Trên tài khoản Instagram cá nhân, Bộ trưởng Bộ Đầu tư và Các vấn đề hàng hải Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan, ngày 4/6 cho biết, quyết định này là vì mục đích bảo tồn tài sản có giá trị lịch sử và văn hóa của đất nước Indonesia. Cùng với việc giới hạn lượng du khách, chính quyền Indonesia cũng thiết lập giá vé vào cửa mới tham quan đền Borobudur.
Theo đó, vé dành cho du khách nước ngoài là 100 USD (tương đương 1.400.000 rupiah, hơn 2.300.000 VNĐ) và vé dành cho khách nội địa là 750.000 rupiah (khoảng 1.200.000 VNĐ). Tuy nhiên với học sinh, sinh viên, vé vào cửa chỉ mất 5.000 rupiah (khoảng 8.000 VNĐ). Mọi du khách tới thăm đền Borobudur phải sử dụng hướng dẫn viên địa phương.
Theo Bộ trưởng Pandjaitan, chính phủ Indonesia đang phối hợp với nhiều bên liên quan nỗ lực xây dựng hình ảnh đền Borobudur như một hình mẫu thử nghiệm bảo tồn di sản văn hóa thế giới. Từ ngày 4/6, Indonesia bắt đầu thử nghiệm tuyến xe buýt điện phục vụ du khách thăm Borobudur. Hồi đầu năm nay, Indonesia cũng đã yêu cầu du khách đi dép “upanat” làm từ lá dứa dệt, thiết kế rất nhẹ để bảo tồn các bậc thềm đá lên xuống đền Borobudur.
Nằm cách cố đô Yogyakarta của Indonesia khoảng 41 km về phía Tây Bắc, đền Borobudur được xây dựng từ năm 778 sau Công nguyên và hoàn thành 50 năm sau đó. Với kiến trúc cổ kính, tinh xảo và tráng lệ, đền Borobudur đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1991.
Mỗi năm, hàng triệu du khách và tín đồ Phật giáo hành hương tới Borobudur. Song sự quá tải về du khách cũng kéo tổn hại kiến trúc của kỳ quan Phật giáo này. Năm 2020, Cơ quan Bảo tồn đền Borobudur đã phải tạm đóng cửa một phần của ngôi đền để đánh giá, trùng tu lại các bảo tháp, bậc thang đá bị bào mòn hoặc hư hại do lượng lớn du khách đặt chân tới. Cơ quan này cũng cấm du khách chạm tay hoặc giẫm chân lên các bức tượng, bảo tháp dễ vỡ trong đền./.
Võ Giang//VOV-Jakarta