TOÁT YẾU KINH CHUYỂN LUÂN VƯƠNG TU HÀNH (Kinh số 6)
Kinh Chuyển Luân Vương tu hành, tương đương Kinh Cakkavatti Sìhanàda số 26 (Trường Bộ Kinh). Nội dung Kinh gồm 09 đoạn chính.
1. Đức Phật khuyên các Tỳ kheo tu hành 01 Pháp:
Để mở đầu bài Kinh, Đức Phật khuyên các Tỳ kheo nên tu hành 01 pháp. Đó là, “Hãy tự một mình thắp đuốc lên mà đi, hãy thắp lên với Chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác. Hãy nương tựa với chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác”.
Nghĩa là các Tỳ kheo phải tu hành Tứ Niệm Xứ. Tức là quán thân mình, thân người là bất tịnh. Quán tâm vô thường, quán thọ là khổ và quán pháp vô ngã. Nếu tu hành được như thế, thì chúng Ma không thể phá hoại, và công đức một ngày một tăng.
2. Đức Phật giới thiệu nhân cách một vị Chuyển Luân Vương:
Tiếp theo, Đức Phật giới thiệu, cách nay đã lâu, có một vị Chuyển Luân Vương ra đời, tên là Kiên Cố Niệm (Daldamemi) thống lãnh bốn châu thiên hạ, đầy đủ 7 báu, có 1.000 người con hùng dũng, không cần sử dụng khí giới, mà thiên hạ tự nhiên thái bình. Sau một thời gian dùng chánh pháp trị dân, đem lại thanh bình thịnh trị cho đất nước. Bỗng một hôm, xe vàng rời khỏi vị trí chỗ cũ, đó là báo hiệu thọ mạng nhà vua sắp kết thúc. Lập tức Ngài truyền ngôi cho Thái tử, rồi xuất gia tu đạo.
Tuy nhiên, trong thời gian xuất gia, nhà vua vẫn thường xuyên khuyến trị Thái tử hãy lấy chánh pháp trị dân, hãy gần gũi những bậc Sa môn, giới đức thanh tịnh, tu hành chơn chánh, để tham khảo ý kiến, trước khi muốn thực hiện bất cứ một điều gì.
3. Thái tử chính thức trở thành Chuyển Luân Vương:
Cứ theo thông lệ, đúng ngày Rằm trăng tròn, xe vàng xuất hiện. Nhà vua bảo xe chạy đi bốn hướng, Ngài theo xe kinh lý khắp bốn vùng đất nước, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, nhà vua đều được dân chúng địa phương nghinh đón nồng hậu, và bất cứ nơi nào nhà vua tới Ngài đều khuyên dân chúng hãy sống đúng với chánh pháp, để được an vui, hạnh phúc lâu dài. Sau khi kinh lý, an ủi dân chúng khắp bốn miền đất nước, Ngài trở về kinh. Và xe vàng dừng lại cố định trước cung điện nhà Vua.
4. Sự truyền ngôi của 07 vị Chuyển Luân Vương:
Trong một thời gian dài, với 06 vị Chuyển Luân Vương, cứ lần lượt truyền ngôi cho nhau. Và bất cứ vị nào lên ngôi, đều theo đúng thông lệ, hợp với qui tắc của các tiên vương, và thực hành đúng với chánh pháp. Tuy nhiên, chỉ có vị vua thứ 7 sau này, khi lên ngôi, Ngài không theo đúng thông lệ, không phù hợp với qui tắc của các bậc tiên vương, nhất là không thực hành theo chánh pháp. Do đó, đất nước, xã hội không được bình thường, nạn trộm cướp xuất hiện, dân tình đói khổ, tai nạn xảy ra, đưa đến tình trạng tranh chấp, sát hại lẫn nhau.
5. Tình trạng tuổi thọ loài người giảm xuống:
Do vì con người tạo ba nghiệp ác về thân, nên tuổi thọ giảm từ 4 vạn xuống còn 2 vạn, 1 vạn tồi 100. Tiếp theo do tạo 4 nghiệp ác về miệng, nên tuổi thọ giảm 500. Và vì họ tiếp tục là ba hạnh phi pháp khác (dâm, tham, tà kiến) nên tuổi thọ giảm xuống còn 300, 200, 100 và đến 10 thì dừng lại.
Đến giai đoạn này, con người cực ác, thấy nhau là muốn giết nhau. Tất cả nền đạo đức, luân lý gia đình, xã hội không còn được tôn trọng. Thậm chí tên Thập thiện không còn được nghe, huống chi là thực hành. Trái lại, chỉ nghe tên Thập ác, do đó, người nào làm ác, thì được tán thưởng như người làm thiện. Thế rồi tình trạng tương tàn tương sát xảy ra trong vòng 7 ngày. Đối với những người có trí, họ lánh nạn vào trong rừng núi, sau 7 ngày, khi tình hình lắng dịu, họ trở về nhà. Trên đường đi, họ gặp ai còn sống sót, đều mừng rỡ và nói: “Chúng ta hãy còn sống, vậy hãy thương yêu đùm bọc lẫn nhau, không nên giết hại nhau nữa”. Do đó, thiện tâm bắt đầu tăng trưởng.
6. Tình trạng tuổi thọ loài người tăng lên:
Sau khi chúng sinh thoát qua cơn sát hại khủng khiếp, con người bắt đầu hồi tâm hướng thiện, lánh dữ làm lành, tu ba nghiệp thiện về thân, do đó tuổi thọ bắt đầu tăng lên từ 10 đến 20, rồi 40 và 80; và do tiếp tục tu bốn nghiệp thiện về miệng, nên tuổi thọ lại tăng lên 160 rồi 230, đến 640 và sau đó là 2000. Rồi họ tiếp tục tu ba nghiệp thiện về ý, nên tuổi thọ tăng lên 5000, rồi 1 vạn, 2 vạn và do không làm 3 hạnh phi pháp khác (dâm, tham, tà kiến), nên tuổi thọ tăng lên 4 vạn. Cuối cùng, do hiếu thuận cha mẹ, cung kính sư trưởng, nên tuổi thọ tăng lên 8 vạn. Trong thời gian này, xã hội thật thanh bình, hạnh phúc, vật chất dồi dào, dân cư đông đúc, nhà cửa khang trang.
7. Đức Bồ tát Di Lặc ra đời:
Vào thời gian tuổi thọ con người đúng 8 vạn, thì Đức Bồ tát Di Lặc ra đời, Ngài xuất gia, tu hành, chứng quả giữa thế gian, đầy đủ 10 đức hiệu, Pháp Ngài nói ra đầu, giữa và sau cùng đều thanh tịnh, đệ tử đông vô số, như đệ tử Phật Thích Ca ngày nay. Dân chúng lúc ấy gọi đệ tử Ngài là Tử Tử, như ngày nay dân chúng gọi để tử Phật Thích Ca là Thích Tử.
8. Chuyển Luân Vương ra tu hành chứng quả:
Trong khi Đức Phật Di Lặc ra đời, dùng giáo pháp độ sanh, thì cùng một lúc, có vị Chuyển Luân Vương ra đời, tên là Nhương Khư (Sankha), đầy đủ bảy báu, thống lãnh bốn châu thiên hạ. Sau một thời gian dùng chánh pháp trị dân, nhà vua cạo bỏ râu tóc, mặc ba Pháp y, xuất gia tu đạo, thực hành hạnh vô thượng, cuối cùng chứng quả A La Hán trong đời hiện tại.
9. Đức Phật khuyên các Tỳ kheo tu hành 5 pháp:
Để kết thúc bài kinh, một lần nữa Đức Phật khuyên các Tỳ kheo hãy tu hành 5 pháp, đó là:
a.Tu Tứ như ý túc (Dục, Tinh tấn, Niệm, Định) để được thọ mạng lâu dài.
b.Hãy giữ gìn giới luật, để thân thể được trang nghiêm.
c.Hãy tu Tứ thiền, để thân được an ổn khoái lạc.
d.Hãy tu Bốn Tâm vô lượng, để được của báu dồi dào.
e.Nên tu Tứ diệu, để đầy đủ oai lực, chúng Ma không thể phá hoại.
Thông qua bài kinh này, chúng ta nhận thấy, về kiếp tăng, kiếp giảm, tuổi thọ con người tăng hay giảm, là tùy thuộc vào hành động loài người tu 10 điều lành về Thân, Khẩu, Ý hay ngược lại. Và Chuyển Luân Vương là vị vua lý tưởng. Ngài ra đời trong một hoàn cảnh xã hội rất đặc biệt. Thông thường, Chuyển Luân Vương là tiền thân Phật khi còn làm Bồ tát. Tại sao? Vì, Ngài đòi nhứt định dùng chánh pháp trị dân, đem lại sự thanh bình, an thạnh trị, an vui hạnh phúc cho chúng sanh. Và, một sự kiện đặc biệt chú ý là trong tương lai sẽ có Đức Phật Di Lặc ra đời, với sự kiện trên, giữa hai Kinh Chuyển Luân Vương chữ Hán và Pàli đều đồng nhất.
Hình ảnh thêm về TOÁT YẾU KINH CHUYỂN LUÂN VƯƠNG TU HÀNH (Kinh số 6)