ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA
Pháp bổn pháp vô pháp
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phó vô pháp thời
Pháp pháp hà tằng pháp.
Dịch:
Pháp gốc pháp không pháp
Pháp không pháp cũng pháp
Nay khi trao không pháp
Mỗi pháp đâu từng pháp.
A. CHƯ TỔ ẤN ĐỘ
1/- TỔ MA-HA CA-DIẾP
Pháp pháp bổn lai pháp,
Vô pháp vô phi pháp;
Hà ư nhất pháp trung,
Hữu pháp hữu phi pháp.
Dịch:
Các pháp, pháp xưa nay,
Không pháp, không phi pháp;
Tại sao trong một pháp,
Có pháp, có phi pháp.
2/- TỔ A-NAN
Bổn lai truyền hữu pháp,
Truyền liễu ngôn vô pháp.
Các các tu tự ngộ,
Ngộ liễu vô vô pháp.
Dịch:
Xưa nay truyền có pháp,
Truyền rồi nói không pháp;
Mỗi mỗi cần tự ngộ,
Ngộ rồi không không pháp.
3/- TỔ THƯƠNG-NA HÒA-TU
Thông đạt phi bỉ thử
Trí thánh vô trường đoản.
Nhữ trừ khinh mạn ý,
Tất đắc A-la-hán.
Dịch:
Thông suốt dứt kia đây,
Chí thành không hay dở;
Ngươi trừ tâm khinh mạn,
Chóng được A-la-hán.
4/- TỔ ƯU-BA-CÚC-ĐA
Tâm tự bổn lai tâm,
Bổn tâm phi hữu pháp.
Hữu pháp hữu bổn tâm,
Phi tâm phi bổn pháp.
Dịch:
Tâm tự xưa nay tâm,
Bổn tâm chẳng có pháp.
Có pháp có bổn tâm,
Chẳng tâm chẳng bổn pháp.
5/- TỔ ĐỀ-CA-ĐA
Thông đạt bổn tâm pháp,
Vô pháp vô phi pháp.
Ngộ liễu đồng vị ngộ,
Vô tâm diệc vô pháp.
Dịch:
Thông thấu pháp bổn tâm,
Không pháp, không phi pháp;
Ngộ rồi đồng chưa ngộ,
Không tâm cũng không pháp.
6/- TỔ DI-DÁ-CA
Vô tâm vô khả đắc,
Thuyết đắc bất danh pháp.
Nhược liễu tâm phi tâm,
Thủy giải tâm tâm pháp.
Dịch:
Không tâm không thể được,
Nói được chẳng gọi pháp.
Nếu rõ tâm phi tâm,
Mới hiểu tâm tâm pháp.
7/- TỔ BÀ-TU-MẬT
Tâm đồng hư không giới,
Thị đẳng hư không pháp.
Chứng đắc hư không thời,
Vô thị vô phi pháp.
Dịch:
Tâm đồng cõi hư không,
Đây sánh hư không pháp.
Khi chứng được hư không,
Không pháp, không phi pháp.
8/- TÔ PHẬT-ĐÀ NAN-ĐỀ
Hư không vô nội ngoại,
Tâm pháp diệc như thử.
Nhược liễu hư không cố,
Thị đạt chơn như lý.
Dịch:
Hư không chẳng trong ngoài,
Tâm pháp cũng như thế.
Nếu hiểu rõ hư không,
Là đạt lý chơn như.
9/- TỔ PHỤC-ĐÀ-MẬT-ĐA
Chơn lý bổn vô danh,
Nhơn danh hiển chân lý.
Thọ đắc chân thật pháp,
Phi chơn diệc phi ngụy.
Dịch:
Chơn lý vốn không tên,
Nhơn tên bày chơn lý;
Nhận được pháp chân thật,
Chẳng chơn cũng chẳng ngụy.
10/- TỔ HIẾP-TÔN-GIẢ
Chơn thể tự nhiên chơn,
Nhơn chơn thuyết hữu lý.
Lãnh đắc chơn chơn pháp,
Vô hành diệc vô chỉ.
Dịch:
Chơn thể tự nhiên chơn,
Nhơn chơn nói hữu lý;
Lãnh được pháp chơn chơn,
Không làm cũng không nghỉ.
11/- TỔ PHÚ-NA-DẠ-XA
Mê ngộ như ẩn hiện,
Minh ám bất tương ly.
Kim phó ẩn hiển pháp,
Phi nhất diệc phi nhị.
Dịch:
Mê ngộ dường ẩn hiển,
Sáng tối chẳng rời nhau.
Nay trao pháp ẩn hiển,
Chẳng một cũng chẳng hai.
12/- TỔ MÃ-MINH
Ẩn hiện tức bổn pháp,
Minh ám nguyên bất nhị.
Kim phó ngộ liễu pháp,
Phi thủ diệc vô khí.
Dịch:
Ẩn hiện vốn pháp này,
Sáng tối nguyên không hai.
Nay truyền pháp liễu ngộ,
Không lấy cũng chẳng bỏ.
13/- TỔ CA-TỲ-MA-LA
Phi ẩn phi hiển pháp,
Thuyết thị chơn thật đế.
Ngộ thử ẩn hiện pháp,
Phi ngu diệc phi trí.
Dịch:
Pháp không ẩn không hiển,
Nói là chỗ chơn thật.
Ngộ pháp ẩn hiện này,
Chẳng ngu cũng chẳng trí.
14/- TỔ LONG-THỌ
Vị minh ẩn hiển pháp,
Phương thuyết giải thoát lý.
Ư pháp tâm bất chứng,
Vô sân diệc vô hỷ.
Dịch:
Vì tỏ phép ẩn hiển,
Mới nói lý giải thoát.
Nơi pháp tâm chẳng chứng,
Không mừng cũng không giận.
15/- TỔ CA-NA ĐỀ-BÀ
Bổn đối truyền pháp nhân,
Vị thuyết giải thoát lý.
Ư pháp thật vô chứng,
Vô chung diệc vô thủy.
Dịch:
Vốn đối người truyền pháp,
Vì nói lý giải thoát.
Nơi pháp thật không chứng,
Không chung cũng không thủy.
16/- TỔ LA-HẦU-LA-ĐA
Ư pháp thật vô chứng,
Bất thủ diệc bất ly.
Pháp phi hữu vô tướng,
Nội ngoại vân hà khởi.
Dịch:
Nơi pháp thật không chứng,
Chẳng giữ cũng chẳng lìa.
Pháp chẳng tướng có không,
Trong ngoài do đâu khởi.
17/- TỔ TĂNG-GIÀ-NAN-ĐỀ
Tâm địa bổn vô sanh,
Nhơn địa tùng duyên khởi.
Duyên chủng bất tương phòng,
Hoa quả diệc phục nhi.
Dịch:
Đất tâm vốn không sanh,
Nhơn đất từ duyên khởi;
Duyên giống chẳng ngại nhau,
Hoa trái cũng như thế.
18/- TỔ GIÀ-GIA-XÁ-ĐA
Hữu chủng hữu tâm địa,
Nhân duyên năng phát manh.
Ư duyên bất tương ngại,
Đương sanh sanh bất sanh.
Dịch:
Có giống có đất tâm,
Nhơn duyên hay nẩy mầm.
Bởi duyên chẳng ngại nhau,
Chính sanh, sanh chẳng sanh.
19/- TỔ CƯU-MA-LA-ĐA
Tánh thượng bổn vô sanh,
Vị đối cầu nhơn thuyết.
Ư pháp ký vô đắc,
Hà hoài quyết bất quyết.
Dịch:
Trên tánh vốn không sanh,
Vì đối ngươi cầu nói.
Nơi pháp đã không được,
Đâu cần giải chẳng giải.
20/- TỔ XÀ-DẠ-ĐA
Ngôn hạ hiệp vô sanh,
Đồng ư pháp giới tánh.
Nhược năng ư thị giải,
Thông đạt sự lý cánh.
Dịch:
Nói ra hợp vô sanh,
Cùng nơi tánh pháp giới.
Nếu hiểu được như vậy,
Thông suốt hết sự lý.
21/- TỔ BA-TU-BÀN-ĐẦU
Bào huyễn đồng vô ngại,
Vân hà bất ngộ liễu.
Đạt pháp tại kỳ trung,
Phi kim diệc phi cổ.
Dịch:
Bọt huyễn cùng không ngại,
Tại sao chẳng liễu ngộ.
Đạt pháp ngay trong ấy,
Chẳng xưa cũng chẳng nay.
22/- TỔ MA-NOA-LA
Tâm tùy vạn cảnh chuyên,
Chuyển xứ thật năng u.
Tùy lưu nhận đắc tánh,
Vô hỷ diệc vô ưu.
Dịch:
Tâm theo muôn cảnh chuyển,
Chỗ chuyển thật kín sâu.
Theo dòng nhận được tánh,
Không mừng cũng không lo.
23/- TỔ HẠC-LẶC-NA
Nhận đắc tâm tánh thời,
Khả thuyết bất tư nghì.
Liễu liễu vô khả đắc,
Đắc thời bất thuyết tri.
Dịch:
Khi nhận được tâm tánh,
Mới nói chẳng nghĩ bàn.
Rõ ràng không chỗ được,
Khi được chẳng nói biết.
24/- TỔ SƯ-TỬ
Chánh thuyết tri kiến thời,
Tri kiến câu thị tâm.
Đương tâm tức tri kiến,
Tri kiến tức vu kim.
Dịch:
Chính khi nói tri kiến,
Tri kiến đều là tâm.
Chính tâm tức tri kiến,
Tri kiến tức hiện nay.
25/- TỔ BÀ-XÁ TƯ-ĐA
Thánh nhơn thuyết tri kiến,
Đương cảnh vô thị phi.
Ngã kim ngộ kỳ tánh,
Vô đạo diệc vô lý.
Dịch:
Thánh nhơn nói tri kiến,
Ngay cảnh không phải quấy.
Nay ta ngộ tánh ấy,
Không đạo cũng không lý.
26/- TỔ BẤT-NHƯ MẬT-ĐA
Chơn tánh tâm địa tàng,
Vô đầu diệc vô vĩ.
Ứng duyên nhi hóa vật,
Phương tiện hô vi trí.
Dịch:
Kho tâm địa chơn tánh,
Không đầu cũng không đuôi.
Hợp duyên mà hóa vật,
Phương tiện gọi là trí.
27/- TỔ BÁT-NHÃ ĐA-LA
Tâm địa sanh chư chủng,
Nhơn sự phục sanh lý.
Quả mãn bồ-đề viên.
Hoa khai thế giới khởi.
Dịch:
Đất tâm sanh các loài,
Nhơn sự lại sanh lý.
Quả đầy bồ-đề tròn,
Hoa nở thế giới sanh.
B- CHƯ TỔ TRUNG HOA
1/- TỔ BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA
Ngã bổn lai tư độ,
Truyền pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.
Dịch:
Ta sang đến cõi này,
Truyền pháp cứu mê tình.
Một hoa nở năm cánh,
Nụ trái tự nhiên thành.
2/- TỔ HUỆ-KHẢ
Bổn lai duyên hữu địa,
Nhơn địa chúng hoa sanh.
Bổn lai vô hữu chủng,
Hoa diệc bất tằng sanh.
Dịch:
Xưa nay nhơn có đất,
Bởi đất giống hoa sanh,
Xưa nay không có giống,
Hoa cũng chẳng từng sanh.
3/- TỔ TĂNG-XÁN
Hoa chủng tuy nhơn địa,
Tùng địa chủng hoa sanh.
Nhược vô nhơn hạ chủng,
Hoa địa tận vô sanh.
Dịch:
Giống hoa tuy nhơn đất,
Từ đất giống hoa sanh.
Nếu không người gieo giống,
Hoa đất trọn không sanh.
4/- TỔ ĐẠO-TÍN
Hoa chủng hữu sanh tánh,
Nhơn địa hoa sanh sanh.
Đại duyên dữ tín hiệp,
Đương sanh sanh bất sanh.
Dịch:
Giống hoa có tánh sống,
Nhân đất hoa nẩy mầm.
Duyên lớn cùng tín hợp,
Chính sanh, sanh chẳng sanh.
5/- TỔ HOẰNG-NHẪN
Hữu tình lai hạ chủng,
Nhơn địa quả hoàn sanh.
Vô tình ký vô chủng,
Vô tánh diệc vô sanh.
Dịch:
Hữu tình đến gieo giống,
Nhơn đất quả lại sanh,
Vô tình đã không giống,
Không tánh cũng không sanh.
6/- TỔ HUỆ-NĂNG
Tâm địa hàm chư chủng,
Phổ vũ tất giai manh.
Đốn ngộ hoa tình dĩ,
Bồ-đề quả tự thành.
Dịch:
Đất tâm chứa các giống,
Mưa khắp ắt nẩy mầm.
Hoa tình vừa đốn ngộ,
Trái bồ-đề tự thành.
(Tất cả các bài kệ trên đây đều rút trong sách Tổ Thiền Tông do TS Thanh Từ soạn dịch)
C. CHƯ TỔ VIỆT-NAM
TS TỲ-NI-ĐA-LƯU-CHI
Vinitaruci
(?-594)
Tổ khai sáng dòng thiềnTNĐLC/VN
(Truyền cho TS Pháp-Hiền)
Tâm ấn chư Phật
Tất không lừa dối
Tròn đồng thái hư
Không thiếu không dư
Không đi không đến
Không được không mất
Chẳng một không khác
Chẳng thường chẳng đoạn
Vốn không chỗ sinh
Cũng không chỗ diệt
Cũng chẳng lìa xa
Chẳng không lìa xa
Vì đối vọng duyên
Nên giả đặt tên
Bởi thế, chư Phật ba đời
Cũng dùng như thế mà được
Tổ sư nhiều đời
Cũng dùng như thế mà được
Ta cũng dùng như thế mà được
Ngươi cũng dùng như thế mà được
Cho đến hữu tình, vô tình
Cũng dùng như thế mà được
Và tổ Tăng-Xán
Khi ấn cho ta làm đó
Bảo ta mau mau hành giáo hóa
Không nên ở lại đây lâu
Từng trải nhiều nơi
Mới đến được đây
Nay được gặp ngươi
Quả hợp huyền ký
Ngươi khéo giữ gìn
Giờ ta đi đến.
- TT Mật-Thể dịch
TS VÔ-NGÔN-THÔNG
(?-826)
Tổ khai sáng dòng thiền VNT/VN
(Truyền cho TS Cảm-Thành)
Chư phương hạo hạo
Vong tự huyên truyền
Vị ngô thỉ tổ
Thân tự Tây Thiên
Truyền pháp nhãn tạng
Viết vị chi Thiền
Nhất hoa ngũ diệp
Chủng tự miên miên
Tiềm phù mật ngữ
Thiên vạn hữu nguyên
Hàm vị tâm tông
Thanh tịnh bản nhiên
Tây Thiên thử độ
Thử độ Tây thiên
Cổ kim nhật nguyệt
Cổ kim sơn xuyên
Xúc đồ thành trệ
Phật tổ thành oan
Sai chi hào ly
Thất chi bách thiên
Nhữ thiện quan sát
Mạc khiếm nhi tôn
Trực nhiên vấn ngã
Ngã bản Vô Ngôn.
Dịch:
Bốn phương lồng lộng
Mặc sức huyên truyền
Rằng thỉ tổ ta
Gốc ở Tây Thiên
Tuyền kho pháp nhãn
Được gọi là Thiền
Bông hoa năm cánh
Hạt giống lâu bền
Ngàn lời mật ngữ
Vạn câu bản nguyên
Tự nhận tâm tông
Tự cho là Thiền
Tây Thiên là đây!
Đây là Tây Thiên!
Xưa nay cùng một
Nhật nguyệt sơn xuyên
Vướng vào là mắc
Phật tổ mang oan
Sai một hào ly
Lạc tới trăm nghìn
Nên quan sát lại
Chớ lừa hậu côn
Đừng hỏi ta nữa
Ta vốn Vô Ngôn.
- Nguyễn-Lang
ĐS KHUÔNG VIỆT
(933-1011)
(Đời thứ 14, dòng VNT, Truyền cho TS Đa-Bảo)
Mộc trung nguyên hữu hỏa,
Hữu hỏa, hỏa hòan sinh.
Nhược vị mộc vô hỏa,
Toản toại hà do manh.
Dịch:
Trong cây sẳn có lửa,
Có lửa, lửa lại sanh.
Nếu bảo cây không lửa,
Cọ xát làm gì sanh.
- TS Thanh Từ
1/- TỔ HƯƠNG VÂN
(VUA TRẦN NHÂN TÔNG)
(1258-1308)
Sơ Tổ Phái Trúc Lâm
Nhất thiết pháp bất sinh,
Nhất thiết pháp bất diệt.
Nhược năng như thị giải,
Chư Phật thường hiện tiền,
Dịch:
Tất cả pháp chẳng sanh,
Tất cả pháp chẳng diệt.
Nếu hay hiểu như thế,
Chư Phật thường hiện tiền,
- TS Thanh Từ
2/- TS PHÁP-LOA
(1284-1330)
Tổ thứ hai Phái Trúc Lâm
Vạn duyên tuyệt đoạn nhất thân nhàn,
Tứ thập dư niên mộng ảo gian.
Trân trọng chư nhân hưa tá vấn,
Bang biên phong nguyệt cánh mại khoan.
Dịch:
Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn,
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng.
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.
- TS Thanh Từ
TS NHẤT CÚ TRI GIÁO
Đời pháp thứ 35,
Tông Tào Động
(Truyền cho TS Thủy Nguyệt)
Xuân sắc sắc, thảo nhung nhung,
Vạn vũ chi điều khai thiết thiết.
Nhất hành dương phát sản trùng trùng,
Thủy tẩm nguyệt viên trừng hải đế,
Sơn đầu nhật xuất lộ nham phong.
Dịch:
Xuân sặc sỡ, cỏ như nhung,
Khắp chốn ngàn cây bông trổ gấp.
Một cành dương liễu nảy trùng trùng,
Trăng chìm đáy biển nước lóng lặng.
Đảnh núi nhật lên bày chót cao.
- TS Thanh Từ
TS THỦY NGUYỆT
(1637-1704)
Đời pháp thứ 36,
Tông Tào Động
(Tuyền cho TS Tông Diễn)
Sơn chức cẩm thủy họa đồ
Ngọc tuyền dũng xuất bạch đà tô
Ngạn thượng hoàng hoa oanh lộng ngữ
Ba trung bích thủy điệp quần hô
Nguyệt bạch đường đường ngư phủ úy
Nhật hồng cảnh cảnh kiển bà bô.
Dịch:
Núi dệt gấm, nước vẽ hình
Suối ngọc chảy, tuôn rượu đà tô
Bờ cúc nở hoa hoàng oanh hót
Nước trong sóng biếc cá Điệp nhào
Trăng sáng rỡ ràng ông chài ngủ
Trời soi rừng rực kén nằm nhô.
- TS Thanh Từ
--oOo--
Từ Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Phật Phật, Tổ Tổ truyền
Uẩn không liên đầu thiệt.
Dịch:
Tất cả pháp chẳng sanh
Tất cả pháp chẳng diệt
Phậ Phật, Tổ Tổ truyền
Uẩn không sen đầu lưỡi.
- TS Thanh Từ
TS TỐNG DIỄN
(1640-1771)
Đời pháp thứ 37,
Tông Tào Động (Truyền cho TS Tĩnh Giác)
Hoa khai xuân phương đáo,
Diệp lạc tiện tri thu.
Chi đầu sương oánh ngọc,
Ngạc thượng tuyết liên châu.
Thanh thần vân tán sản long giáp,
Bạch nhật hà quang lỏa tượng khu.
Báo văn tuy kiến nhất,
Phụng chúng thể toàn câu.
Đạt-ma Tây lai truyền hà pháp,
Lô hoa thiệp hải thủy phù phù.
Dịch:
Xuân đến hoa chớm nở,
Thu về lá vàng rơi.
Đầu cành sương lóng lánh,
Cánh hoa tuyết rạng ngời.
Buổi sáng trời trong rồng bày vảy,
Ngày trưa mây sáng voi hiện hình.
Vằn cọp tuy thấy một,
Bày phụng thể toàn đồng.
Đạt-ma Tây sang tuyền pháp gì?
Cành lau qua biển nổi phau phau.
- TS Thanh Từ
TS MINH LƯƠNG
Đời pháp thứ 35,
Tông Lâm Tế
(Truyền cho TS Chân Nguyên)
Mỹ ngọc tàng ngoan thạch,
Liên hoa xuất ứ nê.
Tu tri sinh tử xứ,
Ngộ thị tức bồ đề.
Dịch:
Ngọc quý ẩn trong đá,
Hoa sen mọc từ bùn.
Nên biết chỗ sanh tử,
Ngộ vốn thật bồ đề.
- TS Thanh Từ
TS TÍNH TUYỀN
(1674-1744)
Đời pháp thứ 39,
Tông Lâm Tế (Truyền cho TS Hải Quýnh)
Chí đạo vô ngôn,
Nhập bất nhị ngôn.
Pháp môn vô lượng,
Thùy thị hậu côn.
Dịch:
Đạo cả không lời,
Vào cửa chẳng hai.
Pháp môn vô lượng,
Ai là kẻ sau.
- TS Thanh Từ
TS HẢI QUÝNH
(1728-1811)
Đời pháp thứ 40,
Tông Lâm Tế (Truyền cho ĐS Tịch Truyền)
Chư pháp không tướng,
Bất sinh bất diệt,
Dĩ vô sở đắc.
Thị chân Phật thuyết.
Dịch:
Các pháp không tướng,
Chẳng sanh chẳng diệt,
Bởi không chỗ đắc.
Là thật Phật nói.
- TS Thanh Từ
ĐS KIM LIÊN
TỊCH TRUYỀN
(1745-1816)
Đời pháp thứ 41,
Tông Lâm Tế (Truyền cho TS Tường Quang)
Tâm vi thiên địa tiên
Thân vi thiên địa hậu
Thân tâm thiên địa nội
Tuần hoàn vô cùng dĩ.
Dịch:
Tâm là trước đất trời
Thân là sau trời đất
Thân tâm trong đất trời
Tuần hoàn không cùng tận.
- TS Thanh Từ
ĐS TƯỜNG QUANG
CHIẾU KHOAN
(1741-1830)
Đời pháp thứ 42,
Tông Lâm Tế
(Truyền cho TS Từ Tánh)
Nhất đẳng nhân tu vô vi pháp
Nhị đẳng nhân phước tuệ song tu
Tam đẳng nhân hành thiện trở ác
Tứ đẳng nhân tam tạng tinh thông.
Dịch:
Người bậc nhất tu pháp vô vi
Người bậc nhì phước tuệ đầy đủ
Người bậc ba làm thiện chừa ác
Người bậc tư tam tạng tinh thông.
- TS Thanh Từ