Ngày xưa y có ba thứ: Thứ nhất là y tăng già lê (sanghati), có chín điều (cho đến hai mươi lăm điều), do đó cũng được gọi là y chín điều, còn gọi là đại y (y thượng) hoặc y lớn. Y này được sử dụng khi được mời vào cung vua, trong các lễ lớn hoặc khi đăng đàn thuyết pháp. Thứ hai là y uất đa la tăng (uttarasanga), đó là y bảy điều, còn gọi là y trung. Y này được sử dụng trong lúc lễ tụng, bố tát, sám hối, nghe pháp. Thứ ba là y an đà hội (antaravasa) là y năm điều, hoặc gọi là y hạ. Y này được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày như chấp tác hoặc đi chợ.
Ngày nay người xuất gia có thường phục, tương đương với y an đà hội, giáo phục, tương đương với y uất đa la tăng và lễ phục, tương ưng với y tăng già lê. Y của các vị Sa di là man y, là y trơn chưa có điều. Trước khi đắp y, vị Sa di phải nâng y ngang trán và quán niệm theo bài kệ khoác y. Khi đắp y, không đội mũ hoặc trùm khăn; không để y phủ che bàn tay, luôn nắm hai tay lại và đặt ở vị trí dưới ngực khi đi.
Thường phục là áo vạt hò hoặc áo nhật bình ngắn, giáo phục là áo tràng hay áo nhật bình dài, và lễ phục là y và áo hậu. Về thường phục và giáo phục, vị Sa di chỉ cần ba bộ cho mỗi loại, trừ y phục lao động, áo quần lót bên trong và áo ấm cần thiết cho xứ lạnh. Không được sử dụng các loại vải mỏng, bóng loáng, trơn mướt, sặc sỡ, chế ra những kiểu quần áo theo thời trang của thế tục hay bắt chước ăn mặc theo kiểu dáng của kẻ giàu sang quyền quý. Không nên dùng nước thơm ngâm y phục. Nếu có vải dư thì nên đem cúng dường đại chúng. Không nên đùa giỡn hay nói chuyện khi mặc y phục. Nên thong thả cột hoặc tháo từng nút một trong khi thực tập thi kệ mặc áo.
Bát hay bình bát là vật dụng chứa đựng thức ăn của người xuất gia. Bình bát thường được gọi là ứng lượng khí, nghĩa là vật dụng mà mầu sắc, chất liệu và dung lượng thích ứng với chánh pháp. Chất liệu thì bằng đất, bằng sành, bằng nhôm hay bằng nhựa, không bao giờ bằng vàng, bạc hay bằng ngọc; mầu sắc là mầu nâu, mầu lam, không bao giờ là mầu tươi chói; dung lượng thì biểu trưng cho sự biết đủ, không ham hố tham lam. Nâng bát, vị Sa di sử dụng tay trái đỡ bát phía dưới và tay phải đỡ phía ngoài với ngón tay cái đè lên nắp bình. Cầm bình bát đi thành hàng, vị Sa di nhìn thẳng xuống phía trước mặt, và phải chừa khoảng trống chừng một thước cách người đi trước, giữ gìn chánh niệm trong từng bước chân. Giữ gìn bình bát một cách trân quý như giữ gìn y và kinh sách. Cất giữ nơi cao ráo, sạch sẽ. Luôn luôn cầm với hai tay.
Tọa cụ là vật dụng để trải ngồi. Tiếng phạn là ni sư đàn (nisadana). Người xuất gia trải tọa cụ để phòng ngừa gai góc, các loài côn trùng, và những gì có thể bám vào y và thân thể. Sắc mầu của tọa cụ cũng cần đi đôi với y phục. Không nên dùng mầu tươi, phải dùng các mầu như xanh đậm, nâu, hoặc khói hương. Tọa cụ cũng không được quá lớn, chỉ nên khoảng trên dưới một thước vuông.
Không nên sử dụng những loại giày cao gót, túi xách sang trọng hoặc kiểu dáng thời trang. Không đeo các thứ vàng bạc, đá quý hoặc trồng hay bịt răng bằng vàng bạc. Không sử dụng các loại chuỗi hoặc tràng hạt bằng ngọc đắt tiền, màu sắc sặc sỡ. Không cất giữ những vật dụng mà người xuất gia không cần đến như nước hoa, mỹ phẩm, v.v... Không chất chứa quá nhiều vật dụng cá nhân như dầu gội đầu, kem đánh răng, v.v...
Hình ảnh thêm về Y, bát, tọa cụ và vật dùng cá nhân