Tranh minh hoạ về Đại lễ Phật Đản đầu tiên do AI thực hiện
MP3.
Trong lịch sử phát triển của Phật giáo, đã từng có một Đại lễ Phật đản được tổ chức với quy mô rất lớn, được nhiều nguồn thư tịch khả tín như Hậu Hán thư (後漢書), Tam quốc chí (三國志), Phật tổ thống kỷ (佛祖統紀)… cùng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đa chiều của các sử gia xoay quanh sự kiện này. Với những tư liệu ít ỏi hiện có, chúng tôi xin điểm qua vài nét về sự kiện trọng đại và nhiều ý nghĩa này.
Người đầu tiên đứng ra tổ chức Đại lễ Phật đản được chính sử Trung Hoa ghi nhận chính là Trách Dung 笮融 (161-196), một vị tướng ở thời Đông Hán 東漢 (25-220). Theo Đại từ điển Phật Quang (佛光大辭典):
Vào những năm cuối thời Đông Hán 東漢, Trách Dung (笮融) tự là Vĩ Minh (偉明), là người quận Đan Dương (nay thuộc An Huy), ông là người nổi tiếng trong vùng nhờ tính thích bố thí. Khi loạn Khăn Vàng nổ ra, ông tụ tập dân chúng rồi đến đầu quân cho Thứ sử Từ Châu là Đào Khiêm 陶謙 (132-194). Đào Khiêm coi trọng danh tiếng của ông nên giao cho ông giám sát việc vận chuyển lương thực của ba quận Quảng Lăng, Hạ Bì và Bành Thành, đồng thời bổ nhiệm ông làm tướng ở Hạ Bì.
Về niên đại tổ chức Đại lễ Phật đản, theo Sa-môn Chí Bàn (沙門志磐), tác giả của bộ Phật tổ thống kỷ (佛祖統紀) ghi nhận:
Vào niên hiệu Hưng Bình (興平), năm thứ hai (năm 195). Tướng quân ở Hạ Bì tên là Trách Dung (đọc là Trắc Cách) xây chùa thờ Phật. Ông khuyến thỉnh mọi người tụng kinh, tắm Phật, thiết trai. Khi đó có hơn năm nghìn người dự hội.
Lời bình: Vào thời nhà Hán, việc người đời dựng lập chùa Phật, thực hành Phật sự, lần đầu tiên xuất hiện từ nhà họ Trách. Từng có lần, tôi [tác giả Chí Bàn] cùng với một Nho sinh già xem đoạn văn này, ông ta cười nói: “Làm kẻ sĩ mà để đời sau ghi là học Phật, há chẳng phải là điều đáng xấu hổ sao?” [Chí] Bàn đáp: “Người học Phật chẳng phải là người làm việc thiện hay sao? Làm kẻ sĩ mà để sử gia ghi chép là kẻ gian nịnh, tham tàn, thậm chí bất trung bất hiếu, đó mới là điều đáng xấu hổ. Học Phật, làm việc thiện thì có gì phải xấu hổ?” Nho sinh ấy nghe xong, mỉm cười rồi gật đầu đồng ý[1].
Theo như ghi nhận của ngài Chí Bàn thì từng có hơn năm nghìn người tham dự Đại lễ Phật đản do Trách Dung tổ chức vào năm 195. Cùng đề cập về sự kiện này, nhưng Hậu Hán thư cho biết thêm:
Mỗi lần tổ chức lễ tắm Phật, ông đều bày biện việc ăn uống linh đình, trải chiếu khắp đường, người đến dự lễ và ăn uống có khi lên đến hơn mười nghìn người[2].
Vào khoảng hơn bốn thế kỷ sau, sự kiện rước xe hoa và tổ chức lễ tắm Phật của vua Giới Nhật 戒日王 (606-647) tổ chức tại Ấn Độ hết mực long trọng và trang nghiêm, được ngài Huyền Trang ghi nhận trong Đại Đường Tây Vực ký (大唐西域記)[3], cũng là bằng chứng lịch sử quan trọng, qua đó đã chứng tỏ rằng, việc tổ chức Đại lễ Phật đản với quy mô to lớn đã từng diễn ra trong lịch sử phát triển của Phật Giáo.
Sự kiện Trách Dung tổ chức lễ tắm Phật với quy mô vài nghìn người vào những năm cuối của thời Hậu Hán đã được nhiều sử gia ghi nhận và quan tâm. Trong số những ý kiến tán thán đồng thuận, cũng còn có ý kiến cho rằng Trách Dung đã thâm lạm quân lương để cung phụng cho bản thân mình và xây dựng chùa Phật[4].
Có thể nói, trong những giai đoạn loạn lạc vào thời vua Hán Hiến Đế 漢獻帝 (181-234), là một vương quan thế nên Trách Dung sẽ khó tránh khỏi sự đam mê và bị chi phối bởi những danh xưng và dục vọng. Việc ông thâm lạm công quỹ để mưu cầu cho bản thân là hành động không đúng và đáng lên án. Tuy nhiên, việc hướng dẫn mọi người hướng thiện qua những việc như tạo dựng chùa chiền, khuyến khích mọi người hướng Phật và đặc biệt là từng tổ chức một Đại lễ Phật đản với quy mô cả mười nghìn người vào năm 195… là những nhân duyên tích cực mà không phải ai cũng đủ duyên để thực hiện, dù chỉ một lần trong đời.
[1] Phật tổ thống kỷ 佛祖統紀 (T.49. 2035.35. 0331b06). Nguyên tác: 興平二年。下邳相笮融(側格切)起佛祠。課人誦經浴佛設齋。時會者五千餘人。述曰。漢世人間建佛祠行佛事者。始見之笮氏。嘗與一儒老共觀此文。笑之曰。為士夫而使後世書為學佛。豈不恥哉。磐應之曰。學佛者豈不是為善之人乎。為士夫而使作史者指為姦佞貪酷甚至於不忠不孝者。斯可為恥。學佛為善尚何恥哉。儒老笑頷之.
[2] Hậu Hán thư, quyển Thất thập tam, Lưu Ngu, Công Tôn Toản, Đào Khiêm liệt truyện (後漢書,卷七十三,劉虞公孫瓚陶謙列傳). Nguyên tác: 每浴佛,輒多設飲飯,布席於路,其有就食及觀者且萬餘人.
[3] Đại Đường Tây Vực ký 大唐西域記 (T.51. 2087.5. 0895a25- 0895b14).
[4] Tam quốc chí, quyển Tứ thập cửu, Ngô thư tứ, Lưu Do thái sử Từ Sĩ Nhiếp (三國志,卷四十九 吳書四,劉繇太史慈士燮). Nguyên tác: 謙使督廣陵、彭城運漕,遂放縱擅殺,坐斷三郡委輸以自入。乃大起浮圖祠,以銅為人,黃金塗身,衣以錦采,垂銅槃九重,下為重樓閣道,可容三千餘人. ([Đào] Khiêm giao cho ông trông coi việc vận chuyển lương thực ở các nơi như Quảng Lăng và Bành Thành. Tuy nhiên, [Trách Dung] tự tiện buông thả giết người, chiếm giữ nguồn vật tư, lương thực của ba quận để phục vụ cho mình. Sau đó, ông cho xây một ngôi chùa Phật rất lớn, dựng tượng Phật bằng đồng, mạ vàng toàn thân, đắp y gấm sặc sỡ, trên treo chín tầng mâm đồng, bên dưới là các tầng lầu gác nối nhau, có thể chứa hơn ba nghìn người).
Bình Luận Bài Viết