Tenzin Gyatso - Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được yêu mến và kính trọng bởi hàng triệu người trên toàn thế giới. Tuệ ngữ của Ngài về mọi vấn đề của cuộc sống (tình yêu, lòng trắc ẩn, hòa bình,...) gần gũi với bất cứ ai, từ người dân bình thường cho tới lãnh đạo chính trị.
Tenzin Gyatso - Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được yêu mến và kính trọng không chỉ bởi nhân dân Tây Tạng mà còn bởi hàng triệu người trên toàn thế giới. Sinh năm 1935 trong một gia đình nông dân, Ngài được công nhận là tái sinh của người tiền nhiệm năm 2 tuổi.
Là nhà truyền giáo vĩ đại, Đức Đạt Lai Lạt Ma đi khắp nơi, chia sẻ với mọi người tri thức và suy nghĩ của mình về mọi vấn đề khác nhau: từ hòa bình thế giới đến ý nghĩa của cuộc sống, tình yêu, lòng trắc ẩn. Tuệ ngữ của Ngài gần gũi với bất cứ ai, từ người dân bình thường cho tới lãnh đạo chính trị.
Chỉ cần là một thành viên của gia đình nhân loại, bạn cần tình người ấm áp, trái tim ấm áp. Làm sao để thế giới hòa bình, gia đình êm ấm, vợ chồng hòa ái, cha mẹ và con cái hòa thuận - tất cả đều phụ thuộc vào cảm giác yêu thương và trái tim ấm áp đó.
Dù bạn thua,đừng đánh mất bài học.
Giấc ngủ là phương pháp thiền định tốt nhất.
Hãy tử tế bất cứ khi nào có thể. Mà thực ra, điều đó luôn luôn có thể.
Ta không bao giờ có thể đạt được sự bình yên ở thế giới bên ngoài nếu ta chưa đạt được sự bình yên nội tại.
Ta có thể sống mà không có tôn giáo hay thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình thương.
Hạnh phúc không phải thứ gì đó sẵn có. Hạnh phúc đến từ hành động của chính chúng ta.
"Hạnh phúc đến từ hành động của chính chúng ta." - Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
Nếu có thể, hãy giúp đỡ người khác. Nếu không thể giúp đỡ, chí ít cũng đừng làm hại bất cứ ai.
Hãy theo luật 3 T: Tôn trọng bản thân, Tôn trọng người khác, và có Trách nhiệm về mọi hành động của mình
Không có được điều mình muốn đôi khi lại là điều vô cùng may mắn.
Hãy nắm vững các quy tắc và luật lệ. Nhờ thế, bạn sẽ biết làm sao để phá vỡ chúng đúng cách.
Đừng để một tranh chấp nhỏ làm tổn thương một thâm tình lớn.
Khi phát hiện mình vừa gây ra lỗi lầm, hãy sửa chữa ngay lập tức.
Nên dành thời gian một mình mỗi ngày.
Mở rộng vòng tay chào đón thay đổi, nhưng đừng từ bỏ các giá trị của mình.
Đôi khi, im lặng là câu trả lời hay nhất.
Hãy sống một cuộc đời tử tế và phẩm hạnh. Khi về già, hồi tưởng lại, bạn có thể thưởng thức mọi thứ thêm lần nữa.
Bầu không khí yêu thương trong gia đình là nền tảng cho cuộc đời của bạn.
Hãy dịu dàng với Đất mẹ.
Khi xảy ra bất đồng với những người thân yêu, hãy chỉ nhắc đến tình hình hiện tại mà thôi. Đừng bới móc quá khứ làm gì cả.
Chia sẻ kiến thức của mình là một trong những cách giúp đạt được sự bất tử.
Mỗi năm một lần, hãy đi tới một nơi bạn chưa bao giờ đến.
Đánh giá thành công của mình bằng những gì bạn phải từ bỏ để có được nó.
Hãy yêu và nấu ăn với niềm đam mê cuồng nhiệt.
Bạn cũ mất đi, bạn mới xuất hiện. Cũng hệt như ngày tháng. Ngày cũ qua đi, ngày mới đến. Điều quan trọng là làm mọi chuyện trở nên ý nghĩa: một người bạn đầy ý nghĩa –hay một ngày ý nghĩa.
Trong việc thực hành đức nhẫn nhục, kẻ thù của ta là người thầy giỏi nhất của ta.
Tôi chấp nhận hướng đến sự hài hòa, và không để những kỳ vọng cản đường mình.
Bản chất của con người là vừa cần điều kiện vật chất, vừa cần đời sống tâm linh. Nếu không có đời sống tâm linh, rất khó để đạt được và duy trì sự bình an trong tâm hồn.
Tình yêu và lòng trắc ẩn là nhu cầu, không phải xa xỉ phẩm. Nếu thiếu mất hai điều này, nhân loại không thể tồn tại.
Nếu hàng ngày bạn đều sống tử tế, thành thật, tràn đầy tình thương, lòng trắc ẩn, giảm đi sự ích kỷ, thì tự nhiên bạn sẽ đến Niết Bàn.
Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi chính là sự tử tế.
Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy thể hiện từ tâm. Nếu bạn muốn chính mình hạnh phúc, hãy thực hành từ tâm.
"Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy thể hiện từ tâm. Nếu bạn muốn chính mình hạnh phúc, hãy thực hành từ tâm." - Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso
Từ tâm thực sự không chỉ là một phản ứng tình cảm, mà là một cam kết vững chắc dựa trên lý trí.
Một người có học thức chỉ trở nên cao quý khi có thể đưa những gì được học vào thực tiễn, không dựa vào lý thuyết suông.
Nếu tình yêu trong tâm của bạn mất đi và bạn thấy mọi người khác đều là kẻ thù, thì dù bạn có bao nhiêu kiến thức, giáo dục hay tiện nghi vật chất, bạn cũng chỉ cảm thấy khổ đau và mơ hồ.
Chỉ khi phát triển sự từ tâm và cảm thông cho người khác, ta mới có thể đạt được sự tĩnh tại và hạnh phúc mà bấy lâu mình tìm kiếm.
Càng quan tâm đến hạnh phúc của người khác, chúng ta càng cảm thấy thân tâm an lạc. Nuôi dưỡng một cảm giác gần gũi, ấm áp đối với người khác tự nhiên cũng làm ta thoải mái trong tâm. Đó là nguồn gốc tối hậu của thành công trong đời người.
Từ tâm thực sự có phạm vi toàn cầu. Từ tâm luôn luôn đi kèm với ý thức trách nhiệm.
Chúng ta phải nhận ra rằng sự khổ đau, chịu đựng của một cá nhân hay một quốc gia là nỗi khổ đau, chịu đựng của toàn thể loài người. Cũng như vậy, niềm hạnh phúc của một người hay một quốc gia là niềm hạnh phúc của toàn thể nhân loại.
Tôi tin rằng mọi khổ đau đều sinh ra từ ngu muội. Người ta làm tổn thương người khác khi ích kỷ theo đuổi hạnh phúc hay thỏa mãn của riêng mình.Tuy nhiên, hạnh phúc thật sự đến từ cảm giác bình yên và hài lòng, tức là hạnh phúc chỉ được tạo ra khi ta nuôi dưỡng lòng vị tha, tình yêu, từ tâm, xóa bỏ ngu muội, ích kỷ, và tham lam.
Hãy chăm sóc Tư Tưởng, bởi vì chúng sẽ trở thành Lời Nói.
Hãy cẩn thận Lời Nói, vì chúng sẽ biến thành Hành Động.
Hãy quan tâm Hành Động, bởi vì chúng sẽ trở thành Thói Quen.
Hãy nuôi dưỡng Thói Quen, bởi vì chúng sẽ hình thành Nhân Cách.
Hãy bồi đắp Nhân Cách, bởi vì chúng sẽ định hình Số Phận, mà Số Phận lại chính là toàn bộ Cuộc Đời.
Lam Lan (dịch và tổng hợp)
Hình ảnh thêm về Tuệ ngữ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14