3. XẢ CÁC Y CŨ
Trong ba y, y nào không dùng nữa, phải xả, khi xả, hoặc đối trước bàn Tổ, làm phép tâm niệm xả. Hoặc đối trước một tỳ-kheo khác, làm phép đối thủ xả. Văn xả như sau:
«Đại đức nhất tâm niệm, con tỳ-kheo… Tăng-già-lê (hoặc uất-đa-la-tăng v.v…) là một trong ba y của con, trước đã thọ trì, nay xin xả.»
4. THỌ BA Y
Như đã nói ở trên, theo luật chế nguyên thủy thì tên gọi các y an-đà-hội, uất-đa-la-tăng hay tăng-già-lê không theo số điều. Do đó, như uất-đa-la-tăng chẳng hạn, có thể từ 5 đến 25 điều. Nhưng thông dụng thường có sự phân biệt như sau: chiều kích cả ba y giống nhau và khoác như nhau, nhưng an-đà-hội chỉ có 5 điều, uất-đa-la-tăng 7 điều, và tăng-già-lê từ 9 điều trở lên.
Văn thọ ba y trong Tùy cơ yết-ma của Đạo Tuyên (22) có hai mẫu thọ điển hình về an-đà-hội: mẫu 5 điều và mẫu 25 điều.
Nay theo thông dụng ở nước ta, sự phân biệt các loại y tùy theo số điều chứ không tùy kích thước và lớp vải.
Cách thọ cả ba y đại khái giống nhau: hoặc tâm niệm thọ, tức đối trước bàn Tổ mà đọc văn thọ. Hoặc đối trước một tỳ-kheo khác làm chứng minh cho mà thọ.
Văn thọ ba y như sau:
a. An-đà-hội
Người thọ y đảnh lễ vị chứng minh một lễ, quỳ xuống hai tay bưng y dâng lên, tác bạch:
«Đại đức nhất tâm niệm, con tỳ-kheo…; đây là an-đà-hội 5 điều, mỗi điều gồm một khoảng dài và một khoảng ngắn, là y được cắt rọc, nay con xin thọ trì.» (nói ba lần)
Vị chứng minh nói: - Thiện.
Người thọ đáp: - Mô Phật.
Khi đắp đọc bài kệ:
Lành thay y giải thoát,
Y vô thượng phước điền.
Con nay cúi đầu thọ,
Nguyện kiếp kiếp không rời.
Án tất đà da ta bà ha. (ba lần)
b. Uất-đa-la-tăng
Tác lễ như thọ an-đà-hội, văn bạch:
«Đại đức nhất tâm niệm, con tỳ-kheo… Đây là uất-đa-la-tăng 7 điều, mỗi điều gồm hai khoảng dài và một khoảng ngắn, là y cắt rọc, nay con xin thọ trì.» (ba lần)
Kệ đắp y:
Lành thay y giải thoát,
Y vô thượng phước điền.
Con nay cúi đầu thọ,
Nguyện đời đời thường khoác.
Án độ ba độ ba ta bà ha. (ba lần)
c. Tăng-già-lê
Tác lễ như trên, văn bạch:
«Đại đức nhất tâm niệm, con tỳ-kheo… Đây là tăng-già-lê chín điều, gồm ba khoảng dài, một khoảng ngắn, là y được cắt rọc và gấp lớp (tiếp điệp), nay con xin thọ trì.» (ba lần)
Kệ đắp y:
Lành thay y giải thoát
Y vô thượng phước điền.
Vâng lãnh mạng Như Lai,
Nguyện độ khắp quần sanh.
Án ma ha ca bà ba tra tất đế ta bà ha. (ba lần)
5. BÌNH BÁT
Bình bát, tiếng Phạn nói pātra, Hán âm là bát-đa-la, chỉ chung các thứ chén bát, tất cả những thứ dùng để đựng các thức ăn và uống. Hán dịch là ứng lượng khí, nghĩa là vật dụng để lường mức thích hợp. Bình bát là một trong sáu vật dụng tùy thân cần thiết của một tỳ-kheo, là phương tiện thực hành thánh chủng, là tín hiệu truyền thừa của Thánh chủng. Đời sống của người xuất gia phải dựa trên sự khất thực, do đó, bình bát trở thành vật dụng cũng quan trọng như ba y. Ba y và bình bát đối với tỳ-kheo được ví như hai cái cánh của con chim. Chất liệu làm bình bát có thể bằng sắt hay là bằng đất nung.[17] Theo qui định, bình bát cỡ nhỏ nhất phải chứa được một đấu rưỡi, và cỡ lớn nhất không được quá ba đấu.
a. Thọ bát
Tác lễ như thọ y, tay trái bưng bát. Tay mặt úp lên bát. Văn bạch:
«Đại đức nhất tâm niệm, con tỳ-kheo… Đây là bát-đa-la, đúng cỡ để thường dùng, nay con xin thọ.»
Kệ thọ bát:
Lành thay bát-đa-la,
Như Lai ứng lượng khí.
Vâng giữ để nuôi thân,
Nuôi lớn trí tuệ mạng.
Án chỉ rị chỉ rị phạ nhật ra hồng phấn tra. (ba lần)
b. Xả bát
Tác lễ như trên, văn bạch:
«Đại đức nhất tâm niệm, con tỳ-kheo… Đây là bát-đa-la, trước đã thọ trì, nay xin xả.» (ba lần)
6. TỌA CỤ
Tiếng Phạn nói nisīdana, Hán âm là ni-sư-đàn và dịch là tọa cụ, là vật dụng để lót ngồi. Đây cũng là vật dụng tùy thân cần thiết của một tỳ-kheo. Về kích bát đen, bát đỏ. Pali, Pācittiya 21, bát có 2 loại: bằng sắt và bằng đất sét. thước, được qui định phần giữa lòng chiều dài bằng hai gang tay của Phật, khoảng 1,6 mét, và chiều ngang 1,5 gang tay của Phật, khoảng 1,2 mét, kế đó phần rìa chung quanh bốn bên, mỗi bên thêm 1,5 gang tay Phật nữa, khoảng 0,3 mét. Lớn quá cỡ này là phạm tội ba-dật-đề. Tọa cụ mới có thể may làm hai lớp, tọa cụ có thể bốn lớp.[18] a. Thọ ni-sư-đàn
Tác lễ như thọ y và bát. Văn bạch:
«Đại đức nhất tâm niệm, con tỳ-kheo… Đây là ni-sư-đàn được may đúng lượng, nay con xin thọ trì.» (nói 3 lần)
Kệ thọ ni sư đàn:
Tọa cụ ni-sư-đàn,
Nuôi lớn chồi tâm tánh.
Trải bày lên đất thánh,
Vâng giữ mạng Như Lai.
Án đàn ba đàn ba ta bà ha. (ba lần)
b. Xả ni sư đàn
Phỏng theo các cách xả trên.
7. ĐÃY LỌC NƯỚC
Vật dụng tùy thân thứ tư của tỳ-kheo là đãy lọc nước. Không có văn tác bạch thọ và xả, chỉ có bài kệ như sau:
Lành thay đãy lọc nước,
Biểu hiệu đức từ tâm.
Tùy thân tùy thời dụng,
Mới hợp đạo Thánh Hiền.
Án phạ tất ba ra ma ni ta bà ha. (ba lần)