Khái quát về cách đặt pháp danh ở các dòng thiền của Phật giáo Đàng Trong
Trong quá trình tìm tòi tư liệu về chùa Quốc Ân và các tổ sư sáng lập các thiền phái của Phật giáo Nam Hà, cụ thể là dòng thiền Lâm Tế, chúng tôi thấy có một số vấn đề tồn nghi ở các nghiên cứu trước đây, hoặc có nhận định nhưng chưa thống nhất lắm, hoặc không rõ lắm, nên cũng mạo muội bàn thêm một số ý kiến nhằm lý giải cho rạch ròi, và cũng đưa luôn vào chuyên khảo này nhằm bắt đầu từ đó để mở rộng đến phương pháp đặt pháp danh pháp tự trong Phật giáo Nam Hà, rồi liên hệ đến cách đặt tên trong Hoàng tộc nhà Nguyễn.
1. Từ danh xưng của các Tổ sư - Dẫn luận từ Tổ sư Nguyên Thiều
Các Tổ sư của các dòng thiền Phật giáo trong thời đại đang khảo xét có quá nhiều danh xưng trong những tư liệu đáng tin cậy nhất, khiến người đời sau rất hoang mang, và cho đến nay vẫn tồn nghi trong các chuyên luận. Xin dẫn chứng trường hợp danh xưng của Tổ Nguyên Thiều (1648-1728). Tổ được ghi lại bằng rất nhiều danh xưng:
Những danh xưng nêu trên đều ở trên tháp mộ và đồ tự khí nên hoàn toàn đáng tin cậy. Ngoài ra trong BAVH, học giả Cadière lại ghi ngài họ Tạ, tên thời niên thiếu là Hoán Bích; hoặc một số tư liệu xưa gọi tên sư là Tạ Nguyên Thiều, tự Hoán Bích…, những cách gọi này hoàn toàn không chuẩn với lễ pháp của Phật giáo nên không cần bàn thêm.
Theo sự tìm hiểu của chúng tôi qua một số tư liệu, và nhờ vào kiến giải của các thầy ở Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, danh xưng của các vị sư thời trước được truyền thừa theo dòng kệ của các vị tổ khai sơn. Đặc biệt trong buổi giao thời khi các ngài mới xuất kệ, thì thường tồn tại nhiều pháp danh, pháp tự theo nhiều dòng kệ khác nhau.
2. Khảo về các bài kệ truyền thừa dòng Lâm Tế
Dòng thiền Lâm Tế vốn xuất phát từ dòng thiền của ngài Ca Diếp, đến đời Tổ sư Lâm Tế-Nghĩa Huyền thì bắt đầu xuất kệ riêng để truyền thừa pháp danh cho đệ tử của ngài trở xuống, nên Tổ được gọi là đời thứ nhất của dòng thiền Lâm Tế. Từ ngài Lâm Tế là đời thứ nhất, đến đời thứ 22, có ngài Vạn Phong-Thời Ủy đã xuất riêng một dòng kệ Ngũ ngôn để rạch ròi khi đặt pháp danh cho các đệ tử truyền thừa:
Tổ đạo giới định tông
Phương quảng chứng viên thông
Hạnh siêu minh thiệt tế
Liễu đạt ngộ chơn không
Như nhật quang thường chiếu
Phổ châu lợi ích đồng
Tín hương sanh phước huệ
Tương kế chấn từ phong | 祖導戒定宗
方廣證圓通
行超明寔際
了達悟真空
如日光常照
普周利益同
信香生福慧
相繼振慈風 |
Theo dòng kệ này, sư Nguyên Thiều thuộc đời thứ 33 từ ngài Lâm Tế-Nghĩa Huyền, nên pháp danh vào hàng chữ Siêu (trong câu Hạnh siêu minh thiệt tế), đầy đủ là Siêu Bạch. Ứng với một pháp danh thì vị bổn sư luôn cho thêm một pháp tự đi kèm, và pháp tự tương ứng với Siêu Bạch của ngài thuộc dòng kệ này là Hoán Bích.
Thế nhưng, khi ngang đời thứ 31, có ngài pháp danh hàng chữ Thông (trong câu Phương quảng chứng viên thông), là Thái sư phụ chính truyền của ngài Siêu Bạch (Tổ Nguyên Thiều) lại xuất riêng một dòng kệ Thất ngôn khác để đặt pháp danh cho đệ tử chân truyền từ ngài trở về sau:
Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên Minh như hồng nhật lệ trung thiên Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ Chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền | 導本原成佛祖先 明如紅日麗中天 靈源廣潤慈風溥 照世真燈萬古懸 |
Từ dòng kệ này, vị Tổ vốn pháp danh chữ Thông đã đổi thành pháp danh chữ Đạo như thứ tự, đó chính là ngài Đạo Mân-Mộc Trần, và ngài này thụ giới cho ngài Bổn Khao-Khoáng Viên là sư phụ của ngài Siêu Bạch, nên trong dòng kệ truyền thừa này ngài Siêu Bạch lại hàng chữ Nguyên (trong câu Đạo bổn nguyên thành phật tổ tiên), pháp danh Nguyên Thiều là do ngài Bổn Khao đặt từ đó vậy. Cùng với pháp danh Nguyên Thiều, ngài lại được đặt pháp tự tương ứng là Thọ Tôn, nên gọi theo dòng kệ của Thái sư phụ vừa xuất ra, ngài là Nguyên Thiều -Thọ Tôn. Do vậy, danh xưng của ngài xuất hiện thường đi cặp pháp danh- pháp tự theo mỗi dòng kệ, đôi khi thêm vào tên thụy được chúa Nguyễn Phúc Thụ ban tặng lúc mất là Hạnh Đoan để càng thêm trang trọng. Hãn hữu có trường hợp, người ta gọi bằng một pháp danh hai pháp tự, hoặc pháp danh ở dòng kệ này với pháp tự dòng kệ kia, nhưng trường hợp này không nhiều. Riêng với các sử gia lại khác, thông thường giới thiệu một nhân vật bao giờ cũng có họ (tính), tên (danh), và tên chữ (tự), nên khi nhắc đến một vị tăng họ cũng gọi theo kiểu đó, sau họ (tính) dùng luôn pháp danh làm danh, và pháp tự làm tự. Như ngài Nguyên Thiều xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí là: “… Tạ Nguyên Thiều, tên chữ là Hoán Bích, người gốc Triều Châu…”. Gọi như vậy hoàn toàn không đúng với lễ pháp của Phật giáo và dẫn đến sự hoang man và ngộ nhận của người đời sau. Ngay cả Linh mục Cadière cũng nhầm lẫn, tưởng rằng Nguyên Thiều là thế danh của ngài.
Việc xuất kệ có những nguyên tắc nào không thì chúng tôi chưa nắm được chắc chắn, chỉ biết rằng cũng không câu thúc bao nhiêu đời được xuất kệ riêng. Việc xuất riêng một dòng kệ cũng là một việc lớn trong đạo nên không phải đơn giản tùy tiện. Có thể khi trải qua quá nhiều đời rồi, chúng đệ tử quá đông dẫn đến lộn xộn trùng lắp pháp danh pháp tự…; cũng có thể do bất đồng chính kiến với đồng môn; cũng có thể do tu tập đạt được, chứng đắc được một thành tựu nào đó muốn truyền riêng pháp môn tu tập cho đệ tử chân truyền; đôi khi lại là vấn đề độc lập ý thức hệ, hoặc có thể do cả chính trị, khi mà triều đình nhúng tay quá sâu… Tuy trong dòng thiền Lâm Tế, ngài Đạo Mân-Mộc Trần đời thứ 31 đã tách riêng một nhánh bằng bài kệ đã dẫn ở trên, nhưng ngay đến đời 34, ngài Minh Hải-Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh cũng xuất riêng một bài kệ Ngũ ngôn để đặt pháp danh cho đệ tử truyền thừa của mình, nay vẫn gọi là dòng kệ Chúc Thánh:
Minh thiệt pháp toàn chương
Ấn chơn như thị đồng
Chúc thánh thọ thiên cửu
Kỳ quốc tộ địa trường
Đắc chánh luật vi tuyên
Tổ đạo hạnh giải thông
Giác hoa bồ đề thọ
Sung mãn nhơn thiên trung | 明寔法全章
印真如是同
祝聖壽天久
祈國祚地長
得正律為宣
祖導行解通
覺花菩提樹
充滿人天中 |
Rồi ngay đến đời thứ 35, sư Liễu Quán vốn pháp danh là Thiệt Diệu (trong câu Hạnh siêu minh thiệt tế) cũng đã xuất riêng một dòng kệ truyền thừa:
Thiệt tế đại đạo Tánh hải thanh trừng Tâm nguyên quảng nhuận Đức bổn từ phong Giới định phước huệ Thể dụng viên thông Vĩnh siêu trí quả Mật khế thành công Truyền trì diệu lý Diễn sướng chánh tông Hạnh giải tương ứng Đạt ngộ chơn không | 實際大導
性海清澄
心源廣潤
德本慈風
戒定福慧
體用圓通
永超智果
密契成功
傳持妙里
演暢正宗
行解相應
達悟真空 |
Để bàn luận về vấn đề vì sao các ngài xuất kệ hẳn phải tốn nhiều công sức khảo cứu, phạm vi bài viết chỉ bàn thêm cho rõ về mặt hình thức danh xưng của các vị danh tăng thời trước, nên chỉ minh họa thêm bằng bảng kê dưới đây, để người quan tâm tiện theo dõi và đối sánh với cách đặt tên trong Đế hệ và Phiên hệ ở triều Nguyễn:
Lâm Tế | Kệ ngài Vạn Phong- | Kệ ngài Đạo Mân- | Kệ ngài Minh Hải- | Kệ ngài Liễu |
đời thứ | Thời Ủy xuất | Mộc Trần xuất | Pháp Bảo xuất | Quán xuất |
22 | Tổ |
|
|
|
|
|
|
|
|
23 | Đạo |
|
|
|
|
|
|
|
|
24 | Giới |
|
|
|
|
|
|
|
|
25 | Định |
|
|
|
|
|
|
|
|
26 | Tông |
|
|
|
|
|
|
|
|
27 | Phương |
|
|
|
|
|
|
|
|
28 | Quảng |
|
|
|
|
|
|
|
|
29 | Chứng |
|
|
|
|
|
|
|
|
30 | Viên |
|
|
|
|
|
|
|
|
31 | Thông | Đạo |
|
|
|
|
|
|
|
32 | Hạnh | Bổn |
|
|
|
|
|
|
|
33 | Siêu | Nguyên |
|
|
|
|
|
|
|
34 | Minh | Thành | Minh |
|
|
|
|
|
|
35 | Thiệt | Phật | Thiệt | Thiệt (Diệu) |
36 | Tế | Tổ | Pháp | Tế |
37 | Liễu | Tiên | Toàn | Đại |
38 | Đạt | Minh | Chương | Đạo |
39 | Ngộ | Như | Ấn | Tánh |
40 | Chơn | Hồng | Chơn | Hải |
41 | Không | Nhật | Như | Thanh |
42 | Như | Lệ | Thị | Trừng |
43 | Nhật | Trung | Đồng | Tâm |
44 | Quang | Thiên | Chúc | Nguyên |
45 | Thường | Linh | Thánh | Quảng |
46 | Chiếu | Nguyên | Thọ | Nhuận |
47 | Phổ | Quảng | Thiên | Đức |
48 | Châu | Nhuận | Cửu | Bổn |
49 | Lợi | Từ | Kỳ | Từ |
50 | Ích | Phong | Quốc | Phong |
51 | Đồng | Phổ | Tộ | Giới |
52 | Tín... | Chiếu... | Địa... | Định... |
Từ bản kê trên ta thấy rõ các pháp danh tương ứng với mỗi đời, và có thể hiểu vì sao các ngài có nhiều cách gọi tên như vậy. Nếu theo lôgic hình thức thì các vị tăng dòng Chúc Thánh từ đời Lâm Tế thứ 34 trở đi, hoặc dòng Liễu Quán đời thứ 35 trở đi có thể có đến 3 pháp danh và 3 pháp tự (nếu Tổ Liễu Quán là đệ tử chân truyền của Tổ Minh Hải-Pháp Bảo thì đệ tử dòng này vẫn có thể có đến 4 pháp danh và 4 pháp tự khác nhau)…
Chúng ta hiểu rằng, từ thời các chúa Nguyễn, Phật giáo Đàng Trong rất hưng thịnh, được tôn vinh hàng quốc giáo và là một lá chắn tâm linh trong công cuộc mở nước về phương Nam bằng hình thức cộng cư giữa dân tộc Việt và các dân tộc khác, đặc biệt là tộc người Chăm. Pháp danh trong Phật giáo không phải chỉ dành cho các đệ tử xuất gia mà cả đệ tử tục gia, do vậy với một số lượng đệ tử ngày càng nhiều làm sao phân biệt được thế thứ khi tiếp xúc với nhau? Cách đặt tên theo các dòng kệ giúp cho mọi người chỉ thông qua tên gọi là hiểu ngay vai vế hay thứ tự các đời, hoặc thân sơ…; nói cách khác, chỉ cần nghe tên có thể hiểu ngay đối tượng quan hệ như thế nào với mình, sư bá tổ, sư thúc tổ, sư bá, sư thúc, sư huynh hay sư đệ, hay sư điệt… Đôi khi một vị sư có thể từ dòng thiền này sang tu tập ở một dòng thiền khác, lại có thể có thêm pháp danh pháp tự; và cũng có thể, một vị sư dòng thiền này lại qua đắc pháp với một vị sư phụ ở dòng thiền khác mà không tuân thủ hoàn toàn thứ tự, tức không phải trên mình một đời, ví dụ sư đời thứ 32 lại đắc pháp với một vị sư phụ cũng đời thứ 32 hoặc đời thứ 30 ở một dòng thiền khác, thì vai vế trong dòng thiền bị tụt xuống hoặc nâng lên một bậc, và hẳn là có thêm pháp danh và pháp tự không ngang hàng với mình. Tất nhiên đó là trường hợp hãn hữu, và cũng không nằm trong những vấn đề cần bàn ở đây. Đọc kỹ cách đặt pháp danh theo các dòng thiền đã dẫn ở trên, chúng ta sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng với quy định đặt tên trong Hoàng tộc nhà Nguyễn, đặc biệt là trong Đế hệ và Phiên hệ thời vua Minh Mạng ban hành.
Hình ảnh thêm về KHẢO SÁT CÁC BÀI KỆ TRUYỀN THỪA PHÁP DANH CỦA PHẬT GIÁO ĐÀNG TRONG