Đa số chúng ta điều tưởng mình quá biết hay ít nhất cũng có một lần nghe qua về ngũ uẩn. Theo Phật Giáo, Ngũ Uẩn gồm sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn là những yếu tố vật chất và tinh thần được kết hợp tạm bợ, vô thường bởi duyên khởi tạo ra chúng sinh kể cả con người. Tuy nhiên, trong 7 tỉ con người trên thế giới này mấy người thấy, nghe, sờ, ngữi, nếm, và ý thức được thực tướng của ngũ uẩn?
Phật Giáo, nhất là trong Kinh Lăng Nghiêm thiên về tu trí tuệ, phân tích và diển tã ngũ uẩn rất mạch lạc, với đầy chi tiết luận lý (logic,) nhưng lại dựa trên dụng cụ thiết kế lổi thời của con người đó là ngũ quan và ý thức: mắt với tính thấy, tai với tính nghe, mũi với tính ngửi, lưỡi với tính nếm, xúc với tính sờ và ý thức (mind) để phân biệt, phân tích và giải thích thực tại qua lăng kính vô minh cùng với bẩm tánh đo lường lệch lạc của ngũ quan, ý thức, ngay cả Mạc Na Thức lẫn A Lại Da Thức. Thực tại đứng ngoài mọi khái niệm và phân loại nhị nguyên nên Phật Giáo cũng gọi nó là Chân Như mà Tâm Chân Như bất sinh bất diệt bao trùm tất cả các pháp. Ấn Độ Giáo gọi là Brahman, Lão Giáo gọi là Đạo và Phật Giáo gọi thực tại đó là Pháp Thân. Tất cả những thuyết pháp chỉ là phương tiện tương đối chứ không phải là chân lý rốt ráo. Nói ra là đã sai mục tiêu rồi.
Cho nên Đức Phật đã phủ nhận: Trong 49 năm, Như Lai chưa từng nói một chữ. Phật Giáo gọi đó là bất khả tư nghì.
Ngoài ra trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật còn có thuyết về nguồn gốc của vũ trụ vạn vật như sau, "Chơn tâm này, cũng tức tất cả pháp; tức là tâm; tức là đất, nước, gió, lửa và hư không; tức là nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý; tức là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; tức là nhận thức giới cho đến ý thức giới; tức Tứ Đế; tức Thập Nhị Nhân Duyên; tức là Lục Độ; tức là Phật và bốn đức Niết Bàn. Nói tóm lại, Chơn Tâm tức là tất cả Pháp Nhập thế gian [nhập vũ trụ] và Xuất thế gian [ly vũ trụ. THL]"
Ghi chú: Tứ đại, ‘đất, nước, gió, lửa’ chỉ là ngôn ngữ diễn tả tượng hình tương đối của con người hơn 3000 năm ngày xưa trước khi khoa học khám phá ra lượng tử; tìm ra những vật thể mới; đặt danh từ mới và định nghĩa cho thích hợp với ngôn ngữ và văn minh khoa học hiện đại.
Trong Kinh Hoa Nghiêm ở phẩm "Thế giới thành tựu," Đức Phật đã nói đến sự thành hình các thế giới, vũ trụ. Chúng ta thử lược qua để hiểu Đức Phật sau thời gian tu tập và thành đạo Ngài đã nhận thức như thế nào về vũ trụ và nhân sinh quan hơn 2600 năm về trước; và từ đó chúng ta có thể thấy được giá trị tâm thức của chính chúng ta nếu chúng ta cũng thành được đạo quả như Đức Phật đã thành.
Trong Nhập Thế Gian, vũ trụ quan trong Đạo Phật, Nguyên Thảo tóm lược một cách khái quát những điều mà Đức Phật đã thuyết về giai đoạn "tâm thức" của chúng sanh trước khi bước vào giai đoạn luân hồi:
“Không biết tự thuở nào (vô thỉ) trong vũ trụ bao la, mênh mông, không có biên giới, ngằn mé (vô biên), có 7 yếu tố lớn (7 Đại) hòa lẫn với nhau, cùng khắp (viên dung là Hư không, Đất, Lửa, Gió, Nước, Kiến đại (kiến đại bao gồm cái thấy, nghe, hay, biết và các giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) cùng Thức Tâm (tâm của mọi chúng sinh.)
Trong thuở đó, Tâm của mỗi chúng sinh đều có tính chất tự chiếu sáng, yên lặng (tịch tịnh,) không bị cản trở ngăn ngại (vô ngại,) do đó muốn thân mình lớn tràn khắp vũ trụ (đồng nghĩa với hư không) cũng được, mà nhỏ như hạt bụi thật nhỏ (vi trần: Hạt bụi không thể chẻ nhỏ nữa được) cũng được; tức là muốn lớn được lớn, muốn nhỏ được nhỏ nhưng tính chất vẫn không thay đổi và không tâm thức nào cản sự trương lớn của tâm thức nào cả, và cũng không hề lẫn lộn với nhau giống như ánh sáng của những ngọn đèn đặt kế bên nhau ở trong phòng: Cùng chiếu sáng khắp phòng nhưng không lộn lạo với nhau. Chúng cũng không phân biệt, đối xử (đối đãi) với nhau, đó là điều mà Đức Phật gọi là bất nhị (không hai,) tức là không phân biệt ta, người, chúng sanh; không hề phân biệt tốt xấu, thiện ác, lớn nhỏ, cao thấp... mà trong triết học gọi là triết lý nhị nguyên.”
Thế rồi, vì do sự không biết (vô minh) của các tâm thức về điều kiện ấy là điều tốt nhất, để rồi các tâm thức đã nảy ra sự phân biệt, đối xử khác nhau, vọng thấy (vọng tâm) thấy có ta, có người, có cái khác; và thấy có thân xác là cần thiết cho nên trong vũ trụ đã biến động lớn lao: Các tâm thức mượn tứ đại ‘đất, lửa, gió, nước’ kết hợp lại tạo thành thân xác (cho nên thân xác được Đức Phật coi là giả tạm, không phải là chính của mình, là vô thường; mà thức tâm mới là thân thật (chân thân, chân tâm), và mượn kiến đại (thấy, nghe, hay, biết, mắt tai mũi lưỡi thân ý) để làm các giác quan, các thức.
"Vô Minh là Avidya (Thuật ngữ) tiếng Phạn là A Vĩ Nễ. Chỉ cái tâm ám độn, không chiếu rọi được rõ ràng sự lý của các pháp. Là tên khác của Si."
Nhưng trong Kinh Viên Giác, Đức Phật có nói:
"Vậy Vô Minh là gì? Nầy Thiện nam, tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, bị nhiều món điên đão làm mê mờ tánh "Viên Giác", như người lạc đường, lầm lộn bốn phương. Điên đão vọng hiện ra thân và tâm, rồi lầm nhận thân tứ đại giả hợp này làm thân mình, chấp cái vọng niệm sanh diệt, theo bóng dáng của sáu trần cho là thật tâm của mình." (Kinh Viên Giác, PHPT khóa VIII, trang16) và "Nầy Thiện Nam! Cái "Vô Minh" này không có thực thể (thật vật.) Như người ngủ chiêm bao, thấy các cảnh vật, đến khi thức rồi, thì cảnh vật kia không còn." (Trang 17, Kinh Viên Giác, PHPT khóa VIII)
‘Thấy, nghe, hay, biết, sáu giác quan kể là một, cùng với hư không và bốn đại thành ra 6 đại, tánh nó viên dung vốn không lay động đồng một thể chơn tâm, không sanh không diệt, thế gian vì mê lầm không biết sanh tâm phân biệt, chấp cho nhân duyên sanh hoặc tự nhiên có đều không đúng cả.’ (Lăng Nghiêm, Phật Giáo Phổ Thông (PHPT) VI, VII trang 110) Như vậy, Vô Minh chính là sự không hiểu được sự, lý của pháp, cho nên thức tâm từ trong tánh chơn tâm đã có vọng niệm và phân biệt năng sở, bỉ thử nên nó đó là đầu nguồn cho "Thập Nhị Nhân Duyên" để từ đó bắt đầu cho "vòng sanh tử luân hồi."
Đức Phật thuyết tiếp, "Nhơn có hư không thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: Tốt, xấu, phải chẳng v..v...Vì thế mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không, khác với hư không, thế giới là chúng sanh vậy." (Kinh Lăng Nghiêm khóa VI, VII trang 121) Đức Phật lại kể rõ hơn, "Này ông Phú Lâu Na, thế giới, chúng sanh và nghiệp quả ba món tương tục này đều ở trong chơn tâm, vì vô minh vọng động sanh ra "năng phân biệt" và "sở phân biệt" tương đới, nên vọng thấy có sơn hà đại địa, thế giới và chúng sanh, rồi tiếp tục sanh hóa, vô cùng hư vọng." (Trang 127, PHPT khóa VI, VII)
Như vậy, cái thấy cùng tứ đại, thức tâm đều viên dung, viên mãn (tràn đầy) khắp cả hư không mà trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói về hư không như sau: Hư không pháp giới tính bình đẳng. (Hoa Nghiêm [HN] 3, trang 342); ‘Hư không cùng khắp vậy.’(HN 3, trang 402); ‘Vì hư không giới không biên tế.’ (HN 3, trang 418); ‘Chư Phật tử! Ví như hư không, tất cả thế giới hoặc thành hoặc hoại, hư không thường chẳng thêm bớt, vì hư không vốn vô sanh.’ (HN 3, trang 423)
Hư không là căn bản của tất cả, nó vô sanh tức không bị diệt. Hư Không bao la không biên giới. Trong hư không viên dung tứ đại (đất, lửa. gió, nước;) kiến đại (thấy, nghe, hay, biết, 6 giác quan: nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý;) và thức tâm (của mọi chúng sinh.) Tánh của 7 đại nầy đều là Chân Tâm. Nhưng vì vô minh, nên thức tâm của mọi chúng sanh đã phát khởi vọng tâm và có tâm phân biệt nhị nguyên: năng sở, bỉ thử...Vì thế thức tâm đã mượn tứ đại kết hợp thành thân xác và kiến đại để tạo thành các giác quan và thấy, nghe, hay, biết. Từ đó mọi chúng sanh thành hình; các cái có hình tướng, sanh diệt là thế giới, và cái khoảng trống ở giữa không có hình tướng và yên tịnh là hư không. Đó là các giai đoạn thành hình thế giới, hư không và chúng sanh.
Đại khái, cái kết hợp có hình tướng, hình thể gọi là thế giới, còn khoảng trống giữa các thế giới gọi là hư không và từ đó sự viên dung các đại không còn nữa. Khi đã có sanh thì tất có diệt, do đó con người và con vật có ‘sanh, lão, bệnh, tử;’ về vật chất thì có ’sanh, trụ, dị, diệt;’ về hiện tượng thì có ‘thành, trụ, hoại, không;’ để rồi vì nhân duyên nghiệp quả lại biến đổi (transform) thành một cái thể khác. Cái chu kỳ tiến hoá này được hiểu là tái sanh của Phật Giáo.
Riêng về chúng sanh Đức Phật, qua Phật Nhãn, đã nhận thấy; hay qua Trí Huệ sau khi đắc đạo, nhận thức được có sáu đường (lục đạo) luân hồi, tức là có 6 loại chúng sanh: Chúng sanh ở cõi trời (Thiên,) chúng sanh ở cõi của các vị Thần (A Tu La,) chúng sanh cõi làm người (Nhân,) chúng sanh trong cõi loài vật (súc sanh,) chúng sanh trong cõi quỷ đói (ngạ quỷ,) và chúng sanh trong cõi địa ngục.” Qua đó, Đức Phật cũng trình bày những vấn đề trên lẫn các trời, thần, người, cõi súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục với ngôn ngữ tượng hình tương đối của thời xưa qua những chứng nghiệm, nhận thức chính mình đã đạt được. Ngài đã giải thích và chỉ cho chúng sinh phương cách để tự đạt được đến mục tiêu ấy. Bởi thế, Ngài chỉ là một Đạo Sư, chứ không tự độc tôn là "Một Đấng Tối Cao" để cho người tôn sùng cúng bái. Nhân cách khiêm tốn, vô ngã ấy khó tìm được ở bất cứ một giáo chủ hay ở một tôn giáo nào khác.
Tóm lại, những ngôn ngữ diễn đạt trên về Phật Giáo, nhân sinh và vũ trụ quan chỉ là tương đối qua lăng kính sai lạc của ngũ uẩn. Đó là lý do tại sao đa số chúng ta khó quán tự tại để kiến ngũ uẫn giai không, thấy được kiếp nhân sinh như huyễn như mộng. Muốn biết rõ tại sao thì trước hết hãy xét lại tính hạn chế, cái nhìn méo mó, ý nghĩ sai lạc của các giác quan và ý thức của con người cùng vị trí sở tại và điều kiện ánh sáng trong lúc quan sát thực tại. Theo những giải thích khoa học trên internet: Các sóng quang phổ đến mắt, vào các tế bào hình nón và hình que trong mắt. Chính các tế bào hình nón làm cho chúng ta thấy được màu sắc của thế giới chúng ta. Tế bào hình nón có ba loại tạo ra ba màu căn bản của chúng ta là xanh, đỏ và lục. Số lượng và khả năng tiếp nhận quang tử (photon) của tế bào hình nón là có giới hạn, vì thế có những trường hợp mắt ta không thấy được, như tia hồng ngoại, tia tử ngoại. Nhưng mắt thú vật nhìn và thấy khác mắt con người, loài chó chỉ thấy hai màu đen trắng, ong thì có thể nhìn ra tia cực tím (tử ngoại.) Khoa học có thể suy luận như vậy, dựa vào những dữ kiện đo đạt, nhưng khó có thể khẳng định thực tại nó là như vậy? Họ không phải chó lẫn ong sao biết được chó ong thấy màu gì, ngữi mùi gì, sờ như thế nào, nếm vị gì, thấy được mấy chiều không gian? Cũng như hồn bướm mơ tiên, hay Trang Tử mộng Hồ Điệp làm sao biết bướm nghĩ gì, thấy thực tại như thế nào?
Đến đây mới chỉ là sự tiếp xúc giữa sóng ánh sáng với các tế bào của mắt, phải có những quang sắc tố tiếp nhận kích thích của ánh sáng để sinh ra các biến đổi hóa học. Biến đổi hóa học phải đến một lượng nào đó đủ lớn để tạo thành sự dẫn truyền qua dây thần kinh đưa về não. Chính ở đây màu sắc mới hiện ra với chúng ta. Nói cách khác, các giác quan và não đã diễn dịch thông tin được tạo bằng các phản ứng sinh hóa, điện từ này thành màu sắc. Kinh Viên Giác nói: “Ví như ngọc báu Ma Ni thanh tịnh, tùy mỗi phương mà ứng hiện ra năm màu. Những người vô minh không biết thì khi nhìn ngọc Ma Ni kia, cho là ngọc Ma Ni có thật năm màu.” Có thể mỗi người nhìn ra một màu khác tùy theo không gian thời gian, sở tại và duyên phận riêng biệt hay ngọc Ma Ni tùy duyên cho ta thấy tùy màu?
Phật Giáo thời đó quan niệm thế giới vật chất do Tứ Đại hình thành như nhiều nhà tư tưởng Ấn Độ đã tuyên bố: đó là yếu tố đất, nước, gió, lửa. Các yếu tố này là vận động vô thường, nên vạn hữu do chúng làm nên cũng vô thường. Câu hỏi về nguồn gốc của Tứ Đại trước khi có vũ trụ đối với sự thật Duyên khởi do đức Phật phát hiện thì trở nên vô nghĩa và không thể tư nghị.
Theo Lý Duyên Khởi, thế giới hiện tượng là do duyên mà sinh, là vô ngã và rỗng không; con người chỉ là tập hợp của năm thủ uẩn, cũng là vô ngã và rỗng không; con người và
thế giới vũ trụ cùng hiện hữu mà không thể tách rời nhau. Đương nhiên rồi làm sao có thể tách rời nhau trong vũ trụ được? Cái câu kinh này hơi tối nghĩa? “Tách rời nhau” trong kinh chữ Phạn là gì? Viễn ly, giải thoát? Khi hạt (particle, sắc) khi sóng (wave, không)? Quan niệm này đã được Đức Phật chứng tỏ trong kinh Mahàpunnama (Trung bộ, kinh109) và trong Giới Phân biệt (Dhàtuvibhanga, Trung bộ, kinh 140) rằng: Sắc uẩn gồm có nội sắc là cơ thể vật lý của mỗi cá nhân, ngoại sắc là thế giới vật lý; điều này có nghĩa là vũ trụ tự nó là một phần của cơ thể con người. Thì ra ý kinh ‘không thể tách rời nhau’ là như vậy.
Trong bài Ý Nghĩa Cái Chết Theo Quan Điểm Phật Giáo, Hoang Phong kết luận: "Bên trong thân xác bằng một sải tay mang đầy giác cảm này, Như Lai xem đấy cũng chẳng khác gì như toàn thế giới, sự hình thành của thế giới và cả con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới" (Kinh Tăng Nhất A Hàm, Anguttara Nikaya, ấn bản Colombo, 1929, tr. 218).
Walpola Rahula trong một quyển sách nhỏ nhưng rất nổi tiếng của ông là "L'Enseignement du Bouddha d'après les textes les plus anciens" (Giáo huấn của Đức Phật dựa theo các kinh sách xưa nhất, Ed. du Seuil, 1978, tr. 66-67) cũng có trích dẫn câu này và theo ông thì có nghĩa là Bốn Sự Thật Cao Quý [Four Noble Truth] đều nằm bên trong năm thành phần cấu hợp của ngũ uẩn tạo ra thân xác chúng ta. Nếu thay các chữ thế giới (loka) bằng chữ khổ đau (dukkha) thì sẽ hiểu được ngay ý thâm diệu của câu này.
Thật thế thân xác cấu hợp của chúng ta cũng chỉ là khổ đau, là nguyên nhân sinh ra khổ đau và [may mắn thay] cũng chính là một phương tiện giúp chúng ta loại bỏ khổ đau.
Thế nhưng chúng ta cũng có thể thay chữ loka bằng chữ samsara và câu trên đây sẽ trở thành như sau: "Bên trong thân xác bằng một sải tay mang đầy giác cảm này, Như Lai xem đấy cũng chẳng khác gì như cả một thế giới luân hồi, sự hình thành của thế giới luân hồi và con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới ấy."
Thân xác gồm năm thứ cấu hợp của chúng ta là cả một thế giới cất chứa toàn là khổ đau, một thế giới khổ đau đang xoay vần bất tận, thế nhưng thân xác lại cũng là một phương tiện giúp chúng ta thoát ra khỏi thế giới ấy. Vậy chúng ta hãy hân hoan trả lại thân xác này cho thế giới ấy. (Bures-Sur-Yvette, 05.04.13, Hoang Phong)
Theo ngu ý, Đức Phật phải giảng như thế lúc thuở ban đầu cho những chúng sinh còn chưa phát triển trí tuệ chứ thế giới vũ trụ là thế giới vũ trụ mà khổ đau là khổ đau không có liên quan gì cả. Chỉ có con người biết khổ đau vì nhớ dai chứ chúng sinh còn lại mau quên chỉ biết đau chứ không biết khổ.
Cái huyền diệu của Phật Pháp là khi mà chúng ta, những kẻ phàm phu, hiểu biết thâm diệu được mối tương quan, sự liên hệ, biết nương theo (align) và dùng (utilize) cái năng lượng (energy,) thấy được ngũ uẩn, và những nguyên tố căn bản tạo ra vật chất trong vũ trụ này thì vũ trụ sẽ cho ta tất cả ngay cả du hí với bệnh, lão lẫn tử vong. Lúc đó thì câu viết thêm vào chân kinh của tiền nhân Đại Thừa Trung Hoa ‘độ nhất thiết khổ ách’ chỉ là dư thừa, không cần thiết nữa. Trong khi đó, chúng ta sẽ ở ngoài vòng cương toả của sinh trụ hoại diệt trở thành Kim Cương Bất Hoại lúc đó lục căn, lục trần, lục thức không thể ảnh hưởng hay dính mắt được Tâm. Cái năng lực tối thượng này, Tâm ta đã sẳn có, không cần phải tu luyện hay hướng ngoại để tìm kiếm hay mong cầu nó đến với mình mà nó đã luôn luôn ‘sống’ (tự tại, exist, be, être) với mình. Nó như tự tính Như Lai, chưa bao giờ đến, chưa bao giờ đi nhưng vì vô minh nên ta không nhớ cách dùng nó cũng như đã có viên ngọc bảo Mani ở trong túi nhưng không biết lấy ra để soi sáng màng vô minh và để thấy lại lòng Bồ Đề, Phật Tính tự nhiên. Biết quán tự tại thấy được bản lai diện mục của vũ trụ giai không là chứng đắc Đạo. Đạo là vũ trụ, vũ trụ là Đạo!
File PDF: Ngũ Uẩn Giai Không
Hình ảnh thêm về Ngũ Uẩn Giai Không - Huy Trứ