Có những loài thực vật đồng nội gắn với tuổi thơ, đồng áng, đất trời quê hương... Gốc dừa cạnh bờ ao, rặng trúc bờ tre, những bụi chuối nghiêng thả quài chín bói thơm lừng ...
Có loài Nhãn lồng hương đồng gió nội mọc hoang dại trong thiên nhiên, chỗ nào cũng có thể có một hay nhiều dây nhãn lồng xanh rờn màu lá xinh, bò là đà hay leo cao, lại ra hoa trái nữa. Trái nhãn lồng chín vàng ươm, tròn xinh xắn, hạt nhỏ có chút thịt thơm ngon ngọt, ăn lại có cả vị chua, quà thú vị của trẻ con miệt đồng.
Bữa cơm nghèo đồng quê, cạnh những thức dễ có dễ làm và sẵn: dừa khô xắc mỏng kho quẹt nhìn như ..thịt, khoai lang hấp vùi trong nồi cơm, bông súng hay su đũa nấu canh chua với trái giác; còn có nhãn lồng – ngắt đọt non hấp trong nồi cơm, ăn nhẫn nhẫn đắng nhẹ, chấm nước mắm cũng ngon ngon. Đấy, nhãn lồng.
Nhưng, giá trị chính của loài thực vật đồng nội ấy lại ở dược chất có trong thân lá, điều trị nhiều bệnh và được dùng phổ biến trong đông y có khi với một cái tên khác: Lạc tiên. Nhãn lồng (lạc tiên) dùng tươi hay phơi khô, độc vị hay phối hợp, có công dụng điều trị chứng mất ngủ, suy nhược thần kinh, an thần- những chứng bệnh thường gặp và có xu hướng tăng nhiều do áp lực đời sống hiện đại.
Nếu chỉ định những dược phẩm tây y có nhiều tác dụng phụ và thường bị lạm dụng như saduxen, valium, có khi quá trình trị liệu nhiêu khê, chỉ định độc vị hay phối hợp nhãn lồng (lạc tiên) trong đông y lại có nhiều ưu điểm. Đơn giản ra đồng, vườn tìm dây nhãn lồng hái đọt non mang về hấp cơm ăn như đã đề cập, thuốc qua đường thực phẩm, hay nhổ cả gốc rễ phơi khô nấu trong siêu đất sắc cạn theo công thức dân gian “ba chén còn tám phân”, uống hai hay ba lần mỗi ngày. Hiệu quả làm êm dịu thần kinh, vỗ giấc ngủ đến dần, nhẹ nhàng. Bà con mình ở quê Nam Bộ có kinh nghiệm này từ xa xưa, và khi mất ngủ nghĩ ngay đến nhãn lồng. Trong phòng thuốc phước thiện của các chùa tịnh độ cư sĩ phật hội VN ở khắp nơi, Nhãn Lồng (lạc tiên) là một vị thuốc thuộc hàng căn bản không thể thiếu, ưu tiên một bên cạnh vông nem trong trị liệu chứng mất ngủ, suy nhược thần kinh, an thần – dùng độc vị hay phối hợp.
Ngày nay, ngành dược rất phát triển, các biệt dược dùng chỉ định điều trị chứng mát ngủ, suy nược thần kinh, an thần phong phú, sự thuận tiện khi đến quầy thuốc tây mua vài viên sadexen hay valium khiến những vị thuốc của thiên nhiên như nhãn lòng có khi bị quên lãng, trong khi tác dụng phụ của saduxen hay valium đáng ngại cùng nguy cơ nghiện khá cao.
Nhãn lồng – theo các tài liệu tham khảo từ mạng- có phân bố vùng sống ở nhiều vùng trên thế giới, và bao phủ các đồng quê ở VN mình. Chú ý những bạn bè thực vật có hình dạng gần giống nhãn lồng như cây cứt quạ để chọn đúng vị thuốc cần thiết, dây cứt quạ trái có hạt đen thui và không ăn được, lá nhỏ hơn và xanh đậm hơn, cũng có dược chất và rất đắng, độ giống chừng 8/10.
Ở vườn nhà nơi không có nhãn lồng, hay trong khu vực trồng cây cảnh, bạn có thể nhổ vài gốc nhãn lồng già, có cội, trồng dễ, dây leo phủ xanh trông hay.
Có một vị thuốc an thần như thế, từ thiên nhiên.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về NHÃN LỒNG - THUỐC AN THẦN TUYỆT HẢO TỪ THIÊN NHIÊN