Lễ Phật Đản diễn ra vào ngày nào?
Trong Phật giáo, có ba ngày lễ lớn nhất được tổ chức hàng năm là lễ Phật Đản (ngày 15/04 âm lịch), lễ Vu Lan (ngày 15/07 âm lịch) và lễ Thành Đạo (ngày 7-8/12 âm lịch). Ngày lễ Phật Đản được tổ chức bởi cả hai hệ phái Phật giáo Nam Tông (Tiểu thừa) và Phật giáo Bắc Tông (Đại thừa) để chào mừng ngày Đức Phật ra đời.
Thông thường vào ngày lễ Phật Đản các hoạt động được diễn ra như: Lễ Hội Hoa Đăng, Lễ diễu hành rước Phật (Vesak), lễ hội văn nghệ…
Lễ Hội Hoa Đăng
Theo dân gian, hoa đăng (đèn hoa) là những chiếc đèn được làm bằng giấy với hình dáng của đóa hoa sen đang nở, được thắp sáng bằng nến là biểu trưng của trí tuệ sáng suốt và sự thanh cao thoát tục. Khi thả đèn hoa đăng, chúng ta thắp lên ngọn đuốc trí tuệ trong mỗi con người để cúng dường cho chư Phật, tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh trong Phật giáo. Ngoài ra, thả đèn hoa đăng còn mang ý nghĩa cầu an, cầu siêu cho các vong linh nương nhờ ánh sáng Phật pháp mà vãng sanh về cõi Cực Lạc.
Lễ diễu hành rước Phật (Vesak)
Trong chương trình văn nghệ đón mừng Phật Đản, các tiết mục được biểu diễn theo các thể loại đơn ca, đồng ca, hợp ca, múa... các đề tài có nội dung phong phú, đa dạng về thể loại và hình thức thể hiện với sự tham gia của các Huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử và phần đông các anh em nghệ sĩ.
Kể từ ngày 12/11/1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết công nhận ngày trăng tròn tháng 5 Dương lịch là Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày Đản Sinh, thành đạo và nhập Niết bàn của Đức Phật.
Từ đó, mỗi năm tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York và nhiều nơi trên thế giới, Liên Hợp Quốc đều tổ chức lễ kỷ niệm Đại lễ Vesak. Đặc biệt, các nước có truyền thống Phật giáo lâu đời tại châu Á, mỗi năm đều theo tinh thần của nghị quyết Liên Hợp Quốc mà long trọng tổ chức Đại lễ Vesak, trong đó có Việt Nam vào năm 2008 và năm 2014.
Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.
Ngoài ra, trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật…. Thông qua các hoạt động này là dịp để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đúng phương châm của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo”.
Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.