Nói “đặc biệt” vì công trình tượng Phật Đi Đà đôi nầy có thể được xem là bức tượng đôi thứ 2 của Việt Nam (sau tượng đôi Quan Âm ở Xã Đảo Nhơn Lý - Qui Nhơn) được xây dựng tại miền Tây để đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng của phật tử hai nước vùng giáp biên.
Ông Trần Văn Tân, ngụ ấp Tân Thạnh, thị trấn Long Bình cho biết “…bà con phật tử rất vui mừng vì địa phương có được ngôi chùa rất hoành tráng, kiến trúc độc đáo, đặc biệt là tượng Phật 2 mặt khổng lồ trở thành “kỳ quan” đặc biệt vùng biên giới nầy, đáp ứng niềm mơ ước của nhiều người theo đạo…”.
Bức tượng trên được xây dựng trên nền chùa Linh Ẩn cũ có chiều ngang lớn nhất 6m, thân tượng cao 18m. Nếu tính từ chân đài sen đến hết bức tượng thì có tổng chiều cao gần 25m, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Điều đặc biệt của bức tượng này là có hai mặt hoàn toàn giống nhau, một mặt nhìn về chùa Linh Ẩn tự mới xây dựng, mặt còn lại nhìn qua nước bạn Campuchia. Theo thiết kế chung, nguồn ánh sáng xung quanh bức tượng khi hoàn thành thì sẽ soi sáng cả khu vực giáp biên.
Về ý tưởng xây tượng Phật hai mặt, Đại đức Thích Bửu Niệm, trụ trì chùa Linh Ẩn cho biết “…sở dĩ xây hai mặt là do nhu cầu phật tử vùng này muốn có được bức tượng phật lớn để cúng viếng, cạnh đó còn thể hiện tình đoàn kết gắn bó của phật tử hai nước, cùng nhau sống tốt đời đẹp đạo…”.
Đại đúc trụ trì chùa Linh Ẩn cho biết thêm: toàn bộ kinh phí xây dựng do bà con phật tử gần xa đóng góp. Sau khi hoàn thành sẽ làm xung quanh tượng là vườn cây sala – nơi đức Phật ngày xưa nhập Niết bàn để cho phật tử đến cúng viếng trong không gian đẹp và yên tĩnh.
Anh Hồ Văn Đen, tổ trưởng tổ thi công kể thêm “…đây là lần đầu tiên chúng tôi thi công một công trình đặc biệt khó khăn do khối lượng quá cao và đồ sộ, đòi hỏi độ chính xác và kỹ thuật cao, nhất là phải thiết kế sao cho hai mặt tượng hoàn toàn giống nhau và dựa vào nhau. Rất mừng vì chúng tôi đã thành công ngoài sự mong đợi, anh em công nhân rất vui mừng và tự hào…” Hiện nay công trình đã hoàn thành sau gần 2 năm thi công.
Sẽ rất thiếu sót nếu như không kể đến tác giả của công trình này vốn rất nổi tiếng cả nước, đó là nghệ nhân Thụy Lam, ông là tác giả của công trình tượng Phật Di Lặc ở Núi Cấm đã đạt kỷ lục châu Á về tượng Phật lớn nhất ở đỉnh núi và nhiều công trình khá nổi tiếng khác.
Hiện tại, chùa Lỉnh Ẩn mới đang được khẩn trương mở rộng, nâng cấp, làm mới rất khang trang, lộng lẫy với lối kiến trúc thuần Việt trên diện tích hơn 5.000 mét vuông, kết cấu một trệt một lầu với nhiều công trình phụ rất uy nghi, cổ kính, dự kiến hoàn thành vào dịp 30 tháng 4 năm 2016.
Đây đang được xem là ngôi chùa có lối kiến trúc nghệ thuật đẹp, rộng, trang nghiêm nhất tỉnh An Giang, trong đó phải kể đến sự có mặt của “ kỳ quan” ở vùng biên giới: tượng Phật A Di Đà đôi đầu tiên và lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện nay.
Hình ảnh thêm về Tượng Phật đôi ở biên giới Việt Nam - Campuchia