Kính lễ Đấng Tối Thắng Điều ngự Tam giới Chí tôn Thích–ca Mâu–ni Phật
Nam-mô Lâm-tỳ-ni viên Vô ưu thọ hạ thị hiện đản sanh Thích-ca Mâu-ni Phật
Đại lễ Phật đản mỗi năm được tổ chức trang hoàng hoành tráng tùy theo điều kiện mỗi phương vực khác nhau với ước nguyện biểu dương ánh sáng bao la Đại Trí, Đại Bi soi sáng lối đi cho những ai đang chìm ngập trong bóng tối của vọng tưởng điên đảo, muốn tìm con đường tự giải thoát và giải thoát cho nhiều người. Nhưng, thực tánh của hành lễ chính là trong khoảng thời gian và không gian tịch tĩnh, trong đó, đệ tử của Đức Thế Tôn bằng tất cả nghị lực tinh tấn, thanh tịnh thân tâm, tụng đọc và tư duy về những lời dạy cuối cùng của đức Thế Tôn, để đạt được những điều chưa đạt được.
Qua hai mùa Phật đàn trong cơn đại dịch thế giới, do biện pháp chống dịch, không có nhiều lễ đài hoành tráng như thường lệ, không có nhiều người vân tập đông đảo để hành lễ cúng dường như nhiều năm qua; điều này không ảnh hưởng gì đến các cá nhân hay những tiểu chúng hạn chế mà công phu tu tập để cúng dường Phật đản vẫn không hề thoái thất.
Riêng đối với Tăng-già, trong mùa hạ an cư năm nay, không có các chúng xuất gia tụ hội về các trú xứ được chỉ định để tác bạch thọ an cư. Sự vân tập về những trú xứ được chỉ định không phải là điều bắt buộc được quy định bởi Luật tạng. Trú xứ nào đủ bốn duyên cho sinh hoạt thường nhật của Tăng, bốn tỳ-kheo có thể tác pháp thọ an cư, năm tỳ-kheo có thể tác pháp tự tứ. Như vậy, dù có biện Pháp nghiêm ngặt về phòng chống dịch, hành sự an cư và tự tứ của tỳ–kheo và tỳ–kheo–ni không có gì trở ngại.
Tăng–già Việt Nam tác pháp an cư theo truyền thống, tức ngay sau ngày Phật đản, sáng sớm khi minh tướng xuất hiện. Mùa an cư năm nay không có Thông Điệp giáo giới của Tôn Sư Tòng lâm Tông tượng sách tấn bốn chúng như pháp như luật hành trì. Những tiếng kêu của lừa dê chồn cáo không thay thế được tiếng rống của sư tử chấn động ma quân. Vậy, không gì hơn chúng ta cùng đọc lại “Huấn thị an cư Phật lịch 2548” của Đức Đệ Tứ Tăng Thống Trưởng lão Hòa thượng Thích Huyền Quang. Huấn thị không nói gì nhiều hơn ngoài những kim ngôn Thánh giáo mà Đức Thích Tôn đã truyền dạy trên 25 thế kỷ. Tụng đọc và suy niệm kỹ.
Huấn thị thâu nhiếp trong bảy Pháp bất thối. Đó là những nguyên tắc cho hòa hiệp của Tăng–già. Bản thể của Tăng–già là thanh tịnh và hòa hiệp. Thanh tịnh 1à tự tánh, hòa hiệp là tự tướng. Thanh tịnh là công đức tu tập của mỗi thành viên của Tăng. Hòa hiệp là mối quan hệ giữa các thành viên của Tăng. Tánh tướng không thể phân ly. Cho nên, nếu một cá nhân nào đó trong Tăng không thanh tịnh, mối quan hệ hòa hiệp của Tăng không kiên cố và sẵn sàng bị phá vỡ. Vì Vậy, mùa an cư là thời gian tu tập giới đức thanh tịnh để cho bản thể thanh tịnh và hòa hiệp của Tăng được kiên cố. Như vậy là ý nghĩa sâu xa của an cư được gởi đến chúng đệ tử cùng chiêm nghiệm và hành trì, nương trên bản thể của Tăng-già mà thăng tiến trong Thánh đạo.
Cẩn chí
Phật lịch 2565, Tân Sửu, 20-5-2021
Cố vấn Chỉ Đạo HĐHP
Thiện thệ tử Thích Tuệ Sỹ
-----------
Bảy pháp bất thối như sau:
1. Các tỳ kheo thường xuyên tập họp đúng theo các qui định bởi Luật tạng, để giảng luận Chánh pháp, chứ không phải tập họp để tuyên dương tán tụng sức mạnh quyền lực thế gian, khiến cho các tỳ kheo trong trú xứ cùng sinh hoạt hòa thuận.
2. Các tỳ kheo phải tụ họp trong tinh thần hòa hiệp không tranh chấp, giải tán trong tinh thần hòa hiệp không tị hiềm, nghi kỵ, và chấp hành các Tăng sự trong tình cảm nhiệt thành.
3. Chúng tỳ kheo không tùy tiện quy định và ban hành những luật lệ không đáng được ban hành, không thích hợp; cũng không được tự tiện sửa đổi, bải bỏ những luật lệ đã được ban hành từ trước; sống đúng theo giáo huấn của Phật, và tùy thuận những gì mà Tăng già đã quy định, được truyền thừa qua lịch đại Tổ Sư.
4. Các tỳ kheo phải luôn tôn trọng, kính lễ các tỳ kheo trưởng thượng, mà phẩm hạnh và trí tuệ do công phu tu tập và học hỏi, xứng đáng là hàng Trưởng lão trong Tăng; luôn luôn nhiệt thành nghe những lời khuyến giáo của các tỳ kheo trưởng thượng như thế.
5. Các tỳ kheo sống không bị lôi cuốn vào những tham ái, những bận rộn thế tục.
6. Trú xứ của chúng tỳ kheo là những nơi nhàn tĩnh, không phải là trú xứ tập họp để phục vụ các quyền lợi thế tục.
7. Các tỳ kheo sống an trú chánh niệm, tỉnh thức, tạo thành một cộng đồng thanh tịnh hòa hiệp, để cho các đồng phạm hạnh từ những nơi khác chưa đến thì muốn đến, đã đến thì muốn an trú lâu dài để tu tập, cùng sống hòa thuận và an lạc.
(trích Huấn Từ Của Đức Đệ Tứ Tăng Thống Nhân Mùa An Cư, PL. 2548)