PHẬT GIÁO ẢNH HƯỞNG RẰM THÁNG GIÊNG NHƯ THẾ NÀO?
Thượng toạ Thích Thiện Hạnh
Phó Viện Trưởng Phân Viên NCPHVN tại Hà Nội
Rằm tháng Giêng (15 tháng 1 âm lịch) còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu, là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, vừa mang ý nghĩa tín ngưỡng dân gian, cũng là một ngày lễ quan trọng trong Phật giáo, nhấn mạnh sự khởi đầu tốt đẹp và lòng hướng thiện, trong văn hóa Việt Nam và các nước Á Đông.
Tết Thượng Nguyên có ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo, giúp duy trì đời sống tâm linh, gắn kết cộng đồng và lan tỏa tinh thần từ bi, trí tuệ. Đối với người Phật tử, đây là thời điểm thích hợp để tinh tấn tu tập, đặc biệt là trong sinh hoạt tín ngưỡng và thực hành tâm linh của người Phật tử, gieo trồng phúc đức và khởi đầu một năm mới an lành.
Tết Nguyên Tiêu, (Rằm tháng Giêng) có nguồn gốc từ thời Tây Hán (206 TCN - 220 SCN). Vua Hán Vũ Đế chọn ngày 15 tháng Giêng âm lịch để cúng tế thần linh, tổ tiên và lễ hội lòng đèn, cầu mong quốc thái dân an[1]. Đến Thời Đông Hán, vua Hán Minh Đế (57 - 75 SCN) đã kết hợp Tết Nguyên Tiêu cho thắp đèn lồng trong cung điện, để tỏ lòng kính Phật[2], từ đó hình thành tục lệ thả đèn lồng vào đêm Rằm tháng Giêng. Sau đó, phong tục này lan rộng, kết hợp với tập tục thả đèn lồng, tế lễ thần linh. Do ảnh hưởng văn hóa, người Trung Quốc di cư đến các nước khác, trong đó có Việt Nam, họ cũng mang theo phong tục này.
Tết Nguyên tiêu còn gọi là Nguyên Tịch, Nguyên Dạ, cũng gọi là Tết Thượng Nguyên. Nguyên tiêu nghĩa là đêm trăng đầy và tròn nhất của tháng đầu tiên trong năm, tức rằm tháng Giêng. Đêm trăng sáng khởi đầu của một năm mới với hương khí tinh nguyên của tiết trời ấm lành, tràn đầy sức sống mùa xuân.
Theo học giả Đào Duy Anh, nguyên nghĩa chữ “tiết” ở trong nghĩa của thời tiết, các tiết trong năm, về sau người ta gọi chệch đi là tết, cho nên, tiết Nguyên tiêu thành Tết Nguyên tiêu là vậy.
Do Tết Nguyên tiêu được người xưa tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng, lại có vật phẩm dâng cúng Trời - Phật - Thánh và các vị thần linh, một cách thành kính nên gọi lễ cúng rằm tháng Giêng. Đây cũng là cái Tết đầu xuân sau Nguyên đán, cho nên lại gọi là Tết Thượng nguyên.
Tết Thượng Nguyên trước đây, chính là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này, nhà Vua hội họp các ông Trạng để thiết tiệc và mời vào vườn Thượng Uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ.
Tuy nhiên, dựa trên các tài liệu lịch sử, có thể thấy rằng tết đã xuất hiện từ thời cổ đại, gắn liền với văn hóa Á Đông, và dần được tiếp nhận vào đời sống tín ngưỡng dân gian Việt Nam, mà còn gắn liền với sinh hoạt Phật giáo, trở thành một ngày lễ quan trọng đối với người theo tín ngưỡng dân gian và người theo Phật giáo.
Người Việt chịu ảnh hưởng nền văn hóa Trung Quốc, và sau đó được du nhập vào Việt Nam, kết hợp với tín ngưỡng dân gian và Phật giáo, nhưng lại mang đậm yếu tố tín ngưỡng thờ cúng, đây là thời điểm trời đất giao hòa, con người có thể giao cảm với thần linh, tổ tiên.
Phật giáo truyền vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ II - III SCN, chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ và Trung Quốc. Trong quá trình hòa nhập với tín ngưỡng dân gian, các Thiền Sư đã sử dụng Rằm tháng Giêng như một dịp để hoằng hóa Phật pháp, hướng dẫn tín đồ tu tập, hành thiện và lễ cầu an,[3] Sự tiếp nhận của Phật giáo, đối với tín ngưỡng dân gian, lại được Phật giáo Đại Thừa tiếp nhận và phát triển mạnh.
Cho đến, thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV), các vua chúa như Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Trần Nhân Tông… đã chính thức tổ chức đại lễ cầu an trong hoàng cung và các chùa, biến Rằm tháng Giêng thành một ngày lễ quan trọng trong Phật giáo Việt Nam,[4] gắn liền với phong tục treo đèn lồng, cúng tế thần linh, cầu an đầu năm, mong cho năm mới bình an, thuận lợi, tượng trưng cho sự khởi đầu tốt lành.
Bởi vì, mọi người cho rằng, đêm trăng sáng đầu tiên của một chu kỳ xuân mới, ánh trăng chiếu rạng khắp miền hạ giới, sau một mùa đông dài tối tăm, lạnh lẽo. Theo các nhà phong thủy, đêm này âm dương giao hòa đầy vượng khí, càn khôn thịnh phát nhất tại cực điểm, cây trái thuận thời, thi nhau trổi dậy đâm chồi nẩy lộc, vạn vật hóa sinh. Trăng Nguyên tiêu thanh bình, gió lành mơn man thổi nhẹ, không gian lãng đãng làm cho tâm hồn nhân thế thêm phấn chấn, trước những thay đổi của cảnh sắc mây trời, hương thơm của cỏ cây hoa trái lan tảo khắp chốn nhân gian.
Từ một ngày lễ hội có nguồn gốc ở Trung Quốc, đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc riêng của người dân Việt, thấm nhuần Phật pháp. Rằm tháng Giêng là một trong 4 ngày rằm lớn trong năm của người Việt, đặc biệt là Phật tử, thường viếng chùa lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.
Phật giáo hơn 2500 năm, du nhập vào Việt Nam đã gắn kết các phong tục văn hóa của người Việt. Do tính chất hòa nhập, lan tỏa như vậy, cho nên trong dân gian hình thành câu thành ngữ quen thuộc:“Lễ Phật quanh năm không bằng lễ rằm tháng Giêng”[5], thể hiện tầm quan trọng của ngày này trong sinh hoạt tâm linh, và trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng, cũng còn thể hiện niềm tin rằng; việc cúng dàng, tụng kinh, làm thiện sự, giúp đỡ mọi người khó khăn trong ngày này sẽ có công đức và phúc báu lớn.
Đức Phật dạy con người làm điều thiện, sống chan hòa, tâm tĩnh tại, biết ơn cha mẹ, tổ tiên. Và trong dịp rằm tháng Giêng, người Việt thể hiện rất rõ triết lý nhân sinh đó. Nhờ vậy, Rằm tháng Giêng không chỉ đơn thuần là một lễ hội dân gian, mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, trở thành ngày lễ cầu an quan trọng trong hệ thống Phật giáo Đại Thừa, nó đã được Phật giáo tiếp nhận, điều chỉnh và phát triển theo triết lý từ bi, trí tuệ và giải thoát.
Rằm tháng Giêng, còn là ngày hội lớn trong văn hóa dân gian. Dưới thời phong kiến, các vua chúa thường tổ chức lễ cầu an, tế trời đất và mở hội để dân chúng vui xuân.[6] Trong dân gian, đây là dịp để mọi người cúng gia tiên, và cầu mong phúc lành cho cả năm. Ngày này còn gắn liền với những nghi lễ Phật giáo, phong tục truyền thống, và mang đậm dấu ấn tâm linh trong đời sống người Việt.
2.1 Ý nghĩa trong văn hóa dân gian
Trong tâm thức người Việt, đây là ngày lễ trọng đại, không chỉ có ý nghĩa về tôn giáo với ước nguyện mong cầu bình an, mà còn mang tinh thần hướng về tổ tiên, nguồn cội. Rằm tháng Giêng du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc và được người Việt tiếp nhận theo cách riêng:
Sự hòa trộn của ba tư tưởng này, tạo nên một nét đặc trưng riêng trong văn hóa Việt Nam, biến Rằm tháng Giêng thành ngày lễ trọng đại, vừa mang tính tôn giáo, tâm linh, vừa gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng.
Trong quá trình hội nhập và giao thoa văn hóa, lịch sử dân tộc Việt, từng chứng kiến những thời gian du nhập văn hóa Trung Quốc, trong đó có cả hình thức cưỡng bức ở thời kỳ Bắc thuộc, có tính áp chế từ quốc gia phương Bắc. Với ý chí độc lập tự chủ, cùng sức mạnh nội sinh tiềm tàng, cho dù phải tiếp nhận dưới mọi hình thức cưỡng chế hay tự nguyện, thì người Việt luôn biết cách lựa chọn những gì phù hợp với dân tộc mình. Đi cùng với sự tiếp nhận luôn có chọn lọc, đó là sự sáng tạo không ngừng trong quá trình dung nạp, để biến đổi những yếu tố ngoại sinh trở thành những giá trị nội sinh, mang đậm bản sắc dân tộc.
Sự tiếp biến đáng kể nhất trong lễ Rằm tháng Giêng, chính là người Việt đã hình thành một nếp văn hóa tâm linh độc đáo. Đây là dịp mọi người tìm đến các ngôi chùa, đền, miếu, phủ, nhưng nơi thánh tích, di tích lịch sử… để mong cầu bình an, và trong những giây phút đó, ngày đầu năm ở nơi thanh tịnh này, con người có dịp suy nghĩ về mình, về mọi người một cách sâu sắc hơn, qua đó thấy cuộc đời bình an hơn, thánh thiện hơn, nhân ái hơn. Những giá trị tâm linh này, có thể xem là một hành trang, để con người vững tin bước vào một năm mới với những điều tốt đẹp.
Một giá trị nhân văn nữa, mà lễ cúng Rằm tháng Giêng có được trong quá trình Việt hóa, là sự gắn kết bền vững giữa các thành viên trong mỗi gia đình khi đứng trước ban thờ gia tiên, nhớ đến công đức của các bậc sinh thành, nhớ về cội nguồn. Cũng trong ngày này, các gia đình Việt thường chuẩn bị mâm cỗ cúng, để mọi thành viên có dịp ngồi lại với nhau, cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Với những ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, tâm linh của chính dân tộc mình, trở thành một cái tết không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam.
2.2 Lễ cúng Phật và gia tiên
Theo kinh điển Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng, có mối liên hệ đặc biệt với Đức Phật. Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc định hình Rằm tháng Giêng tại Việt Nam, biến ngày này thành một dịp để thực hành hoằng pháp, cầu bình an. Đức Phật dạy rằng:“bình an không đến từ việc cầu xin, mà đến từ sự siêng năng, tinh tấn nỗ lực tu tập, bỏ ác, hành thiện”[7]. Vì vậy, nhiều người Việt chọn cách ăn chay, niệm Phật, tụng kinh vào ngày này. Trong kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức nói rằng: “việc trì tụng kinh Dược Sư vào ngày này, giúp tiêu trừ bệnh tật, mang lại bình an”. Cho nên, các chùa đều tổ chức Pháp hội Dược Sư, tụng Kinh Dược Sư để cầu cho quốc thái dân an[8]. Với tinh thần dân tộc của người dân Việt, những lời cầu nguyện luôn hướng tới con người, quê hương, đất nước rồi mới đến những lời cầu nguyện cá nhân.
Sự tiếp biến văn hóa này, là một nét đặc sắc, mà không phải nơi nào cũng có được. Người dân rất hoan hỷ vui mừng, đến chùa dâng hương cúng Phật, và ở nhà xếp sắp lễ tại bàn thờ gia tiên, điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của bánh trôi nước. Ý nghĩa ăn bánh trôi nước trong ngày tết Nguyên tiêu, là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy, để cầu gia đạo bình an và may mắn. Không khí của ngày rằm tháng giêng không khác gì như những ngày còn trong Tết, là một điểm nhấn quan trọng trong dòng chảy văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Vì vậy, vào ngày này, các gia đình Việt Nam thường cúng rằm, dâng lễ lên ông bà tổ tiên, để thể hiện lòng hiếu kính[9], phong tục này được kết hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và Phật giáo, trở thành một ngày lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Nhờ ảnh hưởng của Phật giáo, Rằm tháng Giêng ở Việt Nam không chỉ là ngày lễ hội, mà còn mang ý nghĩa tu tập, hướng thiện và giác ngộ.
3.3 Đi chùa cầu an và thả đèn hoa đăng
Phật giáo, vận dụng một cách uyển chuyển, hòa nhập vào tín ngưỡng dân gian, tổ chức thực hành Pháp hội Dược Sư, lễ cầu bình an, tiêu tai tăng phúc thọ, đáp ứng nhu cầu của đồng bào và Phật tử, làm cho họ có niềm tin vững vàng trong cuộc sống. Do đó, nhiều Phật tử lên chùa cầu an, và mọi nhà đều thắp hương, làm cơm cúng gia tiên, thần linh, để tri ân và cầu mong một năm mới an lành, may mắn. Và ngoài ra còn chọn cách bố thí, làm từ thiện, phóng sinh vào ngày này[10]. Người dân vẫn duy trì việc đi chùa, cúng rằm, và thực hành thiện lành, làm từ thiện, giúp đỡ người khó khăn, cứu giúp chúng sinh là phương cách tích lũy công đức lớn nhất. Đó là chân lý của đạo Phật đã hội nhập vào tập tục của dân gian, để hình thành một văn hóa tín ngưỡng riêng biệt “Cúng Rằm Tháng Giêng”.
Vì vậy, lễ Rằm tháng Giêng còn mang ý nghĩa cầu mong bản mệnh tốt, tránh tai họa[11]. Đây cũng là lễ hội mang tính chất kết thúc, khép lại chuỗi ngày hội tưng bừng, náo nhiệt đầu năm, sau những ngày Tết Nguyên Đán đầy ý nghĩa. Đồng thời Tết Thượng Nguyên còn là thời gian, để mọi người hướng về những giá trị văn hóa truyền thống, tận hưởng không khí ấm cúng và linh thiêng của ngày lễ.
Người phương Đông nói chung, người Việt nói riêng quan niệm tháng giêng là khởi đầu cho một năm mới, tháng đầu tiên của năm có ý nghĩa “đầu có xuôi, đuôi mới lọt”. Rằm tháng Giêng (còn gọi là Tết Nguyên tiêu) là đêm trăng tròn đầu tiên, khởi đầu một năm mới, đích thực mang những ý nghĩa tâm linh đặc biệt.
Vào ngày này, trên khắp ngả đường, làng xóm, nhà nào cũng treo đèn lồng nhiều hình dáng, màu sắc sặc sỡ, để tất cả mọi người thưởng thức, nhưng chủ yếu vẫn là đèn lồng đỏ.
Phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng. Thời đó, các cung nữ sau tết Nguyên Tiêu đều nhớ nhà và nhớ cha mẹ. Nhưng ngặt nỗi, trong cung vua canh phòng cẩn mật, cho nên không thể ra ngoài được. Khi nghe được tin này, Đông Phương Sóc, là vị sủng thần của Hán Vũ Đế, vốn thông minh, liền tìm cách giúp cho các cung nữ thực hiện nguyện vọng gặp mặt cha mẹ.
Bước đầu tiên, Đông Phương Sóc tung tin, hỏa Thần sẽ cử người đến thiêu hủy thành Trường An, khiến trong nội thành hoang mang khiếp sợ. Sau đó, Đông Phương Sóc hiến kế với vua Hán Vũ rằng, tối ngày Rằm, mọi người trong cung phải đi lánh nạn ở ngoài cùng vua, các đường to ngõ hẻm, trước nhà, sau sân trong nội thành, đều phải treo đèn lồng đỏ, tạo nên cảnh giả thành Trường An lửa cháy hừng hực, nhờ đó đánh lừa Hỏa Thần.
Vua Hán Vũ đã đồng ý phương án của Đông Phương Sóc. Thế là từ đó, cứ đến ngày rằm tháng Giêng đều phải treo đèn lồng và các cung nữ nhân ngày này đều có thể thực hiện nguyện vọng gặp mặt người thân.
Về sau, Tết Nguyên Tiêu được lưu truyền rộng rãi và ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, cũng trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa vào nước ta, và đồng thời có sự du nhập của Phật giáo, ảnh hưởng đến nhiều phương diện truyền thống, trong đó có ngày Tết Nguyên Tiêu, cho nên, cũng có ít nhiều sự biến đổi. Dù thời gian đã làm phai mờ, những nghi thức phức tạp, những nét đẹp tâm linh và truyền thống của Tết Thượng Nguyên vẫn được giữ gìn trong đời sống hiện đại.
Theo truyền thống Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng là ngày trọng đại vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn. Vào ngày này, dân chúng lên chùa lễ cầu an, với mong muốn giải trừ tai ách, nguyện cầu an lành. Chính vì vậy mà vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng kinh, niệm Phật và hồi hướng, mong cầu một năm mới luôn bình an, hạnh phúc.
Đặc biệt là lễ hội đầu năm mới, người dân có tục thả đèn hoa đăng trên sông vào đêm Rằm, vừa ấm cúng, thẩm mỹ, giàu truyền thống vừa mang lại giá trị tâm linh, mở đầu cho một năm mới tốt đẹp. Ngoài ra, trong kinh Dược Sư còn dạy cách đốt đèn cúng dàng và cầu nguyện. Đèn có thể làm nhỏ như quả cam hoặc to như bánh xe, có thể xếp thành 7 tầng, thắp suốt 49 ngày đêm thành tâm cầu nguyện thì mọi việc được an lành.
Mỗi ngọn đèn hoa đăng được đốt lên, mỗi người cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người. Mỗi ngọn đèn trên tay là ánh sáng xóa hết mọi khổ đau, để cùng nhau xây dựng một đất nước tươi đẹp và phồn vinh, hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi ngọn đèn trên tay là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc.
4.4 Rằm tháng Giêng trong đời sống hiện đại
Ngày rằm tháng Giêng, đã trở thành ngày hội cầu an cho bản thân của mỗi người an lành, khỏe mạnh, ấm no đủ đầy, thịnh vượng và và cầu cho quốc thái dân an, phát triển đất nước. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội rằm tháng Giêng là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”.
Tuy nhiên, phong tục dân gian, chịu ảnh hưởng rất nhiều về tư tưởng Phật Giáo, qua quá trình chuyển mình hội nhập nhiều nền văn hóa khác nhau, dân tộc Việt Nam, đã định hình tín ngưỡng phương đông, tạo thành sắc thái riêng, đặc biệt là lễ hội cúng rằm tháng giêng.
Trong xã hội hiện đại, quan niệm về việc lễ Phật cũng có nhiều thay đổi. Nhiều người cho rằng không nhất thiết phải đợi đến Rằm tháng Giêng mới đi chùa hay làm việc thiện, mà điều quan trọng là giữ được lòng hướng thiện trong suốt cả năm. Tuy nhiên, dù quan điểm có khác nhau, Rằm tháng Giêng vẫn giữ một vị trí không thể thay thế trong tâm thức của người Việt. Ở nhiều vùng miền, người dân vẫn tranh thủ cúng lễ sau Tết, dù bận rộn với công việc đồng áng. Họ làm vậy không chỉ để cầu mong may mắn cho bản thân mà còn để gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu.
Qua đó, thể hiện sự tôn trọng đối với tổ tiên và khẳng định niềm tự hào dân tộc. Ngày nay, tục lệ này đã giản đơn hơn, nhưng vẫn không mất đi giá trị tâm linh và ý nghĩa. Nó đã trở thành dịp để người dân cùng nhau hướng về một tương lai an lành và thịnh vượng. Hành động này không chỉ thể hiện lòng tôn kính Đức Phật, mà còn là cách để mọi người hướng về những giá trị tốt đẹp, buông bỏ phiền muộn, tạo dựng một khởi đầu thuận lợi cho năm mới.
Kết luận
Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng Phật giáo sâu sắc nhất, đối với Rằm tháng Giêng, biến nó thành một ngày lễ mang tính tôn giáo nhiều hơn so với các nước khác.
Phật giáo đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Rằm tháng Giêng, giúp biến đổi phong tục này từ một tín ngưỡng dân gian đơn thuần, thành một ngày lễ Phật giáo quan trọng, mang ý nghĩa tu tập và hành thiện. Nhờ đó mà giúp mọi người có thêm sự trưởng thành, vững chãi hơn trước những khó khăn, áp lực trong cuộc sống.
Vậy, Rằm tháng Giêng, với tất cả những giá trị văn hóa sâu sắc, vẫn luôn là dịp để mọi người dừng lại, suy ngẫm và trân trọng quá khứ, đồng thời chào đón một năm mới đầy hy vọng. Đây là nét đẹp văn hóa được gìn giữ và được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.
Vì vậy, Rằm tháng Giêng là hoạt động tín ngưỡng tâm linh, phản ánh nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nét đẹp này cần tiếp tục được giữ gìn, phát huy yêu quý gia đình, hiếu kính tổ tiên, biết tìm về sự an nhiên và con đường thiện nguyện trong cuộc sống của mình, gieo nhân thiện lành, thực hành từ bi và trí tuệ./.
Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Lưu Ly
Quang Vương Phật tác đại chứng minh.
Tài liệu tham khảo
--------------------------------------------
[1] Trương Dực, Lịch sử Trung Quốc cổ đại, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005, tr. 189
[2] Đạo Tuyên, Phật Tổ Thống Ký, đời Đường, quyển 23
[3] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb TP.HCM, 2006, tr. 203
[4] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Nxb Khoa học Xã hội, 1993, tr. 273
[5] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn Học, 1992
[6] Phan Ngọc, Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2002
[7] Kinh Tăng Nhất A Hàm, Nxb TP.HCM, 1998, tr. 142
[8] Kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Kinh, Huyền Trang dịch, đời Đường
[9] Luận Ngữ của Khổng Tử, Nxb Văn học, 2002, tr. 56
[10] Thích Trí Tịnh dịch giả, Kinh Phạm Võng, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr. 78
[11] Mạnh Tử, dịch giả Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn hóa Thông tin, 2004, tr. 92