dùng có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm.
Bác sĩ Sơn phân tích, trong gạo có thể có Bacillus cereus, một vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Bào tử này sẽ chết ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, nếu bạn bảo quản cơm nguội ở nhiệt độ phòng bình thường sẽ tạo điều kiện cho bào tử và các vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
“Người ăn phải cơm có chứa vi khuẩn Bacillus cereus có thể buồn nôn và nôn hoặc tiêu chảy sau khoảng từ 1 đến 5 tiếng. Phần lớn các triệu chứng ở mức độ tương đối nhẹ và thường kéo dài trong khoảng 24 tiếng.
Cơm nguội chỉ an toàn nếu được nấu chín và để nguội đúng cách trong vòng 24 tiếng. Tuy nhiên, cơm nguội dù được bảo quản đúng cách và an toàn, sau khi hâm nóng lại vẫn không thể đảm bảo giá trị dinh dưỡng bằng cơm mới nấu”, TS.BS Sơn cho hay.
Bảo quản cơm nguội đúng cách:
– Để trong tủ lạnh: Muốn giữ cơm được lâu hơn, bạn có thể bỏ vào hộp kín rồi cho vào tủ lạnh với nhiệt độ dưới 5 độ C. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ bảo quản tốt cơm trong khoảng 24 giờ thôi nhé! Vượt quá thời gian này, bạn không nên ăn.
– Cho ít muối: Để cơm lâu thiu hơn, bạn vo ít muối cùng với gạo hoặc thêm nhúm muối nhỏ vào nồi cơm điện khi nấu. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng giấm thay cho muối với tỷ lệ 2ml giấm: 1,5kg gạo.
– Khi cơm đã nấu nhưng chưa ăn vội, bạn hãy để cơm trong nồi cơm điện ở chế độ Warm. Và chỉ để cơm ở bên ngoài nhiệt độ phòng tối đa 5 tiếng, đậy lại bằng rổ có lỗ nhỏ nếu lấy chúng ra khỏi nồi. Tuyệt đối, không dùng vung đậy vì nó chỉ khiến cơm mau thiu hơn.
Hình ảnh thêm về Ăn cơm nguội hâm nóng liệu có gây nguy hiểm đến sức khỏe?