Tri Kiến Như Lai
Chùa A Di Đà | 21/8/2021 | 0 Bình luận
Thực ra, bài thi kệ này hoàn toàn không phải của ngài Huyền Trang. Tác giả của nó là ngài Trung Phong Pháp Bổn, và bài thi kệ này là kệ sám hối được soạn cho nghi thức “Trung Phong tam thời hệ niệm”, được lưu giữ trong Tục Tạng chữ Vạn, tập 74, kinh số 1465, nguyên tác đầy đủ như sau:
"Kiến Như Lai" hay "bất kiến Như Lai" như ánh trăng tịnh dưới nước. Đừng có bám hẳn vào cái “chấp Ngã” cho là có, cũng đừng cho cái “vô Ngã” là không.
Tri Kiến Như Lai
Lê Huy Trứ
Không từ đâu mà đến
Không tại đó mà về
Lúc này không ở đây
Không “thọ” vô nhất kiếp
(Lê Huy Trứ)
Chân dung của Đức Phật
Năm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni 41 tuổi. Đệ tử của ngài là Phú Lâu Ca đã minh họa chân dung thầy mình. Bức họa hiện nay được tàng trữ tại Bảo tàng viện Hoàng gia Anh Quốc và được xem như là một báu vật quốc gia.
Tóm Lược Tiểu Sử của Đức Phật Như Lai (如來, Tathāgata)
Đức Thế Tôn xuất thân là Hoàng Tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm, người xứ Ấn Độ, từ bỏ hoàng cung, quyền uy, tước vị, giàu sang, gia đình hạnh phúc, và bỗng lộc của một quí tộc.
Ngài xuất gia quyết đi tìm ra chân lý, phát tâm sống cảnh không nhà để tìm phương pháp cứu độ chúng sinh.
Đạt Đa Cồ Đàm là tên phiên âm, lơ lớ “accent” Tàu, từ tiếng Phạn Siddhārtha Gautama của vị Phật, Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập Phật Giáo.
Tất Đạt Đa (sa. Siddhārtha) có nghĩa là “người đã hoàn tất (siddha) ý nghĩa [cuộc sống] (artha).”
Dịch ý, “Nhất thiết nghĩa thành, Thành tựu chúng sinh,” dịch từ tên Phạn Ngữ là Sarvārthasiddha.
Ngài cũng còn được gọi là Phật Tổ Như Lai. Như Lai (zh. 如來, sa., pi. tathāgata) là một trong mười danh hiệu của Phật được dịch từ Tathāgata của tiếng Phạn.
Chiết tự của Tathāgata là tathā + āgata, và có thể được hiểu là “Người đã đến như thế” hoặc, “Người đã đến từ cõi chân như”.
Như Lai là danh hiệu chỉ một Thánh Nhân đã đạt đến bậc giác ngộ cao nhất, Vô Thượng- Chính Đẳng-Chính Giác (sa. Anuttara Samyak Sambodhi).
Với sự phát triển của Phật Giáo theo thời gian, ý nghĩa của danh từ Như Lai đã biến đổi. Trong Đại thừa, Như Lai chỉ Ứng Thân (sa. Nirmāṇakāya, Tam thân) của Phật. Đó là con người toàn hảo, có thể xuất hiện dưới mọi dạng khác nhau, có Thập Lực (sa. daśabala) của một vị Phật.
Như Lai cũng là sự biểu hiện cụ thể của Chân Như (sa. Tathatā), thể tính của vũ trụ, được xem là sứ giả trực tiếp của Chân Như, là gạch nối giữa hiện tượng và bản thể.
Trong nhiều trường hợp, Như Lai được xem là đồng nghĩa với Trí Huệ/Tuệ (Bát Nhã, sa. prajñā) và Tính Không (sa. Śūnyatā, eng. emptiness, Fr. vide).
Tôn giả Udàyi trong khi thiền tịnh độc cư, nói lên lời tán thán Đức Phật: “Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều bất thiện pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đem lại nhiều thiện pháp cho chúng ta (Trung Bộ Kinh II, 448A)”.
Kệ Sám Hối
Bài thi kệ được nhiều người cho là của ngài Huyền Trang có bốn câu như vầy về Đức Phật:
佛在世時我沉淪,
今得人身佛滅度。
懊惱自身多業障,
不見如來金色身。
Phật tại thế thời ngã trầm luân,
Kim đắc nhân thân Phật diệt độ,
Áo não tự thân đa nghiệp chướng,
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.
Thực ra, bài thi kệ này hoàn toàn không phải của ngài Huyền Trang. Tác giả của nó là ngài Trung Phong Pháp Bổn, và bài thi kệ này là kệ sám hối được soạn cho nghi thức “Trung Phong tam thời hệ niệm”, được lưu giữ trong Tục Tạng chữ Vạn, tập 74, kinh số 1465, nguyên tác đầy đủ như sau:
我等自從無量劫 不知不覺染諸塵
佛在世時我沉淪 今得人身佛滅度
懊惱自身多業障 不見如來金色身
我今對佛法僧前 一一披陳皆讖悔.
(Vi bản: X74n1465- p0070a24).
Ngã đẳng tự tùng vô lượng kiếp
Bất tri bất giác nhiễm chư trần
Phật tại thế thời ngã trầm luân,
Kim đắc nhân thân Phật diệt độ,
Áo não tự thân đa nghiệp chướng,
Bất kiến Như Lai kim sắc thân
Ngã kim đối Phật Pháp Tăng tiền
Tạm dịch:
Chúng con từ xưa vô lượng kiếp
Không hay không biết nhiễm bụi trần
Khi Phật ở đời con trầm luân
Nay được thân người Phật diệt độ
Buồn tủi thân con nhiều nghiệp chướng
Không thấy Như Lai thân sắc vàng
Nay con quỳ trước Phật Pháp Tăng
Gội hết bụi trần xin sám hối.
Tôi không thấy, bài kệ nguyên thủy bằng Hán Việt của Thiền Sư Trung Phong Pháp Bổn có một chữ nào xưng là con, chúng con, chúng cháu, chúng bây,... phải sám hối cả.
Hay là tại vì tôi mù, và điếc nên không nghe được âm lẫn không nhìn thấy sắc của “chúng nó” nên kiến “vô ngã?”
Nhưng không phải như vậy, hình như, tôi tìm thấy trong bài kệ này chỉ có 3 chữ Ngã tượng trưng cho Tam Bảo.
Theo thiển ý, bài kệ này dễ hiểu, và có thể phổ thông trong khuôn viên chùa chiền, nhưng nó không phải là một bài thơ xuất sắc nên không có gì để luận bàn thêm cả.
Tôi xin phóng dịch lại cho gần với nghĩa Hán-Việt nguyên thủy:
Ngã sinh luân hồi vô lượng kiếp,
Đắm chìm trôi nổi trong khổ đau.
Phật tại thế Ngã vẫn vô minh,
Mong đắc pháp thân Như Lai độ.
Sầu bi tủi thân mang nghiệp chướng,
Chấp quang quán âm bất kiến Phật.
Ngã nguyện quy y Phật Pháp Tăng,
Phủi sạch vô minh xin sám hối.
Pháp Thân Vô Sắc Tướng
Sau đây là một đoạn rất tinh túy trong Kim Cang Kinh “mô tả” về Như Lai. Đa số chúng ta đều nghe qua nhưng không dễ gì tri kiến được.
Kinh Kim Cang Giảng giải
Đoạn 26: Pháp Thân Phi Tướng
Âm:
Pháp Thân Phi Tướng
Tu-bồ-đề! Ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai phủ?
Tu-bồ-đề ngôn:
- Như thị, như thị! Dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai.
Phật ngôn:
- Tu-bồ-đề! Nhược dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai giả, Chuyển Luân Thánh vương tắc thị Như Lai.
Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, bất ưng dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai.
Nhĩ thời Thế Tôn nhi thuyết kệ ngôn:
Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.
Dịch:
Pháp thân không phải sắc
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai chăng?
Tu-bồ-đề thưa rằng:
- Như thế, như thế, do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai.
Phật bảo:
- Tu-bồ-đề, nếu do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai, thì Chuyển Luân Thánh vương tức là Như Lai.
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói, không nên do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai.
Khi ấy Thế Tôn ra bài kệ:
Nếu do sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta.
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai.
Hòa Thượng Thích Thanh Từ phân tích, và rồi suy luận, “Đức Phật sợ chúng ta lầm chấp Pháp Thân là tướng cho nên Ngài mới hỏi ngài Tu-bồ-đề: Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng? Không biết lúc này ngài Tu-bồ-đề muốn dùng lối trả lời sai để Phật dạy cho chúng ta, hay là Ngài nhận không đúng, có lẽ Ngài nhận chưa ra là phải hơn. Tại sao tôi dám nói như thế? Bởi vì trong kinh thường nói Bồ-tát từ Sơ địa trở lên, lên mỗi địa là ngộ được một phần Pháp Thân, còn Thanh Văn thì chưa thấy được Pháp Thân. Đây nói về Pháp Thân nên ngài Tu-bồ-đề nhận lầm, Ngài nói rằng: Như thế, như thế, do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai. Phật liền quở: Nếu do ba mươi hai tướng thấy Như Lai thì Chuyển Luân Thánh Vương có ba mươi hai tướng là Như Lai rồi. Câu nói sau đây của ngài Tu-bồ-đề chứng minh được lời tôi nói ở trên.”
Hòa Thượng Thích Thanh Từ kết luận, “Đừng nghĩ Như Lai là Phật Thích Ca. Phải nhớ Như Lai là Pháp Thân thường hằng của chúng ta. Pháp Thân đó không thuộc sắc tướng thì đâu có chấp ngã, nó cũng không thuộc âm thanh thì đâu có chấp âm thanh. Tất cả âm thanh sắc tướng sanh diệt đều không chấp tức là không hành đạo tà, như thế mới thấy được Pháp Thân.”
Pháp Thân Phi Tướng
Tựa đề Pháp Thân Phi Tướng được phàm phu (Nho sĩ/Tăng Sĩ) sau này vì vô minh về Phật Giáo nên đã đặt tựa đề cho bài kệ, làm cho đa số nhầm lẫn cứ nhắm mắt dựa vào ý của cái tựa lạc đề đó để mà “Y kinh giảng nghĩa Tam Thế Phật oan,” làm sai lệch ý nghĩa của bài kệ trên.
Nguyên thủy, Kệ không bao giờ có đề tựa. Có tựa đề thì đa số không đúng ý kệ.
Tôi đã viết rất chi tiết, và chứng minh những điều này trong những bài kệ thiền Phật Giáo rồi.
“Các bài kệ của Thiền Tông đều vốn ‘không chủ đề’ không phải là điều thiếu sót ngẫu nhiên. Chỉ có học giả Nho Giáo Lê Quý Đôn “thiếu sót” trí tuệ thiền nên vô minh suy bụng nho gia ra tâm thiền.
Học giả Lê Quý Đôn đã vô minh đặt những tựa đề cho những bài kệ thiền theo ý Nho Gia, duy ngã, không có kiến thức tâm linh của bật đã giác ngộ, ra kệ, nên những tựa đề của ông ta dịch không được chuẩn ý, và vì vậy ông ta đã vô tình/cố ý làm lu mờ anh minh của Bát Nhã thiền.
Thật ra cũng tội cho ngài Lê Quý Đôn: Tâm có ý tốt nhưng căn còn vô minh, kiến thức Phật Pháp còn thấp kém nên chưa mở trí tuệ để ngộ.
Bởi vì, Trí Tuệ không có thể truyền đạt bởi cảm nhận bi quan, yếm thế, vô minh (tham sân si) qua quan điểm duy ngã của Nho Giáo với kiến thức nhập thế, háo danh phận, cam quỳ lụy, làm tôi tớ trung thành đời đời, chết cho vương quyền chỉ vì cái bả công danh phú quý phù phiếm vô thường.” (Kệ Thiền, Lê Huy Trứ)
Theo nhận xét dài dòng của tôi thì:
Đức Phật đã không hỏi Ngài Tu Bồ Đề ‘Pháp Thân có phải là tướng không?’
Hiển nhiên là Đức Thế Tôn, cũng những thiền sư ngày xưa, không bao giờ ra kệ như thế này: Đây là bài kệ có tựa đề là “Pháp Thân Phi tướng.” Rồi thì Ngài “bà là, bà là, bla, ... mặc kệ...chúng.”
Người xưa chỉ y kinh: Nhĩ thời Thế Tôn nhi thuyết kệ ngôn.
Vì nếu Đức Thế Tôn hỏi đơn giản, dễ trã lời như rứa thì nó hoàn toàn khác hẳn với ý bài kệ bất hủ trên của Ngài.
Có thể vì “đoán biết” câu hỏi của Đức Thế Tôn nên Ngài Tu Bồ Đề mới trã lời hàng đôi vì Ngài không muốn ngã vào “chấp trước.”
Bởi vì,
Nói có Hư Trần có,
Nói không thế giới không.
Có không trăng trong nước,
Trước nước có trăng không?
(Lê Huy Trứ)
Diễn nghĩa,
Bảo là "kiến Như Lai", thì ngay cả trong hạt bụi (Lân Hư Trần) cũng có Như Lai.
Bảo là "bất kiến Như Lai", thì tất cả (thế gian, vũ trụ, lẫn tam giới) đều không có Như Lai.
"Kiến Như Lai" hay "bất kiến Như Lai" như ánh trăng tịnh dưới nước.
Đừng có bám hẳn vào cái “chấp Ngã” cho là có, cũng đừng cho cái “vô Ngã” là không.
Bản dịch tiếng Mỹ,
Say existence, particle is existed.
Say extinction, universe is extincted.
Like moon’s image in water.
It looks real but not.
(Lê Huy Trứ, Jan. 7, 2018)
Thêm nữa, Đức Phật chọn ngay Ngài Tu Bồ Đề để mà hỏi về công án này (thời Phật hiện tiền cũng chưa có công án) cũng có thể không phải là chuyện tình cờ ngẫu nhiên?
Phổ thông hơn nữa, cái "Ngã" trong bài kệ này được đa số, đến bây giờ, vẫn thông thường “thấy” hiểu/dịch là "Ta."
Mà “âm” Ngã trong bài dịch Việt văn này được hiểu, dịch, và giảng là Phật tự xưng mình là Ta, là tôi, là moa, là tao, là I/me?
Theo ý nghĩa nguyên thủy thì danh từ Như Lai không phải là một "danh hiệu.”
Phật Thích Ca Cồ Đàm phát “âm thanh” Như Lai từ “ứng thân” (sa. Nirmāṇakāya, Tam thân) để tránh sử dụng ngôi thứ nhất "ta, I" - cái tôi độc tôn, cái ngã, self, ego - trong lúc giảng dạy, thuyết Pháp và đây cũng là một phong cách biểu lộ sự khiêm tốn, và nhún nhường của Ngài.
Theo tôi hiểu (nhầm?)
Bản Như Lai vô sắc, vô âm, vô sanh, vô diệt, vô sở, vô trụ.
Vì vậy nếu,
Trụ sở sắc kiếm ngã,
Quán âm thanh tầm ngã,
Hành tà đạo chấp ngã,
Bất năng kiến Vô Ngã.
(Lê Huy Trứ)
Câu kệ muôn thuở của Đức Thế Tôn dưới đây luôn luôn sáng tỏ cho ý trên,
"Thiên thượng thiên hạ,
Duy ngã độc tôn."
Tóm lại, Như Lai chính thị là Vô Ngã.
Bởi vì Như Lai,
Vô Thanh, vô sắc,
Vô sinh, vô diệt.
Vô thượng, vô hạ,
Vô ngã, vô tôn,
(Lê Huy Trứ)
Vô Ngã Tướng
Tôi xin thưa thốt,
Đức Phật Như Lai đã từng giảng về Pháp Thân trong Tương Ưng Bộ, III, kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana Sutta), Hòa thượng Thích Minh Châu dịch như sau,
“Này các thầy Tỳ-kheo, vì vậy nên, sắc nào dù trong quá khứ, vị lai, hiện tại, bên trong bên ngoài, thô hay vi tế, hèn hạ hay cao quý, sắc nào dù xa hay gần, các sắc ấy đều chỉ là sắc mà thôi. Các thầy nên nhận thức sắc ấy bằng trí tuệ trong sạch theo chân lý như vầy: Ðó chẳng phải của ta, đó chẳng phải là ta, đó chẳng phải thân ta.”
Mà pháp thân đã không phải của ta thì âm thanh cũng không phải của ta?
Phật noái răng mà dễ dữ sợ như rứa?
Theo tôi, chỉ có Đức Phật mới có đủ tư cách nói như vậy, dạy chúng ta như thế chứ đa số,
“Phàm hữu ngôn thuyết, đô vô thật nghĩa.”
(Phàm hễ nói bàn, đều không thật nghĩa)
Trong pháp ‘bốn việc y cứ’ (tứ y,) Phật dạy:
Y pháp bất y nhơn, y nghĩa bất y ngữ.
Ðây là pháp y cứ thứ hai, y nghĩa bất y ngữ để không rơi vào chỗ thế trí biện thông, tức là “năng thuyết bất năng hành” dùng tài biện bác suông mà không chịu bắt tay thực hành cũng chỉ
vô ích mà thôi.
Thuyết bất khả hành, hành bất khả thuyết!
Thật vậy, tôi cũng là một trong nhiều người ưa ngôn thuyết, ưa nói bàn suông chưa có những hành động cụ thể, thiếu thực tế mà không thiết thực là vô nghĩa theo cái nhìn phổ thông của con người.
Đơn giản vì tôi thích lội ngược dòng, thích nói khó hơn làm dễ. Nói điều không thể làm được, làm điều không thể nói được.
Nhất là nói ra những điều mà không ai biết, hay hiểu tôi nói gì. Không ai hiểu tôi là điều sung sướng nhất đời tôi, không ai biết tôi nói gì là điều hạnh phúc nhất thân tôi.
Đơn giản, tôi có bao giờ hiểu và biết tôi nói gì đâu?
Tôi không nói một câu, không viết một chữ.
Bởi vì, tôi “nhận thức âm sắc ấy bằng trí tuệ trong sạch theo chân lý như vầy: Ðó chẳng phải sắc của tôi, đó chẳng phải là âm của tôi, đó chẳng phải pháp thân của tôi.”
Chỉ có Đức Phật mới có đủ tư cách dạy chúng ta viễn ly thanh sắc vì Đức Thế Tôn đã đích thân trải qua khổ ải, kinh nghiệm khó khăn, đã chiến thắng thử thách, và đã đạt được giác ngộ.
Sau đây là kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật Như Lai:
Từ kinh nghiệm bản thân, Đức Phật từ bỏ khổ hạnh, hành trì Thiền định, chứng được Thiền thứ nhất, Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, chứng được Túc mạng minh, Thiên nhãn minh.
Đức Phật diễn tả tiếp về tiến trình giác ngộ của mình:
“Và với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta hướng tâm đến lậu tận trí. Ta biết như thật: Đây là Khổ; Ta biết như thật: Đây là Khổ tập; Ta biết như thật: Đây là Khổ diệt; Ta biết như thật: Đây là Con đường đưa đến khổ diệt. Ta biết như thật: Đây là các lậu hoặc; Ta biết như thật: Đây là lậu hoặc tập khởi; Ta biết như thật: Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc; Ta biết như thật: Đây là con đường đưa đến lậu hoặc diệt. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên trí hiểu biết: "Ta đã giải thoát." Ta biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm. Không còn trở lui trạng thái này nữa." (Trung Bộ Kinh I, 248).”
Tự cổ chí kim, có bao nhiêu người đạt được tứ thiền như Như Lai?
Riêng tôi tự biết bản thân tôi: Sanh chưa tận, phạm hạnh chưa thành, những việc nên làm không bao giờ làm xong. Tôi còn trở lại trong nhiều kiếp nữa để ... tiếp tục không bao giờ làm xong việc gì cả.
Khổ khổ dữ sợ như rứa đó.
Phản ảnh đài gương sắc hữu hình
Sau đây là một trong những bài kệ của các thiền sư Việt Nam diễn tả về Pháp Thân, và kiến Như Lai được tôi chọn lọc, tạm phiên dịch ra tiếng Mỹ (vì tôi không biết tiếng Anh), và Họa Tá Vận (phóng tác họa?) Tá vận là mượn vần.
Kính trung xuất hình tượng
鏡中出形像
• Bóng hiện trong gương
鏡中出形像
幻身本自空寂生,
猶如鏡中出形像。
形像覺了一切空,
幻身須臾證實相。
Kính trung xuất hình tượng
Huyễn thân bản tự không tịch sinh,
Do như kính trung xuất hình tượng.
Hình tượng giác liễu nhất thiết không,
Huyễn thân tu du chứng thực tướng.
Bản dịch tiếng Mỹ của Lê Huy Trứ,
Illusory body isn’t live or die itself,
It is the reflexion of mirror image.
That matter is nothing because it’s imagined,
Unreal body can acquire a true matter.
(Lê Huy Trứ, Jan. 7, 2018)
Dịch nghĩa,
Tấm thân hư ảo này vốn từ hư không tĩnh mịch sinh ra,
Giống như cái "bóng" xuất hiện trong gương.
Đã hiểu rõ rằng chỉ có cái "bóng" thì hết thảy đều là không,
Tấm thân hư ảo phút chốc chứng được thực tướng.