CHÚ ĐẠI BI GIẢNG GIẢI
Thần chú Thủ Nhãn thấu đất trời, Một khi chấn động ba ngàn cõi, Nhiếp hóa mọi loài duyên vô duyên, Từ bi khắp độ chốn Phù đề.
CHÚ ĐẠI BI GIẢNG GIẢI
Tam Tạng Pháp sư thượng Tuyên hạ Hóa giảng tại Phật giáo Giảng đường San Francisco, California, Hoa Kỳ vào năm 1969.
Ban Phiên Dịch Việt Ngữ Vạn Phật Thánh Thành
|
1. Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da
2. Nam mô a rị da
3. Bà lô yết đế thước bát ra da
4. Bồ đề tát đỏa bà da
5. Ma ha tát đỏa bà da
6. Ma ha ca lô ni ca da
7. Án
8. Tát bàn ra phạt duệ
9. Số đát na đát tả
10. Nam mô tất kiến lật đỏa y mông a lị da
11. Bà lô kiết đế thất phật ra lăng đà bà
12. Nam mô na ra cẩn trì
13. Hê rị ma ha bàn đà sa mế
14. Tát bà a tha đậu du bằng
15. A thệ dựng
16. Tát bà tát đá, na ma bà tát đa, na ma bà già
17. Ma phạt đặc đậu
18. Đát điệt tha, án
19. A bà lô hê
20. Lô ca đế
21. Ca ra đế
22. Di hê rị
23. Ma ha bồ đế tát đỏa
24. Tát bà tát bà
25. Ma ra ma ra
26. Ha hê ma hê, rị đà dựng
27. Cu lô cu lô yết mông
28. Độ lô độ lô phạt già ra đế
29. Ma ha phạt già ra đế
30. Đà la đà la
31. Địa lỵ ni
32. Thất phật ra da
33. Giá ra giá ra
34. Ma ma phạt ma ma
35. Mục đế lệ
36. Y hê di hê
37. Thất na thất na
38. A ra sam phật ra xá lợi
39. Phạt sa phạt sam
40. Phật ra xá da
41. Hô lô hô lô ma ra
42. Hô lô hô lô hê rị
43. Ta ra ta ra
44. Tất lỵ tất lỵ
45. Tô rô tô rô
46. Bồ đề dạ - bồ đề dạ
47. Bồ đà dạ - bồ đà dạ
48. Di đế rị dạ
49. Na ra cẩn tri
50. Địa lỵ sắt ni na
51. Ba dạ ma na
52. Ta bà ha
53. Tất đà da
54. Ta bà ha
55. Ma ha tất đà dạ
56. Ta bà ha
57. Tất đà du nghệ
58. Thất bàn ra dạ
59. Ta bà ha
60. Na ra cẩn trì
61. Ta bà ha
62. Ma ra na ra
63. Ta bà ha
64. Tất ra tăng a mục khư da
65. Ta bà ha
66. Ta bà ma ha a tất đà dạ
67. Ta bà ha
68. Giả cát ra a tất đà dạ
69. Ta bà ha
70. Ba đà ma yết tất đà dạ
71. Ta bà ha
72. Na ra cẩn trì bàn đà ra da
73. Ta bà ha
74. Ma bà lợi thắng yết ra dạ
75. Ta bà ha
76. Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da
77. Nam mô a lị da
78. Bà lô kiết đế
79. Thước bàn ra dạ
80. Ta bà ha
81. Án tất điện đô
82. Mạn đà ra
83. Bạt đà dạ
84. Ta bà ha
Bài Khai Kinh
Pháp vi-diệu rất sâu vô-lượng
Trăn nghìn muôn ức khó gặp
Tôi nay nghe thấy được thọ trì
Nguyện hiểu nghĩa chơn thật của Như-Lai.
KỆ TỤNG
“Của Hòa Thượng Tuyên Hóa”
Thủ Nhãn thông thiên Ðại Tổng Trì ,
Chấn động Tam Thiên thế giới thì,
Hữu duyên, vô duyên hàm nhiếp hóa,
Từ Bi phổ độ Diêm Phù Ðề.
Nghĩa là:
Thần chú Thủ Nhãn thấu đất trời,
Một khi chấn động ba ngàn cõi,
Nhiếp hóa mọi loài duyên vô duyên,
Từ bi khắp độ chốn Phù đề.
Chú Đại Bi vốn không có cách nào giảng giải, vì kinh văn toàn là những mật ngữ bí mật. Nếu muốn biết ý nghĩa của Chú này, trước tiên tôi xin đọc bài kệ. Bài kệ tụng này chính là nói về Chú Đại Bi:
“Ðại bi đại chú thông thiên địa,
Nhất bách nhất thiên thập Vương hoan.
Ðại từ đại bi năng khử bệnh,
Nghiệt kính nhất chiếu biển cao huyền.”
Nghĩa là:
Ðại chú Đại Bi thấu đất trời,
Niệm niệm ngàn ngày Diêm La vui.
Ðại từ đại bi tiêu sạch bệnh,
Ðài gương ghi tội hóa oai ngời.
“Ðại Bi Ðại chú thông thiên địa”: Quý vị niệm Thần chú này thì trên trời sẽ chấn động, dưới đất rung chuyển, cảm ứng khắp đất trời.
“Nhất bách nhất thiên thập vương hoan”: Quý vị niệm một ngày 108 biến chú Đại Bi, niệm như vậy suốt một ngàn ngày. Một năm có 365 ngày, một ngàn ngày vị chi là ba năm. Quý vị niệm trong suốt ba năm, mỗi ngày mỗi mỗi ngày đều niệm không gián đoạn, mỗi ngày mình niệm vào giờ nào thì đến giờ đó nhất định mình phải niệm, dù bận đến đâu cũng phải niệm đủ số 108 biến. “Thập vương” là mười vị vua cai quản trong Ðịa ngục, vua Diêm La ở điện thứ nhất, vua Diêm La ở điện thứ hai cho đến vua Diêm La ở điện thứ mười. Niệm được như vậy thì các vị vua Diêm La đều rất vui mừng, cho nên nói “Niệm niệm ngàn ngày Diêm La vui.”
“Ðại Từ Ðại Bi năng khử bệnh”: Vì sao gọi Chú Ðại Bi là Đại Bi? Vì “Bi năng bạt khổ”, nghĩa là ‘Bi’ có công năng nhổ hết mọi gốc khổ nạn cho tất tất cả chúng sanh, cũng là “cứu khổ ban vui” (bạt khổ dư lạc), do vậy nên gọi là Ðại Bi chú. “Cứu khổ ban vui” chủ yếu là có thể chữa lành bệnh tật. Bất luận là mắc phải bệnh gì, nếu quý vị thành tâm niệm Chú Ðại Bi thì bệnh đều sẽ lành. Có người hỏi: “Tôi niệm Chú Ðại Bi, tại sao không lành bệnh?”. Bởi vì ông chưa dốc hết lòng thành, nếu ông một lòng thành khẩn thì Chú Ðại Bi nhất định sẽ có sự cảm ứng.
“Nghiệt kính nhất chiếu biển cao huyền”: Khi mỗi ngày chúng ta niệm 108 biến, niệm xong một ngàn ngày, tức ba năm. Thập điện Diêm Vương đều vui mừng, bệnh gì cũng có thể chữa lành. Lúc này quý vị đã trồng rất nhiều công đức rồi, bởi trong thời gian ba năm, mỗi ngày đều trì tụng Thần chú, lại không có tạo nghiệp. Trong Ðịa ngục có một “đài gương soi tội” (nghiệt kính đài). Nếu quý vị đã tạo tác một nghiệp tội gì thì đài gương kia đều hiện ra đầy đủ, cũng giống như hình ảnh hiện rõ trong màn ảnh ti vi không khác. Những tạo tác của quý vị trong đời sống này, như giết người thì trong gương báo tội sẽ hiện ra trạng cảnh quý vị sát nhân. Nếu quý vị ăn trộm đồ của người thì trong gương sẽ hiện ra cảnh quý vị đi ăn trộm. Quý vị phóng hỏa đốt nhà người ta, trong gương ghi tội sẽ hiện ra rõ ràng hành vi của quý vị. Nếu quý vị không có tạo nghiệp gì thì sao? Thì trong gương sẽ không có một mảy may cảnh giới nào hiện ra. Cho nên nếu quý vị trì tụng Thần chú này trong ba năm, lại không có uống rượu, ăn thịt, dùng ngũ vị tân thì lúc gương nghiệp chiếu đến, tội báo của quý vị đều được sạch không. Lúc này trong Ðịa ngục sẽ đeo cho quý vị một tấm biển, tấm biển này nói rằng: “Người này do trì tụng Chú Ðại Bi nên tội nghiệp của người ấy đã được tiêu sạch. Tất cả quỷ thần ở trong Ðịa ngục, lúc thấy người này đều phải cúi đầu đảnh lễ và cung kính như cung kính ba đời chư Phật vậy, nên hộ trì người này như hộ trì tất cả chư Phật vậy, và nên đến khắp chỗ của các quỷ thần khác bảo cho họ biết mỗi khi thấy người này thì không được gây phiền phức”. Do vậy, Thần lực của Chú Ðại Bi này là không thể nghĩ bàn.
BÂY GIỜ GIẢNG VÀO CHÚ VĂN
1. NAM MÔ HẮC RA ÐÁT NA ÐA RA DẠ DA. (Na Mwo He La Da Nwo Dwo La Ye Ye)
Trong chúng ta ai cũng biết niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật”, “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, danh hiệu gì cũng đều biết niệm, nhưng rốt cuộc nên giảng hai chữ “Nam Mô” như thế nào? Rất ít người hiểu rõ. Mấy năm trước, Tôi đã từng hỏi qua hai chữ “Nam Mô” nên giảng như thế nào? Thì không có người nào trả lời trọn vẹn, họ đều không biết.
“Nam Mô” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là trở về, nghĩa là “quy y”, cũng chính là “Quy mạng kính đầu”. Quy mạng là đem sanh mạng của mình giao trọn cho Phật, không còn nghĩ đến bản thân mình nữa; Phật bảo sống ta sống, Phật bảo chết ta chết, hoàn toàn tuân theo lời giáo huấn của Ngài. “Kính” là cung kính; “đầu” là nương tựa, “kính đầu” là cung kính và nương tựa nơi chư Phật. Chúng ta “quy mạng”, nghĩa là đem thân nương về với Phật, đem tâm nương về với Phật, thân tâm đều nương về Phật.
“Hắc Ra Ðát Na Ðá Ra Dạ Da”. Nói một cách khái quát có nghĩa là Tam Bảo vô tận vô lượng trong mười phương. Nói theo đồ hình thì chỉ cho bổn thân của Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm, nên phải từ bi dụng tâm đọc tụng câu chú này, chớ nên cao giọng, gấp gáp. Tuy nói là Bổn thân Bồ Tát Quán Thế Âm, nhưng cũng là quy y với mười phương chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai.
Câu chú này niệm ra không chỉ đơn thuần bảo mình quy y với mười phương vô lượng thường trụ Tam Bảo, mà còn làm cho tất cả chúng sanh nghe được câu mật chú này cũng đều quay về kính lễ, nương tựa vào thường trụ Tam Bảo vô lượng vô biên trong mười phương ba đời. Quý vị đã biết Tam Bảo là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Nhưng quý vị cũng nên biết điều cao quý nhất trên thế gian này chính là Phật Bảo, chính là Pháp Bảo, chính là Tăng Bảo. Không gì có thể so sánh với Tam Bảo cao quý này. Không những trên thế giới này mà còn những cõi vượt ra ngoài thế giới này, cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng không thể cao quý hơn Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo. Do vậy trong mười Pháp giới thì Pháp giới Phật là tối cao. Vì Tam Bảo là tối cao nên chúng ta cần phải quy y, phải cung kính và tín thọ, không nên có mảy may tâm hoài nghi, nên sanh lòng tin sâu sắc, tín thọ thâm sâu.
Có người hỏi: Quy y Tam Bảo có lợi ích gì?
Quy y Phật không đọa địa ngục; quy y Pháp không làm ngạ quỷ; quy y Tăng không đọa súc sanh. Đây là đạo lý quy y Tam Bảo hiển nhiên nhất.
Nhưng quý vị quy y thì phải vâng làm tất cả các việc lành. Nếu vẫn còn làm tất cả các việc ác như trước: ra sức giết người, đốt nhà, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, rượu chè thì quý vị cũng không thể tránh khỏi tam ác đạo. Bởi vì trong Phật Pháp không có vấn đề “nhân tình”. Không thể nói: “Tôi đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng rồi! Quy y Phật không còn đọa địa ngục; quy y Pháp không còn rơi vào ngạ quỷ; quy y Tăng không còn đọa làm súc sanh, cho nên tôi có thể tùy tiện muốn làm gì thì làm.” Không đúng! Quý vị phải bỏ ác làm lành, vĩnh viễn không làm điều bất thiện nữa thì mới được kết quả như trên. Nếu vẫn còn làm điều sai quấy thì vẫn đọa địa ngục như thường. Không giống như giáo thuyết của ngoại đạo nói rằng: “Chỉ cần quý vị có lòng tin vào Đầng Tối Cao thì dẫu có tạo tác nghiệp gì cũng được lên thiên đàng. Còn nếu quý vị không tin vào Ngài thì dẫu có tài bồi công đức cũng vẫn đọa địa ngục”. Không thể có đạo lý như vậy. Cho dù quý vị tin Phật, nhưng nếu quý vị tạo ác nghiệp thì nhất định sẽ đọa vào địa ngục. Thậm chí quý vị không tin Phật, nhưng nếu quý vị làm việc công đức thì vẫn được lên cõi trời. Phật Pháp không phải là loại đạo lý mê hoặc người khác như nói: “A, nếu như quý vị tin tôi thì muốn như thế nào cũng được”, không phải như vậy! Quý vị tin Phật, cũng cần phải không tạo tội nghiệp mới được. Nếu tạo tội nghiệp thì vẫn đọa địa ngục như thường.
- Đã vẫn phải đọa địa ngục như vậy thì tại sao phải quy y Tam Bảo?
Quy y Tam Bảo chính là quý vị phải bỏ ác làm lành, sửa đổi những lỗi lầm đã qua để làm mới lại chính mình. Từ đây về sau chỉ làm việc lành, không làm điều sai quấy, như thế mới có thể gặt hái được lợi ích. Cho nên câu Thần chú này chính là quay về nương tựa Tam Bảo vô cùng tận trong mười phương.
Quý vị niệm câu chú này cũng có thể tiêu trừ tai ách. Quý vị có những tai nạn gì nên thường niệm “Nam Mô Hắc Ra Ðát Na Ðá Ra Dạ Da” thì tai nạn của quý vị sẽ được giải trừ. Nếu là tai nạn lớn thì sẽ biến thành nhỏ, tai nạn nhỏ biến thành không. Cho nên còn gọi là pháp Tiêu Tai.
“Nam Mô Hắc Ra Ðát Na Ðá Ra Dạ Da” cũng là “pháp Tăng Ích”. Tăng Ích nghĩa là quý vị vốn đã có thiện căn, nay niệm Thần chú này, thiện căn của quý vị sẽ được gia tăng gấp bội, đạt được lợi ích càng nhiều, cho nên gọi là Tăng Ích pháp.
Quý vị có thể niệm hết Chú Ðại Bi, hoặc chỉ niệm câu “Nam Mô Hắc Ra Ðát Na Ðá Ra Dạ Da” nầy, không cần niệm nhiều thì bất luận quý vị muốn gì, hy vọng gì, sở cầu đều được như ý, sở nguyện đều được tùy tâm. Đây gọi là Thành Tựu pháp, quý vị cầu gì đều sẽ được thành tựu. Ví như quý vị không có con trai mà muốn cầu sanh con trai thì hãy niệm “Nam Mô Hắc Ra Ðát Na Ðá Ra Dạ Da” sẽ sanh được con trai. Quý vị không có bạn tốt, muốn tìm một người bạn tốt thì cũng niệm câu chú này sẽ gặp được bạn tốt. Nhưng quý vị phải thành tâm, không chỉ niệm một ngày, hai ngày mà ít nhất phải trì niệm trong ba năm. Nếu quý vị có thể niệm hết bài Chú thì càng tốt, nếu không thì chỉ niệm một câu “Nam Mô Hắc Ra Ðát Na Ðá Ra Dạ Da” cũng đã thành tựu công đức bất khả tư nghì rồi.
Hình như ở phương Bắc có một trường phái ngoại đạo gọi Lý Môn. Phái Lý Môn này không niệm gì khác ngoài một câu Chú này. Vị lãnh đạo tối cao ngồi đó để nhận sự lễ bái của người khác, ai ai cũng hướng về ông ấy khấu đầu đảnh lễ. Trong tâm ông ấy thường niệm gì vậy? Chính là niệm câu chú “Nam Mô Hắc Ra Ðát Na Ðá Ra Dạ Da” này. Đây chính là pháp linh ứng của phái Lý Môn. Có người cũng làm bộ làm tịch giống như ông ta, ngồi lên pháp tòa, ngồi ngay chính giữa gọi là “Lĩnh Chánh” (thủ lĩnh), ngồi ở hai bên gọi là “Bang Chánh” (phụ tá thủ lĩnh), ba người ngồi ở đó giống như làm lễ Phóng Diệm Khẩu (chẩn tế) vậy. A, đây chính là Lý Môn. Nếu có người đi Tại Lý, họ sẽ truyền cái gì? Họ truyền cho một pháp bí mật. Mật pháp của họ là bảo quý vị đưa tay ra, giữ nguyên tư thế ấy đọc lên mấy chữ “Quán, Thế, Âm, Bồ, Tát”, lễ nhập môn như thế đã xong, xem như quý vị đã được đóng ấn. Sau khi được đóng ấn rồi thì không cần niệm ra tiếng, nếu muốn niệm thì niệm thầm trong tâm: “Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát”. Pháp môn này dù là cha con cũng không được nói với nhau, dù là vợ chồng cũng không được truyền cho nhau. Đạt được năm chữ này rồi thì gọi là “ngũ tự chân ngôn”. Sau đó, lại bảo với quý vị là ở Tại Lý không niệm như vậy, mà phải “bế khẩu tàng thiệt”, miệng ngậm lại và đầu lưỡi cuốn lên, đầu lưỡi cuốn lên trụ vào nướu rang, hơi thở nương theo tâm mà niệm, ý căn thanh tịnh thì pháp sẽ hiện ra. Họ rao giảng một cách rất là mầu nhiệm, rất là thần bí. Ở phương Bắc cũng có một cái hội gọi là “Giới Yên Tửu Hội”. Hội này như thế nào? Hội này chủ yếu không uống rượu, không hút thuốc, gọi tên là “Công Sở Tại Lý”. Ở Trung Quốc trong gần hơn một trăm năm trở lại đây, Công Sở là đạo rất thạnh hành. Họ nương vào gì mà được như vậy? Chính là nương vào câu Chú này. Người làm pháp sư an tọa vào chỗ ngồi chính giữa và niệm “Nam Mô Hắc Ra Ðát Na Ðá Ra Dạ Da”. Bởi vì trước kia tôi từng trải qua nên tôi đều biết.
Câu chú này cũng chính là “Pháp Hàng Phục”, có thể hàng phục thiên ma, chế ngự ngoại đạo. Tất cả thiên ma ngoại đạo nghe đến câu chú này đều phải bỏ chạy thục mạng. Ngoài ra, chú này còn là “Pháp Câu Triệu”. Câu triệu pháp tức là niệm một câu chú đó thì yêu ma quỷ quái đều bị bắt lại. Vì vậy công năng của câu chú “Nam Mô Hắc Ra Ðát Na Ðá Ra Dạ Da” này là không thể nghĩ bàn, nếu giảng rộng ra thì không thể nào cùng tận!
“Nam Mô Hắc Ra Ðát Na Ðá Ra Dạ Da”: “Nam Mô” là quay về nương tựa, “Hắc Ra Ðát Na” là Bảo, “Ðá Ra Dạ” là Tam, “Da” là chữ “Lễ”. Cho nên hợp lại ý nghĩa của câu này là đem thân tâm và tính mạng của chúng ta quy y Tam Bảo trong mười phương ba đời vô tận vô tận, đồng thời phải hướng về Tam Bảo mà cúi đầu đảnh lễ.
Vì sao gọi là vô tận? Vì quá khứ Chư Phật không cùng tận, hiện tại Chư Phật không cùng tận và vị lai Chư Phật cũng không cùng tận, cho nên gọi là Tam Bảo vô tận vô tận.
2. NAM MÔ A Rị DA. (Na Mwo E Li Ye)
“Nam Mô” giống như nghĩa đã giảng ở trước, nghĩa là quay về nương tựa, cung kính thân cận học hỏi với Chư Phật và Bồ Tát.
“A Rị Da”, “A Rị” dịch là Thánh giả. Thánh giả lại có nghĩa là xa rời tất cả các pháp ác bất thiện. Pháp ác bất thiện là chỉ cho vô số các pháp ác. “Da” nghĩa là “Lễ”. Cho nên nghĩa của “A Rị Da” là kính lễ Thánh giả vậy.
3. BÀ LÔ YẾT ÐẾ THƯỚC BÁT RA DA. (Pwo Lu Jye Di Shau Bwo La Ye)
“Bà Lô Yết Ðế” dịch là gì? Nghĩa là “quán” trong Quán Thế Âm Bồ Tát. Cũng dịch là “quang, nghĩa là “Quang Minh Biến Chiếu” (hào quang chiếu khắp). Lại còn một cách dịch nữa là “sở quán sát”, nghĩa là cảnh giới đối tượng của sự quán sát.
“Thước Bát Ra Da” là “Tự Tại”. Hợp nghĩa với câu trên là “Quán Tự Tại”, chính là “Quán Tự Tại Bồ Tát”.
4. BỒ ÐỀ TÁT ÐỎA BÀ DA. (Pu Ti Sa Two Pe Ye)
Chúng ta ai cũng biết Bồ Đề là giác, Phạn ngữ gọi là “Bồ Ðề”. Cho nên giác là giác ngộ.
“Tát Ðỏa” nghĩa là độ. Bồ Ðề Tát Ðỏa gọi tắt là “Bồ Tát”, tức là một chúng sanh đã tự giác tự độ. Tự mình đã giác ngộ và tự độ được cho chính mình.
“Bà Da” nghĩa là đảnh lễ. ‘Da’ là khấu đầu đảnh lễ. Cúi đầu đảnh lễ ai? Cúi đầu đảnh lễ Bồ Tát, bậc tự giác tự độ.
Theo câu này là “Bất Không Quyến Sách Bồ Tát áp đại binh”, nghĩa là một khi quý vị tụng câu chú này thì Bồ Tát Bất Không Quyến Sách thống lĩnh thiên binh, thiên tướng đến bảo hộ cho quý vị.
5. MA HA TÁT ÐỎA BÀ DA. (Mwo He Sa Two Pe Ye)
“Ma Ha” là lớn, là nhiều, là thắng. “Ma Ha” là nói đến người phát tâm Bồ Ðề lớn, rất nhiều người phát tâm Bồ đề lớn và đều đạt được thành tựu, gặt hái được nhiều lợi ích thù thắng.
“Tát Ðỏa” nghĩa của chữ Tát Ðỏa này với chữ Tát Ðỏa ở trên không giống nhau. Chữ Tát Ðỏa trên có nghĩa là độ. Chữ Tát Ðỏa này nghĩa là dũng mãnh giả, Dũng Mãnh Giả là chỉ cho một người tinh tấn, một chúng sanh tu hành rất dụng công và tinh tấn.
6. MA HA CA LÔ NI CA DA. (Mwo He Jya Lu Ni Jya Ye)
“Ma Ha” như trên đã giảng.
“Ca Lô” nghĩa là “Bi”
“Ni Ca” nghĩa là “Tâm”
Hợp nghĩa “Ma Ha Ca Lô Ni Ca” lại là “Ðại Bi Tâm”
“Da” vẫn nghĩa là “Ðảnh Lễ”
Cả câu trên có nghĩa là chúng ta cần phải Ðảnh Lễ Thần chú Ðại Bi Tâm Ðà La Ni.
7. ÁN. (Nan)
Chữ “Án” này có thể dịch là “bổn mẫu”. Bổn là căn bổn, mẫu là mẫu thân. “Bổn mẫu” cũng chính là “chú mẫu”, chú mẫu cũng chính là “Phật mẫu”, Phật mẫu cũng chính là mẹ tâm của chúng sanh. Bởi vì tâm của chúng sanh đầy đủ trí huệ của bổn mẫu. Năng lực của câu chú này có thể phát sanh ra mười loại pháp môn. Mười loại pháp môn:
Loại thứ nhất là “tự”.
Loại thứ hai là “cú”, nghĩa là từng câu từng câu trong Kinh điển hoặc Thần chú.
Loại thứ ba là “quán”, nghĩa là quán xét. Quý vị nên dùng công phu Quán sát để tu hành.
Loại thứ tư là “trí”, tức trí huệ, dùng kiếm Trí huệ chặt đứt tất cả mọi phiền não. “Trí” là Bát nhã ba la mật môn. “Quán” là Thiền ba la mật môn.
Loại thứ năm là “Hành”, nghĩa là tu hành, hành trì, là y cứ theo pháp này để tu hành.
Loại thứ sáu là “Nguyện”, quý vị cần phải phát Nguyện và nương theo pháp môn ấy để tu hành.
Loại thứ bảy là “Y giáo tu hành”, nghĩa là nương theo lời dạy của Phật mà tu hành. Nếu quý vị không nương theo lời Phật dạy để tu thì dẫu quý vị có tu hành đến trần sa kiếp (số kiếp nhiều như bụi trần) cũng giống như nấu cát mà muốn thành cơm vậy. Nấu cát mà muốn thành cơm, không hề có lý này. Nhưng nếu quý vị muốn y giáo tu hành thì quý vị phải hiểu rõ giáo lý.
Loại thứ tám là “Lý”. Nếu quý vị có hội nhập được diệu lý của Phật Pháp thì mới minh bạch. Nếu không khế hội được Diệu lý của Phật pháp thì chỉ tu mù luyện đui, dẫu tu đến bao lâu cũng chẳng có lợi ích gì, không thể nào thành công được.
Loại thứ chín là “Nhân”. Quý vị cần phải trồng nhân tốt. Nếu như quá khứ trồng nhân lành, nhân thù thắng hoặc nhân thanh tịnh thì tương lai quý vị mới gặt hái được quả tốt.
Loại thứ mười là “Quả”, nghĩa là kết nên một Diệu quả, kết nên một Thánh quả và kết nên một Giác quả cứu cánh.
Từ một chữ “Án” này mà sanh ra mười loại diệu pháp môn. Vì vậy, lúc chúng ta niệm Chú Ðại Bi, khi vừa niệm đến chữ “Án” thì tất cả quỷ thần đều phải chấp tay cung kính, một mực lắng nghe, không dám có chút giải đãi, không dám có chút qua loa khinh suất. Do vậy khi quý vị tụng Chú Ðại Bi đến chữ “Án” này thì bất kể là ác thần, ác quỷ, ác phong hay gì gì đi nữa cũng đều phải giữ gìn quy cũ. Chữ Án có một năng lực to lớn như thế.
8. TÁT BÀN RA PHẠT DUỆ. (Sa Pan La Fa Ye)
“Tát Bàn Ra” dịch là “Tự tại”. Quý vị trì tụng câu chú này thì Tứ Ðại Thiên Vương đều đến làm Hộ Pháp cho quý vị. “Phạt Duệ” nghĩa là “Thế Tôn”, cũng gọi là “Thánh Tôn”. Cả câu này nghĩa là Tự Tại Thế Tôn, Tự Tại Thánh Tôn hay Tự Tại Phật. Câu chú này đề cập đến Phật Bảo.
9. SỐ ÐÁT NA ÐÁT TẢ. (Swo Da Nwo Da Sye)
Chữ “Số”, thường người ta đọc âm của chữ “thúc” là shù, đó là sai, nên đọc âm của chữ “sóc” là “shuò ”. “Số Ðát Na” nghĩa là “Pháp”. Đó là pháp gì? Pháp này gọi là “Diệu thắng xứ”, còn gọi là “Diệu thắng pháp” hay “Cao thượng thắng sanh”. Chữ “Cao” nghĩa là không có gì cao hơn. “Thượng” nghĩa là không có pháp gì thù thắng cao thượng hơn. “Thắng sanh” nghĩa là pháp do sức thù thắng sanh ra. Đây chỉ là một cách dịch.
Lại có một cách dịch nghĩa của chữ Pháp nữa là “Diệu thắng” hay “Thắng thân”. Diệu thắng nghĩa là Thắng này rất vi diệu, Thắng thân là một pháp.
Lại có một cách dịch khác của chữ pháp là “Tối Thượng Thừa Ðịa”, là cảnh giới tối thượng thừa sau khi đạt được quả vị Thập Ðịa.
Ở trước nêu “Tát Bàn” là Phật Bảo. “Số Ðát Na” là Pháp Bảo. “Ðát Tả” là Tăng Bảo. Đây cũng chính là Tam Bảo. Thỉnh Tam Bảo đến gia hộ cho quý vị. Cho nên ai trì niệm câu chú này cũng chính là thỉnh nguyện Tam Bảo đến hộ trì cho mình.
“Ðát Tả” có hai nghĩa. Một là là dùng giáo lý để triệu vời hết thảy quỷ thần, hai là dùng câu chú nầy để kêu gọi tất cả quỷ thần.
10. NAM MÔ TẤT KIẾT LẬT ÐỎA Y MÔNG A LỊ DA. (Na Mwo Syi Ji Li Two Yi Meng E Li Ye)
Câu này có nghĩa là gì? Đây Nam Mô, kia Nam Mô. Nam Mô, Nam Mô, toàn Nam Mô người khác mà không bao giờ Nam Mô chính mình. Người tu Ðạo không cần phải đi “Nam Mô” (nương tựa) người khác, mà phải quay về “Nam Mô” (nương tựa vào) chính mình. Không nên suốt ngày từ sáng đến tối đi tính toán dùm người khác, nên chu toàn cho bản thân mình. Chữ “Nam Mô” vẫn có nghĩa là mình phải quy y với Tam Bảo vô tận trong mười phương. “Tất Kiết Lật” là “hoàn toàn”, nghĩa là “hoàn toàn đảnh lễ”.
“Ðỏa Y Mông”, nghĩa là gì? Nghĩa là “Ngã”, là bảo quý vị phải toàn tâm đảnh lễ “ngã”. Ngã này chính là cái ngã của vô ngã, không phải là cái ngã của hữu ngã. Thế nào là không có “ngã”? Nghĩa là nếu người ta đánh quý vị, quý vị không biết đau; người ta mắng quý vị, quý vị không cảm thấy khó chịu; nhục mạ quý vị mà quý vị cảm thấy như không có điều gì xảy ra. Quý vị không nhất thiết là phải nhẫn nhục, bởi vì nếu dùng “Nhẫn” thì đã rơi vào đệ nhị nghĩa rồi. Ngay cả Nhẫn cũng không cần, bởi vì cơ bản là không có nhẫn có thể nhẫn. Đây gọi là “ngã của vô ngã” vậy.
“A Lị Da”, ở trước đã giảng, có nghĩa là Thánh giả. Ở đây là phải toàn tâm đảnh lễ vị Thánh giả của cái “Ngã” ấy . Vị Thánh Giả của cái ngã ấy là ai? Là hết thảy chư vị Bồ Tát Ma Ha Tát, hết thảy Thiên Long Bát Bộ. Đây chính là đảnh lễ Thánh giả của “cái Ngã Vô Ngã” ấy. Thánh giả như vậy rất nhiều. Là ai vậy? Tiếp theo tôi sẽ nói cho quý vị biết.
11. BÀ LÔ KIẾT ÐẾ THẤT PHẬT RA LĂNG ÐÀ BÀ. (Pe Lu Ji Di Shr Fwo La Leng Two Pe)
“Bà Lô Kiết Ðế” cũng chính là “Quán”. “Thất Phật Ra” dịch là “Tự tại”, lại gọi là “Thế Âm”. “Bà Lô Kiết Ðế Thất Phật Ra” là “Quán Thế Âm hay “Quán Tự Tại”. “Quán Thế Âm” và “Quán Tự Tại” này không nhất định là Quán Thế Âm Bồ Tát mới gọi là Quán Tự Tại hay Quán Thế Âm. Nếu lúc quý vị đạt được Tự Tại rồi thì quý vị tức là “Quán Tự Tại”, lúc quý vị có thể cứu độ chúng sanh thì quý vị chính là “Quán Thế Âm”. Vì vậy, khi quý vị có thể hành theo Pháp này thì quý vị là hóa thân của Ðức Quán Thế Âm; nếu tôi có thể hành theo Pháp này thì tôi cũng là hóa thân của Ngài.
“Lăng Ðà Bà” dịch là “Hải Ðảo”, chính là núi Phổ Ðà Lạc Già, trụ xứ của Bồ Tát Quán Thế Âm. Đó cũng chính là Phổ Đà Sơn mà người Trung Hoa đã nói.
“Phổ Ðà Sơn” còn gọi là “Tiểu Bạch Hoa Sơn”, vì trên núi ấy có nở một loài hoa tên Tiểu Bạch. Và ở đây có một cung điện bằng đá gọi là “Từ Ái Cung”, đó là cung điện mà Bồ Tát Quán Thế Âm ở. Bên trong cung điện đều được làm bằng thất bảo, trang nghiêm mầu diệu chẳng khác nào Thiên cung, nhưng không dễ ai đến được nơi này.
“Bà Lô Kiết Ðế Thất Phật Ra” là người từ bi. “Lăng Ðà Bà” là Từ Bi cung, chính là cung điện Từ Bi, nơi ở của Bồ Tát Quán Thế Âm.
12. NAM MÔ NA RA CẨN TRÌ. (Na Mwo Nwo La Jin Chr)
Đây là mười loại tâm mà kinh “Ðại Bi Tâm Ðà La Ni” đề cập. Trong phần trước, chúng ta có nói đến mười loại tâm, đó là tướng mạo của “Đà La Ni”, chúng ta nên y theo mười loại tâm này mà tu hành.
“Nam Mô” cũng như trên, là “Quy mạng kính đầu”. “Na Ra” dịch là “Hiền”. “Cẩn Trì” dịch là “Ái”. Tức muốn nói sự hiền ái khéo hộ trì người tu hành. Sự hiền ái khéo hộ trì cũng chính là Tâm đại từ bi, là Tâm cung kính, là Tâm vô thượng bồ đề đã nói ở trước.
“Na Ra Cẩn Trì” là Ðại từ bi tâm, là Cung kính tâm, là Vô thượng bồ đề tâm (tức là tâm thứ nhất, thứ sáu và thứ mười trong mười loại tâm đề cập trong Kinh Ðà La Ni). Câu chú này đại diện cho ba loại tâm như vậy.
13. HÊ RỊ MA HA BÀN ÐA SA MẾ. (Syi Li Mwo He Pan Dwo Sa Mye)
“Hê rị” dịch thành một chữ “Tâm”. Tâm này là tâm gì? Là Tâm vô nhiễm trước. Tâm vô nhiễm trước (tâm thứ tư trong mười loại tâm) cũng có nghĩa là bảo quý vị hãy giữ tâm thanh tịnh. Nếu như quý vị khởi lên các loại tâm không thanh tịnh như tham, sân, si, mạn, nghi... là đã biến thành ô nhiễm rồi! Không có những niệm ấy chính là Tâm vô nhiễm trước.
“Ma Ha Bàn Ða Sa Mế”. “Ma Ha” là “Ðại”. “Bàn Ða Sa Mế” có nghĩa là gì? Nếu như tôi không nói ra thì quý vị chắc chắn không biết, cho nên tôi cần phải giảng ra thì quý vi mới có thể biết. Nhưng khi tôi vừa nói ra, quý vị hẳn sẽ thốt lên: “Ồ! Thì ra là cái này”. Quý vị vốn cũng đã biết. “Bàn Ða Sa Mế” nghĩa là Quang Minh. Cả câu “Ma Ha Bàn Ða Sa Mế” có nghĩa là “Ðại Quang Minh”. Còn có một cách dịch khác là “Ma ha” ngoài nghĩa “Lớn” ra, còn dịch là “Trường”. “Trường Chiếu Minh” nghĩa là ánh sáng mãi mãi chiếu soi.
Có người nói: “Ồ, cái Ðại Quang Minh này, khi đi nghe giảng kinh, tôi nghe qua rất nhiều rồi”. Nghe qua rất nhiều lần rồi? Những ý nghĩa trong Chú Ðại Bi, nếu tôi không giảng, quý vị ắt sẽ không biết được. Tôi nói cho quý vị biết, không dễ gì mà gặp được người giảng Chú Ðại Bi cho quý vị nghe đâu. Tôi thành thật nói cho quý vị biết là không có người biết giảng Chú Ðại Bi, không ai biết cứu cánh của Thần Chú Ðại Bi là gì, không biết phiên dịch Chú Ðại Bi thế nào. Có thể quý vị sẽ thắc mắc rằng: “Vậy tại sao Hòa Thượng biết được?”. Quý vị chớ nên hỏi tôi, vì tôi không hỏi quý vị, quý vị không thể hỏi tôi làm sao biết được! Làm sao tôi biết? A! Tôi tự biết. Nếu tôi không biết thì đã không thể giảng cho quý vị nghe. Quý vị không nên hỏi tôi làm sao biết mà nên hỏi lại chính mình tại sao không biết? Nếu quý vị biết tại sao mình không biết thì ắt sẽ biết được làm sao tôi biết. Ngược lại, nếu quý vị không biết nguyên nhân sao mình không biết thì cũng sẽ không biết làm sao tôi biết. Cái vi diệu chính là ở chỗ nầy.
Giống như có người hỏi tôi: “Vì sao Hòa Thượng lại xuất gia?”. Tôi không trực tiếp trả lời vì sao tôi đi tu mà chỉ hỏi lại anh ta rằng: “Vì sao anh không xuất gia?” Nếu anh biết được vì sao anh không xuất gia thì anh đã hiểu rõ tại sao tôi lại xuất gia. Cũng vậy, việc vì sao tôi biết cũng cùng một đạo lý như thế! Quý vị hỏi tôi làm sao hiểu thì tự quý vị phải hỏi lại chính mình tại sao không hiểu? Ắt sẽ biết làm sao tôi hiểu!
Quý vị hôm nay được nghe giảng Chú Ðại Bi, chứng tỏ quý vị đều là những người có thiện căn lớn. Vì vậy quý vị phải tự biết bảo hộ cái thiện căn đó của chính mình, tự mình trân quý thiện căn của chính mình và phải khéo dụng cái thiện căn ấy để học tập Phật Pháp.
Hiện tại chúng ta đang sống trong đời Mạt pháp, chư Phật, Bồ Tát đều rất ít thị hiện trên thế giới nầy. Ở vào thời mạt pháp này (thời Phật pháp sắp tàn) không dễ gì gặp được chánh pháp, cũng không dễ gặp được người tu đạo chân chánh, cho nên tôi nghĩ lần này ở Ðài Loan có nơi mở Giới Ðàn, nên cho năm người đệ tử đến đó thọ giới. Các đệ tử từ Ðài Loan có gởi thư về thưa chuyện với tôi rằng: Ở đó có rất nhiều người bảo họ “không cần phải tu hành”. Quý vị nói xem! Chúng ta là những chúng sanh bình thường, nếu không tu hành thì làm sao có thể thành tựu Phật Ðạo? Không dụng công hành trì làm sao có thể liễu ngộ Ðạo pháp. Nếu như quý vị nói không cần dụng công tu hành mà cũng thành Phật, liễu đạo thì trước kia Ðức Phật cũng không cần ngồi tu sáu năm ở Tuyết Sơn, sau đó đến tọa thiền bốn mươi chín ngày dưới gốc cây Bồ đề, nửa đêm nhìn thấy sao sáng mà ngộ Ðạo. Ngay cả Ðức Phật còn phải tu hành mới thành tựu Phật quả, còn chúng sanh như chúng ta nếu không tu hành thì làm sao có thể thành Phật? Ai cũng biết rõ có tu hành mới thành Chánh Quả, nhưng người tu hành thì rất ít; ai cũng biết rằng không tu hành thì sẽ sa đọa địa ngục, nhưng người không chịu tu hành thì không sao đếm xuể. Ðang trong thời kỳ Mạt pháp mà chúng ta có nhân duyên thấy nghe được Phật Pháp, nên hãy dũng mãnh tinh tấn, mỗi giờ mỗi khắc không được biếng nhác, tinh tấn dụng công tiến lên phía trước mới mong ngày thành tựu. Nếu như không dũng mãnh tinh tiến mà muốn thành đạo thì không thể nào có được. Vì vậy mỗi chúng ta không được sợ cực khổ, khó khăn, trong muôn vàn bận rộn lấy lại tinh thần, giương cao dũng khí tu hành, dõng mãnh dụng công tiến tới, nỗ lực học tập Phật pháp.
Tôi thường nói Phật Pháp dù vi diệu đến mấy, nhưng nếu quý vị không tin thì đối với quý vị cũng chẳng có lợi ích gì. Ngược lại, nếu tôi nói Pháp không có ý nghĩa gì cả, nhưng nếu quý vị chân thành thực hành thì đây là diệu pháp đối với quý vị. Tôi nói là diệu pháp nhưng nếu quý vị không thực hành thì đối với quý vị không còn là diệu pháp nữa. Cho nên chúng ta tu hành trong mọi thời khắc cần phải một lòng tinh tấn, không nên thoái thất, không được sanh lòng biếng nhác. Ðây là điều tối quan trọng. Nếu quý vị có thể trong mọi thời khắc tinh tấn tiến tới thì nhất định có một ngày quý vị sẽ nhận chân được bản lai diện mục của chính mình.
Xưa, ở Triều đại nhà Lương có Thiền Sư Chí Công là một bậc Cao Tăng đức hạnh lớn, nhưng đặc biệt không ai biết cha mẹ của Ngài là ai. Truyện kể rằng: Ngày nọ, có một phụ nữ nghe được tiếng khóc của trẻ con trên cây, cô bèn trèo lên thì phát hiện có một đứa trẻ đang nằm trong tổ chim ưng, cô liền bế bé về nuôi dưỡng. Thân hình đứa trẻ giống như người bình thường, nhưng bàn tay, bàn chân thì giống như ngón chân chim ưng. Sau khi trưởng thành, xuất gia tu Ðạo và khai mở được ngũ nhãn, lục thông. Vì không có ai biết cha mẹ của Ngài là ai, mà chỉ biết là Ngài được đem xuống từ ổ chim ưng, nên người ta đều đoán là Thiền sư được ấp nở ra từ trứng chim ưng.
Thời ấy, vua Lương Vũ Ðế và mọi người đều rất rất tin phục Thiền sư. Bất kể là có hữu sự gì như: sanh con, bạn bè, người thân chết, kết hôn, tang lễ... mọi người đều muốn thỉnh Thiền sư đến tụng Kinh cầu nguyện. Một lần, có một người giàu có thỉnh Thiền sư đi tụng Kinh cho đám cưới của con ông và thỉnh Thiền sư chúc vài câu tốt lành để ngày vui của con ông được trọn vẹn. Thiền sư Chí Công đến dự hôn lễ, vừa trông thấy cô dâu và chú rễ, Thiền sư liền nói: “Lạ quá! Lạ quá! Cháu lấy bà nội”. Nghĩa là sự việc nầy trên thế gian xưa nay chưa từng có, là một việc không bình thường, hết sức kỳ lạ, cháu nội nghiễm nhiên lấy bà nội. Trên thế gian nầy, mọi mối quan hệ như vợ chồng, cha con, mẹ con... nếu quý vị không biết nhân duyên trong đời quá khứ thì không thể nào hiểu được vì sao ông nội trong quá khứ lại kết hôn với quý vị trong đời này; hoặc bà nội của quý vị đời trước lại thác sanh làm con gái của quý vị? Tất cả đều không nhất định.
Sở dĩ có việc “cháu lấy bà nội” này là vì trước kia, lúc bà nội sắp mất có thổ lộ nỗi lòng với người nhà rằng: “Con trai của ta đã lấy vợ, vợ con nó đầm ấm; con gái ta cũng đã lấy chồng, ta không có gì phải lo lắng cho chúng nữa. Nhưng ta còn một đứa cháu nội, tương lai sau này ai sẽ là người săn sóc cho nó? Vợ tương lai của nó biết có tốt với nó không? Ta thật không thể không lo cho nó!” Bà nội cứ thế nắm lấy tay cháu mà nói rằng: “Cháu như thế này, nội thật rất lo cho cháu, nội có chết rồi cũng không sao nhắm mắt được”. Mắt không nhắm được những vẫn phải chết, và như thế bà ra đi trong tiếc nuối. Ðến chỗ Vua Diêm La rồi, bà vẫn cầu xin Diêm Vương cho bà được chăm sóc cháu: “Thưa Diêm Vương, đây là cháu của tôi, tôi thấy không có ai săn sóc nó và tôi rất là nhớ nó”. Vua Diêm La nói: “Ðược rồi, vậy bà hãy trở lại trần gian chăm sóc cho nó!” Thế là Diêm Vương lập tức cho bà đi đầu thai, sau khi lớn lên, bà được gả làm vợ cho cháu mình. Cho nên mới gọi cuộc hôn nhân này là “cháu lấy bà nội”. Bà nội này vì không yên lòng đứa cháu nên trở lại làm vợ để lo cho nó. Quý vị nói xem, đây có phải là chuyện kỳ lạ hay không?
Thiền Sư Chí Công làm sao biết được điều đó ? Vì Ngài có đủ Ngũ nhãn, Lục thông, nên lúc vừa nhìn thấy cô dâu liền biết được kiếp trước của cô vốn là bà nội của chú rể, vì một niệm không buông xả được nên phải trở lại làm vợ đứa cháu.
Thiền Sư lại hướng nhìn vào mọi người, thấy có một bé gái đang cầm một miếng thịt ăn, Ngài lại nói: “con gái ăn thịt mẹ”. Là vì miếng thịt mà bé gái đang ăn vốn là mẹ ruột của nó bị chuyển sanh làm loài dê. Nay con dê này bị giết và bị con gái mình lấy thịt ăn.
Thiền Sư lại nhìn qua giàn trống nhạc, có một nhạc công tấu nhạc đang đánh trống ở đấy, Ngài bèn nói: “Con trai đánh da bố”. Da trống của nhạc công này đánh được làm bằng da lừa, chính là con lừa do cha anh đầu thai, lừa bị giết thịt, lột lấy da làm mặt trống này.
Thiền Sư lại nhìn lên giường nói: “Heo dê ngồi ở trên”. Đây là những heo dê bị người trong gia đình giết ăn thịt trước kia, nay đều được chuyển kiếp làm người, đều làm họ hàng thân thích, bạn bè của gia đình, cho nên đều đến nhà này làm khách ngồi dự tiệc.
“Lục thân bị nấu trong nồi”. Quý vị thấy đó, thân thích bên cha, thân thích bên mẹ, thân thích của anh, thân thích của em, tất cả bạn bè thân thích của nhà này trước kia đều ăn thịt heo, dê. Bây giờ lại bị hóa kiếp làm heo, dê, bị người thân giết thịt bỏ vào nồi nấu ăn.
“Mọi người đến chúc mừng!” Mọi người đến nhà dự tiệc thấy anh ta mới cưới vợ đều nói: “Chúc mừng anh!” Người này đến chúc mừng, người kia đến chúc mừng. Trước tình cảnh như vậy, Ngài nói : “Tôi thấy đây là khổ”. Đây là tạo nghiệp, mà tạo nghiệp là ý nghĩa của khổ đau!
Thiền Sư Chí Công thấy rõ được nhân quả của gia đình này. Gia đình này như vậy, ai biết những gia đình khác không phải như thế? Cho nên, người tu Ðạo cần phải cẩn trọng việc gieo nhân, nếu không thận trọng thì kết quả sẽ bị mang nợ về sau. Vì sao con người được làm người? Chúng ta được làm người chính là đến để trả nợ. Trả nợ gì? Trả nợ luân thường, trả nợ nhân quả thế gian. Quý vị trả được nợ này thì nợ nần chấm dứt. Nếu quý vị không trả nợ thì nợ vẫn còn mãi. Giống như chúng ta nợ tiền người thì chúng ta phải trả, nếu không trả thì nợ không hết. Con người sống trên đời này cũng giống như vậy.
Tôi lại nhớ một câu chuyện : Có gia đình nọ nuôi một con lừa, hằng ngày dùng nó để kéo xay, chuyên chở. Người kéo xay ghét lừa chậm chạp, nên mỗi ngày ở nơi làm việc đều cầm một cây roi tre đánh đập nó. Người này luôn thúc bách lừa làm việc và ngày ngày đều đánh đập nó như thế. Sau khi trả xong kiếp lừa, nó được chuyển kiếp làm thân người nam, còn kẻ chuyên đánh lừa chuyển thành thân người nữ. Thế rồi hai người này lấy nhau. Quý vị nói xem, khi lấy nhau rồi họ sẽ như thế nào? Người chồng mỗi ngày từ sáng đến tối luôn đánh đập vợ. Bất kể là quơ được vật gì thì đánh bằng vật đó, như cầm phải đũa ăn cơm thì đánh bằng đũa. Anh ta đánh chưởi vợ suốt ngày, luôn thấy vợ làm gì cũng không đúng cả.
Bị đánh quanh năm suốt tháng như thế, hôm nay gặp được Thiền sư Bảo Chí đến, cô vợ bèn thưa rằng: “Than ôi! Chồng của con, không biết vì lẽ gì mà ngày ngày anh đều đánh đập con? Thiền sư là người tu hành có được Ngũ nhãn, Lục thông, xin Ngài xem coi là do nhân quả gì, vì sao hằng ngày anh ấy lại đánh đập con như vậy?”
Thiền Sư bèn nói: “Ồ! Nhân quả của hai người là như thế nào à? Tiền kiếp cô là một chàng trai có nuôi một con lừa trong nhà để xay bột cho cô, hằng ngày cô luôn tay đánh đập con lừa ấy. Hiên nay, con lừa ấy đã chuyển kiếp thành thân người nam. Cô, người ngược đãi lừa kiếp trước nay chuyển làm thân người nữ và hai người kết hôn. Cho nên hằng ngày con lừa đánh cô vì kiếp trước cô dùng cán chổi đánh nó. Một cán chổi được kết bằng mấy trăm nhánh trúc, cho nên bây giờ cô muốn hóa giải oan kết ấy, tôi sẽ bày cho cô một cách. Về nhà, tất cả mọi đồ vật cô phải cất dấu hết, chỉ chừa lại một cái chổi đuôi ngựa, còn gọi là chổi dây. Cô nên giữ cây chổi đó lại, lúc về nhà anh ta không thấy có vật gì để đánh thì sẽ cầm đại cái chổi kia để đánh. Ðợi đánh xong, cô nói cho anh ta biết, vì tiền kiếp cô là người đánh con lừa kéo xay, còn anh kiếp trước là con lừa, vì hằng ngày bị cô đánh đập, nên bây giờ ngày ngày anh cũng hành hạ cô. Cái chổi được đan bằng rất nhiều lông đuôi ngựa mà hiện anh ta đang dùng đánh cô, đánh một cái thành mấy trăm roi. Cho nên anh ta đánh cô một trận thì xem như hôm nay nợ trước đã trả xong. Cô hãy nói rõ ràng như vậy cho anh ta biết, về sau anh ta sẽ không còn đánh đập cô nữa”.
Quả thật, về nhà cô ta đã cất dấu hết tất cả đồ vật trong nhà. Lúc chồng cô về, không cần phân giải điều gì, lập tức muốn đánh cô, anh ta tìm khắp nơi cũng không thấy có vật gì cả, mà chỉ thấy một cây chổi đuôi ngựa, liền quất tới tấp vào vai vào mặt cô. Trước kia anh ta đánh cô, cô đều bỏ chạy, lần nầy, cô cứ ngồi tại chỗ để cho chồng đánh. Ðợi lúc đánh chán rồi, anh ta mới hỏi: “Này cô, sao lúc trước tôi đánh cô, cô đều bỏ chạy, hôm nay tôi đánh, sao cô lại không chạy?” Cô liền nói: “Anh không biết, anh đánh tôi đều có nhân quả cả. Hôm nay có Thiền Sư Bảo Chí đến, tôi thỉnh giáo Ngài nói cho tôi biết vì cớ gì mỗi ngày anh đều đánh tôi? Ngài bảo cho tôi biết: Ðời trước anh là một con lừa, vì hằng ngày tôi phải sai lừa kéo xay nên ngày nào tôi cũng đánh đập nó. Kiếp này con lừa ấy chuyển kiếp thành thân nam là anh, còn người đánh lừa là tôi hóa kiếp làm thân nữ, hai chúng ta lấy nhau, cho nên mỗi ngày anh phải đánh tôi. Thiền Sư còn bảo tôi để cây chổi này ở đây, đợi lúc anh về cầm lấy nó đánh tôi và tôi không được bỏ chạy. Hôm nay anh đánh tôi xong rồi, nợ nần giữa hai chúng ta đã hết, về sau không còn đánh cãi nữa!” Nghe xong, anh chồng liền nghĩ: “Ô! thì ra sự việc là như vậy, bây giờ tôi không nên đánh nữa, vì hôm nay tôi đánh cô, nếu đánh nhiều, kiếp sau cô sẽ đánh trả lại tôi”. Thế là từ đó về sau hai vợ chồng không còn đánh nhau nữa.
Từ chuyện này có thể thấy, con người trên thế gian này, ai có duyên với ai, ai không có duyên với ai, ai là vợ chồng, anh em, cha con với nhau đều có nhân quả từ trước, cho nên kiếp này mới làm quyến thuộc của nhau. Nếu chúng ta hiểu rõ mối nhân quả này thì nên biến cải nhân quả. Phải làm việc lành, không được làm điều xấu.
Chuyện về Bảo Chí Thiền Sư trước đây tôi có giảng qua. Thiền Sư mỗi ngày đều ăn hai con bồ câu, ngày nào cũng ăn như vậy. Đầu bếp nghĩ rằng: thức ăn này chắc chắn ăn rất ngon. Một hôm nọ, anh ta dường như có ý và cũng dường như vô tình. Vì sao nói vậy? Có nghĩa là anh ta muốn nếm thử. Việc nếm thử này có hai ý nghĩa: Một mặt là muốn thử thức ăn hôm nay nấu có ngon không? Mặt khác anh ta cho rằng Bảo Chí Thiền Sư ngày nào cũng ăn thức ăn này, nhất định phải là món ăn rất ngon, vì thế phải thưởng thức một chút rồi mới đem đến cho Ngài. Bảo Chí Thiền Sư ăn hết, liền hỏi: “Hôm nay có ai nếm trộm thức ăn bồ câu của ta hay không ?” Người đầu bếp thưa “không có ai ăn trộm cả!”.
- Không có người nếm trộm? À, nhất định là anh rồi!
Người đầu bếp không thừa nhận, nói rằng: Tôi không có ăn. Nhưng Bảo Chí Thiền Sư nói: Anh không có ăn à ? Vậy tôi cho anh xem chứng cứ là anh có ăn hay không?
Nói xong, Ngài há miệng nhổ ra hai con chim bồ câu, một con bay lên, còn con kia bị mất một cánh không thể bay được. Thiền Sư bảo rằng: “Anh xem đó, nếu anh không trộm ăn thì sao con bồ câu này không bay được? Cánh kia của nó đi đâu rồi?”. Từ chuyện này mà anh đầu bếp biết được rằng Chí Công Thiền Sư không phải là người thường, mà là một vị Ðại Bồ Tát hóa thân. Vì vậy, những con bồ câu bị nấu ăn rồi, sau đó có thể hóa lại thành bồ câu sống. Nếu như không phải cảnh giới của Bồ Tát, làm sao có thể làm được việc này?
Thiền Sư Chí Công còn thường ăn một loại cá, loại cá này gọi là Tuệ Ngư. Vẫn là đem nấu nướng chín rồi mới ăn vào bụng, nhưng sau đó lại có thể nhổ ra thành cá sống. Cho nên những việc này rất bình thường đối với cảnh giới của Bồ Tát. Giống như Thiền Sư Bảo Chí (hay Chí Công) là một vị Bồ Tát đích thực. Nhưng Thiền Sư Chí Công chưa từng bảo với mọi người rằng: “Các ngươi có biết không, Ta là một vị Ðại Bồ Tát, Ta đang hành đạo với đại nguyện này hay hạnh nguyện nọ...”. Các vị ấy không bao giờ nói lên như thế. Cho nên, chúng ta là những kẻ phàm phu, dẫu có thấy chư Phật hay chư Bồ Tát cũng không thể nào nhận biết được. Việc làm của Bồ Tát và người thường là một, nhưng không giống nhau ở chỗ người phàm chỉ biết nghĩ đến lợi ích cho riêng mình, không giúp đỡ người khác; còn Bồ Tát thì vì lợi ích của mọi người mà không nghĩ đến mình. Đó là chỗ khác nhau giữa chúng sanh và Bồ Tát. Bồ Tát thì tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, tự độ độ tha. Cho nên chúng ta đang giảng Chú Ðại Bi, ý nghĩa của Chú cũng chính là đạo lý này vậy.
14. TÁT BÀ A THA ÐẬU DU BẰNG. (Sa Pe E Two Dou Shu Peng)
Câu chú này phải chia làm ba phần để niệm, vì trong câu này có ba ý khác nhau.
“Tát Bà” là tiếng Phạn, dịch là “Nhất Thiết”. Nghĩa của “Nhất Thiết” này là “Bình Ðẳng”, vì vậy “Tát Bà” (tâm thứ hai của mười loại tâm) nghĩa là “Bình Ðẳng Tâm”.
“A Tha Ðậu” cũng là tiếng Phạn, dịch là “Phú Lạc Vô Bần”; Phú là giàu có, lạc là an vui. Vì sao quý vị vừa giàu có lại an vui? Là vì không nghèo. Còn một nghĩa nữa là “Như Ý Bất Diệt”. “Như Ý” là quý vị muốn như thế nào thì có thể thành tựu như thế ấy. “Bất Diệt” là việc thành tựu như ý đó vĩnh viễn không thể nào tiêu mất. Ở trong mười loại tâm thì đây là: “Vô Vi Tâm” (tâm thứ ba). Vô vi tâm nầy chính là “Phú Lạc Vô Bần”, cũng chính là “Như Ý Bất Diệt”.
“Du Bằng” là Phạn ngữ, dịch là “Nghiêm Tịnh Vô Ưu”. “Nghiêm” là Trang nghiêm; “Tịnh” là Thanh tịnh. Ðã trang nghiêm lại còn thanh tịnh, đã thanh tịnh lại còn trang nghiêm, cho nên không có sự ưu não, sầu lo. Ðây là “Vô Kiến Thủ Tâm” (tâm thứ chín của mười loại tâm). Kiến thủ là một trong Ngũ lợi sử. Quý vị nhìn thấy cảnh thì trong tâm khởi lên sự chấp trước, đây gọi là kiến thủ tâm.
15. A THỆ DỰNG. (E Shr Yun)
“A Thệ Dựng” cũng là tiếng Phạn, dịch là “Vô Tỷ Pháp”; tức là loại pháp nầy không có pháp nào sánh được với nó. Lại còn gọi là “Vô Tỷ Giáo”, loại giáo nầy không một Tông giáo nào sánh bằng được. Ðây chính là “Tỳ Hạ Tâm” (tâm thứ bảy) trong mười loại tâm đã nói, tức là tâm khiêm nhường, hòa hiếu đối với mọi người, và còn là “Vô Tạp Loạn Tâm” (tâm thứ tám).
Pháp này là Pháp thanh tịnh vô nhiễm, cũng chính là Tâm Pháp Bát Nhã của Bồ Tát Quán Thế Âm. Y cứ theo Kinh Ðại Bi Tâm Ðà La Ni mà giảng, thì mười loại tâm nầy chính là tướng mạo của Ðà La Ni. Vì vậy, chúng ta phải y cứ theo “Kinh Ðà La Ni” để tu hành, phải nương theo “Kinh Ðà La Ni” để thành Ðạo, chứng quả.
16. TÁT BÀ TÁT ÐA, NA MA BÀ TÁT ÐA, NA MA BÀ GIÀ. (Sa Pe Sa Dwo, Na Mwo Pe Sa Dwo, Na Mwo Pe Chye)
“Tát Bà Tát Ða” là tiếng Phạn, dịch là “Ðại thân tâm Bồ Tát”.
“Na Ma Bà Tát Ða” cũng là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “Ðồng trinh Khai Sĩ”. Sao gọi là “Ðồng Trinh Khai Sĩ”? Ðây cũng là tên gọi khác của Pháp Vương Tử. Phật là Ðấng Pháp Vương, Bồ Tát là con của Đấng Pháp Vương. Ðồng Trinh tượng trưng cho “Bản tánh”. Còn Khai Sĩ là danh xưng khác chỉ cho Bồ Tát, Bồ Tát có lúc được gọi là Ðại Sĩ, có lúc được gọi là Khai Sĩ. Bồ Tát từ quả vị Ðẳng Giác cho đến Thập Ðịa đều gọi là Pháp Vương Tử.
“Na Ma Bà Già” cũng là tiếng Phạn. “Na Ma” dịch là “Vô Ðẳng Ðẳng”. Trong Tâm Kinh có nói đến “Vô Ðẳng Ðẳng Chú” phải không? Vô Ðẳng tức là không gì có thể ngang bằng. Ðó là ai? Là “Bà Già”, dịch là “Thế Tôn”, cũng chính là tất cả chư Phật trong mười phương.
17. MA PHẠT ÐẠT ÐẬU. (Mwo Fa Te Dou)
“Ma Phạt Ðạt Ðậu” là tiếng Phạn, dịch là “Thiên Thân Thế Hữu”. Ý của đoạn chú nầy là xin Bồ Tát gia bị, hộ trì chúng ta, làm người thân trên trời (thiên thân), bạn hữu dưới thế (thế hữu) của chúng ta thành tựu tất cả pháp, có được tất cả pháp lành. Câu chú nầy là nguyện cầu chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ cho mình.
18. ÐÁT ÐIỆT THA, ÁN. (Da Jr Two, Nan.)
“Ðát Ðiệt Tha” là tiếng Phạn, dịch nghĩa là gì? Trong Tâm Kinh có nói là “Tức Thuyết Chú Viết”. Tức Thuyết Chú Viết tức là Ðát Ðiệt Tha, Ðát Ðiệt Tha cũng là Tức Thuyết Chú Viết. “Ðát Ðiệt Tha” dịch là “Sở Vị”, tức là Quán Thế Âm Bồ Tát dùng lòng Ðại Bi nói ra Chơn ngôn, lại nói ra Chủng tự Phạn thiên, lại nói ra các Thủ Ấn (dùng tay kiết ấn) hay Trí Nhãn (lời nói khai mở con mắt trí tuệ của chúng sanh). “Ðát Ðiệt Tha” nghĩa là muốn nói vô số Pháp môn, muốn thuyết vô số Trí Nhãn, cho nên dịch là “Sở Vị”.
Chữ “Án” như trước đã nói, lúc quý vị niệm đến chữ “Án” thì hết thảy quỷ thần đều phải chấp tay cung kính nghe theo hiệu lịnh của quý vị. Chữ “Án” nầy là điểm xuất phát sanh ra nhiều nghĩa lý tiếp theo sau đây.
19. A BÀ LÔ HÊ. (E Pe Lu Syi)
“A Bà Lô Hê” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “Quán Âm”. A Bà Lô Hê tức là Quán Âm, Quán Âm cũng tức là A Bà Lô Hê. Tôi nghĩ âm A Bà Lô Hê so với âm nguyên bản tiếng Phạn Avalokite không sai khác gì mấy.
Vì sao gọi là Quán Âm? Nghĩa là quán xét âm thanh của thế gian. Dùng cái gì để quán xét? Dùng Trí Huệ để quán sát tất cả âm thanh ở thế gian. Âm thanh của thế gian có rất nhiều loại, nhưng đặc biệt chỗ quán xét của Bồ Tát Quán Âm là âm thanh đau khổ, âm thanh bi thương của thế gian, âm thanh của hết thảy chúng sanh trên thế gian khi lâm nạn.
20. LÔ CA ÐẾ. (Lu Jya Di)
“Lô Ca Ðế” là tiếng Phạn, dịch là “Thế Tự Tại”, lại dịch là “Thế Tôn”. Hợp lại với câu trên “A Bà Lô Hê Lô Ca Ðế” có nghĩa là “Quán Âm Tự Tại”.
21. CA RA ÐẾ. (Jya La Di)
“Ca Ra Ðế” dịch là “Bi Giả”, chỉ cho người có lòng Từ Bi bao la rộng lớn. Vị đó có thể cứu vớt cho tất cả khổ nạn của thế gian, có thể làm vơi sạch nỗi khổ của tất cả chúng sanh. Lại còn một cách dịch nữa là “Tác Giả”, là người có thể hưng tác Ðạo nghiệp, khiến cho mọi chúng sanh đều phát Bồ Ðề Tâm, hành Bồ Tát Ðạo mà được thành tựu Ðạo nghiệp.
22. DI HÊ RỊ. (Yi Syi Li)
“Di Hê Rị” là tiếng Phạn, dịch là “Thuận Giáo”, ý nói: Tôi nhất định phải nghe theo lời giáo hóa của Quán Thế Âm Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát; tôi nhất định thuận theo lời giáo hóa của Bồ Tát Quán Thế Âm mà đi giáo hóa chúng sanh, tôi nhất định y giáo phụng hành. Vì “Di Hê Rị” cũng có nghĩa là y giáo phụng hành. Hành theo lời dạy của ai? hành theo lời giáo hóa của Bồ Tát Quán Thế Âm.
23. MA HA BỒ ÐỀ TÁT ÐỎA. (Mwo He Pu Ti Sa Two)
“Ma Ha” là Ðại.
“Bồ Ðề” là Giác Ðạo.
“Tát Ðỏa” là Ðại Dũng Mãnh Giả.
Câu Chú này có nghĩa là vị Bồ Tát Ðại Giác Ngộ, Ðại Dũng Mãnh phát Ðại Bồ Ðề tâm, tu Ðại Bồ Ðề hạnh. Phát Ðại Bồ Ðề tâm là nhân của Ðại Bồ Ðề. Tu Ðại Bồ Ðề hạnh là vun bồi tưới tẩm hạt giống Bồ Ðề của mình để có thể kết thành quả Ðại Bồ Ðề và đạt đến Bồ Ðề Ðạo.
Ðoạn chú nầy là “Ðịnh, Huệ bất nhị, Ðịnh Huệ song túc, vạn hạnh nghiêm thân” của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ðịnh của Ngài cũng tròn đầy rồi, Huệ cũng tròn đầy rồi. Huệ đầy đủ thì Ðịnh đầy đủ; Ðịnh đầy đủ thì Huệ đầy đủ. Bởi vì có Ðịnh mới phát Huệ, có Huệ mới có thể tu Ðịnh. Nếu không có Ðịnh thì không có Huệ, nếu không có Huệ thì cũng chẳng có Ðịnh..
Vị Bồ Tát này “bất xả nhất pháp”, dù là một pháp Ngài cũng không xem thường bỏ qua, bất kỳ là việc thiện lớn hay nhỏ, hễ gặp là bắt tay làm. Cho nên nói: “chớ khinh việc thiện nhỏ mà không làm, chớ cho việc ác nhỏ mà không tránh”. Vị Bồ Tát nầy dầu một việc ác nhỏ cũng không làm, một chút thiện nhỏ cũng nhất định không bỏ qua. Cho nên nói: “Các ác không làm, chúng thiện vâng hành”. Ngài phát Ðại Bồ Ðề Tâm, kết Bồ Ðề quả, tu hành vạn hạnh để trang nghiêm Pháp thân mình. Ngài phát Ðại Bi Tâm, hành pháp lớn Vô Vi, tùy theo tâm chúng sanh mà làm Phật sự, nhưng nơi thể tánh của Ngài không hề có tướng một chúng sanh. Trong Phật pháp, Ngài xem tất cả chúng sanh đồng một thể tánh với mình, không hai không khác. Cho nên, Ngài xem cái khổ của chúng sanh cũng chính là cái khổ của mình. Bởi vì Ngài không muốn có khổ, nên phải hóa giải mọi khổ đau của chúng sanh. Tuy hóa giải mọi khổ đau cho chúng sanh nhưng không hề chấp vào tướng độ sanh, không hề thấy có mình độ và người được độ. Ngài không nói rằng : “À! Bây giờ Ta đã cứu các ngươi rồi, các ngươi cần phải cám ơn Ta. Ta đã giải trừ khổ não cho các ngươi rồi, các ngươi phải báo đáp ân này”. Ngài không có tâm niệm như vậy, cho nên Ngài mới có thể thị hiện ba mươi hai ứng thân. “Nếu có chúng sanh trong cõi nước nào, đáng dùng thân Phật để độ thoát thì Bồ-tát Quán Thế Âm liền hiện thân Phật nói pháp độ họ. Ðáng dùng thân Phật Bích-chi để độ thoát thì Ngài liền hiện thân Phật Bích-chi nói pháp độ họ. Ðáng dùng thân Thanh văn để độ thoát thì Bồ-tát liền hiện thân Thanh văn nói pháp độ họ. Ðáng dùng thân Quốc vương để độ thoát thì Ngài hiện thân Phạm vương nói pháp độ họ...”. Bồ Tát có đến ba mươi hai ứng hóa thân cùng Mười bốn vô úy và Bốn bất tư nghị (bốn loại thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn). Ngài đắc được Chân viên thông, đã thành tựu quả Ðại Bồ Ðề. Bồ Tát Quán Thế Âm thành tựu công đức không thể nghĩ bàn như thế.
24. TÁT BÀ TÁT BÀ. (Sa Pe Sa Pe)
Quý vị biết câu chú này là Thủ Nhãn nào không? “Tát Bà Tát Bà” là tiếng Phạn, nghĩa là “Nhất Thiết Lợi Lạc”. Nhất Thiết là tất cả, hết thảy. Quý vị tu Thủ Nhãn nầy thì có thể đem đến lợi lạc cho hết thảy chúng sanh.
Quý vị có được Bảo ấn này thì Chư Thiên trên cõi trời, Diêm Vương, Quỷ Vương dưới chốn địa ngục đều nghe theo lời của quý vị. Quý vị bảo họ phải như thế nào thì họ đều y như thế ấy. Quý vị bảo họ thả tội nhân ra thì tức khắc họ thả ra. Vì sao như vậy? Là vì quý vị có Bảo Ấn. Có Bảo Ấn này cũng như có ấn Ngọc của Hoàng đế. Trên chiếu thư có ấn Ngọc của vua thì khắp thiên hạ bất luận nơi nào, mọi người đều tuân theo chiếu thư ấy mà thi hành, không một ai dám đối kháng. Quý vị có Bảo Ấn Thủ Nhãn, thì có thể làm ích lợi cho hết thảy chúng sanh; quý vị muốn các chúng sanh được cái gì, họ sẽ được cái đó. Do vậy mà dịch là “Nhất Thiết Lợi Lạc”.
Ða số người Trung Hoa đều có nghe qua, Thần Tiên xưa nay có một cái ấn gọi là “Phiên Thiên Ấn”. Quảng Thành Tử có một cái “Phiên Thiên Ấn”, chính là ấn nầy. Ðạo giáo gọi là Phiên Thiên Ấn, Bồ Tát Quán Thế Âm gọi là “Bảo Ấn Thủ”. Nếu quý vị dụng công tu hành Bảo Ấn Thủ nầy được thành tựu, lúc có người mới chết, hoặc sắp chết, quý vị có thể cầm lấy Ấn này thì Diêm La Vương không dám gọi họ chết. Chỗ diệu dụng của Ấn này là có thể giúp cải tử hoàn sanh. Nhưng quý vị trước phải tu thành công, nếu chưa thành công thì chẳng có tác dụng gì lớn! Tu thành công giống như quý vị đi học, ban đầu học tiểu học đến trung học và sau đó lên đại học, rồi đạt đến học vị Tiến sĩ. Người tu thành tựu Bảo Ấn giống như đạt được học vị Tiến sĩ. Đây là tạm mượn ví dụ cho dễ hiểu, chớ nó không có gì so sánh được.
Vì vậy, “Tát Bà Tát Bà” nghĩa là “lợi lạc tất cả”, có thể cứu giúp tất cả chúng sanh, lợi ích tất cả chúng sanh, làm cho hết thảy chúng sanh đều đến chỗ an vui. Quý vị thấy kỳ diệu như thế đó, cho nên mới gọi là Bảo Ấn Thủ. Nếu quý vị muốn được Bảo Ấn nầy thì nên tu Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn. “Tát Bà Tát Bà” là một trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, còn lại bốn mươi mốt cái nữa.
Có người nghe tôi giảng Bảo Ấn có lợi ích lớn như vậy, bèn nghĩ rằng: “Ha, mình phải tu gấp Bảo Ấn nầy, tu thành công rồi, lúc có bất kỳ người nào sắp chết, mình đều đóng cho họ một Ấn, viết giấy bảo vua Diêm La cho họ về, không để họ chết”. Được đấy! Có điều, quý vị có thể không để người khác chết, nhưng đến lúc thọ mạng quý vị hết thì sẽ không còn ai có thể dùng Ấn nầy.
Tôi đã hai lần dùng qua Ấn nầy, một lần ở Ðông Bắc, một lần ở Hồng Kông. Ở Ðông Bắc là vì một nhân duyên, nhưng là việc bất đắc dĩ. Tại sao tôi nói bất đắc dĩ? Nghĩa là phải làm, không làm không được. Vì sao vậy? Tôi nhớ lúc tôi ở chùa Tam Duyên thuộc tỉnh Ðông Bắc, một hôm nọ, hình như là ngày mười tám tháng tư, có một người họ Cao tên là Cao Ðức Phúc, nhà anh ta cách chùa Tam Duyên khoảng mười bảy đến mười tám dặm đường, buổi chiều hôm đó, anh ta đến chùa. Ðến chùa để làm gì? Ðến để chặt tay. Tay cầm một con dao được bao lại bằng giấy báo, anh ta dự định chặt một cánh tay của mình để cúng Phật. Quý vị nói thử xem người nầy thông minh hay ngu si? Ðương nhiên là ngu si rồi, nếu thông minh thì tại sao tự mình đòi chặt tay của chính mình? Thật đúng là hết sức ngu si! Nhưng sự nông nổi nầy của anh ta là vì hiếu thuận mà ngu si.
Vì sao anh ta phải chặt tay? Là vì mẫu thân anh lâm bệnh nặng. Lúc bình thường mẹ anh nghiện thuốc phiện, nhưng nay bệnh nặng đến mức không còn hút thuốc phiện được nữa; không hút được thuốc phiện, thì dĩ nhiên cơm cũng không còn ăn được, nước cũng không thể uống được. Lưỡi bà đã biến thành màu đen, môi miệng đều nứt toác. Ðông y, Tây y, Bác sĩ trong ngoài nước đều bó tay. Anh ta bảo: “Bồ Tát rất linh ứng, bây giờ tôi đến chùa Tam Duyên, chặt tay cúng dường Phật, dùng tâm thành khẩn nguyện nầy cầu Phật cứu vớt cho mẹ tôi được lành bệnh”. Ðến chùa, anh rút con dao trong tờ báo ra, duỗi thẳng cánh tay mình ra, còn tay kia cầm dao để chặt. Vừa lúc ấy có một người đi đến, liền nắm lấy tay anh ta, nói: “Ái chà, anh làm gì vậy? Chớ có tự tử ở đây!”
Anh ta nói: “Vì mẹ tôi lâm bệnh nặng, tôi muốn chặt một cánh tay của tôi để cúng dường Phật, Xin Thầy chớ ngăn cản, không cho tôi chặt tay”. Người nầy vẫn không chịu buông tay, và sai người báo cho Hòa Thượng trụ trì biết, Hòa Thượng cũng không có cách giải quyết. Vừa lúc ấy có một Cư sĩ tên là Lý Cảnh Hoa, là người hộ pháp đắc lực cho Hòa Thượng. Hòa Thượng bảo Lý Cảnh Hoa đi tìm tôi. Gặp tôi, người cư sĩ này thưa: “Thầy ơi! Có một người đến chùa đòi chặt tay, vì mẹ anh ta bệnh nặng. Xin Thầy nghĩ cách giúp anh ta”.
Lúc ấy, trong chùa tôi là Thủ tọa, chỉ đứng sau Hòa Thượng trụ trì. Lúc ấy tôi vẫn còn là một Sa di, nhưng không phải là Sa di ăn, Sa di ngủ, Sa di uống. Lúc tôi làm Sa di, mọi người chưa dậy, tôi đã dậy, không phải chờ mọi người dậy cả rồi vẫn chưa chịu dậy, bất cứ việc gì người khác không chịu làm tôi đều làm hết. Thời gian còn làm Sa di, tôi không tham ăn, không ăn vặt, đúng giờ ăn mới ăn, cùng chúng đi mới ăn, mọi người chưa ăn tôi không lén ăn một mình. Cho nên, các thói quen xấu này quý vị đều phải sửa đổi, không sửa không thể tu hành. Cư sĩ Hoa dẫn tôi đi, tôi liền bạch với Hòa Thượng trụ trì rằng: “Người ta đến tìm Thầy mà Thầy lại giao cho con cái phiền phức này, Thầy không để ý đến chuyện của người, nhưng lại bảo con phải gánh.” Hòa Thượng trụ trì nói: “Con hãy từ bi, đi giúp anh ta đi!”.
Hòa Thượng nói vài câu khuyến khích tôi, tuy tôi không muốn để ý đến những chuyện của người khác, nhưng Hòa Thượng dạy chí tình thì tôi lại rất hoan hỷ.
Tôi liền đáp: “Dạ vâng, con đi đây”.
Tôi nói với anh Cao Đức Phúc, người muốn chặt tay rằng: “Anh về trước đi!” Anh ta hỏi: “Vậy Thầy cũng biết đường à!”. Tôi bảo: “Ồ! Anh không phải lo cho tôi, anh nên về trước thì hay hơn”. Anh ta lên xe đạp men theo đường lớn về nhà, tôi men theo đường hẻm đi bộ theo sau. Lúc ấy mặt trời sắp lặn, đã hơn năm giờ chiều rồi.
Nhà anh cách Chùa khoảng mười bảy, mười tám dặm, anh ta đạp xe đi trước, tôi theo đường nhỏ đi sau. Lúc tôi đến nhà, anh ta vẫn chưa về tới! Lúc anh bước vào nhà, thấy tôi, liền ngạc nhiên nói: “Ô Thầy! Làm thế nào mà Thầy đến trước con?”. Tôi nói: “Có lẽ trên đường anh ham chơi, không biết là xem phim hay đá banh; cho nên mới về trể như vậy?”
Anh ta nói: Không có, con cố đạp xe nhanh về nhà.
Tôi nói: Có lẽ xe anh đi chậm hơn xe tôi, nên tôi về trước.
Lúc bước vào nhà nhìn thấy bà cụ, tôi liền biết rằng bà ta không còn cách nào sống được nữa. Thôi thì cứ thử và đợi sáng hôm sau xem thế nào. Trước đó bảy, tám ngày mẹ anh đã không còn biết gì, không nói được, không nhận ra được người quen hay lạ, chỉ còn thoi thóp đợi chết. Ðến ngày hôm sau, bà cụ ngồi dậy được. Bà gọi tên thuở nhỏ của con trai lớn Cao Ðức Phúc: “Tụ ơi, Tụ ơi! Có cháo không? Mẹ đang muốn ăn cháo”. Đứa con trai đã bảy, tám ngày không nghe tiếng mẹ gọi, bây giờ đột nhiên mẹ ngồi dậy được và gọi tên mình, anh vô cùng vui sướng chạy lại bên mẹ hỏi: “Mẹ, mẹ nằm bệnh như vậy nhiều ngày rồi, không thể nói chuyện được, bây giờ mẹ khỏe chưa?”. Mẹ anh liền nói với anh rằng: “Mẹ cũng không biết đã bao nhiêu ngày rồi, mỗi ngày mẹ đều ở nơi tối om, nơi đó chẳng có một chút ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sao hay đèn đuốc gì cả. Than ôi! Mẹ chạy khắp nơi cũng không sao tìm ra được nhà, cứ chạy như thế rất nhiều ngày, ngày nầy qua ngày khác, mẹ rất khổ sở! Mẹ kêu gào cũng không thấy một ai. Nhưng may thay! Vào buổi chiều hôm qua, mẹ nhìn thấy một vị Sư rất nghèo, trên thân choàng một chiếc áo cà-sa vá nát, ông ta đã đưa mẹ về nhà. Bây giờ, mẹ muốn ăn một tí cháo”. Anh nghe mẹ kể như vậy, liền hỏi: “Vị Sư nầy dáng người như thế nào?” Bà đáp: “Rất cao, nếu mẹ nhìn thấy ông ta, mẹ có thể nhận ra được ngay.”
Lúc đó tôi đang nghỉ trên giường, anh con trai liền chỉ về phía tôi và hỏi mẹ: “Mẹ có biết vị Thầy nầy không?” Bà nhìn một cách cẩn thận và nói: “Mẹ nhìn thấy người này rồi, ông ta là người đưa mẹ về nhà đó!”
Như thế, rắc rối to rồi đây! Cả nhà họ hơn mười người đều đến quỳ gối trước mặt tôi thưa: “Thầy đã cứu mạng thân mẫu chúng con! Từ nay toàn thể đại gia đình chúng con từ lớn đến nhỏ đều xin được quy y với Ngài,” họ còn nói tiếp: ”Sau nầy Chùa có bất kỳ chuyện gì Thầy cứ bảo chúng con làm, chúng con luôn rất hoan hỷ tận lực làm!”
Ðó là lần đầu tiên tôi dùng đến Bảo Ấn nầy, dùng một lần bệnh lành hẳn. Quý vị đoán xem việc gì sẽ đến sau đó? Có phiền toái không? Không chỉ cả đại gia đình họ khấu đầu quy ngưỡng, mà về sau cả làng nầy đều tìm đến tôi, người nầy khai bệnh nầy, người kia khai bệnh nọ... người bệnh ngày càng đông. Do nhân duyên này, tôi bảo họ: Bệnh của các vị trị bằng cách đánh đòn. Lúc ấy tôi cầm cây phất trần, quất cho mỗi người ba cây. Về sau, tôi hỏi lại các bệnh nhân nầy: Các ngươi còn bệnh không?! Họ đáp: Ồ! Không còn bệnh nữa, lành rồi bạch Thầy! Tôi nói: Bệnh của các vị là bệnh muốn bị đánh đòn, để tôi đánh vài roi là hết bệnh ngay. Ðây là câu chuyện phiền phức tại Ðông Bắc.
Còn ở Hồng Kông là ai? Là cha của cô Madelena Lew. Cha cô năm đó bảy mươi chín tuổi. Các thầy toán số đều nói năm đó nhất định ông sẽ ra đi. Một hôm, ông đến chùa xin ghi tên quy y. Lúc quy y, ông ta hỏi tôi:
- Sư phụ, Ngài có thể giúp con khỏi chết được không?
Tôi bảo: “Ông không thích chết à? Ðược rồi! Nhiều thì tôi không dám chắc, nhưng tôi có thể giúp ông sống thêm mười hai năm nữa, được không?”
Ông ta đáp: “Vậy là quá tốt rồi!” Nói xong, tôi bèn làm việc nầy cho ông ta. Quả nhiên về sau ông sống thêm mười hai năm nữa.
Tuy biết được Pháp nầy, nhưng quý vị chớ nên thấy người chết mà tìm cách đem họ trở về, không để họ chết, như thế quý vị sẽ trở thành người đối đầu với Diêm Vương. Diêm Vương sẽ nói: “Ðược, ông không để cho người ta chết, bây giờ ta sẽ cho ông chết trước”. Như thế, lúc quý vị chết sẽ không có người dùng Bảo Ấn nầy cứu quý vị. Quý vị nói: “Tôi tự mình dùng Ấn nầy cho mình”. Không thể được. Vì sao vậy? Giống như cây dao có bề lưỡi và bề sống, lưỡi dao không thể nào tự chém được sống dao của chính nó. Có pháp thuật cũng vậy, khi chính mình gặp phải sự việc nào đó, thì mình cũng giống như “Bồ Tát đất qua biển, tự thân khó giữ, quý vị tự mình không thể bảo vệ được cho chính mình.” Cho nên nếu quý vị đã thành tựu được Pháp nầy rồi nhưng vẫn còn phải tự tu hành. Cũng vì lẽ này mà hiện nay tôi không màng đến chuyện người khác nữa. Ai chết thì chết, tôi không để ý tới, tôi sợ rơi vào cảnh “Bồ Tát đất qua sông”, khó bảo toàn bản thân.
25. MA RA MA RA. (Mwo La Mwo La)
Hai câu chú nầy là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “Tăng Trưởng”, cũng dịch là “Như Ý”, cũng dịch là “Tùy Ý”.
-Tăng trưởng gì? Nghĩa là tăng trưởng phước huệ.
-Như ý là sao? Nghĩa là tùy tâm như ý, như ý kiết tường.
Vì vậy, thủ nhãn này là “Như Ý Châu Thủ Nhãn”. Nếu quý vị muốn phát tài, thì tu Thủ Nhãn nầy. Thủ Nhãn nầy nếu thành tựu rồi, quý vị muốn dùng cái gì sẽ có cái đó, không còn lo nghèo nữa, luôn được giàu sang. Trí huệ của quý vị sẽ vô lượng vô biên, phước báu của quý vị cũng sẽ vô lượng vô biên. Vì vậy nên nói tăng trưởng phước tuệ, tùy tâm như ý, như ý cát tường. Quý vị xem, câu Chú này thật diệu dụng khó tả! Cho nên trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, Như Ý Châu là Thủ Nhãn đầu tiên. Chỗ diệu dụng của Như Ý Bảo Châu không thể nghĩ bàn!
26. MA HÊ MA HÊ, RỊ ÐÀ DỰNG. (Mwo Syi Mwo Syi Li Two Yun)
“Ma Hê Ma Hê” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “Vô Ngôn Cực Ý”. Vô ngôn là chẳng nói. Cực ý là ý niệm đã đạt đến cực điểm rồi. Cũng chính là gì? Chính là “diệu”, là mầu nhiệm khó nói khó bàn. Lại còn dịch là “Tự Tại”. Có ai được tự tại? Có Ðại Phạm Thiên Vương được tự tại, nghĩa là vô tư vô lự, không ưu không sầu, suốt ngày đều hoan hỷ. Câu chú này là “Ngũ Sắc Vân Thủ Nhãn”. Trong lòng bàn tay quý vị nâng mây lành ngũ sắc, cho nên vô cùng tự tại. Công dụng của nó vô lượng vô biên, sự tự tại diệu dụng của nó cũng vô cùng vô tận.
“Rị Ðà Dựng” là “Thanh Liên Hoa Thủ Nhãn”. “Rị Ðà Dựng” dịch là “Liên Hoa Tâm”. Nếu quý vị tu hành thành tựu Thanh Liên Hoa Thủ Nhãn nầy sẽ có mùi hương hoa sen xanh, và được mười phương chư Phật tán thán. Thủ Nhãn nầy cũng phi thường vi diệu khó thể nghĩ bàn. Ðúng là có thể nói:
“Phật Pháp cao sâu thật diệu mầu
Trăm ngàn ức kiếp khó tìm cầu!”
27. CU LÔ CU LÔ YẾT MÔNG. (Jyu Lu Jyu Lu Jye Meng)
“Cu Lô” là tiếng Phạn, dịch là “Tác Pháp”; còn có nghĩa là “Tác Dụng Trang Nghiêm”, lại có nghĩa là “Xuy Loa Kiết Giới” (thổi loa kiết giới). Câu chú này là “Bảo Loa Thủ Nhãn”.
Chúng ta cho rằng nay đã đến thời đại Mạt pháp, nên chỉ cần niệm Chú Ðại Bi là đắc được Phật Pháp. Kỳ thật không đúng! Chú Ðại Bi là vì pháp Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn mà nói, chỗ vi diệu của Chú Ðại Bi là Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn cũng tức là toàn thể của Chú Ðại Bi. Nếu quý vị chỉ biết niệm Chú Ðại Bi, mà không biết tu Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn thì cũng giống như một người chỉ có tay mà không có chân, không thể đi được. Nếu quý vị chỉ tu Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn mà không niệm Chú Ðại Bi, thì cũng giống như người chỉ có chân mà không có tay, không thể cầm đồ vật được, cũng chẳng có lợi ích gì. Vì vậy, cần phải thông đạt Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, và phải tụng trì Chú Ðại Bi, đó mới là chân chánh liễu giải Ðại Bi Chú, chân chánh hiểu rõ Diệu Pháp của Phật.
Chú Ðại Bi cũng không phải chỉ nghe quý Thầy Cô giảng giải, rồi cho rằng: “À, tôi hiểu câu chú này là thế nào rồi”. Việc đó cũng vô dụng, giống như người quý vị không có tay chân, chỉ có cái thân hình thôi, cũng vô dụng. Cho nên, cần phải có tay, phải có chân và phải có thân thì mới có thể giúp đỡ lẫn nhau, hổ tương nhau thành tựu công đức cho quý vị.
Bảo Loa Thủ Nhãn là để “Tác Pháp”. Lúc tác pháp, quý vị cần phải thổi loa. Một khi tiếng loa vang lên, ví dụ như “uuuuu.....”, thì địa ngục, thiên giới và nhân gian đều nghe thấy. Những nơi nghe thấy tiếng loa đều được kiết giới, trong địa hạt mà diệu âm của tiếng loa này vang tới đều là phạm vi tác pháp của quý vị, nơi đó yêu ma quỷ quái, ly mị, vọng lượng, đều không thể xâm phạm hay vào được. Đó gọi là kiết giới.
Bảo Loa Thủ Nhãn cũng là “Tác Ý Trang Nghiêm”. Bảo Loa này vừa được thổi, khi tiếng loa vang lên, đại địa đều biến thành vàng ròng, tất cả đều được trang nghiêm bằng thất bảo, vô cùng vi diệu.
Người ta nói học Phật Pháp, tôi tin chắc rằng gần ba trăm năm trở lại đây, không có một ai gặp được Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn này, cho nên Phật Pháp không được hưng thịnh, cũng không có người hiểu rõ. Hiện nay chúng ta biết được công dụng chú Ðại Bi như thế, nên phải tận lực, chuyên tâm tu Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn thì mới có lợi ích.
“Yết Mông” là Phạn ngữ, Phạn ngữ là tiếng Ðại Phạm Thiên chứ không phải là tiếng Ấn Ðộ, vì tiếng Ấn Ðộ cũng căn cứ trên tiếng Phạn của Ðại Phạm Thiên.
Phạn ngữ gọi là “Yết Mông”, Trung Hoa dịch là “Biện Sự”.
-Biện là biện lý, là phân biệt lý lẽ chân chánh.
-Sự là tất cả mọi việc, mọi điều...
“Yết Mông” còn dịch là “Công Ðức”. Nói đến “Biện Sự” là biện các sự gì? Nghĩa là làm tất cả mọi việc công đức. Việc công đức là những việc lợi ích cho mọi người, cho tha nhân. Lợi ích người khác chính là lợi ích cho chính mình. Cũng chính là việc tự lợi lợi tha, tự giác giác tha của Bồ Tát. Làm mọi việc công đức là bao hàm tất cả hành sự của Lục độ Vạn hạnh. Dùng gì để thành tựu được Lục độ Vạn hạnh? Ðó là dùng “Bạch Liên Hoa Thủ Nhãn”.
Quý vị biết trì Ðại Bi chú, biết tu pháp Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn thì có thể thành tựu được tất cả các việc công đức, có thể viên mãn được Lục độ Vạn hạnh. Cho nên, trì tụng Ðại Bi Chú và tu hành Thủ Nhãn mới thành tựu được sự vi diệu không thể nói, không thể nghĩ bàn. Giảng là giảng, nhưng không có cách nào nói hết ra được sự vi diệu. Nếu có thể nói hết được thì không phải là vi diệu rồi. Không vi diệu mới có bờ mé, có đầu có cuối; còn vi diệu thì không có bờ mé, chẳng có biên cương, chẳng có khởi đầu, chẳng có điểm cuối. Cho nên trì tụng câu chú “Yết Mông” có thể làm được mọi việc công đức.
Vả lại, nếu tu Bạch Liên Hoa Thủ Nhãn này thì đời đời kiếp kiếp sau này quý vị đều có mùi hương hoa sen trắng, đều có Bạch Liên Hoa hộ thể. Vì vậy, chỗ vi diệu thâm huyền của Ðại Bi Chú diễn nói không bao giờ hết, khen ngợi không bao giờ cùng.
28. ÐỘ LÔ ÐỘ LÔ, PHẠT GIÀ DA ÐẾ. (Du Lu Du Lu Fa She Ye Di)
“Ðộ Lô Ðộ Lô” là tiếng Phạn, dịch là “Ðộ Hải”. Ðộ Hải là gì? Là vượt qua biển khổ sanh tử. Lại có nghĩa là “Minh Tịnh”, là quang minh thanh tịnh. Lại có một nghĩa nữa là “Ðáo Ngạn”, tức vượt thoát bể khổ sanh tử mà đến bờ bên kia.
Có được trí huệ quang minh, liễu nhập được bản thể thanh tịnh, và đến được bờ Niết Bàn bên kia. Ðó là ý nghĩa của “Ðộ Lô Ðộ Lô”.
Cái gọi là “Minh nhi năng quyết”, nghĩa là quý vị có trí huệ, thấu rõ được tất cả các pháp môn thì mới có thể quyết định việc sanh tử. “Ðịnh nhi năng Tịnh”. Ðịnh là định lực, nếu quý vị có được định lực thì mới được sanh về thế giới Cực Lạc thanh tịnh.
Câu chú này là thủ nhãn gì? Là“Nguyệt Tinh Ma Ni Thủ Nhãn”. Tức là Ðà La Ni của Bồ Tát Nguyệt Quang tuyên nói. Thủ Nhãn Nguyệt Tinh Ðà La Ni này có thể khiến cho tất cả chúng sanh đắc được thanh lương.
“Phạt Già Da Ðế”, câu chú này là thủ nhãn gì? Là “Bàng Bài Thủ Nhãn”. tiếng Phạn là Phạt Già Da Đế, Trung Hoa dịch là “Quảng Bác Nghiêm Tịnh”, đã rộng lớn, lại còn trang nghiêm thanh tịnh. Còn một ý nữa dịch là “Quảng Ðại”. Lại dịch là “Ðộ Sanh Tử”, ý nói quý vị tu Bàng Bài Thủ Nhãn thì có thể vượt qua sanh tử, không tu Bàng Bài Thủ Nhãn thì sanh tử không thể vượt qua. Cho nên, quý vị có Bàng Bài Thủ Nhãn thì vượt qua được giòng phiền não, qua được biển khổ tử sanh mà đến bến bờ Niết Bàn.
29. MA HA PHẠT GIÀ DA ÐẾ. (Mwo He Fa She Ye Di)
“Ma Ha Phạt Già Da Ðế”, dịch là “Tối Thắng”, “Quảng Ðại” hay “Pháp Ðạo”. Ý nói Pháp ấy là Quảng Ðại, là Tối Thắng. Ðạo cũng Quảng Ðại, cũng Tối Thắng, là “Pháp Ðạo” tối thắng, quảng đại.
Câu chú này là Thủ nhãn gì? Là“Bảo Kích Thủ Nhãn”. Bảo Kích Thủ Nhãn có thể hàng phục thiên ma, chế phục ngoại đạo, diệu dụng của nó rất nhiều. Ở tất cả những nơi có nghịch tặc, quý vị có thể dùng Thủ Nhãn này để giữ gìn an ninh quốc gia. Những quốc gia khác muốn xâm lăng đất nước của quý vị, quý vị tu pháp này thì vô hình trung có thể khiến cho quân giặc rút lui.
30. ÐÀ LA ÐÀ LA. (Two La Two La)
“Ðà La Ðà La” là tiếng Phạn. Tiếng Phạn rất khó hiểu, nếu không học qua tiếng Phạn, quý vị sẽ không hiểu ý nghĩa câu chú này và cũng không thể giảng giải. Có người hỏi: “Vậy thưa Pháp sư, ông đã học qua tiếng Phạn chưa?” Tiếng Phạn thì tôi chưa học qua, nhưng ý nghĩa của Chú Đại Bi thì tôi biết chút ít, chứ không biết hoàn toàn.
“Đà La Đà La” là “Tịnh Bình Thủ Nhãn”. Trong Tịnh Bình có chứa nước Cam Lồ, Bồ Tát Quán Thế Âm dùng cành dương rảy nước Cam Lồ, tưới nhuần khắp tất cả chúng sanh. Bất kể quý vị bị bệnh gì, nếu được một giọt nước cam lồ của Bồ Tát rưới tới thì bệnh của quý vị sẽ không còn nữa.
“Ðà La Ðà La”, dịch là “Năng Tổng Ấn Trì”, ý nói là có thể nhiếp trì tất cả tâm lượng chúng sanh. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng Cam Lồ Thủ Nhãn, kết hợp với Dương Chi Thủ Nhãn và Tịnh Bình Thủ Nhãn để cứu độ rộng khắp tất cả chúng sanh.
31. ÐỊA LỴ NI. (Di Li Ni)
“Ðịa Lỵ Ni” là Phạn ngữ, dịch ra tiếng Hoa có rất nhiều nghĩa. Một nghĩa là “Thậm Dũng” chỉ cho dũng khí rất mãnh liệt. Một nghĩa là “Tịch Diệt”. Thậm Dũng là loại tướng động, Tịch Diệt là một loại tướng tĩnh. Một nghĩa là “Khiết Tịnh”. Một nghĩa là “Giá Trì”. một nghĩa là “Thôi Khai”. Thôi Khai là làm cho tất cả ác báo, nghiệp chướng của chúng sanh đều bị thiêu hủy. Giá Trì là chế phục tất cả bất thiện pháp mà phụng hành theo tất cả thiện pháp.
Câu chú này thuộc về Thủ Nhãn gì? Đó là “Câu Thi Thiết Câu Thủ Nhãn”, gọi tắt là Thiết Câu Thủ Nhãn. Thiết Câu Thủ Nhãn có thể sai bảo tất cả quỷ thần, triệu tập tất cả quỷ thần. Câu Thi Thiết Câu Thủ Nhãn này có thể làm cho tất cả quỷ thần, thiên long bát bộ đều đến ủng hộ quý vị. Quý vị tu pháp này, nếu có gọi rồng trên trời đến làm mưa thì rồng liền đến làm mưa; gọi rồng thổi gió, rồng liền thổi gió; gọi rồng ngưng mưa thì rồng liền ngừng mưa, bảo rồng ngừng gió, rồng liền ngừng gió. “Chuyện nầy tôi không tin đâu.” Tôi giảng cho quý vị nghe cũng tức là muốn kêu gọi quý vị đừng tin. Tại sao vậy? Là vì tôi chỉ muốn bảo quý vị không nên tin. Chỉ thế thôi!
Hiện nay Ðài Loan (1969) đang mưa, hôm nay có người từ Đài Loan trở về, quý vị có thể đến hỏi họ. Ðáng lẽ lúc này Ðài Loan không có mưa, thế mà lại có mưa. Lúc tôi gọi điện thoại qua Ðài Loan, mấy Thầy người Mỹ đang ở Ðài Loan thọ Ðại giới nói hằng ngày trời đều đổ mưa và lạnh không chịu nổi. Tôi hỏi: “Con thích nắng không? Nếu không thích mưa, việc ấy rất dễ!” Họ bảo: Làm thế nào có thể khiến trời không mưa? Tôi bảo: “Các con thử xem. Có thể gọi nó đừng mưa!” Vừa cúp điện thoại thì trời không còn mưa nữa, do đó các Thầy ấy cảm thấy rất kỳ lạ. Ðó không có gì kỳ lạ cả, đều là do năng lực của Thiết Câu Thủ Nhãn. Quý vị chỉ cần dùng Câu Thi Thiết Câu Thủ Nhãn, nói: “Này các chú rồng, các chú đừng cho mưa xuống nữa.” Rồng liền nghe theo lệnh quý vị, không mưa nữa. Nhưng quý vị phải hiểu rõ Câu Thi Thiết Câu Thủ Nhãn và biết cách tu tập pháp nầy. Nếu rồng không nghe lời, cứ cho mưa xuống mãi thì quý vị dùng Thiết Câu nầy móc chúng, chúng liền chẳng dám cho trời mưa.
Quý vị nghe nói điều nầy giống như tôi đang nói đùa với quý vị. Quý vị cho là đùa cũng được, cho là thật cũng xong. Nhưng hiện tại tôi giảng kinh cho quý vị nghe đều là “chân ngữ”, chớ không phải nói đùa.
32. THẤT PHẬT RA DA. (Shr Fwo La Ye)
“Thất Phật Ra Da” là tiếng Phạn, quý vị niệm một tiếng “Thất Phật Ra Da” thì trong vũ trụ có một luồng điển chớp loé lên, quý vị niệm một tiếng “Thất Phật Ra Da” thì giống như phóng ra một luồng điển quang.
Thất Phật Ra Da dịch là “Phóng Quang”, còn gọi là “Quán Tự Tại”. Tôi tin rằng “Thất Phật Ra Da” cũng là “shvara” trong “Avalokiteshvara”, nghĩa là Tự Tại. Quán Tự Tại là phải quán mới có thể tự tại; quý vị không quán thì không có tự tại được. Quán cái gì? Không phải hướng ra bên ngoài quán sát mà là hướng vào bên trong quán sát. Quán Tự Tại là quán sát chính mình đang tại hay không tại? Tại hay không tại cái gì? Ví dụ như: “Quả Tại, con đang tại (có mặt) hay không tại (không có mặt)?” Con tại (con có mặt). Quý vị nên tự hỏi chính mình: Tôi có tại hay không tại? Ví dụ như: “Quả Duyên đâu? Quả Duyên bất tại. Còn Quả Tại? Quả Tại tại (có mặt)”. Nếu mình “tại” thì đó là tự tại. Tự là bản thân mình. Quý vị quán sát xem chủ nhân ông của mình tại hay không tại? Quán sát xem tự tánh của mình tại hay không? Quán sát chơn tâm của mình tại hay không tại? Quán sát cái “Thường trụ chơn tâm, tánh tịnh minh thể” (chơn tâm thường trú, thể tánh sáng trong) của mình đang tại hay không tại! Nếu tại, tức là tự tại; nếu không tại, tức là không tự tại. Nếu không tự tại thì nó chạy đi chỗ nào? Quý vị phải hỏi lại chính mình: “Mình đang lang thang ở đâu thế?” Trực vấn chính mình như vậy tức là Quán Tự Tại.
“Thất Phật Ra Da” dịch là “Phóng Quang” cũng có nghĩa là Tự Tại. Nếu quý vị tự tại rồi mới có thể phóng quang, nếu không tự tại thì không thể phóng quang được. Còn một nghĩa nữa là “Hỏa Diệm Quang”. Hỏa Diệm Quang cũng tức là Hỏa Quang. Sao gọi là Hỏa Quang? Lửa nầy không phải là lửa nóng giận, không phải là lửa được sanh ra bởi phiền não, cũng không phải là lửa của “Oh! I have too much temper”, (Ôi! Tôi có nhiều tánh nóng như lửa), mà là lửa từ nguồn Trí Huệ sanh ra. Nước Trí Huệ dập tắt lửa vô minh, xuất hiện Trí Huệ chân chánh. Ðó gọi là “Hỏa Diệm Quang”. Lúc quý vị niệm “Thất Phật Ra Da” thì quý vị sẽ phóng quang, nhưng phải “tự tại” mới có thể phóng quang, nếu không tự tại thì không thể đâu. Quý vị nên nhớ điều này nhé!
Thủ nhãn này là “Nhật Tinh Ma Ni Tâm Thủ Nhãn”, Thủ Nhãn này cũng có thể trị bệnh, trị bệnh gì? Khi mắt bị mờ, nhìn không thấy, quý vị có thể dùng Thủ Nhãn Nhật Tinh Ma Ni để trị. Do vậy được gọi là Phóng Quang.
33. GIÁ RA GIÁ RA. (Je La Je La)
“Giá Ra Giá Ra” cũng là Phạn ngữ, dịch là “Hành Ðộng”. Hành động phải đặt dưới sự chỉ đạo của một “mệnh lệnh”; trong quân đội, hành quân cũng là hành động, chúng ta đi đường cũng là hành động. Hành động của chúng ta chính là một loại mệnh lệnh, còn bảo quý vị đi làm một việc gì đó gọi là “Hiệu Lệnh”. Hiệu lệnh sai quý vị đi làm một việc gì đó thì quý vị phải đi làm, nếu không đi làm có nghĩa là làm trái hiệu lệnh.
Thủ nhãn này là “Bảo Ðạc Thủ Nhãn”. Ðây là Pháp Thủ Nhãn thứ ba mươi, là tay cầm một cái linh báu (chuông) dùng để lắc. Bảo Ðạc Thủ Nhãn là một loại âm nhạc, cầm một cái linh lắc như vậy sẽ vang lên âm hưởng “loong coong, leeng keeng, loong coong”. Khi quý vị lắc linh, âm hưởng này sẽ vang khắp trời đất, cả tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động. Quý vị muốn làm việc gì thì tất cả trời, người, quỷ thần, yêu ma đều nghe theo mệnh lệnh quý vị, và đều giữ gìn quy củ. Nếu quý vị biết rõ nơi nào sắp động đất, chỉ cần lắc linh lên, phát hiệu lệnh khắp nơi rằng: “Không cho động đất!”. Thì đất sẽ không động nữa. Quả Địa, con đã nhớ chưa? Diệu dụng của Bảo Ðạc Thủ Nhãn này rất lớn.
Nếu quý vị muốn có giọng ca hay thì nên tu Thủ Nhãn này. Tu Bảo Ðạc Thủ Nhãn thành tựu rồi, âm thanh của quý vị giống như âm hưởng tiếng Ðại Hồng Chung khi gióng lên. Nói ra lời nào cũng “oang oang” như khi gõ vào Ðại Hồng Chung vậy.
34. MA MA, PHẠT MA RA. (Mwo Mwo, Fa Mwo La)
“Ma Ma” là Phạn ngữ, dịch theo nghĩa là “Ngã Sở”. Phần trên là một loại âm nhạc, cũng là hành động, mà cũng là ngã sở, mọi việc tôi làm đều phải thành tựu!.
Thủ Nhãn này gọi là gì? Là“Bạch Phất Thủ Nhãn”. Bạch Phất này, người Quảng Ðông gọi là Trần Phất, người phương Bắc gọi là Phất Trần. Thật giống như trong tiếng Anh và tiếng Hoa điều chỉnh lại, đều dùng đúng hai chữ này. Quảng Ðông lại có một tên gọi dân gian nữa là “Thần Tiên Thủ”. Tại Trung Hoa vốn là vật mà các vị Ðạo sĩ, chư Tăng dùng để đuổi ruồi. Nhưng Phất Trần đề cập ở đây là cái mà các Pháp sư ở Trung Hoa khi thượng đường thuyết pháp thường dùng. Nếu quý vị không biết, tôi có một cái, có lẽ lần này các đệ tử sẽ mang về cho tôi, và cũng sẽ mang về thêm một cái Như Ý. Cái Như Ý này của tôi rất cổ xưa, có lẽ là vào đời Hán. Cái Phất Trần – Bạch Phất Thủ này dùng để làm gì? Bạch Phất Thủ Nhãn có thể trừ sạch hết tất cả các chướng nạn trên thân. Nếu quý vị có nghiệp chướng hay bênh tật, dùng Phất Trần này phủi một cái, nếu là bệnh do nghiệp chướng cũng như bệnh do ma chướng thì đều được trị lành. Công năng của nó rất lớn, tuy nhiên rất ít người biết dùng; tôi biết hiện tại rất ít người biết.
Bây giờ tôi muốn cho các vị biết một việc này, đó là có năm vị Tỳ Kheo Tăng và Ni, ba vị Tỳ Kheo Tăng, hai vị Tỳ Kheo Ni sẽ đáp chuyến bay 910 của Hãng hàng không Anh quốc trở về hôm nay, 4 giờ rưỡi sẽ hạ cánh xuống phi trường. Hồng Kông lại nói là ba vị Tỳ Kheo Ni, hai vị Tỳ Kheo Tăng, cho nên có lúc tin tức cũng không chính xác.
Các vị ấy ở Đài Loan đã thọ Tam đàn cụ túc đại giới, đây là lần đầu tiên người phương Tây tiếp nhận Tam đàn cụ túc đại giới truyền thống của Trung Hoa, khi trở về sẽ chính thức là người xuất gia, chính thức là Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, và cũng là một trong ba ngôi Tam Bảo.
Đợi một chút, tất cả các hộ pháp của Phật giáo Giảng Đường và các nhân sĩ Phật giáo ở thành phố San Francisco, ai thích ra phi trường đón thì đều có thể đi. Chúng ta có rất nhiều xe, hôm nay có khoãng tám, chín chiếc, bao nhiêu người cũng đều đủ chỗ ngồi. Hôm nay tôi rất vui mừng, đợi mọi người đến đông đủ chúng ta cùng ra phi trường. Tôi vốn không định đi, nhưng tôi biết các vị ấy có mang về vài tượng Phật nên tôi đi để cung nghinh tượng Phật. Có tượng Phật nên tôi cần đi rước, chứ không phải đi rước năm người đệ tử. Bởi vì các đệ tử của tôi không cần tôi rước, cũng không cần tôi đưa. Khi đi, tôi đã nói với họ: “Khi mê Thầy độ, khi ngộ tự độ.” Bây giờ họ có thể tự độ mình, ra đi thì quay trở lại, nhất định họ sẽ tìm được đường về nhà, không cần tôi lại bảo với họ: “Đi từ con đường này, đến con đường kia mới có thể trở về nhà.” Không cần thiết, bây giờ họ đã rời khỏi San Francisco và sắp trở lại nơi này. Đáng cười nhất là tôi viết thư cho họ, họ nói đã làm mất một bao Kinh Phật, tôi an ủi: chỉ mất có một bao Kinh Phật, đừng nên căng thẳng; các con năm người, Thầy tin là không có người nào bị mất, ra đi năm người sẽ trở về đủ năm người. Vì sao vậy? Tôi nói là tôi đã mua bảo hiểm với Bồ Tát rồi, không được để mất người nào, một người cũng không được không trở lại. Nếu như có ai không trở về, Bồ Tát sẽ phải bồi thường tôi một khoãng tiền bảo hiểm, cho nên tôi rất yên tâm là năm người bọn họ sẽ cùng quay trở lại. Bây giờ Bồ Tát không cần bồi thường tôi khoãng tiền bảo hiểm, vì năm người họ đều đã trở về.
Đây là năm vị Tổ Sư tương lai ở nước Mỹ của quý vị. Quý vị nên ghi nhớ thật rõ, đây là những người mở đường, những vị Tổ khai sơn tại nước Mỹ. Quý vị không được khinh suất đối với năm vị Tổ Sư mở đường cho Phật giáo nước Mỹ, đây là sự thật chứ không phải giả. Không giống như có những người tự mạo nhận mình là đệ tử Phật giáo lại muốn tạo ra Tổ Sư riêng trong tư gia của mình, việc đó làm như vậy là không được. Do vậy mấy ngày trước, có một người tự nhận là Tổ Sư đến đây, bị tôi la rầy cho một trận chạy không kịp. Ông ta bảo là muốn hát một bài cho tôi nghe. Tôi trả lời thẳng là “Tôi rất ghét ông ca hát”. Ồ, thế là…bỏ đi! Ha ha!
“Phạt Ma Ra”, câu này là vị Ðại Hàng Ma Kim Cang, tay cầm Kim luân. Sao gọi là Ðại Hàng Ma Kim Cang? Vì vị Kim Cang Hộ Pháp này có thể hóa thân lớn như núi Tu Di vậy.
“Phạt Ma Ra”, dịch theo nghĩa là “Tối Thắng Ly Cấu”, nghĩa là tối thù thắng và xa lìa tất cả sự cấu nhiễm. Lại có một nghĩa nữa là “Vô Tỷ”, tức là chẳng có gì so sánh được.
Một nghĩa khác là “Như Ý”, tùy tâm như ý. Thủ nhãn này là “Hóa Cung Ðiện Thủ Nhãn”. Diệu dụng của Thủ Nhãn này là gì? Quý vị tu Thủ Nhãn này thì đời đời kiếp kiếp sẽ được ở cùng một cung điện với Phật, không bao giờ còn thọ sanh vào noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh nữa.
35. MỤC ÐẾ LỆ. (Mu Di Li)
“Mục Ðế Lệ” là “Dương Chi Thủ Nhãn” của Phật. Dương Chi Thủ Nhãn là gì? Là cành dương liễu mà Bồ Tát Quán Thế Âm cầm trên tay. Quý vị thường thấy Bồ Tát một tay cầm Dương Liễu, một tay cầm Bình Tịnh Thủy; cành dương chi thấm nước cam lồ tưới khắp tất cả chúng sanh. Thấm nước Tịnh bình khác với nước bình thường. Vì sao thế? Vì nước Tịnh bình chính là nước Cam lồ, nước Cam lồ thấm mát chúng sanh có thể đem đến cho chúng sanh rất nhiều lợi ích, có thể giải trừ sự đói khát, đưa chúng sanh đến chỗ thanh lương.
“Mục Ðế Lệ”, là tiếng Phạn, dịch là “Giải Thoát”. Giải thoát gì? Giải thoát tất cả khổ nạn cho chúng sanh, giải thoát tất cả bệnh tật, tất cả những chuyện bất như ý cho chúng sanh. Cho nên Quán Thế Âm Bồ Tát dùng cành Dương Chi ấy để giải thoát hết thảy khổ nạn, bệnh tật và mọi sự bất như ý cho chúng sanh. Dương Chi Thủ Nhãn, trên phương diện hình tướng biểu hiện, nhìn vào thấy rất tầm thường, nhưng nếu quý vị tu nó được thành rồi thì không những hóa giải tất cả khổ nạn, bệnh tật và mọi sự tình bất như ý mà còn hàng phục thiên ma, chế phục ngoại đạo. Tất cả thiên ma, ngoại đạo nhờ nhành dương liễu nước cam lồ của quý vị tưới nhuần, tự nhiên họ được hồi tâm hướng thiện và đều y lời dạy mà phụng hành. Cho nên Thủ Nhãn nầy nếu nói ra thì vô cùng vô tận, không thể nghĩ bàn.
Nước Cam Lồ của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát không những giải trừ ách nạn mà còn có thể chữa hết tất cả bệnh tật. Có thể giải thoát tất cả những sự việc không như ý. Thậm chí, lúc quý vị sắp chết, nếu được rưới nước Cam Lồ của Bồ Tát Quán Thế Âm thì sẽ không chết. Tất cả những cây khô sắp chết, nếu được một giọt nước Cam Lồ thì cũng đều được hồi sinh. Cây cỏ vốn là loài vô tình, nhưng khi được tưới nhuần nước Cam Lồ, lại đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết quả, huống hồ tất cả chúng sanh nếu được nước Cam Lồ tưới nhuần thì lợi lạc vô cùng vô tận.
36. Y HÊ DI HÊ. (Yi Syi Yi Syi)
“Y Hê Di Hê” là “Ðộc Lâu Trượng Thủ Nhãn”, dịch là “Thuận Triệu, Thuận Giáo”, nghĩa là mỗi khi quý vị gọi thỉnh một ai, người đó đều đến; quý vị giáo hóa một ai, họ đều vâng lời làm theo.
Lại có nghĩa nữa là “Tâm Ðáo”, nghĩa là trong tâm của quý vị nghĩ muốn điều gì, điều đó ắt sẽ thành tựu.
Ðồ hình của câu chú này là Ma Hê Thủ La Thiên Vương (Maheshvara). Ma Hê Thủ La Thiên Vương là một ma vương của ngoại đạo. Nó vốn cho mình là tối cao, không ai sánh bằng. Nhưng mỗi khi nghe đến câu chú này thì phải chấp tay vâng lời làm theo sự giáo huấn, nó không thể nào không y giáo phụng hành. Vì vậy, quý vị chỉ niệm câu chú này thì Ma Hê Thủ La Thiên Vương liền đến. Lúc đó, tâm nguyện quý vị muốn làm việc gì, bảo Thiên Vương đi làm, Thiên Vương tức khắc y giáo phụng hành.
Độc Lâu Trượng, sao gọi là Độc Lâu? Là một khúc xương người. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng câu chú nầy và một khúc xương để gia trì tu luyện, tu thành rồi thì gọi là Ðộc Lâu Trượng. Khi tay cầm cây gậy xương người này thì tất cả quỷ thần đều phải nghe mệnh lệnh, nghe hiệu triệu. Nếu như không nghe hiệu triệu thì sẽ bị phạt. Cho nên, thần lực của câu chú này thật không thể nghĩ bàn.
37. THẤT NA THẤT NA. (Shr Nwo Shr Nwo)
“Thất Na Thất Na” là tiếng Phạn, dịch là “Ðại Trí Huệ”. Lại còn có nghĩa là “Hoằng Thệ Nguyện”. Ðại Trí Huệ tức là “Bảo Cảnh Thủ Nhãn”, một trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn. Bảo Cảnh được ví cho Ðại Viên Cảnh Trí của Phật. Ðại Viên Cảnh Trí của Phật cũng giống như Bảo Cảnh Thủ Nhãn. Vì vậy, ở đây dịch là Ðại Trí Huệ, lại còn dịch là Hoằng Thệ Nguyện; Hoằng cũng là Ðại vậy.
Sao gọi là Ðại Trí Huệ? Chúng sanh dấy khởi vọng tưởng, liền không có trí tuệ. Trừ phi họ không có vọng tưởng, nếu có tưởng thì tưởng đó phải phát sanh từ trí huệ, đó mới là trí tuệ bát nhã thực sự. Bát Nhã Trí chính là Ðại Quang Minh Trí, là một loại Đại Quang Minh. Làm sao họ có Ðại Quang Minh? Là vì họ có trí huệ chân chánh. Nếu con người chúng ta có chân trí huệ thì hẳn nhiên có quang minh, nếu ngu mê thì là hắc ám. Quang minh chính là dương quang, ngu mê chính là âm khí. Vì sao quý vị ngu mê? Vì âm khí quý vị quá nhiều. Vì sao quý vị thông tuệ? Là vì dương quang quý vị hưng thịnh. Vì vậy, Ðại trí huệ không giống như suy tưởng của một người bình thường. Người có trí huệ, biện biệt rõ ràng điều đúng sai, không cần phải hỏi ai, tự họ thấy liền biết “À! Như thế là chánh, như thế là tà; như thế là đúng, như kia là sai...”. Con đường sai lầm họ không bao giờ đi; con đường chánh đạo, họ nhất mực tiến bước.
Tu hành đầu tiên phải có trí huệ mới có thể phân biệt rõ ràng việc chánh tà đúng sai, biết “là Ðạo thì tiến, không phải Ðạo thì lui”. Nhưng nếu quý vị biện biệt được rõ ràng việc này là sai mà vẫn cứ muốn làm; biết chuyện ấy là phạm giới nhưng vẫn cứ muốn thử, xem xem có phạm hay không, thì đó là ngu si không gì bằng, là không có trí huệ. Quý vị tự bảo mình rằng: “Không đúng! Tôi có trí huệ, bất quá chỉ sai lầm nhất thời thôi!” Sai lầm nhất thời này chứng minh quý vị là người ngu si, không có trí huệ. Người có Ðại trí huệ không còn điên đảo vọng tưởng. Cho nên Ngài A Nan mới phát nguyện:
“Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng
Bất lịch tăng kỳ hoặch Pháp thân”
Ức kiếp không phải là một kiếp, hai kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp, tính ra không biết bao nhiêu đại kiếp. Tại sao trong tâm chúng ta có nhiều vọng tưởng như thế? Bởi vì vọng tưởng trước đi qua, vọng tưởng sau tiếp nối, vọng tưởng sau diệt, vọng tưởng khác lại sanh, sanh sanh diệt diệt giống như sóng trong biển cả. Quý vị nhìn biển, có thể cho nó là vật vô tri, là vật “chết”; có phải thế không? Biển cả không ra ngoài tâm của chúng sanh chúng ta, đều là trong tâm của chúng sanh. Quý vị nhìn xem sóng trong biển không bao giờ dừng cả. Vọng tưởng của chúng ta cũng vậy, cái này qua đi thì cái khác lại đến, cái này vừa hết thì cái khác khởi lên, vô cùng vô tận, tuôn chảy không dừng, cái này nối tiếp cái kia, cái kia nối tiếp cái nọ, không cái nào chịu thụt lùi, đều muốn chạy thẳng về phía trước, đây chính là vọng tưởng. Tại sao có vọng tưởng? Bởi vì không có trí huệ. Nếu có trí huệ thì sóng không còn nổi lên nữa, ba lãng sẽ ngừng xao:
“Thanh phong đồ lai
Thủy ba bất hứng”
Nghĩa là:
“Gió mát đến rồi.
Sóng xao chẳng còn”.
Trong biển không còn sóng dâng trào, giống như người tu hành đạt được định lực. Ðắc được định lực chơn thật thì nước trí huệ hiện tiền, một chút sóng xao không còn, mảy may vọng tưởng chẳng có. Lúc đó mới là thanh tịnh thật sự, mảy trần chẳng nhiễm, ngàn lo dứt sạch. Đây chính là biểu hiện của đại trí tuệ hiện tiền.Người có trí huệ làm việc gì cũng thành công, kẻ ngu si làm chuyện gì cũng thất bại. Cho nên trí tuệ là tối quan trọng..
Gì là ngu si? Vô minh chính là ngu si, ngu si chính là vô minh. Quý vị xem, vô minh một khi xuất hiện thì quý vị mơ mơ hồ hồ. Do đó luôn có một số người phạm sai lầm, khi hỏi anh ta: “Vì sao anh lại làm như thế?” Người đó trả lời: “Tôi cũng không biết nữa!” Đó là gì? Đó chính là ngu si, là vô minh, không có trí tuệ.
Do vô minh phạm phải sai lầm, nhưng ít ai thừa nhận mình vô minh, còn bảo: “I know! Tôi biết!”. Biết mà vẫn làm sai, quý vị thấy có lạ không? Đây chính là người ngu si, không có Ðại Viên Cảnh Trí, do đã chưa từng tu Bảo Cảnh Thủ Nhãn. Nếu có Bảo Cảnh Thủ, Bảo Nhãn thì đã không còn ngu si rồi. Bất luận là việc gì đến, “gặp ma chém ma, gặp Phật chém Phật”. Giống như quý vị có một con dao nhiếp vậy, bất luận là vật gì đến, đến lưỡi dao đều phải đoạn trừ, đều phải phá tan. Ðại trí huệ cũng giống như một con dao, và cũng chính là gươm Trí Huệ.
Quý vị nói: “Kiếm Trí Huệ nặng quá, không dễ gì nhấc lên!” Quý vị không nhấc lên à! Nếu nhấc lên, sẽ thấy chẳng phí sức chút nào. Quý vị không nhấc lên, nhẹ cũng là nặng; quý vị nhấc lên, nặng cũng là nhẹ. Tại sao vậy? Bởi vì đã nhấc nó lên rồi mà, nặng cũng biến thành nhẹ! Nếu quý vị nói: “Tôi biết Kiếm Trí Huệ rất là tuyệt diệu, nhưng nặng quá, tôi không cầm đâu!” Không cầm thì nó nặng, nếu cầm nó lên thì cảnh giới gì đến đều bị nó chặt lìa, ngàn điều vạn cảnh đều không còn vấn đề gì cả. Cho nên tôi thường nói với quý vị là: “Everything is OK.” (Mọi sự đều không có vấn đề gì cả). Chính là đạo lý vừa nói. Nếu quý vị không thể “Everything is OK”, tức là không có Kiếm Trí Huệ. Nếu có kiếm trí huệ thì cái gì cũng đều không có vấn đề. Quý vị xem, có vấn đề gì chớ? Cái gì cũng không có vấn đề. Ðây chính là chỗ vi diệu của nó.
Tất cả sơn hà, đại địa, thành quách, cửa nhà, y báo, chánh báo trên thế giới này đều không ra khỏi một niệm tâm hiện tiền của chúng ta. Sao gọi là y báo? Càn khôn, sông núi, nhà cửa, ruộng vườn... gọi là y báo. Sao gọi là chánh báo? Thân thể của chúng ta là chánh báo, tức là chính ở nơi ấy mà thọ nhận báo ứng. Nếu quý vị đã sáng suốt, thuần tịnh rồi, tức không còn vô minh nữa, không còn vô minh chính là có trí huệ. Cũng giống như cái gương “vật đến thì chiếu”, cảnh vật gì đến cũng đều hiện ra mồn một, cảnh vật qua rồi nó không lưu ảnh. Vì vậy người có trí huệ thì bất cứ sự việc gì đến, họ đều tùy thuận theo đó để xử lý công việc; việc xong, tâm họ không lưu giữ. Tuy không lưu giữ nhưng thường hiện, tuy thường hiện mà lại không lưu giữ. Không như chúng ta, người bình thường không có trí huệ, có việc gì đến thì luôn tán thần, động não, hết sức chú ý để nhớ hoặc phải lập đi lập lại nhiều lần. Ví như, hôm giảng câu chú “Y Hê Di Hê, Thất Nan Thất Na”, chúng ta đọc qua một lần không nhớ, mà phải đọc hai, ba, hoặc vài trăm lần mới nhớ, nhớ như vậy là do ép buộc. Còn không ép buộc là “qua mắt không quên” (quá mục bất vong), thấy một lần là nhớ liền và sẽ không bao giờ quên. Tại sao “qua mắt không quên”? Bởi vì có trí huệ giống như cái gương vậy.
Người có trí huệ liễu giải được rằng: Vạn pháp đều từ tâm sanh, cho nên không bao giờ khởi tâm tham, sân, si, mạn, nghi... Tại sao vậy? Bởi vì tất cả đều là từ tâm hiện mà! Pháp vốn có sẵn trong tâm nên dù tốt cũng không có vấn đề, dù xấu cũng không sao, tất cả đều không có vấn đề gì cả.
Cảnh giới này nói thì dễ, nhưng hành thì phải có công phu mới làm được. Người không có công phu có thể nói: “Với tôi không có gì là vấn đề cả.” Bên ngoài xem như không có vấn đề, nhưng bên trong phát sanh vấn đề, bên trong chính mình vật lộn với chính mình. Cho nên, người có trí huệ thật sự rất hiếm!
Lại nữa, quý vị nên phân biệt rõ cái trí huệ thế gian và trí huệ xuất thế gian. Trí huệ thế gian nghĩa là Thế Trí Biện Thông (một trong tám nạn). Họ nói năng khéo léo, xảo ngôn, biện luận; điều không có lẽ phải, nhưng qua miệng họ cũng trở thành lẽ phải. Người không có tri thức nghe họ nói liền cho rằng: “Ồ! Họ nói rất có lý, điều họ nói rất đúng”. Kỳ thật, nếu quý vị có trí huệ chơn chính thì không thể chấp nhận sự ngu lộng, ngụy càn, xảo ngôn của họ, không để bị đạo lý ngu xuẩn của họ khiến mình trở nên ngu mê. Ðây gọi là “trong dương có âm” (dương trung hữu âm), trong trí huệ có ngu si. Ngược lại thì “trong âm cũng có dương”, trong ngu si cũng có trí huệ. Như có những người rất ít nói, trông có vẻ rất bình thường, nhưng họ làm việc gì cũng đều chánh đáng cả. Thấy họ chậm lụt buồn cười, nhưng xét ra họ làm gì cũng đều hợp lý hợp đạo. Vì vậy, xem xét người khác chính là xem mình có hay không có trí huệ, nếu mình có trí huệ thì không bị người dẫn dắt vào trong ngu si. Nếu không có trí huệ thì sẽ bị người dẫn dắt vào trong sự ngu si, càn quấy của họ. Trí huệ là như thế, đối với những việc khác cũng như vậy!
Trí huệ và ngu si có quan hệ liên đới. Không có ngu si tức là trí huệ; không có trí huệ tức là ngu si. Ngu si chính là trí huệ, trí huệ chính là ngu si. Sao nói như vậy? Bởi vì trí huệ và ngu si là một, quý vị biết dùng thì là trí huệ; không biết dùng thì là ngu si. Giống như quý vị vốn có thanh kiếm trí huệ, quý vị cầm nó lên tức là trí huệ, còn buông nó xuống tức là ngu si. Trí huệ và ngu si không phải hai mà là một, cho nên chớ nên nói: “Tôi tìm trí huệ và diệt ngu si”. Dụng công như vậy không đúng! Mà chính là ở chữ “biến”, nghĩa là hoán chuyển. Như bàn tay của quý vị; lòng bàn tay là trí huệ và lưng bàn tay ngu si. Nếu quý vị dùng lưng bàn tay để nắm đồ vật thì nắm không được; nếu dùng lòng bàn tay thì nắm một cái là được liền. Nắm không được là ngu si, mà nắm được là trí huệ. Nó là hai mặt trong một thể thống nhất. Vấn đề là xem quý vị dùng mặt nào! Bây giờ tất cả đã hiểu rõ rồi chứ?
Có vị nói: “Bây giờ con hiểu rõ rồi! Trí huệ và ngu si là bàn tay.” Không đúng! Bàn tay chỉ là tỷ dụ, chớ cho rằng trí huệ và ngu si là bàn tay; cũng giống như ngón tay chỉ mặt trăng, ông chớ nhận lầm ngón tay là mặt trăng.
Bây giờ giảng về “Ðại Trí Huệ” và “Hoằng Thệ”, Hoằng cũng là Ðại, đều có nghĩa là rộng lớn bao la. Thệ là thệ nguyện, nghĩa là phát khởi tuyên thệ làm một việc gì đó. như Đức Phật A Di Đà trước khi thành Phật, tiền thân là Tỳ kheo Pháp Tạng đã phát ra bốn mươi tám lời nguyện lớn, đó là Ðại thệ nguyện của Phật A Di Ðà.
Phổ Hiền Bồ Tát cũng đã phát mười Ðại nguyện vương:
Một là lễ kính chư Phật
Hai là xưng tán Như Lai
Ba là rộng tu cúng dường
Bốn là sám hối nghiệp chướng
Năm là tùy hỷ công đức
Sáu là thỉnh chuyển Pháp luân
Bảy là thỉnh Phật trụ thế
Tám là thường theo Phật học
Chín là hằng thuận chúng sanh
Mười là hồi hướng cùng khắp.
Quán Thế Âm Bồ Tát cũng đã phát nhiều Ðại thệ nguyện. Ngoài ra các vị Tổ Sư cũng đều phát khởi nhiều Ðại nguyện. Chúng ta hiện tại học Phật pháp, mỗi người cũng phải nên phát nguyện của riêng mình. Tôi chỉ là người giảng cho quý vị nghe, phát hay không phát là tùy vào quý vị, tôi không thể ép quý vị phát, mà phải chính quý vị tự phát. Do quý vị không biết, nên tôi khởi xướng lên cho quý vị biết thôi..
Quý vị phát nguyện càng lớn, càng tốt. Nếu nguyện càng cao thâm thì quả vị Phật đạo càng tối thượng. Quý vị kính cẩn quan sát xem bốn mươi tám lời nguyện của Ðức Phật A Di Ðà, mỗi nguyện mỗi nguyện đều vì độ chúng sanh, mỗi nguyện mỗi nguyện đều trang nghiêm quốc độ. Cho nên là người học Phật đang ở thời kỳ tu nhân (tức nhân địa)—hiện tại chưa thành Phật—cần phải nên phát nguyện. Quý vị nên chép ra rõ ràng mình phát bao nhiêu nguyện, chi tiết từng nguyện mình phát, chớ nên mơ hồ qua loa . Ví dụ như: “Tôi phát nguyện độ chúng sanh”. Nhưng làm sao độ? Ðộ bằng cách nào? Quý vị suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện ăn ngon, mặc đẹp, ở yên trong sung túc... rốt cuộc là độ chúng sanh nào? Hay chỉ là độ cái miệng, cái bao tử và cái thân của quý vị! Cho nên, quý vị phát nguyện phải nói rõ ràng cặn kẽ nguyện mình phát là gì, rằng tương lai sẽ thế nào, hiện tại phải làm gì? Còn trong quá khứ, quý vị có dụng công hay không dụng công, có tu hành hay không tu hành? Tôi không màng đến, mà chỉ hỏi quý vị tương lai phải như thế nào? Quý vị ở nhân địa phát nguyện càng lớn thì tương lai quả vị đạt được càng lớn.
Người học Phật chúng ta nhất định nên phát nguyện, việc này rất quan trọng. Chúng ta tu đạo mà không phát hoằng nguyện thì cũng như người đi đường mà không biết con đường mình đi như thế nào và cũng chẳng có người chỉ đường, cho nên con đường quý vị đi không biết là đúng hay sai. Nếu quý vị có phát đại nguyện thì cũng như người đi đường có người dẫn đường, người dẫn đường sẽ dẫn quý vị đến các nơi, giới thiệu cho quý vị biết tình hình ở mỗi nơi. Người dẫn đường này được ví như Ðại Thệ Nguyện của quý vị vậy.
Tại sao chư Phật, chư Bồ Tát lúc tu Ðạo đều phát nguyện? Bởi vì một khi phát nguyện, các ngài sẽ nương theo nguyện ấy mà tu hành; trước có nguyện, nương theo nguyện mà có hạnh. Cho nên, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát lúc ở nhân địa đã phát vô số đại thệ nguyện rằng:
“Chúng sanh độ hết, mới chứng Bồ Ðề,
Ðịa ngục nếu còn, quyết không thành Phật”
Quý vị thấy không, đại nguyện ấy thật vô cùng vĩ đại! Cho nên quý vị hiện là những người đang tu học theo Phật Pháp. Mỗi vị đều nên phát nguyện, tùy theo tâm nguyện mình muốn làm gì thì không ngại phát nguyện ấy..
38. A RA SAM PHẬT RA XÁ LỢI. (E La Shen Fwo La She Li)
“A Ra Sam” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “Chuyển Luân Pháp Vương”. Chuyển là vận chuyển, Luân là bánh xe, tức là vị Pháp Vương thường chuyển cỗ xe pháp lớn. Chuyển đại pháp luân là thường tuyên thuyết diệu pháp của Ðại thừa. Quý vị diễn nói diệu pháp Ðại thừa, đạo lý được quý vị trình bày ra thậm thâm vi diệu, người khác không thể nói được sâu sắc như vậy, còn quý vị thì có thể thuyết minh cặn kẽ. Với ý nghĩa như vậy, nên câu chú này được gọi là Chuyển Luân Pháp Vương.
Thủ Nhãn này chính là “Chưởng Thượng Hóa Phật Thủ Nhãn”. Quý vị tu Thủ Nhãn này thì đời đời kiếp kiếp luôn được sanh vào cõi Phật và luôn được theo Phật tu học. Ở Đài Loan có một số Pháp Sư giảng luận Chú Ðại Bi, các Pháp Sư cho rằng mỗi Thủ Nhãn như vầy là danh hiệu của mỗi một vị Bồ Tát. Ví như “Chưởng Thượng Hóa Phật Thủ Nhãn”, thì cho rằng đó là “Chưởng Thượng Hóa Phật Bồ Tát Thủ Nhãn”. Thật là sai một ly đi một dặm. Vì sao vậy? Vì truy nguyên ra thì không hề có danh hiệu của vị Bồ Tát này. Đem toàn bộ “Ðại Tạng Kinh” ra tra cứu, thì từ đầu đến cuối không có một vị Bồ Tát nào có danh hiệu là “Chưởng Thượng Hóa Phật Bồ Tát”. Cho nên quý vị có thể giảng khác đi là “Chưởng Thượng Hóa Phật Thủ Nhãn” là Thủ Nhãn mà Bồ Tát tu trì. Chứ quý vị đem tên gọi của Thủ Nhãn này làm tên gọi của một vị Bồ Tát là không có căn cứ. Nghĩa là có tìm khắp cũng không tìm ra tên gọi của vị Bồ Tát này.
Ở trước có một Thủ Nhãn mà người ta nói là “Như Ý Châu Bồ Tát Thủ Nhãn”. Như Ý Châu là tên của một viên minh châu, hoặc có một vị Bồ Tát cũng cùng tên này, Nhưng tên của Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn ở đây không phải là danh hiệu của bốn mươi hai vị Bồ Tát. Theo ý tôi thì chỉ có thể nói “Như Ý Châu” là Thủ Nhãn mà Bồ Tát tu trì, chứ không thể nói Thủ Nhãn ấy là của Như Ý Châu Bồ Tát. Giảng như thế là đã sai lại chồng thêm sai. Cũng như không thể nói “Bảo Bát Bồ Tát Thủ Nhãn”, mà chỉ có thể nói Bảo Bát Thủ Nhãn là pháp tu của Bồ Tát. Không hề có một vị Bồ Tát tên Bảo Bát. Tôi có xem qua một bộ “Ðại Bi Kinh Giảng Nghĩa” thỉnh ở Hồng Kông là giảng theo kiểu này, đem Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn biến thành Bốn Mươi Hai danh hiệu Bồ Tát, như thế là quá sai lầm!
Bốn mươi hai Thủ Nhãn này đều là pháp tu của một Bồ Tát, do sự tu tập mà có Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, chứ không phải danh hiệu của Bốn Mươi Hai vị Bồ Tát. Về điểm này, chúng ta là người học Phật pháp phải hiểu rõ, không được mơ hồ. Mơ hồ, nghĩa là vốn không phải như vậy mà lại giảng như vậy, việc này không nên. Giảng Phật Pháp nhất thiết phải có căn cứ, giảng mà không có căn cứ là không chính xác.
Vì vậy “A Ra Sam”, Chưởng Thượng Hóa Phật Thủ Nhãn là pháp tu mà Bồ Tát hành trì. Ðó là vị Bồ Tát nào? Không có một vị Bồ Tát nhất định nào cả. Ai hành trì rốt ráo Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn này, người đó là một vị Bồ Tát, ai chưa chứng đạt, người ấy chưa phải là Bồ Tát. Quý vị tu thành công Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn này thì quý vị có thể chứng đắc quả vị Bồ Tát.
“Phật Ra Xá Lợi” là tiếng Phạn, dịch là “Giác Thân Tử”. Quý vị đã biết Tôn giả Xá Lợi Phất còn gọi là Xá Lợi Tử. Trung Hoa dịch là “Thân Tử”, chính là “Xá Lợi”.
“Phật Ra Xá Lợi” là Giác Thân Tử. Ðây là pháp tu “Sổ Châu Thủ Nhãn” của Bồ Tát. Sổ Châu cũng là Niệm Châu (niệm chuỗi). Bồ Tát chứng đắc Sổ Châu Thủ Nhãn có thể được chư Phật mười phương từ xa đến thọ ký, mười phương chư Phật tiếp dẫn đến mười phương thế giới để thành Phật.
39. PHẠT SA PHẠT SAM. (Fa Sha Fa Shen)
“Phạt Sa Phạt Sam” là Phạn ngữ, dịch là “Hoan Ngữ Hoan Tiếu”, nghĩa là rất hoan hỷ, rất vui thích nói chuyện. Một nghĩa là “Ðại Trượng Phu”. Một nghĩa khác là “Vô Thượng Sĩ”. Đó là ba ý nghĩa của Thủ Nhãn này.
Trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, đây là “Bảo Cung Thủ Nhãn”. Tu Thủ Nhãn này có lợi ích gì? Nếu là người tại gia thì có thể làm quan lớn, nếu là người xuất gia thì có thể chứng quả A la hán.
40. PHẬT RA XÁ DA. (Fwo La She Ye)
Câu trước là “Phật Ra Xá Lợi” dịch là “Giác Thân Tử”. Còn chữ “Xá Da” của “Phật Ra Xá Da” dịch là “Tượng”. Tâm quý vị đã Giác Ngộ rồi thì được làm Tượng Vương Tử, làm con của Tượng Vương. Tượng Vương Tử cũng chính là Pháp Vương Tử, con của Ðức Phật, và tương lai quý vị sẽ là một vị Pháp Vương tối cao của Pháp môn. Ý nghĩa tổng quát của câu chú này là “Giác Tâm Giác Tượng Vương”.
Câu chú “Phật Ra Xá Da” này là bổn thân của Ðức Phật A Di Ðà. Ðức Phật A Di Ðà là bổn sư của Quán Thế Âm Bồ Tát. Bồ Tát Quán Thế Âm ở đâu cũng đều cung kính Sư Phụ của Ngài, cho nên Ngài nói chú Ðại Bi cũng là thể hiện lòng tôn kính Thầy của Ngài. Tụng câu chú này, Ðức A Di Ðà phóng quang chiếu soi người trì chú Ðại Bi. Phật Ra Xá Da là “Tử Liên Hoa Thủ Nhãn”. Trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn có Bạch Liên Hoa Thủ Nhãn, Thanh Liên Hoa Thủ Nhãn, Tử Liên Hoa Thủ Nhãn, và Hồng Liên Hoa Thủ Nhãn. Tu Tử Liên Hoa Thủ Nhãn thì có thể gặp được mười phương chư Phật. Cho nên, Tử Liên Hoa Thủ Nhãn này vô cùng quan trọng!
41. HÔ LÔ HÔ LÔ MA RA. (Hu Lu Hu Lu Mwo La)
“Hô Lô Hô Lô Ma Ra” cũng là tiếng Phạn, dịch là “Tác Pháp Như Ý”. Cũng có nghĩa là “Tác Pháp Mạc Ly Ngã”.
Trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, câu Chú này là “Kim Trọc Ngọc Hoàn Thủ Nhãn”. Chúng ta tu Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, đây gọi là “Tác Pháp”. Còn “Như Ý” là tùy theo tâm nguyện mà được như ước muốn. Nếu quý vị tu thành tựu Thủ Nhãn này thì tâm muốn gì đều được mãn nguyện.
Còn “Tác Pháp Mạc Ly Ngã”, “Tác Pháp” cũng chính là tu hành; trong sự tu hành nhất định là chính mình (Ngã) tu hành chứ không phải bảo người khác tu. Vì vậy, tu trì Pháp này thì pháp không rời ta, mà ta cũng không rời Pháp; Pháp và ta biến thành một. Ðã biến thành một thì không còn Pháp, chẳng còn ngã; pháp chấp và ngã chấp đều dứt sạch; không còn cái gọi là ngã chấp, không còn cái gọi là pháp chấp. Ðây gọi là “Mạc Ly Ngã”.
Tu “Kim Trọc Ngọc Hoàn Pháp Thủ Nhãn” này thì có công năng gì? Có thể khiến cho tất cả chúng sanh đều nghe theo sự giáo hóa của quý vị. Quý vị dạy họ tu pháp gì thì họ vâng lời tu theo pháp đó!
42. HÔ LÔ HÔ LÔ HÊ RỊ. (Hu Lu Hu Lu Syi Li)
“Hô Lô Hô Lô Hê Rị” là Phạn ngữ, Trung Hoa dịch là “Tác Pháp Vô Niệm”, lại còn gọi là “Tác Pháp Tự Tại”. Ở phần trước là “Tác Pháp Như Ý”, ở đây là “Tác Pháp Vô Niệm”. Cái như ý kia vẫn còn có một cái ý; bây giờ vô niệm, ngay cả một niệm cũng không còn, tác pháp không hề có một niệm khởi, vì còn một niệm khởi là còn vọng tưởng. Quý vị không có niệm thì không có vọng tưởng, không có vọng tưởng nên gọi là “Tác Pháp Tự Tại” và trở thành “Quán Tự Tại”.
Câu chú là “Bảo Bát Thủ Nhãn”, là Thủ Nhãn thứ ba trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn. Bảo Bát Thủ Nhãn có công năng gì? Có thể giải trừ tất cả bệnh khổ của chúng sanh.
Thông thường người xuất gia hiện nay, có người tin tưởng vào Chú Đại Bi, gia trì Thần Lực Chú Ðại Bi vào nước. Nếu có người bệnh, vị ấy liền trì chú Đại Bi vào ly nước và cho người bệnh uống. Uống xong, có khi bệnh lành hẳn , có khi bệnh không lành, đây đều tùy thuộc vào nhân duyên của người bệnh. Uống nước chú Ðại Bi và được lành bệnh, quý vị sanh lòng tin, tín ngưỡng vào Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát; còn lúc không lành bệnh thì sao? Quý vị không phát khởi lòng tin, không tin tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm.
Kỳ thật ra—và bây giờ tôi cũng truyền một pháp nầy cho các ông—pháp gia trì Ðại Bi Thủy không cần phải niệm toàn bài chú Ðại Bi vào nước, mà các ông chỉ cần niệm “Hô Lô Hô Lô Hê Rị”. Niệm năm lần, xong thổi ba hơi lên nước. Rồi cho bệnh nhân uống thì bệnh sẽ được lành. Kỳ thật có lúc bệnh không hết, có lúc bệnh hết rất nhanh, đây phải xem nhân duyên giữa quý vị và người bệnh đó. Nếu quý vị có duyên với người bệnh thì người ấy uống nước Chú Đại Bi của quý vị sẽ được hết bệnh; nếu không có duyên thì khi uống nước Chú, người ấy không có lòng tin và bệnh sẽ không hết. Nói chung là phải hợp đủ nhiều yếu tố nhân duyên giúp đỡ thì pháp duyên này mới có thể thành tựu. Nếu quý vị có sự tu hành thì đối phương mới có thành tâm. Nhưng nếu quý vị có tu hành, nhưng đối phương không có tâm thành, dù có uống nước Chú Đại Bi, bệnh cũng không hết. Ngược lại, quý vị không có sự tu hành, nhưng đối phương có tâm thành tha thiết, khi uống nước Chú Đại Bi, bệnh cũng sẽ khỏi. Đây là vấn đề có nhiều mối liên hệ, có trường hợp nghiệp chướng của người bệnh nặng nề, công lực của nước Chú Đại Bi không đủ lớn, cho nên khi uống vào bệnh cũng sẽ không lành. Có trường hợp nghiệp chướng của người bệnh nhẹ và nước Chú Đại Bi của quý vị có công lực lớn – Sao gọi là có công lực lớn? Nghĩa là quý vị thường trì Chú Đại Bi nên có được năng lực cảm ứng đạo giao – cho nên người bệnh uống vào sẽ khỏi bệnh.. Do vậy, bất luận là sự việc như thế nào cũng có vô số trợ duyên bên trong, khi hội đủ các trợ duyên cần thiết thì việc mới có thể thành công. Quý vị không nên cho rằng mình đang tu Bảo Bát Thủ Nhãn, nhưng tại sao nước Đai Bi mình gia trì không có công hiệu gì cả? Không phải là nước Đại Bi không có công hiệu, mà là công phu của quý vị chưa đủ, cho nên công lực của Chú chưa đủ mạnh.
Vì lẽ đó, có một ngoại đạo cũng dùng nước Đại Bi trị bệnh cho người luôn rất linh nghiệm, rất có công hiệu. Tại sao thế? Vì có một loại thiên ma theo ủng hộ người ngoại đạo đó. Thiên ma này theo ủng hộ người ngoại đạo khiến cho đa số người đều tin theo ông ta, cứ như thế ông ta dễ dàng dẫn dắt người ta đi vào con đường bàng môn tả đạo. Do vậy, cũng cùng tu một pháp môn, nhưng lại có vô số tình huống sai khác.
Chúng ta muốn dùng Chú Đại Bi để trị bệnh cho người, đây cũng là một trong những cách hành Bồ Tát Đạo, nhưng quý vị muốn hành Bồ Tát đạo, trước tiên phải tu Bồ Tát hạnh. Quý vị cần phải có tâm không chấp nhân, không chấp ngã – tức không có bốn tướng Ta, Người, Chúng Sanh và Thọ Giả.
Quý vị không nên cho rằng: "Tôi có thể trị hết bệnh cho người, Tôi trì niệm Chú Đại Bi được cảm ứng phi thường." Đừng nên có tâm như thế. Vì sao vậy? Quý vị có tâm như thế, tức là có chấp trước, mà có sở chấp thì sẽ có ma chướng. Trong khi quý vị không có tâm niệm như thế, thì cũng vẫn có ma chướng luôn rình rập. Bởi vì đa số con người luôn có những thói tật, đều có một loại hoặc là nghiệp, hoặc là ma. Nếu đó là nghiệp chướng của người ấy, mà quý vị lại trị được hết bệnh cho anh ta thì không có vấn đề gì; nếu như đó là bệnh thuộc về ma chướng, mà quý vị muốn bệnh của anh ta hết thì con ma trong người anh ta sẽ đi tìm quý vị, ra mặt đấu tranh với quý vị. Nếu đạo lực của quý vị không đủ, quý vị sẽ đi vào cảnh giới ma; nếu quý vị có đạo lực thắng nó thì quý vị sẽ kết oán với nó, đã kết oán thì nó sẽ luôn tìm cơ hội khấy rối quý vị, khiến quý vị phải đầu hàng trước nó. Ngày xưa tôi rất thích trị bệnh cho người, ai có bệnh là tôi nhất định tìm cách trị cho họ, nhưng về sau này tôi đã gặp phải rất nhiều ma chướng.
Tôi đã từng nói khi tôi còn ở Đông Bắc thì có quái vật dưới sông tìm đến dùng nước nhấn chìm tôi, không dìm chết được tôi, nó dìm chết năm, sáu chục người; tám, chín trăm căn nhà đều bị nước cuốn trôi. Chưa dừng ở đó, đợi sau này khi tôi trên đường từ Thiên Tân đến Thượng Hải, khi đang trên biển thì quái vật lại muốn lật chìm thuyền tôi đang đi, muốn hất tôi xuống biển cho cá ăn thịt. Từ đó về sau, khi đến được đất liền, tôi rất ít trị bệnh cho người.
Do vậy, việc trị bệnh này rất dễ kết oán, lại cũng rất dễ kết duyên. Nếu quý vị trị hết bệnh cho người, thì người đó sẽ tìm cách đến cúng dường quý vị như: thức ăn, đồ vật tốt hay tiền bạc. Việc này rất dễ kết duyên mà cũng rất dễ kết oán, có tốt mà cũng có xấu. Nếu quý vị có thể làm được việc buông xả tứ tướng: tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì có thể trị bệnh cho người; còn nếu không buông xả được thì rất dễ bị ma chướng. Muốn trị bệnh cho người kết duyên thì cũng phải xét đến các mối liên quan khác
43. TA RA TA RA. (Swo La Swo La)
“Ta Ra Ta Ra”, quý vị nghe âm thanh câu chú này rất “hùng” phải không? Ðó là tiếng Phạn, dịch là “Kiên Cố Lực”. Lực nầy vô cùng kiên cố, không có ai phá hoại được. “Kiên cố lực” có thể phá tan, hàng phục tất cả thiên ma ngoại đạo.
Câu chú này là “Kim Cang Xử Thủ Nhãn” cũng tức là “Bảo Xử Thủ Nhãn”. Bảo Xử Thủ Nhãn này có thể phá vỡ và thu phục tất cả oán ma, cho nên gọi là “Kiên Cố Lực”.
44. TẤT LỴ TẤT LỴ. (Syi Li Syi Li)
“Tất Lỵ Tất Lỵ” cũng là tiếng Phạn, dịch ra có ba nghĩa:
Thứ nhất là “Dũng Mãnh”, giống như tác chiến vậy, chỉ có thắng, chớ không bại.
Thứ hai là “Thù Thắng”, cũng là chỉ có thắng lợi, không bao giờ thất bại. Cho nên tôi bảo các đệ tử rằng: “Các con đến chỗ nào cũng đều dũng mãnh, thắng lợi, không được nhụt chí, thối lùi; nếu các con thối lùi thì đừng trở về gặp thầy. Một người sống vô dụng thì không có ý nghĩa gì cả.” Ở Quảng Ðông gọi những người không có nhuệ khí là “Thủy Bì”. Da của nước có phải bao giờ cũng mềm nhũng phải không? Bắc Kinh gọi loại người này là “Thảo Bao”. Túi cỏ, giống như túi cỏ đựng gạo không có kiên định, không vững chắc, không có lợi ích gì. Từ đây về sau các con nên ghi nhớ, ai muốn làm đệ tử của tôi thì đến đâu đều phải thắng lợi giống như chày kim cang vậy, có “kiên cố lực” như thế. Phải thắng lợi chớ như thủy bì, thảo bao.
Thứ ba nghĩa là “Cát Tường”, vì quý vị dũng mãnh mới có thể thắng lợi, quý vị thắng lợi mới có thể cát tường.
Ðây là “Hợp Chưởng Thủ Nhãn”, có thể khiến cho tất cả quỷ thần, long xà, hổ lang, sư tử, nhân cùng phi nhân khởi tâm yêu mến cung kính. Nhưng muốn thắng lợi, cát tường thì phải có tâm dũng mãnh. Không phải chỉ nói suông mà phải thực hành.
45. TÔ RÔ TÔ RÔ. (Su Lu Su Lu)
“Tô Rô Tô Rô” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “Cam Lồ Thủy”, câu chú này là “Cam Lồ Thủ Nhãn”. Sự diệu dụng và nhiệm mầu của nước cam lồ rất lớn.. Điều này trước có giảng qua, bây giờ không nói thêm nữa. Nước Cam Lồ có thể làm cho tất cả ngạ quỷ đều được no ấm, được như ý, được cát tường, không bao giờ còn đói khát và thọ nhận được nhiều sự lợi ích. Nước Cam Lồ này còn gọi là “Bất Tử Dược”, nếu người sắp chết được uống nước Cam Lồ này thì khỏe lại, nhưng không dễ gì gặp được. Nếu quý vị đắc được Cam Lồ thủy, khi gặp người chết, quý vị có thể cứu họ sống lại.
46. BỒ ÐỀ DẠ BỒ ÐỀ DẠ. (Pu Ti Ye Pu Ti Ye)
“Bồ Ðề Dạ, Bồ Ðề Dạ” hai câu này là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “Giác Ðạo” hoặc “Giác Tâm”. Quý vị muốn đến chỗ “Giác Ðạo”, trước hết là phải có tâm giác ngộ (Giác Tâm). Nếu không có tâm giác ngộ, thì quý vị không thể tu hành đạo giác ngộ (Giác Ðạo). Vì vậy, chúng ta tu đạo, trước hết phải có tâm chân chánh giác ngộ, sau đó mới tu thành đạo giác ngộ.
Hai câu chú này là “Bất Thối Kim Cang Luân Thủ Nhãn”. Bất Thối Kim Cang Luân chính là tâm Bồ Ðề vĩnh viễn không thoái chuyển.
Bắt đầu từ nay cho đến ngày thành Phật, tâm Bồ Ðề đã phát ngày càng kiên cố, tinh tiến, vĩnh viễn không bao giờ thoái chuyển. Do tâm Bồ Ðề không bao giờ thối chuyển, nên quý vị rất chóng thành tựu Phật quả. Nếu quý vị thối thất tâm Bồ Ðề thì thành Phật chậm hơn. Chúng ta người học Phật, nên ngày càng thêm tinh tấn, tâm Bồ Ðề ngày càng kiên cố, càng thêm to lớn, chớ nên thối chuyển. Quý vị thường đến Phật đường nghe Kinh, nên nghĩ rằng được nghe kinh là việc khó gặp. Tại sao khó gặp? Nghĩa là Pháp hội này không dễ gì được gặp. Quý vị thấy Pháp hội của chúng ta rất đơn giản, nhưng trên thế giới hiện nay muốn tìm một Pháp hội tinh tấn như chúng ta, ngày ngày giảng Kinh, ngày ngày thuyết pháp giống như nước sông Trường Giang không ngừng trôi chảy thật là khó. Gặp được Pháp hội như thế trên thế gian này, bất luận như thế nào, chúng ta cũng phải tranh thủ thời gian đến nghe Kinh, nghe Pháp. Khi nghe Kinh, dù là ai giảng, quý vị cũng nên đến tùy hỷ đạo tràng, hộ trì đạo tràng. Ở đây mỗi đêm, chúng ta đều có giảng Kinh, cho nên mỗi đêm quý vị nên đến hộ trì Pháp hội. Chúng ta không nên phân biệt, bảo rằng đêm nay người nào đó giảng, người ấy giảng không hay lắm, nên tôi không đi nghe. Không nên có tâm ấy! Quý vị nghe lâu ngày, bất luận là ai giảng, người đó đều giảng đúng chân lý, đều có sự sáng tạo. Cho nên người nào có thời gian nên đến tùy hỷ Pháp hội, không được lười biếng. Vì pháp môn này là trăm ngàn muôn kiếp rất khó gặp, mà hôm nay chúng ta được gặp nên phải dũng mãnh tinh tấn. Quý vị dũng mãnh tinh tấn, đây gọi là không thối thất tâm Bồ đề. Không thối thất có ba loại là: Vị bất thối, Niệm bất thối và Hạnh bất thối.
Vị bất thối là nếu quý vị đã chứng quả rồi thì không còn trở lại cõi phàm phu nữa. Nếu quý vị đã chứng đắc quả Bồ Tát rồi thì không còn trụt lại quả A la hán. Nếu chứng thành Phật quả rồi thì không còn lui lại quả vị Bồ Tát. Trừ khi quý vị hoan hỷ muốn trở lại làm thân Tỳ Kheo để giáo hóa chúng sanh.
Niệm bất thối: Người học Phật pháp chúng ta có khi khởi lên ý niệm, “Tu học Phật pháp không có gì thú vị cả! Tôi không muốn tu hành nữa, tôi không muốn đi nghe kinh nữa, đó là “Niệm thối chuyển”. Tôi không thích đi chùa nữa, tôi không thích đến Phật đường nữa, đó là Niệm thối thất. Khi quý vị khởi niệm thối chuyển, ma chướng liền xuất hiện, ma thì rất hoan hỷ khi quý vị thối tâm. Nếu đạt được Niệm bất thối, quý vị càng nghe Phật pháp thì càng thấy thích, càng thích thì càng muốn nghe, đó là Niệm bất thối.
Hạnh bất thối: Chính là tu hành ngày càng tiến tới, ngày càng dụng công. Dũng mãnh tinh tấn, phát tâm dũng mãnh lớn để tu đạo, đó là Hạnh bất thối – quý vị tu hành không bao giờ thụt lùi.
Quý vị tu “Bất Thối Kim Cang Luân Thủ Nhãn” thì từ bây giờ cho đến lúc thành Phật, Bồ Ðề tâm của quý vị vĩnh viễn không còn thối thất nữa.
47. BỒ ÐÀ DẠ, BỒ ÐÀ DẠ. (Pu Two Ye Pu Two Ye)
“Bồ Đà Dạ Bồ Đà Dạ”. Bồ Đề Dạ và Bồ Đà Dạ chỉ khác nhau chữ “Đề” và chữ “Đà” ở giữa
“Bồ Ðà Dạ Bồ Ðà Dạ” là tiếng Phạn, dịch là “Tri Giả” lại còn gọi là “Giác Giả”. Câu chú trước là “Giác Ðạo, Giác Tâm”, câu chú nầy là “Tri Giả, Giác Giả”. Tri là cái biết đích thực, cũng chính là Trí Huệ. Giác nghĩa là giác ngộ. Ðó là người có Trí Huệ và sự Giác Ngộ đích thực.
Câu Chú này là Thủ Nhãn gì? Ðó là “Ðảnh Thượng Hóa Phật Thủ Nhãn”. “Hóa Phật” trong “Ðảnh Thượng Hóa Phật Thủ Nhãn” chính là Giác Giả; và vị nào tu Hóa Phật Thủ Nhãn thì là Tri Giả. Tri và Giác vốn không sai khác gì mấy. Tri là cái biết trọn vẹn, là một giai đoạn trước khi giác ngộ; Giác là sự giác ngộ, là giai đoạn tiếp theo của cái biết “tròn đầy”. Do vậy mà ở trên đỉnh đầu của quý vị có thể hóa Phật. Lúc quý vị tu “Ðảnh Thượng Hóa Phật Thủ Nhãn” này thành tựu rồi, thì quý vị sẽ là người có trí huệ thật sự, cũng là người có sự giác ngộ thật sự. Tu Thủ Nhãn này quý vị sẽ được mười phương chư Phật đến xoa đầu thọ ký.
Người tu đạo chúng ta đều có cảm giác là lúc công phu niệm Phật hoặc trì chú, hay tham thiền thì có khi cảm thấy ở trên đỉnh đầu như có một vật gì đang qua lại, hoặc như một con bọ đang bò qua bò lại, tóm lại là luôn cảm thấy trên đầu như có một vật gì, nhưng khi lấy tay sờ vào lại không có gì. Tôi nói cho quý vị biết, lúc đó là chư Phật xoa đầu thọ ký cho quý vị. Chỉ là quý vị chưa có Thiên Nhĩ Thông nên nghe cũng chẳng biết; chưa có Thiên Nhãn Thông nên nhìn cũng không thấy, nhưng mười phương chư Phật thì hết lòng đến xoa đầu thọ ký cho quý vị.
Sở dĩ có tình huống như vậy là do sự cảm ứng tu hành của quý vị, nhưng quý vị không nên sanh tâm vui mừng, cũng đừng nên khởi tâm kiêu ngạo. Không nên cho rằng Phật đích thân đến xoa đầu tôi, Phật đến gia trì tôi – gia trì chính là dùng tay xoa đầu. Nếu quý vị khởi tâm vui mừng, hoặc sanh tâm kiêu ngạo, đó đều là mê chấp. Một khi mê chấp thì tuy là cảnh giới tốt cũng trở thành không tốt. Như vô số cảnh giới nói trong “Kinh Lăng Nghiêm”, vốn là sự cảm ứng tu hành của quý vị. Nếu quý vị cho rằng mình đã đắc được cảnh giới tốt, thì “tức nhập quần tà” (liền vào nhóm tà) liền mắc ma chướng. Vì vậy, tu Pháp cần phải như như bất động. Bất luận là cảnh giới tốt hay cảnh giới xấu; cảnh giới thiện hay cảnh giới ác đều phải bất động, nếu quý vị bất động, đó chính là Ðịnh lực. Quý vị có Ðịnh lực rồi thì tự nhiên về sau sẽ phát sanh trí tuệ chân thật. Có Huệ lực chân chánh thì quý vị chính là một “Tri Giả”, chính là một “Giác Giả” vậy!
48. DI ÐẾ RỊ DẠ. (Mi Di Li Ye)
“Di Ðế Rị Dạ” là tiếng Phạn, dịch là “Chánh Lượng”, có một nghĩa nữa gọi là “Ðại Lượng”, nghĩa là số lượng nhiều không đếm hết. Lại có một nghĩa nữa là “Ðại Từ Bi Tâm”. Sao gọi là Ðại? Vì tâm Từ Bi này không có bờ mé nên gọi là Ðại. Từ Bi Tâm này có thể bảo hộ cho tất cả chúng sanh, khiến tất cả đều được an vui, không còn mọi sự sợ hãi và tai ương.
Câu chú này là “Tích Trượng Thủ Nhãn”. Trên đầu tích trượng có ba khung, chín khoen. Khoen là cáo vòng tròn. Xưa kia người xuất gia đi đâu cũng đều mang theo tích trượng, khi đi đường chống tích trượng sẽ phát ra tiếng động, có ý muốn báo cho các loài súc sanh trên đất biết để tránh, chúng nghe tiếng động liền bỏ chạy để giữ an toàn.
Trong Phật giáo, Tích Trượng là một loại Pháp Bảo. Quý vị thấy Ngài Ðịa Tạng Vương Bồ Tát thường cầm Tích Trượng, Ngài dùng Tích Trượng để mở các cửa địa ngục, Tích Trượng là chìa khóa mở cửa địa ngục. Vì vậy, tu Thủ Nhãn này sẽ trưởng dưỡng và thành tựu tâm Ðại Từ Bi của quý vị, để có thể cứu vớt tất cả chúng sanh.
49. NA RA CẨN TRÌ. (Nwo La Jin Chr)
“Na Ra Cẩn Trì” là tiếng Phạn, dịch là “Hiền Ái, Hiền Thủ”, nghĩa là vị đứng đầu trong các vị Thánh Hiền. Lại có một nghĩa nữa là “Thiện Hộ, Thiện Ðảnh”, nghĩa là khéo hộ niệm cho tất cả chúng sanh, khéo độ thoát cho tất cả chúng sanh đến quả vị cao nhất.
Câu chú này là “Bảo Bình Thủ Nhãn”, lại còn gọi là “Tịnh Bình Thủ Nhãn”, cũng còn gọi là “Hồ Bình Thủ Nhãn”. Là một trong ba pháp Cam Lồ Thủ Nhãn của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tịnh Bình này dùng để đựng nước cam lồ; nước Tịnh Bình này có thể tẩy sạch tất cả sự cấu trược trên thế gian; không những tẩy sạch mọi sự uế trược của cõi Ta Bà mà còn giải trừ được tất cả bệnh khổ cho chúng sanh, do vậy mà gọi là “Thiện Hộ, Thiện Ðảnh”. Bồ Tát tu Thủ Nhãn này thì có thể khéo hộ niệm và hộ trì cho tất cả chúng sanh. Cho nên tu thành tựu “Bảo Bình Thủ Nhãn” này thì có thể cứu giúp tất cả chúng sanh và giải trừ mọi tai nạn khổ ách cho họ.
50. ÐỊA LỴ SẮT NI NA. (Di Li Shai Ni Nwo)
“Ðịa Lỵ Sắt Ni Na” là Phạn ngữ, dịch là “Kiên Lợi”; Kiên là vững chắc, kiên cố; Lợi nghĩa là sắc bén. Lại có một ý nữa là “Kiếm”, nghĩa là một bảo kiếm rất sắc bén.
Câu chú này là “Bảo Kiếm Thủ Nhãn”. Công năng Thủ Nhãn này như thế nào? Trước đây, khi tôi truyền cho quý vị Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, tôi đã nói qua ý nghĩa của nó. Bảo Kiếm Thủ Nhãn này hàng phục được tất cả ly mỵ, vọng lượng, quỷ thần... Nếu quý vị tu Thủ Nhãn này thành tựu rồi thì tất cả thiên ma, ngoại đạo, ly mỵ, vọng lượng... đều ngoan ngoãn tuân phục, vì chúng sợ Bảo Kiếm này của quý vị. Thủ Nhãn này rất có uy lực, nó có thể phá tan tất cả thiên ma, ngoại đạo; có thể hàng phục tất cả thiên ma, ngoại đạo. Bất kể là ngoại đạo, thiên ma nào, nếu không nghe quý vị giáo hóa thì quý vị có thể dùng Bảo Kiếm này trảm nó. Cho nê, Bảo Kiếm Thủ Nhãn rất lợi hại!
51. BA DẠ MA NA. (Pe Ye Mwo Nwo)
“Ba Dạ Ma Na” có nhiều nghĩa:
Thứ nhất là “Danh văn”, bởi vì tên của quý vị đều được mười phương thế giới nghe đến, biết đến.
Thứ hai là “Hỷ Xưng”, bởi vì mười phương thế giới đều vui mừng, xưng tán tên quý vị.
Thứ ba là “Thành Danh”, danh quý vị được thành tựu.
Lại còn một nghĩa nữa là “Nhất Thiết Nghĩa Thành Tựu”, mọi sự mọi việc đều được thành tựu tốt đẹp.
Câu chú này là “Bảo Tiển Thủ Nhãn”. Tu Thủ Nhãn này có thể khiến cho quý vị chóng gặp được tất cả bạn lành.
52. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
Câu chú “Ta Bà Ha” rất quan trọng. Trong Chú Ðại Bi có đến mười bốn (14) câu “Ta Bà Ha”, mỗi một câu “Ta Bà Ha” đều có sáu nghĩa. Do đó quý vị gắng ghi nhớ, bất cứ thần chú nào nếu có câu “Ta Bà Ha” thì đều có sáu nghĩa như sau:
1. Thứ nhất là “Thành Tựu”, quý vị niệm câu Chú này thì tất cả sở cầu, sở nguyện đều được thành tựu. Nếu không thành tựu chính là do quý vị không đủ tâm thành; nếu quý vị thành khẩn thì sẽ có sự thành tựu. Đối với Chú này, trong tâm có chút không tin, hoặc nửa tin nửa ngờ thì không thể thành tựu. Quý vị phải có lòng tin chân thật thì mới có thể thành tựu.
2. Nghĩa thứ hai là “Kiết Tường”, quý vị niệm câu Chú này thì mọi sự không tốt lành đều sẽ trở nên tốt lành. Nhưng tất nhiên quý vị phải hết lòng thành tín, nếu không thành tín thì không được kiết tường. Lúc tụng Chú, quý vị tin hay không tin, chư Bồ tát đều biết. Quý vị có lòng tin chân thật hay nửa tin nửa ngờ; tin ít hay tin nhiều… chư Bồ Tát đều biết rõ cả. Nếu quý vị muốn mọi điều được thành tựu thì cần phải có tín tâm. Muốn mọi điều được cát tường thì cũng cần phải có tín tâm. Ví như phụ thân của quý vị lâm bệnh, quý vị muốn cho ông cụ được lành bệnh thì tụng Chú nầy bằng tất cả tin tâm chân thành ắt sẽ có cảm ứng. Hoặc có thể quý vị đang nghĩ trong đầu rằng : “Tôi có một người bạn rất thân nhưng lâu quá không gặp, ước gì gặp lại anh ta.” Thế rồi quý vị tụng Chú nầy với tín tâm thì sẽ mau chóng gặp được người ấy. Hoặc quý vị nghĩ rằng: “Tôi không có một người bạn tốt nào cả, ước gì có được một người bạn tốt!” Nghĩ vậy rồi tụng Chú nầy với lòng tin chân thật, chắc chắc không lâu quý vị sẽ gặp bạn lành. Thậm chí nếu muốn gặp Thiện tri thức cũng sẽ thành tựu, cũng sẽ gặp được Thiện tri thức.
3. Nghĩa thứ ba là “Viên tịch”, lúc các vị Tỳ kheo vãng sanh hoặc nhập Niết Bàn thì thường gọi là viên tịch. Nhưng “Viên tịch” này không chỉ cho sự chết. Nếu tôi niệm câu chú này: ‘Ta bà ha, Ta bà ha, Ta bà ha’ là niệm chết, là viên tịch. Không phải vậy. Thế niệm câu Chú này có ý nghĩa gì? Tôi biết mọi người không ai thích chết. “Viên tịch” có nghĩa là “Công vô bất viên”, tức công đức của quý vị hoàn toàn viên mãn, và “Ðức vô bất tịch”, đức hạnh của quý vị cũng đạt đến cực điểm, phàm phu không thể lường được, duy chỉ có chư Phật, Bồ Tát mới biết đặng.
4. Nghĩa thứ tư là “Tức Tai”, nghĩa là mọi tai nạn đều dứt sạch, không còn một tai ương khổ nạn gì nữa.
5. Nghĩa thứ năm là “Tăng Ích” là tăng trưởng sự lợi ích. Quý vị niệm câu “Ta Bà Ha” thì công hạnh liền được tăng trưởng. Cho nên niệm câu chú nầy rất có ích cho quý vị.
6. Nghĩa thứ sáu này, tôi tin rằng trong quý vị không ai biết cả. Nếu có người nào biết thì có thể nói cho tôi nghe. Tại sao quý vị không biết? Bởi vì lúc trước tôi chưa giảng qua, bây giờ mới bắt đầu nói. Kỳ thực, tôi cũng đã giảng cho quý vị nghe rồi, có điều quý vị không biết ở đây có thể dùng được không. Nghĩa thứ sáu là “Vô trụ”, tức là “Vô trụ” của “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang. Vô trụ nghĩa là không trụ trước. Tâm không bám víu vào đâu và không dính mắc gì cả. Không dính mắc tức là mọi việc đều O.K, đều hanh thông. Ðây là “vô vi” pháp, không làm mà không có gì không làm. Vô trụ cũng là vô vi, vô vi cũng là vô trụ. Phải vô trụ thân tâm và thân tâm phải cần vô trụ. Chớ trụ nơi phiền não, chớ trụ tại vô minh, chớ trụ ở tham, chớ trụ ở sân, chớ trụ ở si, chớ trụ ở mạn, chớ trụ ở nghi. Vô trụ tức là nếu quý vị có tất cả những tâm niệm tiêu cực trên thì phải nhanh chóng hàng phục nó, hàng phục được rồi chính là Vô trụ. Dùng cái gì để hàng phục? Dùng Bảo Kiếm Thủ Nhãn mà tôi mới giảng để hàng phục.
Quý vị cũng có thể giảng như vầy: Quý vị nói quý vị có tâm tham à? Tôi sẽ chém tâm tham của quý vị. Quý vị nói quý vị có con ma sân hận trong lòng? Tôi sẽ chém bay đầu nó. Quý vị nói quý vị có con ma ngu si trong lòng? Tôi sẽ bầm nó nát như tương. Dùng Bảo Kiếm Kim Cang Vương nầy cũng chính là Bảo Kiếm Trí Huệ để hàng phục tất cả Thiên ma, Ngoại đạo. Muốn hàng phục Thiên ma, Ngoại đạo thì trước nhất quý vị phải hàng phục được vọng tưởng của chính mình. Nếu quý vị hàng phục được phàm tâm vọng tưởng của mình rồi thì Thiên ma, Ngoại đạo bên ngoài tự nhiên cũng được hàng phục. Quý vị không còn vọng tưởng thì Thiên ma Ngoại đạo bên ngoài cũng chẳng thể xâm nhập, dù muốn vào cũng vô phương vào được.
Ðó là sáu ý nghĩa của “Ta Bà Ha”, Tiếp theo chỗ nào có câu chú “Ta Bà Ha” cũng đều mang sáu hàm nghĩa như đây vừa trình bày.
53. TẤT ÐÀ DẠ. (Syi Two Ye)
54. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
55. MA HA TẤT ÐÀ DẠ. (Mwo He Syi Two Ye)
56. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
Hai câu “Tất Ðà Dạ Ta Bà Ha, Ma Ha Tất Ðà Dạ Ta Bà Ha” đều là Phạn ngữ. Câu đầu “Tất Ðà Dạ” có năm nghĩa:
- Thứ nhất là “Thành Tựu Ðốn Kiết”.
- Thứ hai là “Thành Biện”.
- Thứ ba là “Thành Lợi”.
- Thứ tư là “Thành Nhất Thiết Nghĩa”.
- Thứ năm là “Sở Cung Tán Thán”.
Sao gọi là “Thành Tựu Ðốn Kiết”? Quý vị nhờ vào thần lực của câu chú này, mà có thể thành tựu mọi sở cầu sở nguyện. Quý vị ước nguyện điều gì thì tức khắc (đốn) liền được an lành (kiết) toại nguyện (thành tựu). Có người nói: “Tôi cũng niệm Chú Ðại Bi thế sao không tức khắc được như nguyện?” Vì sự trì niệm cần phải có công phu tương ưng. Công phu niệm chú Ðại Bi của quý vị chưa tương ứng nên không thể thành tựu. Nếu tương ứng thì sở cầu của quý vị sẽ được như ý, sở nguyện sẽ được tùy tâm. Do đó nên gọi là “Thành Tựu Ðốn Kiết”.
Lại gọi là “Thành Biện”, nghĩa là quý vị làm bất cứ việc gì cũng đều đạt được kết quả viên mãn. Cũng gọi là “Thành Lợi”, nghĩa là có thể thành tựu tự lợi và lợi tha.
Gọi là “Thành Nhất Thiết Nghĩa”, nghĩa là bất kể việc gì cũng đều được thành tựu.
Nghĩa thứ năm là “Sở Cung Tán Thán”, ý nói mọi người đều khen ngợi, tán thán quý vị. Ðó là năm ý nghĩa của “Tất Ðà Dạ”.
Câu thứ hai “Ma Ha Tất Ðà Dạ”: “Ma Ha” như chúng ta đều biết là đại, to lớn. Câu chú này có nghĩa là quý vị thành tựu vô vàn sự nghiệp to lớn, quý vị có thể thành tựu vô biên công đức lớn, quý vị có thể thành tựu các đạo nghiệp vĩ đại. Nói chung là tất cả mọi việc đều được thành tựu rất mỹ mãn.
Hợp hai câu trên lại (Tất Ðà Dạ Ta Bà Ha, Ma Ha Tất Ðà Dạ Ta Bà Ha) là “Bảo Kinh Thủ Nhãn”. Bảo Kinh tức là một bộ kinh quý báu, cũng chính là Pháp Bảo. Quý vị tu Bảo Kinh Thủ Nhãn này thì chỗ lợi ích thật vô cùng vô tận. Bảo Kinh Thủ Nhãn là Thủ Nhãn thứ ba mươi bảy trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn. Quý vị tu Thủ Nhãn này thì tương lai trí huệ rất cao, trí nhớ rất tốt, và sẽ hiểu rộng nhớ sâu.
Trí nhớ của chúng ta quá kém! Giống như không có gậy chống thì không đi được vậy. Ý nói là sau khi chúng ta đọc xong những kiến thức trên sách thì không ghi nhớ rõ ràng chính xác, sau này khi cần dùng đến sở học thì phải đi tra lại hay xem lại ghi chú mới có thể nhớ lại những gì đã giảng hôm qua. Tại sao trí nhớ của quý vị yếu như vậy? Bởi vì quý vị chưa có tu qua Bảo Kinh Thủ Nhãn. Nếu quý vị tu Bảo Kinh Thủ Nhãn thì sẽ “bác văn cường ký”. Bác là quảng bác, rộng lớn; Văn chính là nghe, còn gọi là đa văn, tức nghe nhiều. Ngài A Nan không phải là vị đa văn đệ nhất sao? Tin rằng trong vô lượng kiếp quá khứ Ngài đã tu Bảo Kinh Thủ Nhãn này được thành tựu viên mãn, cho nên những gì một khi nghe qua tai đều vĩnh viễn ghi nhớ không quên. Thậm chí những điều chưa nghe, Ngài cũng có thể nghĩ ra được. Vì sao nói như thế? Vì Tôn giả A Nan ra đời cùng một ngày Ðức Phật Thích Ca thành đạo, hai mươi tuổi xuất gia; như vậy những pháp Đức Phật nói trong suốt hai mươi năm trước khi Ngài xuất gia, Ngài đều chưa nghe qua, thế tại sao toàn bộ kinh điển Phật nói trong suốt bốn mươi lăm năm đều được Ngài kết tập? Tôn Giả A Nan được các vị Ðại đệ tử của Phật nói lại những bài pháp mà Đức Phật đã thuyết trước kia, Tôn giả A Nan một khi nghe đến liền nhớ chẳng quên. Hoặc có những Kinh các Ðại đệ tử không nói, thì Ðức Phật đích thân nói lại cho A Nan nghe một lần lúc ở trong định . Vì vậy, tất cả những kinh điển Ðức Phật thuyết, A Nan đều ghi nhớ toàn bộ. Nguyên nhân Ngài có trí nhớ phi thường như vậy là vì Ngài đã tu viên mãn Bảo Kinh Thủ Nhãn.
Có người hỏi: “Làm sao có được trí nhớ tốt?”
- Quý vị tu Bảo Kinh Thủ Nhãn này. Nếu quý vị tu Bảo Kinh Thủ Nhãn này sẽ có trí nhớ rất tốt, lại có thêm năng lực đa văn.
Ai trong chúng ta là người nhớ rõ nhiều kinh điển, là đều có duyên với Bảo Kinh Thủ Nhãn này.
Theo đồ hình, đó là hình một vị Bồ Tát tay cầm cây tràng phan và toàn thân đều phóng ra ánh sáng. Quý vị xem vị Bồ Tát nầy toàn thân đều phóng Ðại quang minh. Phóng quang biểu thị cho công đức đại trí huệ, trí nhớ, sự đa văn của quý vị được khai mở vậy.
57. TẤT ÐÀ DU NGHỆ. (Syu Two Yu Yi)
58. THẤT BÀ RA DẠ. (Shr Pan La Ye)
59. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
“Tất Ðà” là tiếng Phạn, dịch là “Thành Tựu Lợi Ích”.
“Du Nghệ” dịch là “Vô Vi”. Cũng còn gọi là “Hư Không”.
“Thất Bà Ra Dạ” dịch là “Tự Tại”. Hai câu (Tất Ðà Du Nghệ. Thất Bà Ra Dạ) là “Bảo Khiếp Thủ Nhãn” là Thủ Nhãn thứ hai mươi hai. Ý của câu Chú này nói rằng: “Trên lý thể tự tánh của quý vị có thể tự tại và thành tựu vô lượng công đức”.
60. NA RA CẨN TRÌ. (Nwo La Jin Chr)
61. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
“Na Ra Cẩn Trì” dịch là “Ái Hộ” nghĩa là luôn thương yêu và bảo hộ tất cả chúng sanh. Nên cũng có nghĩa là Từ Bi. Câu chú Na Ra Cẩn Trì là “Bảo Bình Thủ Nhãn”.
62. MA RA NA RA. (Mwo La Nwo La)
63. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
“Ma Ra Na Ra” là tiếng Phạn. Ma Ra, Hán ngữ dịch là “Như Ý”; Na Ra dịch là “Tôn Thượng”, tức là tối tôn tối thượng, không gì cao hơn và tôn quý hơn cả. Câu chú này là “Quyên Sách Thủ Nhãn”. Nếu có nhiều sự bất an, nó có công năng đưa quý vị đến chỗ an vui như ý. Những sự bất an gì? Như bệnh khổ hoặc là có những sự tình không lành, hoặc những chướng nạn... Công năng của Quyên Sách Thủ Nhãn này rất lớn. Ở Phật giáo gọi nó là Quyên Sách Thủ Nhãn, còn ở Ðạo giáo gọi là “Khổn Tiên Thằng”, đó là một sợi dây dùng chỉ ngũ sắc để làm thành. Nếu tu Thủ Nhãn này thành tựu, khi quý vị phóng sợi dây ngũ sắc này ra ngoài, yêu ma, quỷ quái, ly mỵ, vọng lượng đều bị trói chặt. Buộc chặt lại rồi, nó không thể nào chạy thoát, thế là nó sẽ đầu hàng quý vị. Thủ Nhãn này là một Pháp vi diệu. Sao gọi là Pháp vi diệu? Bởi vì nhìn thì thấy rất bình thường, nhưng chỗ nhiệm mầu, vi diệu của nó thì không thể nghĩ bàn.
“Ta Bà Ha” cũng cùng nghĩa như đã giảng trên.
64. TẤT RA TĂNG A MỤC KHƯ DA. (Syi Lu Seng E Mu Chwye Ye)
65. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
“Tất Ra Tăng A Mục Khư Da” là tiếng Phạn. Ý nghĩa của câu chú này phải chia ra để dịch. Chữ “Ra”, đa số người ta đọc là La, đó là sai. Căn cứ vào âm nghĩa trong “Đại Tạng Kinh” thì nên đọc là Lỗ.
“Tất Ra Tăng” là “Thành Tựu, Ái Hộ”, có nghĩa là thương yêu bảo hộ tất cả chúng sanh.
“A Mục Khư Da”: dịch là “Bất Không, Bất Xả”.
“Bất Không” tức là “Hữu”, nhưng “Hữu” này là Diệu Hữu.
“Bất Xả” tức là “Bất xả nhất pháp”, không bỏ một pháp mà phải tu tập tất cả pháp. Vì vậy nói rằng:
“Phật sự môn trung bất xả nhất pháp,
Chân Như lý thượng bất lập nhất trần”.
Nghĩa là:
Cửa Phật sự không lìa một pháp,
Trời Chân Như không dính mảy trần.
Là ý này vậy!
Lại có một nghĩa nữa là “Ái Chúng Hòa Hợp”, nghĩa là yêu thương, cứu giúp và hòa hợp với tất cả chúng sanh. Tất Ra Tăng A Mục Khư Da là “Việt Phủ Thủ Nhãn”, quý vị tu Pháp Thủ Nhãn này thì tránh được những nỗi oan uổng về lao hình quốc pháp và giam cầm bắt bớ, ở mọi nơi mọi lúc đều xa lìa các nạn chướng về quan quyền, không có tất cả tai nạn về lao ngục. Tai nạn lao ngục nghĩa là phạm pháp bị ngồi tù. Như thế thì tu pháp này có phải là sẽ không bị phạm pháp và không bị ngồi tù không? Không phải vậy, mà căn bản là quý vị không phạm pháp. Vì quý vị tu pháp này, đồng thời hiểu rõ Phật pháp thì sao lại có thể phạm pháp được chứ? Cho nên quý vị đã không phạm pháp, tất nhiên sẽ không bị nạn về quan quyền. Thế tại sao có người không phạm pháp vẫn bị bắt bớ? Đó là vì họ không tu pháp môn này.
Câu này còn có một nghĩa nữa là “Trong tự tánh của mỗi chúng sanh vốn tự tại và tròn đầy công đức”. Có người hỏi: “Nếu tôi tu thành Thủ Nhãn nầy rồi thì tôi có thể làm điều phạm pháp mà không bị tù tội chăng?”
- Không thể được! Quý vị không thể làm điều phạm pháp. Quý vị tu Pháp nầy, hơn nữa lại còn minh bạch Phật pháp, thì làm sao có thể làm điều phạm pháp? Do quý vị không phạm pháp, đương nhiên sẽ không bị bắt bớ hay giam cầm. Nhưng có lúc người vô tội vẫn bị giam cầm? Đó là vì họ không có tu Việt Phủ Thũ Nhãn, nói không chừng, mỗi người đều sẽ có nạn quan quyền.
66. TA BÀ MA HA A TẤT ÐÀ DẠ. (Swo Pe Mwo He E Syi Two Ye)
67. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
“Ta Bà”, như chúng ta đã biết, thế giới này gọi là thế giới Ta Bà (Saha), chữ Ta Bà này có ba cách dịch là:
“Kham Nhẫn”. Lại dịch là “Nhẫn Ái”. Hoặc là “Thiện Thuyết, Thiện Ðáo”.
Kham Nhẫn, nghĩa là chúng sanh chúng ta có thể nhẫn chịu được mọi sự thống khổ của thế giới Ta Bà này. Cái khổ của thế giới Ta Bà này thì rất nhiều, nhưng chúng sanh chúng ta ở trong cõi ấy vẫn có thể nhẫn chịu được.
Nhẫn Ái cũng có nghĩa là chúng sanh ở thế giới Ta Bà không những có thể chịu đựng mọi sự đau khổ, mà còn khởi sanh lòng yêu mến thế giới mình đang sống..
Thiện Thuyết, Thiện Ðáo, nghĩa là quý vị khen ngợi, nói rằng thế giới Ta Bà này là tốt đẹp, và lại còn muốn đến thế giới Ta Bà này làm người nữa.
“Ma Ha” nghĩa là Ðại, đây chỉ cho pháp Ðại thừa; pháp Ðại thừa tức là pháp Bồ Tát.
“A Tất Ðà Dạ” dịch là “Vô Lượng Thành Tựu”, nghĩa là thành tựu vô số không đếm xuể. Ý này nói pháp Ðại thừa Bồ Tát đến bờ kia một cách rốt ráo, và thành tựu vô lượng công đức. Câu chú này là “Bồ Ðào Thủ Nhãn”, nếu quý vị tu thành tựu được Bồ Ðào Thủ Nhãn này thì trong miệng luôn có vị ngọt của nho, thậm chí còn ngọt hơn nho, hơn đường. Khi quý vị tu pháp môn này thì luôn cảm giác trong miệng có vị ngọt. Loại cảm giác này là sự cảm ứng ban đầu. Hơn nữa, nếu có tu pháp này thì khi quý vị trồng trọt tất cả các loại nông sản, ngũ cốc như: lúa, mì, kê, thử... và các loại rau cải, cây ăn trái… tất cả côn trùng sâu bọ đều không thể ăn hại, phá hoại mùa màng. Ngoài ra, các nơi trồng cây ăn quả như: đào, lê, hạnh, nho, cam... thì quả của vườn quý vị rất sung, mau chín và đặc biệt là có vị ngọt khác thường. Chỗ diệu dụng của Bồ Ðào Thủ Nhãn rất nhiều, do Thủ Nhãn nầy mà vô lượng pháp Ðại thừa đều được thành tựu.
Câu trước “Tất La Tăng A Mục Khư Da Ta Bà Ha”, chính là bổn thân của Ðức Dược Vương Bồ Tát, Ngài dùng vô số dược liệu để chữa lành tất cả bệnh tật cho chúng sanh.
Câu sau “Ta Bà Ma Ha A Tất Ðà Dạ Ta Bà Ha” là bổn thân của Ðức Dược Thượng Bồ Tát, Ngài cũng dùng vô số những dược phẩm để chữa lành hết thảy bệnh khổ cho chúng sanh.
68. GIẢ CÁT RA A TẤT ÐÀ DẠ. (Je Ji La E Syi Two Ye)
69. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
“Giả Cát Ra A Tất Ðà Dạ Ta Bà Ha” là Phạn ngữ, Trung Hoa dịch là “Kim Cang Luân”. Kim Cang Luân này cũng là cái “Kim Cang Bạt Chiết La”. Ða số Kim Cang có dạng hình tròn, Kim Cang Bạt Chiết La này cũng có dạng hình tròn nhưng hơi khác với dạng hình tròn của các Kim Cang khác.
Lại có một ý nữa dịch là “Hàng Phục Oán Ma”. Nó có thể làm cho tất cả các ma oán đều quy Hàng Phục mệnh. Oán nghĩa là trong lòng có một sự oán hận, căm hờn. Vì sao họ phải làm Ma? Vì trong tâm họ luôn nuôi dưỡng một xung khí, ấm ức, bất bình. Nó cho rằng làm việc Phật sự, hành Bồ Tát hạnh, làm việc La Hán, cho đến việc trời, người, Diêm vương đều không đúng. Ai làm gì nó cũng đều phản đối, đều oán hận, luôn cho tất cả là sai quấy. Cho nên, nó giống như những người điên cuồng, bất chấp quốc pháp, gia pháp, thế gian pháp, bất chấp tất cả, nó hoành hành, không để ý tới gì cả. Ðối với loài người gọi kẻ như vậy là người điên, đối với thế giới quỷ thần thì gọi là “Ma”. Oán ma luôn có lòng hờn giận, có một oán khí xung thiên: “Hừ! Các ngươi đều không tử tế với ta, đối với ta không tốt, nên ta sẽ đánh đổ tất cả. Phật à? Ta cũng đả đảo; Bồ Tát à? Ta cũng đả đảo; La Hán à? Ta cũng đả đảo tất cả. À! Còn con người? Ta sẽ nhai tươi nuốt sống. Cứ như thế, luôn có một luồng oán khí. Còn các quỷ thần khác ư, ta sẽ bóp chết tất cả”. Cho nên oán ma rất lợi hại.
Pháp nầy gọi là “Bạt Chiết La Thủ Nhãn”. Tức là dùng cái Kim Cang Luân. Có Kim Cang Luân nầy thì thu phục được tất cả những oán ma, ngoại đạo, thiên ma, ly mỵ, vọng lượng. Bất kể là loại ma quái gì, quý vị dùng Kim Cang Luân này, một khi tác pháp, chúng trở nên ngoan ngoãn, chúng đều khấu đầu đảnh lễ quý vị và, nói rằng: “Lành thay! Chúng con xin tuân theo quy củ, không dám tái phạm nữa”. Bạt Chiết La Thủ Nhãn không những thu phục yêu ma quỷ quái mà còn có âm thanh. Ðạo giáo hay nói đến “Ngũ Lôi Oanh Ðảnh” (năm tia sét đánh xuống đầu), sấm sét thông thường là từ ở trên trời, nhưng các vị Ðạo sĩ có “Chưởng Tâm Lôi”. Nếu biết Chưởng Tâm Lôi, khi tay nắm lại kiết thành quyền tức thì vang ra tiếng sấm sét, tiếng sấm sét này làm cho thiên ma ngoại đạo đều chấn động, thậm chí còn bị phanh xác tan thây nữa. Lúc trước, giảng về bộ Kinh Lăng Nghiêm, tôi có đề cập đến một người bạn, ông ta có biết Chưởng Tâm Lôi, mỗi khi ông ta kiết ấn, liền phát ra tiếng sấm sét. Ðó là một loại pháp thuật của Ðạo giáo. Trong Phật giáo có Bạt Chiết La Thủ Nhãn, quý vị tu Thủ Nhãn này thành công rồi, mỗi khi tác pháp sẽ phát ra tiếng sấm sét, tiếng vang của nó làm cho tất cả oán ma đều hàng phục.
“A Tất Ðà Dạ” dịch nghĩa là “Vô Tỷ Chi Thành Tựu”. Công đức thành tựu nầy rất lớn, không có gì sánh bằng, cho nên mới có thể làm cho tất cả oán ma đều quy đầu phục thiện.
Tiếng sấm sét thường nổi lên giữa không trung, nhưng các Đạo Sĩ của Đạo Giáo có thể từ lòng bàn tay phát ra tiếng sấm sét. Tiếng nổ vang trời của nó có thể làm đông cứng thiên ma, thậm chí có thể phanh thây chúng ra thành từng mảnh. Khi giảng “Kinh Lăng Nghiêm”, tôi có nhắc tới khả năng của một người bạn. Nếu quý vị tu Thủ Nhãn này thành công, lúc tác pháp vang ra tiếng sấm sét có thể thu phục tất cả ma oán.
70. BA ÐÀ MA YẾT TẤT ÐÀ DẠ. (Bwo Two Mwo Jye Syi Two Ye)
71. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
“Ba Ðà Ma” là Phạn ngữ, dịch là “Hồng Liên Hoa”.
“Yết” nghĩa là “Thiện Thắng”, là có thể vượt lên trên tất cả.
“Hồng Liên Hoa” này có thể siêu vượt tất cả, có thể thành tựu tất cả.
“Hồng Liên Hoa Thủ Nhãn” là Thủ Nhãn Pháp thứ hai mươi lăm. Khi quý vị tu Thủ Nhãn này, nếu muốn sanh lên cõi trời thì rất dễ dàng sanh lên, hoặc ước nguyện sanh lên bất cứ cõi trời nào cũng đều rất dễ thành tựu.
72. NA RA CẨN TRÌ BÀN GIÀ RA DA. (Nwo La Jin Chr Pan Chye La Ye)
73. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
“Na Ra Cẩn Trì” dịch là “Hiền Thủ”. Hiền là Thánh hiền; Thủ là giữ gìn, hộ trì, canh giữ.
“Bà Già Ra Da” dịch là “Quán Tự Tại”, “Quán Thế Âm”, lại còn gọi là “Phóng Quang”. Ba Già Ra Da là “Thí Vô Úy Thủ Nhãn”. Thí Vô Úy Thủ Nhãn này là Bồ Tát Quán Thế Âm dùng để cứu hộ chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh ở mọi lúc mọi nơi đều không kinh sợ, không còn hãi sợ mọi cảnh giới kinh sợ nữa.
74. MA BÀ LỢI THẮNG YẾT RA DẠ. (Mwo Pe Li Sheng Jye La Ye)
75. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
“Ma Bà Lợi Thắng” là Phạn ngữ, dịch là “Ðại Dũng” nghĩa là dũng mãnh tinh tiến.
Lại còn dịch là “Anh Hùng Ðức, Ðại Anh Hùng”, có đức hạnh của người Ðại anh hùng. Ai có thể được xưng là Ðại anh hùng? Phật có thể được xưng là Ðại anh hùng, Quán Thế Âm Bồ Tát có thể được xưng là Ðại anh hùng.
“Yết Ra Da” dịch là “Sanh Tánh”, lại dịch là “Bản Tánh”. Cả câu trên nghĩa là bản tánh của tất cả chúng sanh xưa nay vốn đầy đủ đức hạnh của Ðại anh hùng.
Ðức hạnh của Ðại anh hùng chính là “Tổng Nhiếp Thiên Tý Thủ Nhãn”. Thủ Nhãn này có thể hàng phục tất cả những oán ma, không chỉ trong thế giới này mà khắp cả tam thiên đại thiên thế giới.
Quý vị tu Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, Thủ Nhãn này là quan trọng nhất. Khi quý vị tu một cái Tổng Nhiếp Thiên Tý Thủ Nhãn, bốn mươi Thủ Nhãn kia đều bao hàm trong nó.
Có người hỏi: “Vậy thì chúng tôi chỉ tu Tổng Nhiếp Thiên Tý Thủ Nhãn, mà không tu bốn mươi mốt cái kia, thế có được không?”
Cũng được, nếu ông lười biếng. Nếu ông không lười biếng thì nên tu cả bốn mươi hai Thủ Nhãn. Nếu ông muốn làm biếng, nói rằng: tôi tu thành một Bồ Tát lười biếng, vậy thì tu Tổng Nhiếp Thiên Tý Thủ Nhãn thôi cũng được. Tuy nhiên, ông sẽ lâu thành tựu hơn. Tại sao vậy? Bởi vì ông lười biếng. Ông làm biếng nên pháp không mau chóng thành tựu được. Cũng như thế, tất cả pháp đều không có cố định. Như nếu quý vị không cam lòng trở thành một Bồ Tát lười biếng thì xin đừng ngại tốn công, tu thêm một ít pháp nữa cũng rất tốt..
76. NAM MÔ HẮC RA ÐÁT NA ÐA RA DẠ DA. (Nam Mwo He La Da Nwo Dwo La Ye Ye)
Câu này và câu đầu tiên của Kinh văn thần chú, tuy đã giảng qua nhưng có vị chưa nghe, có vị đã nghe qua nhưng lại quên, có người thì nhớ mơ hồ không rõ ràng, còn những ai đã ghi nhớ rõ ràng thì không ngại nghe thêm một lần sẽ càng rõ thêm. Tôi vốn muốn hỏi quý vị: có bao nhiêu người ghi nhớ rõ ràng, nhưng tôi lại sợ mình vừa hỏi, người nhớ rõ đều đã nhập định hết, không chịu rời khỏi cảnh giới vắng lặng, chi bằng tôi giảng thêm một lần nữa sẽ tiết kiệm được thời gian, đồng thời tránh được cho người nhớ rõ tâm lý khẩn trương mà nói rằng:Không biết con nhớ có đúng không? Cho nên giảng lại cho quý vị nghe một lần nữa là cách tốt nhất. Nếu tôi có giảng sai, quý vị cứ nói lên, bởi vì tôi giảng kinh không giống với những vị khác, tôi không có ghi chú. Có lúc trong khi giảng kinh, nếu khởi vọng tưởng thì tôi liền sẽ giảng sai, hoặc là có điện thoại gọi đến, khởi tâm muốn nghe cũng sẽ giảng sai. Cho nên giảng kinh không được khởi vọng tưởng, cũng không được móng tâm muốn nghe điện thoại.
“Nam Mô” là “quy y”. Quy y Tam Bảo.
“Hắc Ra Ðát Na” nghĩa là “Bảo” và “Ða Ra Dạ” dịch là “Tam”. Ðây có nghĩa là chúng ta đem thân tâm tánh mạng quy về nương tựa vào Tam Bảo. Người tại gia muốn quy y Tam Bảo cũng là quy Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
Quy y Tam Bảo còn có nghĩa là ta muốn đem thân tâm tánh mạng quay về nương tựa với tất cả mười phương ba đời cùng tận hư không biến khắp Pháp giới chư Phật; với tất cả mười phương ba đời cùng tận hư không biến khắp Pháp giới tôn Pháp; với tất cả mười phương ba đời cùng tận hư không biến khắp Pháp giới chư Hiền Thánh Tăng.
Tận hư không: tận cùng hư không. Biến Pháp giới: tất cả thế giới đều bao hàm trong Pháp giới; có mười Pháp giới là Phật Pháp giới, Bồ Tát Pháp giới, Duyên giác Pháp giới, Thanh văn Pháp giới, Thiên Pháp giới, A tu la Pháp giới, Nhân Pháp giới, Súc sanh Pháp giới, Ngạ quỷ Pháp giới, Ðịa ngục Pháp giới.
Thập phương chính là bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc và Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, đó là tám hướng, cộng thêm hai phương Thượng, Hạ vị chi là mười phương. Tam thế là đời qua khứ, đời hiện tại, đời vị lai. Đó là chúng ta quy y Phật Bảo trong khắp mười phương ba đời, cùng tận hư không biết khắp Pháp giới. Pháp Bảo tức là tất cả kinh điển Phật thuyết, bao gồm Tam Tạng mười hai phần kinh; Pháp Bảo không phải chỉ có ở nhân gian của loài người chúng ta, mà ở cùng tận hư không biến Pháp giới đều có. Khi quý vị khai mở Ngũ nhãn, đắc được Lục thông mới thực sự là tụng kinh, tức là tụng “vô tự chân kinh”, tụng “bất khai khẩu kinh”, chứ không dùng miệng tụng. Quý vị “tâm mê thì Pháp Hoa chuyển, tâm giác thì chuyển Pháp Hoa”. Ở trong hư không cùng khắp Pháp giới đều có Kinh điển Phật nói, quý vị khai Ngũ nhãn đắc Lục thông rồi, thì lúc nào cũng có thể tụng “vô tự chân kinh”, vì kinh “vô tự” có đầy khắp trong hư không. Cho nên, “vô tự chân kinh” không có nghĩa là trên kinh không có chữ, nhưng có nghĩa là phàm phu không thấy được. Nếu quý vị thấy được thì sẽ thấy mọi nơi trong hư không đều có chư Phật đang tụnh kinh. Có vị tụng “Kinh Pháp Hoa”, có vị tụng “Kinh Lăng Nghiêm”, có vị tụng “Kinh Hoa Nghiêm”, tất cả ở trong đó tụng Kinh, niệm Kinh, trì chú, có vị trì chú “Lăng Nghiêm”, thời khóa công phu rất bận. Cho nên, trong cùng tận hư không, biến khắp Pháp giới đều có Pháp bảo hiện hữu.
Tăng Bảo là tất cả Hiền Thánh Tăng ở cùng tận hư không biến khắp Pháp giới trong mười phương ba đời. Ai là Hiền Thánh Tăng? Là tất cả chư Bồ Tát, Ðại A la hán, Ðại Tỳ kheo tăng.
“Da” nghĩa là “đảnh lễ” hay là lạy. Chúng ta quy y Tam Bảo thì cần phải đảnh lễ Tam Bảo.
77. NAM MÔ A LỊ DA. (Nam Mwo E Li Ye)
“Nam Mô” là quy y.
“A Lị Da” nghĩa là “Thánh Giả”, Thánh giả cũng tức là Thánh Hiền. Câu này cũng đề cập đến việc quy y tất cả Thánh Hiền.
78. BÀ LÔ KIẾT ÐẾ. (Pe Lu Jye Di)
“Bà Lô Kiết Ðế” dịch là “Quán”.
79. THƯỚC BÀN RA DẠ. (Shau Pan La Ye)
“Thước Bàn Ra Dạ” dịch là “Tự Tại”. Nên “Bà Lô Kiết Ðế Thước Bàn Ra Dạ” dịch là “Quán Tự Tại”.
80. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
Quán Tự Tại Bồ Tát thành tựu được tất cả mọi công đức. “Ta Bà Ha” nghĩa là thành tựu tất cả công đức.
81. ÁN, TẤT ÐIỆN ÐÔ. (Nan, Syi Dyan Du)
Ðến đây phần thần “Chú” đã tụng xong, “ÁN” có nghĩa là “Dẫn Sanh Nghĩa”, vì bây giờ “ÁN” dẫn ra phần “Chân Ngôn” phía sau.
“Ðiện Ðô” là “Ngã Giới”. Thành tựu Ngã Giới là chỉ cho nơi chốn đã kiết giới của tôi được thành tựu. Ðịa hạt kiết giới của tôi là phạm vi tám trăm do tuần [1], thì ở trong phạm vi tám trăm do tuần này đều được bình an vô sự. Ðó là kiết Ðại giới.
Kiết Trung giới là trong phạm vi sáu trăm do tuần.
Kiết Tiểu giới là trong phạm vi bốn trăm do tuần. Ở trong phạm vi bốn trăm do tuần mà tôi kiết giới đó, tất cả mọi người đều được bình an vô sự. Thành tựu tất cả mọi công đức trong phạm vi kiết giới của tôi (Ngã Giới) cũng tức là thành tựu mọi sở nguyện. Thí dụ như tôi kiết giới vùng San Francisco, tôi không cho nó động đất hoặc có những thiên tai khác thì San Francisco sẽ bình an vô sự. Vì nó ở trong vùng kiết giới, cho nên Hộ pháp Thiện thần phải thành tựu sở nguyện của tôi.
Có người hỏi: “Thầy ở San Francisco kiết giới, thế thì phạm vi kiết giới của Thầy bao lớn?” Lớn bằng một hạt bụi. Nhưng một hạt bụi ấy bao hàm vô lượng hạt bụi, và vô lượng hạt bụi cũng tức là một hạt bụi ấy. Vì vậy, một hạt bụi này nếu hoại diệt thì vô lượng hạt bụi khác cũng hoại diệt theo; một hạt bụi này nếu không hoại thì tất cả hạt bụi cũng sẽ không hoại. Ðấy là chỗ kiết giới của tôi.
82. MẠN ÐÀ RA. (Man Dwo La)
“Mạn Ðà Ra” nghĩa là “Ðạo Tràng” cũng gọi là “Pháp Hội”. Nghĩa là: “Ðạo tràng của tôi nhất định sẽ thành tựu. Pháp hội của tôi nhất định sẽ viên mãn”.
83. BẠT ÐÀ DA. (Ba Two Ye)
“Bạt Ðà Da” nghĩa là “Toại Tâm Viên Mãn”, ví như tôi muốn một hạt bụi không hoại thì nó không hoại. Tôi muốn tất cả hạt bụi không tiêu hoại thì tất cả hạt bụi đều nguyên vẹn. Tôi niệm câu “Án Tất Ðiện Ðô Mạn Ðà La Bạt Ðà Da Ta Bà Ha” với nguyện vọng là San Francisco không có động đất; nếu động lớn thì thành nhỏ, nếu nhỏ thì thành không có. Bởi vì không có nên đại chúng không cần phải sợ hãi, đó là nó đã thành tựu rồi. Ðây tức là toại tâm viên mãn. Toại tâm viên mãn là quý vị nghĩ đến cái gì thì thành tựu cái đó. Nếu quý vị tin tưởng thì sẽ xuất hiện sự vi diệu, nếu quý vị không tin, tức là quý vị không muốn có được những điều vi diệu như thế.
84. TA BÀ HA. (Swo Pe He)
“Ta Bà Ha” nghĩa là “Thành Tựu”. Thành tựu những gì? Thành tựu mọi nguyện ước của quý vị, thành tựu mọi sở nguyện của quý vị, bất kể là nguyện ước gì, nếu quý vị niệm “Án, Tất Ðiện Ðô Mạn Ðà La Bạt Ðà Dạ Ta Bà Ha” thì nguyện ước đó sẽ thành tựu.
Vì vậy, người xuất gia, mỗi khi cạo đầu thì niệm câu chú “Án Tất Ðiện Ðô Mạn Ðà La Bạt Ðà Dạ Ta Bà Ha” này. Câu chú có nghĩa là tất cả đều viên mãn, tất cả đều thành tựu, tất cả đều kiết tường như ý.
“Ðại Bi Ðà La Ni Kinh” và “Ðại Bi Chú” đều đã giảng xong, hôm nay kết thúc. Bốn Mươi Hai Pháp Thủ Nhãn phía sau của Ðại Bi Ðà La Ni Kinh, lúc trước đã giảng qua, nên giờ không cần giảng lại nữa. Phía sau nữa Khoa Hành Nghi, tức là phương pháp tu hành cũng không cần phải giảng nữa.
Năm ngoái, do Quả Ðịa muốn nghe “Ðại Bi Ðà La Ni Kinh”, và hôm nay trải qua thời gian gần một năm đã giảng xong, kết thúc viên mãn.
Tôi hy vọng các vị có thệ nguyện gì cũng đều tùy tâm mãn nguyện, đều có thể “Bạt Ðà Da Ta Bà Ha”. Bạt Ðà Da Ta Bà Ha tức là toại tâm mãn nguyện, thành tựu mọi nguyện lực. Mỗi người có những nguyện lực khác nhau, nên thành tựu cũng không đồng. Tôi cũng có nguyện ước, nguyện rằng: “Những người đã nghe qua Ðại Bi Ðà La Ni Kinh sớm được thành Phật Ðạo”. Bởi vì là người tin Phật nên tôi hoan hỷ trước việc người được thành Phật. Nếu quý vị thành Phật tức là đã “toại tâm mãn nguyện”; còn chưa thành Phật thì là chưa “toại tâm mãn nguyện”.
Nay đã đến thời đại Mạt pháp, nên chúng ta cho rằng chỉ niệm Chú Ðại Bi là có thể đắc được Phật Pháp, kỳ thật không đúng! Chú Ðại Bi là vì pháp Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn mà nói, chỗ vi diệu của Chú Ðại Bi là Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn cũng tức là toàn thể của Chú Ðại Bi. Nếu quý vị chỉ biết niệm Chú Ðại Bi mà không biết tu Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn thì cũng giống như một người chỉ có tay mà không có chân, không thể đi được. Nếu quý vị chỉ tu Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn mà không niệm Chú Ðại Bi thì cũng giống như người chỉ có chân mà không có tay, không thể cầm đồ vật được, chẳng có lợi ích gì. Vì vậy, cần phải thông đạt Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn và sau đó lại phải tụng trì Chú Ðại Bi. Ðược vậy mới là chân chánh liễu giải Chú Ðại Bi, chân chánh hiểu rõ Diệu Pháp của Phật.
[1] Một do tuần (yoyana) là 40 dặm. Vậy tám trăm do tuần là 32 ngàn dặm.
Sơ Lược về Hòa Thượng Tuyên Hóa
Hòa Thượng Tuyên Hóa họ Bạch, tên thật là An Từ, tự là Ðộ Luân. Ngài quê ở huyện Song Thành, tỉnh Tùng Giang thuộc Ðông Bắc, Trung Hoa, tức là Mãn Châu.
Phụ thân Ngài tên Phú Hải, chuyên làm nghề nông. Mẹ họ Hồ, sinh được tất cả tám người con, năm trai ba gái; và Ngài là út.
Hồ thái phu nhân thọ chay trường, niệm Phật, chẳng hề gián đoạn. Một đêm nọ phu nhân nằm mộng thấy Ðức Phật A-Di-Ðà hiện thân phóng đại quang minh chiếu triệt thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc, phu nhân ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh ra Ngài.
Ngài vừa ra đời liền liên thanh khóc suốt ba ngày đêm không dứt. Chính là vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta-Bà nầy vậy.
Ngài cư ngụ tại một thôn quê rất nhỏ bé, thưa thớt nhà cửa. Thế nên, đến năm mười một tuổi Ngài vẫn chưa hề thấy qua người chết. Một hôm, Ngài cùng lũ bạn trong thôn dạo chơi chốn điền dã. Bất chợt Ngài thấy một em bé, miệng ngậm, mắt nhắm, nằm bó trong đám rơm bên lề. Ngài gọi mà đứa bé chẳng đáp, rờ thì chẳng có hơi thở. Ngài lấy làm khó hiểu vô cùng nên hỏi lũ bạn. Có kẻ hiểu biết liền nói: "Ðứa bé đã chết rồi!" Song Ngài vô cùng ngạc nhiên, không hiểu thế nào là chết. Về nhà, Ngài liền hỏi mẹ, bà dạy: "Phàm là người, ai cũng phải chết. Có kẻ chết già, có kẻ chết vì bệnh, cũng có kẻ chết vì tai nạn. Bất luận là giàu sang hay nghèo khó, bất luận là sĩ, nông, công, thương, hay quan lại, ai ai rốt cuộc cũng phải chết."
Ngài lại hỏi: "Nếu thật như vậy, có cách gì thoát được chết không?" Bấy giờ trong nhà có vị khách xưa kia từng tu Ðạo, đỡ lời đáp rằng: "Chỉ có cách tu Ðạo, minh ngộ tự tâm, triệt kiến bổn tánh thì mới liễu đoạn sanh tử, siêu thoát luân hồi, thành Chánh Giác, chứng Vô Sinh."
Tuy lúc đó Ngài còn nhỏ tuổi, song đối với lời vị khách nói, Ngài tỉnh ngộ sâu xa, do đó Ngài lập định chủ trương quyết chí xuất gia tu Ðạo.
Khi Ngài mang chuyện xuất gia bàn với mẹ, bà dạy: "Xuất gia là chuyện tốt lắm, nhưng cũng không phải là chuyện dễ làm. Cần có thiện căn, có đại nguyện lực, cần phát đại Bồ Ðề tâm thì mới có thể thành tựu Vô Thượng Ðạo. Nay con có lòng vậy, ta hết sức đồng ý, cũng thật là phù hợp với giấc mộng xưa kia vậy. Nay ta đã già, ngày tháng chẳng còn bao lâu, các anh chị con đều đã tự lập. Con nên ở lại để phụng dưỡng cha mẹ; khi ta mất rồi, con xuất gia tu hành, lúc đó cũng chẳng muộn."
Ngài vâng lời cha mẹ, rồi sau đó hằng ngày thường theo mẹ lạy Phật. Lạy Phật xong, Ngài lạy cha mẹ.
Ngày qua ngày, đông tàn xuân đến, Ngài cung kính phụng dưỡng song thân như đối với Phật vậy. Chẳng bao lâu tiếng tăm hiếu thảo đồn khắp bốn phương, khi đó mọi người đều gọi Ngài là Bạch Hiếu Tử (người con chí hiếu họ Bạch).
Năm Ngài 19 tuổi thì mẹ Ngài qua đời; bấy giờ Ngài từ giã họ hàng lên chùa lạy Hoà Thượng Thường Trí làm Thầy và quy y, chính thức xuất gia, thọ giới. Sau đó, Ngài về lại nơi mộ phần thân mẫu để thủ hiếu trong ba năm. Suốt thời gian ấy, Ngài sống trong một túp lều tranh nhỏ, ngày ngày tọa Thiền, đọc tụng kinh điển Ðại Thừa và niệm danh hiệu Phật A-Di-Ðà. Rất nhiều lần Ngài ngồi Thiền rồi nhập Ðịnh, liên tiếp trong nhiều tuần lễ chẳng rời thiền sàng.
Một đêm nọ, dân trong thôn gần đó hốt hoảng thấy túp lều tranh của Ngài hừng hực lửa đỏ. Ánh lửa hồng phừng thẳng lên giữa không trung và túp lều tranh thì sáng rực như ban ngày. Nhiều người chạy đến mộ, hô hoán: "Nhà Hiếu Tử bị cháy rồi!" Cả trăm người trong làng hè nhau xách gáo, đem xô tới để chữa cháy. Song, khi tới nơi họ chỉ thấy túp lều tranh bình lặng, lửa chẳng cháy và Ngài thì vẫn an nhiên, tĩnh mặc trong Thiền Ðịnh!
Có lần Ngài đang tọa Thiền thì chợt có vị khách đến viếng. Vị khách ấy, ngạc nhiên thay, chính là Lục Tổ Huệ Năng! Ðức Tổ Sư dạy Ngài rằng trong tương lai Ngài sẽ tới Mỹ quốc để độ sinh, rằng ở Tây phương Ngài sẽ gặp nhiều kẻ hữu duyên có thể hoằng dương Phật Pháp và Ngài sẽ độ vô lượng vô biên chúng sanh. Mãi đến lúc Ðức Tổ Sư từ biệt quay đi rồi, Ngài mới choàng tỉnh, nhớ lại rằng Ðức Huệ Năng vốn là người đời Ðường, 1.200 năm về trước. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến, Ngài vân du khắp nơi. Cuối cùng, trải hơn ba ngàn dặm, Ngài tới chùa Nam Hoa, bái kiến vị Ðại Thiện Tri Thức của thời bấy giờ là Lão Hòa Thượng Hư Vân. Lão Hòa Thượng lúc ấy đã 109 tuổi; vừa nhìn thấy Ngài, Lão Hòa Thượng liền nhận ra ngay sự chứng ngộ của Ngài. Khi đó, Lão Hòa Thượng nói: "Như thị, như thị!"; và Ngài cũng đáp lại: "Như thị, như thị!"
Bấy giờ, Lão Hòa Thượng Hư Vân ấn chứng sở đắc của Ngài, và Ngài chính thức trở thành vị Tổ thứ chín của dòng pháp Quy Ngưỡng.
Sau đó, Lão Hòa Thượng dạy Ngài ở lại chùa đảm nhận chức Viện Trưởng Viện Giới Luật của Chùa Nam Hoa.
Năm 1950, Ngài từ giã chùa, lên đường sang Hương Cảng. Ở đây, Ngài sống tại một sơn động biệt lập, chẳng lai vãng gì đến bụi trần, tục lụy. Chẳng bao lâu, có vô số Tăng-lữ từ Trung Hoa Ðại Lục qua Hương Cảng tỮ nạn, và họ cần sự giúp đỡ của Ngài. Cuối cùng, ứng với nhân duyên, Ngài rời sơn động, lập ra giảng đường và hai ngôi chùa, cùng trợ giúp xây dựng nhiều đạo tràng khác.
Trong suốt mười hai năm ở Hương Cảng, Ngài là tấm gương sáng, khổ hạnh, tinh tấn tu Ðạo, quên mình vì Phật Pháp. Ngài đã ảnh hưởng vô số thiện nam tín nữ, khiến họ phát tâm Bồ Ðề, quy y Tam Bảo, ủng hộ Phật Pháp.
Năm 1962, Ngài đến San Francisco, Mỹ Quốc. Tại đây, nơi một nhà kho nhỏ, Ngài kiên trì tu hành trong im lặng, chờ đợi cho cơ duyên hoằng dương Ðạo Pháp chín mùi. Lúc ấy, Ngài tự gọi mình là "Mộ Trung Tăng" (nhà Sư trong phần mộ), hay là Hoạt Tử Nhân (người đã chết nhưng còn sống). Những Phật tử hiểu biết sự tu hành chân chính của Ngài đều rất cảm động và cung kính ủng hộ, cúng dường Ngài.
Năm 1968, Ngài biết cơ duyên đã đến; Ngài nói: "Một đóa hoa sẽ nở ra năm cánh." Mùa hè năm đó, Ngài chủ trì Pháp Hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày. Khi Pháp Hội kết thúc, quả nhiên có năm người Mỹ đầu tiên xin xuất gia với Ngài.
Từ đó, Ngài tiếp tục chủ trì nhiều Pháp Hội khác, giảng giải Tâm Kinh, Kinh Ðịa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Ðàn v..v... Năm 1971, Ngài giảng bộ kinh tối cao của Ðại Thừa, đó là Kinh Hoa Nghiêm.
Song song với việc giảng Kinh, thuyết Pháp, Ngài còn làm vô số công đức độ sinh khác. Năm 1976, Ngài thành lập Vạn Phật Thánh Thành, nền tảng căn cứ địa để hoằng dương Phật Pháp ở Mỹ Quốc. Tại Thánh Thành, Ngài xây dựng chế độ Tùng-lâm, đào tạo Tăng, Ni, học chúng, tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chính tu hành.
Mười Tám Ðại Nguyện của Hòa Thượng Tuyên Hóa
Năm Hòa Thượng Tuyên Hóa 19 tuổi thì mẫu thân Ngài qua đời. Sau khi lo liệu chu toàn việc mai táng, Ngài tới Chùa Tam Duyên ở Hợp Nhĩ Tân (Harbin), chính thức xuất gia, lạy Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy. Ít lâu sau, Ngài tới mộ phần của mẫu thân thủ hiếu. Năm đó, nhân ngày vía Ðức Quán Thế Âm, ngày 19 tháng 6, Ngài đối trước chư Phật, Bồ Tát phát mười tám đại nguyện:
"Kính lạy mười phương Phật,
Cùng với Tam Tạng Pháp,
Quá khứ, hiện tại Hiền Thánh Tăng,
Nguyện rủ lòng tác chứng:
Ðệ tử Ðộ Luân,
Thích An Từ,
Con nay phát tâm rằng:
Chẳng cầu phước báo hàng Trời, Người,
Cùng Thanh Văn, Duyên Giác,
cho đến hàng Bồ Tát quyền thừa.
Duy nương Tối Thượng Thừa
mà phát Bồ Ðề tâm.
Nguyện cùng Pháp Giới chúng sinh,
Nhất thời đồng đắc
A nậu đa la tam miệu tam bồ đề."
1. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Bồ Tát ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
2. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Duyên Giác ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
3. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Thanh Văn ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
4. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Trời, Người ở trong Tam Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
5. Nguyện rằng nếu có một Người ở trong mười phương thế giới mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
6. Nguyện rằng nếu có một vị Trời, Người, A-tu-la chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
7. Nguyện rằng trong thế giới loài Súc Sinh, nếu còn một loài nào chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
8. Nguyện rằng trong thế giới loài Ngạ Quỷ, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
9. Nguyện rằng trong thế giới loài Ðịa Ngục, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
10. Nguyện rằng trong Tam Giới, nếu những kẻ từng quy y với tôi, hoặc là Trời, Người, A-tu-la, các loài bay, lặn, động vật, thực vật, linh giới, rồng, súc sinh, quỷ, thần, mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
11. Nguyện rằng tất cả những phước lạc mà tôi đáng được hưởng đều hồi hướng phổ thí cho tất cả chúng sinh trong Pháp Giới.
12. Nguyện rằng một mình tôi nhận chịu hết tất cả khổ nạn của chúng sinh trong Pháp Giới.
13. Nguyện rằng tôi sẽ phân linh vô số, phổ nhập tâm chúng sinh nào không tin Phật Pháp, làm cho họ bỏ ác, hướng thiện, hối quá sửa mình, quy y Tam Bảo, rồi cuối cùng thành Phật.
14. Nguyện rằng tất cả chúng sinh nào, khi thấy mặt tôi, cho đến chỉ nghe tên tôi, đều phát tâm Bồ Ðề, mau đắc thành Phật Ðạo.
15. Nguyện rằng luôn tôn kính điều Phật dạy, và thực hành mỗi ngày ăn một bữa.
16. Nguyện giác ngộ loài hữu tình, khắp nhiếp thọ các loài căn cơ.
17. Nguyện trong đời nầy tôi sẽ đắc Ngũ Nhãn, Lục Thông, và phi hành tự tại.
18. Nguyện tất cả mọi cầu nguyện đều hoạch đắc mãn túc.
Cuối cùng:
"Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật Ðạo vô thượng thệ nguyện thành."
của Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển
* * *
1. Người dịch phải tự thoát mình ra khỏi động cơ truy tìm danh lợi.
2. Người dịch phải tu dưỡng thân tâm, dứt bỏ thói cao ngạo.
3. Người dịch phải tự chế, không được tự khen ngợi mình, chê bai người khác.
4. Người dịch không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo, rồi hạ thấp người khác bằng cách tìm lỗi nơi tác phẩm của họ.
5. Người dịch phải lấy tâm Phật làm tâm mình.
6. Người dịch phải dùng Trạch Pháp Nhãn để phán xét đâu là chân lý.
7. Người dịch phải cung kính cầu thỉnh Cao Tăng Đại Đức mười phương chứng minh cho bản dịch.
8. Người dịch phải hoan hỷ truyền bá giáo nghĩa Phật học bằng cách in Kinh, Luật, Luận khi việc phiên dịch của mình được công nhận là chính xác.
Tác giả: Hòa Thượng Tuyên Hóa
Bài Liên Quan:
các bài khác
- Phật Lịch Và Phật Đản 30/5/2023
- Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1) 18/12/2017
- Thiền sư Huyền Quang và con đường trầm lặng của mùa thu 3/9/2017
- Thiền là cốt lõi 'thường trụ' của Phật giáo 8/12/2016
- Nguyên nhân nào làm cho các triều vua đầu đời Trần hưng thịnh? 26/11/2016
- Niên đại xuất gia, thành đạo Đức Phật Thích Ca trong kinh Phật Bản Hạnh Tập 24/1/2015
- Phân biệt hoa Sala, hoa Vô Ưu và hoa Kỳ Lân 31/10/2014
- Hạt Của Chúa Và Chủng Tử Phật 28/9/2014
- Khương Tăng Hội – Sáng Tổ Thiền Việt Nam 27/9/2014
- Tinh thần Phật giáo thống nhất: THỐNG HỢP TRONG THANH TỊNH 26/9/2014
(Từ ngày 03/06/2024 đến ngày 10/06/2024 - 27.4 Quý Mão 04.5 Giáp Thìn)
2/12/2024
Theo quan điểm của tôi, thì chúa kito sinh vào ngày thứ Sáu ngày 13 hàng năm...! A Văn Men 🤣🤣🤣
2/12/2024
Bài viết hay và ý nghĩa. Xin cảm ơn chùa A Di Đà.
16/7/2024
Bài hát Người Bạn Lành này rất hay, bài hát tuy không dài lắm nhưng từng câu từng chữ đều chuyển tải ý nghĩa Phật pháp rất sâu sắc. “Câu kinh dài, trí tuệ bát nhã sắc bén”, rất là sắc sảo. Cảm ơn vì bài hát mang nhiều năng lượng tích cực dễ thương lắm.
9/3/2024
Bài viết hay và ý nghĩa.
9/3/2024
Bài viết hay và ý nghĩa ạ. "Bề ngoài ngườI Công giáo là người Việt Nam, nhưng xin mọi người chớ nhìn vào vẻ bề ngoài của họ mà lầm to. Linh hồn Công giáo Việt Nam đã được bán đứt cho bọn đế quốc quỷ sứ La Mã từ lâu rồi. Các kinh sách Công giáo đã biến mỗi một người Công giáo Việt Nam sùng đạo thành một tên Việt gian chân chính." (Charlie Nguyễn) Vậy mà sư Pháp Tâm không biết câu nói này, mà đi bài xích kinh điển Đại thừa, còn sư Thích Thiện Tâm thì lại muốn hòa hợp 2 tôn giáo (Phật giáo và Kito giáo). Nhưng mà bác Trần Chung Ngọc đã nói: "người theo đạo Chúa sẽ bán cả một dân tộc". Thế thì sư Pháp Tâm và sư Thích Thiện Tâm hãy nói toạc ra là đang RỬA MẶT CHO TÀ ĐẠO KHỐN NẠN DÊ XÙ đi, chứ làm đéo gì có sự HÒA HỢP nào? Nếu còn liêm sỉ thì các ông nên tự rút lui khỏi GHPGVN (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đi, đồng bào chúng tôi, cả lương lẫn giáo, trong đó có đồng bào Phật giáo chân chính không chấp nhận những kẻ giả sư rửa mặt cho giặc đạo khốn nạn dê xù!!!
4/3/2024
Dạ bài này nói có điều chưa phải và còn thiếu sót về thầy Chân Quang ạ. Vì sao lại nói những điều chưa đúng về Thượng toạ Chân Quang như vậy? Những điều tốt thầy Chân Quang dạy như Tôn kính Phật, yêu thương chúng sanh muôn loại, giữ tâm mình khiêm hạ,... Và hơn hết, là lòng yêu nước thiết tha, cha mẹ cần dạy con từ khi còn bé thơ, mọi người bảo nhau,... vì sao bài này lại có thể đăng lên những lời như thế, khi mang danh nghĩa là người đệ tử Phật ạ. Phải chăng đăng sau những lời lăng mạ một cách quá đáng như thế là một âm mưu chính trị, một tổ chức phản quốc?
2/3/2024
Xin tưởng niệm Nhất Tâm Nam Mô A Di Đà Phật 🙏🙏🙏🙏🙏
23/2/2024
Hôm nay con biết đến trang này. Con xin tri ân các Quý Thầy và con xin lan tỏa những điều lợi lạc cho chúng sinh qua trang: https://www.facebook.com/chutranlien/ Để mong nhiều người hiểu hiết ơn về Phật Pháp. Con kính mong các Quý Thầy trường thọ, an khang. Phật Sự viên thành, chúng sinh dị độ
9/6/2023
Bài viết rất có ý nghĩa trong thế giới ta bà. Kính chúc Ngài Samon hạnh phúc trong phật pháp.
8/4/2023
Danh sách thiền tự ở Úc trong bài viết về thiền sư Thích Thanh Từ cần bổ sung thêm thiền đường Võ ưu địa chỉ 6 Fraizer st Canley valve NSW
- Tên bài Số lượt nghe
- Triết Học Phật Giáo | Nguyễn Tường Bách 1549
- Tiểu Tạng Thanh Văn - Kinh Tạp A Hàm 1353
- Ðại Nạn Trước Mắt, Quay Ðầu Là Bờ 17435
- Khac Phuc Phien Nao Tap Khi 18075
- Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân P1 13864
- Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân P2 14029
- Phật Học Quần Nghi - Tập 1/2 12651
- Phật Học Quần Nghi - Tập 2/2 12501
- An Lạc Từ Tâm 16274
- Phật Học Vấn Đáp 01, Lý Bỉnh Nam 15971
- Tên bài Số lượt nghe
- Buddha - Đức Phật - (tập 55/ 55): Kết thúc phim... 8799
- Buddha - Đức Phật - (tập 54/ 55): Buddha nhập... 8937
- Buddha - Đức Phật - (tập 53/ 55): Bữa ăn cuối... 13067
- Buddha - Đức Phật - (tập 52/ 55): Mogalana và... 9026
- Buddha - Đức Phật - (tập 51/ 55): Buddha cứu độ... 8553
- Buddha - Đức Phật - (tập 50/ 55): Vua Ajātasattu... 4429
- Buddha - Đức Phật - (tập 49/ 55): Năm pháp phá... 10793
- Buddha - Đức Phật - (tập 48/ 55): Tinh xá... 9915
- Buddha - Đức Phật - (tập 47/ 55): Thiếu nữ mang... 11172
- Buddha - Đức Phật - (tập 46/ 55): Anan gặp nạn,... 10629
- Tên bài Số lượt nghe
- Mừng Xuân Di Lặc 16696
- Mùa Xuân Em Đi Lễ Chùa 17342
- Tổng hợp Nhạc ThiềnThiền - Tĩnh Tâm - An Nhiên 15623
- Dòng Sông Tôi Gọi Tên Em 15382
- Một Chuyến Giả Từ 15588
- Nối Một Nhịp Cầu 17656
- Vẫn là Em Thơ 16140
- Chú Cuội Dỗi Hờn 8082
- Quê Hương Nguồn Cội 17428
- Như Giọt Sương Đêm 16757
lời vàng ý ngọc
- NHỮNG CÂU ĐÁNG SUY GẪM
- NHỮNG CÂU NÓI HAY
- 10 điều sau là cốt lõi hạnh phúc
- Lời hay ý đẹp
- NHỮNG CÂU NÓI HAY VỀ CUỘC SỐNG
- Những Câu nói không hay nhưng đủ để suy ngẫm (9)
- Những Câu nói không hay nhưng đủ để suy ngẫm (8)
- Những Câu nói không hay nhưng đủ để suy ngẫm (7)
- Những Câu nói không hay nhưng đủ để suy ngẫm (6)
- Những Câu nói không hay nhưng đủ để suy ngẫm (5)