Từ xa xưa, Ngày Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hợp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn)- kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca.
Đại lễ được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, bắt đầu từ Sri Lanka, sau đó truyền sang Myanmar, Thái Lan, Lào... Phật giáo Tây Tạng cũng coi ngày này là ngày Tam hiệp.
Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Trung Hoa, Phật đản chỉ là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca. Ngày Phật đản hay Vesak, Tam hiệp được kỷ niệm vào các ngày khác nhau tùy theo quốc gia. Trước năm 1959, một số quốc gia với đa số Phật tử chịu ảnh hưởng Bắc tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) thường tổ chức lễ Phật đản vào ngày 8/4 Âm lịch. Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).
Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.
Phật đản là ngày nghỉ lễ quốc gia tại nhiều nước châu Á như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Miến Điện, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Campuchia… Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngày này không phải là ngày nghỉ lễ được công nhận chính thức.
Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, để kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời.
Ngài có xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca và được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.
Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), thực hành bố thí, ăn chay, giữ ngũ giới và tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả) cũng như làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.
Kỷ niệm Vesak cũng có nghĩa là làm những nỗ lực đặc biệt để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh như người già cao niên, người khuyết tật và người bệnh, chia sẻ niềm vui và hòa bình với mọi người.
Những điều quan trọng và cần cấm kỵ đối trong ngày lễ này:
Không sát sinh
Trong ngày lễ Phật đản, Phật tử không nên sát sinh. Bởi giáo lý của nhà Phật tôn trọng mạng sống của chúng sinh. Việc giết hại sẽ đem lại khổ đau cho con người. Người không sát sinh sẽ giữ được sự an lạc trong tâm hồn.
Tối kỵ đặt bàn thờ Phật thấp hơn bài vị tổ tiên hay thấp hơn bàn thờ gia tiên. Kỵ để bàn thờ dơ bẩn không được dọn dẹp
Bàn thờ cần tránh đặt ở những nơi gần nhà tắm, nhà vệ sinh,... Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng bàn thờ Phật nên đặt ở nơi cao nhất trong nhà, quay hướng ra cổng chính của ngôi nhà.
Bài trí tượng Phật cần kiêng kị những gì?
Kỵ dùng tượng Phật (bao gồm tượng tay Phật, đầu Phật) để trang trí, đặt trong phòng ngủ, phòng tắm, phòng bếp có sát sinh mổ rửa động vật chết …
Không nên mua quá nhiều tượng về nhà, chỉ cần một pho hoặc ảnh Phật là đủ, thành tâm thành ý niệm cầu hằng ngày.
Đại lễ từ lâu đã trở thành lễ hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trang trọng. Đây cũng là dịp để khích lệ truyền thống văn hóa Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thể hiện rõ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đại lễ được tổ chức long trọng, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Thúy Hằng (T/h)
Hình ảnh thêm về Những điều nên biết về Đại Lễ Phật Đản