Sửng sốt nhất đầu năm nay là việc khách hành hương Yên Tử bị “đè ra thu phí tham quan” với mức 40.000 đồng/ người lớn và 20.000 đồng/ trẻ em. Lắng nghe những phát ngôn của quan chức Quảng Ninh thì chuyện không đơn giản chỉ là câu chuyện quản lý lễ hội mà còn là tư duy quản lý.
Trên báo chí, ông Trần Văn Lâm - Bí thư TP Uông Bí - giải thích: Từ nhiều năm nay, ngân sách nhà nước phải bỏ ra những khoản lớn để đầu tư, tôn tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở và nuôi bộ máy Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Việc thu phí trở lại cũng nhằm một phần giảm gánh nặng cho ngân sách.
Còn Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Việc thu phí tham quan Yên Tử được thực hiện đúng luật bởi đây không phải phí đi lễ chùa mà là phí tham quan. “Đúng luật” ở chỗ: Chùa nằm trong khu di tích thắng cảnh, người dân muốn đi vào chùa không còn cách nào khác là phải vào khu di tích và sẽ phải trả phí tham quan.
“Chuẩn BOT”, y như BOT. Nếu BOT nhiều nơi là thảm ít mặt đường rồi chặn thu toàn tuyến thì Yên Tử cũng vậy: Xây khu di tích, tổ chức dịch vụ rồi đặt vé tham quan bất kể người dân có sử dụng hay không. Bất kể người dân tham quan hay hành hương cửa Phật.
Một tờ báo tính rằng: Năm 2017, lượng khách đến Yên Tử đạt 1,5 triệu lượt. Dự tính trong năm 2018, con số này sẽ tăng lên tới 1,8 triệu lượt. Và với việc thu phí tham quan, chính quyền sẽ thu được tới 70 tỷ đồng.
Nhưng cũng có nghĩa hành hương Yên Tử, sau quyết định thu phí tham quan này, giờ đã không thuần tuý chỉ là hành hương nữa mà là một thứ kinh doanh phải trả bằng tiền.
Với chủ trương xã hội hoá, từ bao năm qua, bà con nhân dân, khách hành hương, tín đồ Phật giáo đã công đức tiền bạc, công sức và cả niềm tin để tự họ biến Yên Tử trở thành chốn thiêng, nơi người ta có thể thanh tịnh bái cảnh chùa, đặt nén nhang bày tỏ lòng thành trước vị tổ của Trúc lâm Yên Tử, người đã từ nhiệm ngai vàng để dốc lòng tu hành.
Đừng có vì vài đồng bạc mà làm ô uế chồn Phật môn. Đừng có đem kinh doanh cả những nơi chốn thiêng liêng như Yên Tử. Đừng nhúng bàn tay quản lý phàm trần vào nơi đáng lẽ phải là việc của dân gian.