Chính phật giáo thời Lý – Trần, mà đặc biệt là thời Trần đã góp phần làm nên chất Đại Việt, làm nên cái hào khí Đông A của thời đại, tạo nên bước nhẩy vọt về tư tưởng của dân tộc ta, làm nên khí phách và sự hồi sinh mạnh mẽ của dân tộc sau hơn 1000 năm bị nô lệ phương Bắc (từ 111 trước Công lịch đến 938 sau Công lịch).
Trước Công lịch nhiều thế kỷ, tức là trước khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam thì dân tộc ta đã có tín ngưỡng thờ Mẫu. Vào những thế kỷ xa xưa ấy dân Việt thờ 3 bà mẹ sáng tạo ra muôn vật, đó là Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải. Trong tâm linh của người Việt cổ thì ba vị này chính là chủ thể sáng tạo ra vùng trời, vùng đất, vùng biển của toàn bộ đất nước. Cũng chính từ mốc văn hóa này mà các đời sau cũng như hiện nay các chùa ở Việt Nam bên cạnh thờ Phật còn có cả thờ Mẫu (tiền Thánh hậu Phật). Đó cũng chính là truyền thống và tư tưởng yêu nước nhân đạo của dân tộc Việt. Vốn là một dân tộc tự lực tự cường, truyền thống bất khuất cùng tinh thần linh hoạt mềm dẻo của nền văn minh lúa nước. Cha ông ta ngày ấy vừa biết tiếp thu vừa sàng lọc những điều mới lạ đối với mình. Do vậy mà bất cứ tôn giáo nào khi vào đến Việt Nam cũng đều được Việt hóa trở thành nét riêng đặc sắc không bị ảnh hưởng và thắm mầu dân tộc. Cha ông ta chỉ tiếp thu và kế thừa những gì mà có lợi cho dân tộc mình. Chính tinh thần ấy đã dược thể hiện rõ nét nhất ở các thế hệ con người thời đại Lý – Trần. Thời đại này đã sinh ra rất nhiều người tài giỏi, kỳ lạ với những nhân cách hết sức cao đẹp. Đó là một Lý Thánh Tông đã vì lòng nhân đạo mà tha tội chết cho vua nước Chiêm Thành là Chế Củ; một Lý Nhân Tông tha tội chết cho Thái sư Lê Văn Thịnh khi Thái sư hóa cọp để hại vua; một Lý Thường Kiệt sẵn sàng nhường chức Tể tướng của triều đình để cầm quân đánh giặc giữ biên ải phía Nam của tổ quốc; một Trần Thái Tông từ bỏ ngai vàng như trút chiếc giầy rách; một Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con rồi chống gậy đi khắp nơi giáo hóa chúng sinh, rồi trở thành Phật của nước Đại Việt; một Trần Thủ Độ thâm trầm sâu sắc, kiêu hãnh, bền bỉ, nhẫn nhịn đã khai mở dựng nên cơ nghiệp Trần triều; một Trần Hưng Đạo oai phong lẫm liệt vì nợ nước quên thù nhà, đặt đất nước và nhân dân lên trên hết; một Trần Quốc Toản trẻ tuổi tài cao, đức độ và khí phách hơn người …Rồi những con người khác như An Tư công chúa, Trần Bình Trọng, Nguyễn Phạp …đều thể hiện rõ nét tinh thần của thời đại. Vào thời ấy xã hội có rất nhiều các bậc thiền sư, nho sỹ, đạo sỹ đã tận tụy hy sinh cho đất nước, tốt đời đẹp đạo và cũng có rất nhiều ngôi Đền, Chùa thờ các vị anh hùng dân tộc, thờ Phật cùng với thờ Mẫu.
Ngày nay, ở nhiều nơi trên đất nước có thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, đó cũng là thực sự xứng đáng với đức độ và công lao rất lớn của Thánh Trần đối với non sông đất nước. Song, lịch sử cũng còn những vết mờ cần được làm sáng tỏ hơn, đó là Tể tướng Lý Thường Kiệt – tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà. Trong suốt cuộc đời, Lý Thường Kiệt không hề bị lệ thuộc Tàu, kể cả lời nói cũng như các trước tác của ông. Riêng ở mặt này ông có những nét riêng có đặc sắc Việt Nam so với Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Vì ở Hịch tướng sỹ - áng thiên cổ hùng văn nôi tiếng của Trần Hưng Đạo vẫn còn dùng nhiều điển tích của người Tâu ở phần đầu của bài Hịch, đó cũng chính là hạn chế của lịch sử, của Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Nhưng ở Lý Thường Kiệt thì không bị hạn chế điều này. Tể tướng Lý Thường Kiệt cần được lập đền thờ ở nhiều nơi hơn nữa trên đất nước, ở các vùng miền ông đã đi qua, đã chinh chiến, đặc biệt là ở Thăng Long (Hà Nội) nơi ông được sinh ra.
Ở Việt Nam các Đền, Chùa không chỉ là nơi để thờ Thánh, thờ Phật mà còn là nơi diễn ra các nghi thức với nhiều lễ hội dân tộc, sinh hoạt văn hóa. Điều này các bậc tiền nhân khi xưa đã chép lại trong các bộ sách như Việt điện U linh, Lĩnh Nam chích quái.. Đó là Thánh Gióng tức thần Phù Đổng Thiên vương trong Việt diện U linh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không trong Lĩnh Nam chích quái. Chính những mối quan hệ giao lưu tiếp biến như vậy đã góp phần làm nên một Phật giáo Đại Việt thời Lý – Trần thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc Việt./.
Hình ảnh thêm về Vài nét về Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần