Khoa học về ngôn ngữ đã có các cách phân loại ngôn ngữ dựa trên đặc điểm cấu trúc, đối tượng sử dụng, giá trị thẩm mỹ...
Có thể kể đến một “ thước” phân loại sau ở VN, sử dụng mang tính giáo khoa: ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ chính luận- báo chí, ngôn ngữ sinh hoạt...
Ở “thang” phân loại trên, có lẽ phù hợp nhất và mang tính tương đối, tiếng lóng xếp ở, thuộc về, phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Một tập hợp từ có thể hay chắc chắn bị coi thường do chúng được dùng ở giới giang hồ, xã hội đen, băng ổ nhóm tội phạm, những bộ phận thấp kém về địa vị xã hội, học vấn, kinh tế...
Do đặc thù sinh tồn lẩn tránh luật pháp, luôn có nhu cầu ẩn mình, giấu hành tung trong cộng đồng dân cư và xã hội, các đối tượng xấu sử dụng tiếng lóng để mã hoá giao tiếp nội bộ, nhằm an toàn. Số từ ngữ của họ gắn với hoạt động phạm tội, hoặc không tốt đẹp. Theo thời gian, độ bí mật của tiếng lóng suy giảm, thiên hạ biết, các đối tượng xấu xây dựng, làm mới, cập nhật kho từ ngữ ấy để thích nghi, hoạt động.
Là một hiện tượng ngôn ngữ, tiếng lóng cũng tuân theo quy luật ngôn ngữ học như làm mới, phát sinh- như vừa viết đến- thay đổi theo thời gian và khu vực sử dụng...
Thế giới ngầm ở Italia đương nhiên có kho tiếng lóng “chạy” trên nền tiếng Ý khác Hội Tam hoàng Trung Hoa xây dựng kho tiếng lóng trên nền Hán ngữ, tương tự với tiếng lóng ở VN.
Xét càng cạn lẽ, tiếng lóng càng cho thấy những đặc điểm chung của ngôn ngữ, cũng đã viết: cùng ở VN, dân anh chị Hà Nội, Hải Phòng có kho tiếng lóng khác “đồng nghiệp” ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Ở đây, tiếng lóng chịu sự chi phối của nền ngôn ngữ mà nó khai thác, tính địa phương, theo vùng miền.
Ám chỉ công an, kẻ thù của tội phạm, khắc tinh, có các tiếng lóng: cớm, chèo - tụi mầy ơi, có cớm; tao nghi thằng đó là chèo... Cách dụng từ này phổ biến trong giang hồ ở VN và đã phổ biến ắt độ bảo mật kém, nhiều người biết, hiểu cho dù không sử dụng, không phải dân giang hồ.
Đơn vị tính tiền tệ trong dân anh chị không kém “ thú vị”: chai, xị, lít... Tức họ tính theo cách đong đếm rưọu, trong đấy môt xị ứng với bao nhiêu tiền: cái này mấy xị, bao nhiêu chai? Hai chai được không? Xử thằng đó đi, tao cho mười chai...
Tù tội, dùng từ “ xé lịch”, “gỡ lịch”- trong đấy “gỡ” dùng trong Nam: mày bị mấy cuốn (lịch), tức hỏi án mấy năm tù giam.
Vài từ trong tiếng lóng: xong phim, xong hàng (chấm dứt, chết), con ghệ (người tình)...
Để chống tội phạm, cảnh sát phải hiểu giao tiếp bằng tiếng lóng một cách sâu sắc cập nhật, điều này rõ ràng nhất với cảnh sát hình sự. Muốn trinh sát nắm bắt tội phạm, phải hiểu ngôn ngữ tội phạm, khi nhập vai hoá thân thâm nhập, tiếng lóng có ý nghĩa sinh tử, vỏ ngụy trang. Nhà văn, nhà báo viết về tội phạm cũng tìm hiểu sâu tiếng lóng, ngôn ngữ của một bộ phận trong xã hội, để mô tả đúng hiện thực.
Tìm hiểu, nghiên cứu phục vụ công việc khác hẳn sử dụng, chuyện này quan trọng.
Tiếng lóng là một hiện tượng ngôn ngữ mang tính xã hội, xuất hiện tồn tại trong giang hồ - một tập hợp tội phạm hình sự hay ẩn tàng tội phạm, có nguy cơ phạm tội cao. Đối tượng sử dụng tiếng lóng không được coi trọng. Về mặt ngôn ngữ học, tiếng lóng ít hay không có giá trị thẩm mỹ, phản thẩm mỹ, chúng phá vỡ các qui tắc cấu trúc ngôn ngữ về ngữ pháp và yêu cầu văn hoá, thẩm mỹ, chúng mã hoá thông tin theo cách riêng tùy tiện để đạt mục đích giao tiếp và hết. Do vậy, tiếng lóng thô tục, lạnh lùng vô cảm, như chủ nhân sử dụng chúng. Từ đó người lương thiện, có học không bao giờ giao tiếp bằng tiếng lóng, với họ, khi nghe phát ra tiếng lóng phải tránh xa, không khác dân đi rừng phản ứng khi nghe tiếng gầm của thú dữ từ xa...
Ngôn ngữ, cùng trang phục, tác phong, phản ánh tình trạng học vấn, địa vị xã hội của một con người: trí thức ưa dùng chữ nghĩa hàn lâm, chau chuốt ngôn từ; người bình dân dụng từ giản dị dễ hiểu; người sang trọng dụng từ sang cả, quí phái...
Từ miệng phát ra một tiếng lóng, bị coi thường, hành văn chêm tiếng lóng nhận ngay ác cảm của người tương tác văn bản.
Cũng không thể ngụy biện rằng giới nào cũng có tiếng lóng riêng, đâu chỉ giang hồ? Nói thế hàm hồ.
Nhu cầu khu biệt ngôn ngữ phục vụ công việc mang tính chuyên môn nhằm đạt hiệu quả cao, là hiển nhiên có. Nhưng, không vì thế mà người ta tùy tiện thô thiển xây dựng một kho ngôn ngữ hạ tiện như tiếng lóng. Các ngành chuyên môn từng bước hoàn thiện kho ngôn ngữ kỹ thuật, các thuật ngữ. Công việc này công phu, khoa học. Hệ thống ngôn ngữ riêng tối ưu hoá các lựa chọn, tinh hoa, xây dựng khoa học từ nền ngôn ngữ cụ thể, hay, cô đọng, đep.... Trình độ một cá nhân có thể nhận ra qua sự sở đắc kho thực ngữ chuyên môn mà cá nhân ấy nhận được từ đài tạo, mức độ sử dụng thành thạo. Hệ thống thuật ngữ chuyên môn không liên quan gì đến tiếng lóng, một sự tàn phá ngôn ngữ, dấu vết tội phạm.
Hệ thống ký hiệu lại là dạng ngôn ngữ riêng áp dụng ở từng ngành, vẫn công phu xáy dựng, lại mang tính quốc tế. Chẳng liên quan gì đến tiếng lóng. Có những ký hiệu thuộc về chuyên sâu, không phổ biến, học đến mới biết. Những ai vật lộn với các giáo trình điện tử, tin học, sẽ thấm thía công phu cùng độ khó của các ký hiệu và màu sắc ký hiệu trên linh kiện li ti. Xây dựng các ký hiệu để mọi kỹ thuật viên, kỹ sư ở mọi nước đều hiểu như nhau, đâu có tùy tiện được. Các qui ước logic, công phu, nhất quán.
Khi bạn nghe các tín hiệu liên lạc tích te vui tay, truyền thông tin đã mã hoá lên không trung, bạn đang nghe một dạng ngôn ngữ, lại vô cùng công phu.
Giới tu sĩ khi trì tụng chú, ngôn ngữ ấy vô cùng đặc biệt, một dạng thức siêu ngôn ngữ, xuất thế gian.
Vậy đó, ngôn ngữ mênh mông, và cũng có bất ngờ.
Giới đốc tờ cao quý muôn đời nay vì đụng đến sinh tử, danh vị bác sĩ ở giai tầng thượng lưu, đương nhiên ngôn ngữ trong ngành, trong giao tiếp, tinh hoa do quá trình giáo dục đào tạo dài, gian khó. Nhưng, khi bạn nghe “họ” chơi tiếng lóng với nhau, sốc!
Ngữ cảnh như vầy: trong bệnh viện đa khoa, qui trình khám - điều trị đã thành nếp. Nếu nguy cấp, trường hợp cấp cứu, vào khoa cấp cứu SOS để bệnh viện khẩn cấp điều trị. Nếu tình trạng chưa đến mức SOS, bệnh mạn tính, khám sức khoẻ, đăng ký khoa phòng để bác sĩ chuyên môn thăm khám sàng lọc. Có thể kiểm tra thêm sau khám trực tiếp, tìm hiểu bệnh sử, chuyển cho kỹ thuật y khoa xét nghiệm, đo điện tim, điện não...sau đó dựa trên kết quả, cho toa thuốc điều trị ngoại trú, có trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Xét khả năng bệnh viện về chuyên môn và thuốc, trang bị y khoa, phân tuyến chuyên môn, có trường hợp bác sĩ khám ký cho chuyển viện, dựa trên ý kiến thầy thuốc qua chữ ký, giám đốc bệnh viện ký hoàn thiện hồ sơ chuyển tuyến trên, có dấu đỏ.
Chuyện này quan trọng, ở VN. Với bệnh nhân đã điều trị ngoại trú không hiệu quả, chuyển tuyến để có sự trị liệu tốt hơn, có khi sinh tử. Với qui định của ngành bảo hiểm xã hội, chuyển tuyến đúng qui định sẽ được thanh toán với khung chi phí cao hơn, cho thuốc đắt tiền và chăm sóc, can thiệp y khoa tốt hơn, với nhiều chứng bệnh, khoản thanh toán không hề nhỏ và khác biệt lớn lao nếu tự chi trả do không được chuyển tuyến đúng qui định.
Chữ ký bác sĩ ở phòng khám, của giám đốc bệnh viện tuyến dưới, thành ra quan trọng vô cùng. Dù bệnh nhân có yêu cầu và yêu cầu chính đáng để chuyển tuyến, nhưng bằng lý lẽ chuyên môn, bác sĩ có thể bác yêu cầu, viện dẫn tình trạng bệnh lý vẫn trong khả năng điều trị của bệnh viện hiện tại. Do chuyên môn, bác sĩ có lợi thế trong lập luận.
Điều trị ngoại trú một số vấn đề mạn tính, tác giả bài viết này để ý rồi bất ngờ phát hiện vấn đề khi thầy thuốc phòng khám hỏi điều dưỡng trình hồ sơ xin chuyển viện: có kèm theo không, có kèm theo mới chuyển. Bác sĩ nói và khi nhận ra có người, liền nhanh trí nói trớ đi: kèm theo xét nghiệm y khoa.
Đấy là một dạng dùng tiếng lóng trong nội bộ bệnh viện, giao tiếp qui ước giữa bác sĩ và điều dưỡng, KÈM THEO là phong bì, tính đa nghĩa của từ ngữ bị lợi dụng, xét nghiệm y khoa thành bình phong. Người viết đã xác tính lại và hiểu thông điệp KÈM THEO đúng như cảm nhận ban đầu, ở bệnh viện đấy và không chỉ bệnh viện ấy, muốn chuyển tuyến phải chung chi qua KÈM THEO để có xe chuyên dùng cùng nhân viên y tế đi cùng, quan trọng ở sự chấp nhận thanh toán của bảo hiểm xã hội cho chi phí điều trị.
Như vậy, tiếng lóng đã vào chỗ không nên phục vụ giao tiếp mờ ám, tham ô trục lợi mờ ám, phạm pháp. Từ nhu cầu bảo mật, bác sĩ và thế giới ngầm gặp nhau ở vận dụng tiếng lóng. Cho dù có vỏ ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn, song KÈM THEO vẫn chỉ là tiếng lóng, mã hoá giao tiếp ám muội, đến với thầy thuốc không từ giáo trình trường y và hoàn toàn không có giá trị học thuật gì.
Ở đâu có mờ ám, có nhu cầu che giấu, ở đấy có tiếng lóng làm lớp vỏ ngụy trang giao tiếp mờ ám. Không loại trừ tiếng lóng trong ngành cảnh sát, kiểm sát và các nơi tôn nghiêm, không chỉ chốn giang hồ.
Mới đây, khi mổ xẻ tiếp vụ Vũ nhôm, truy tố thiếu tướng nguyên Tổng cục phó Tổng cục tình báo (tổng cục 5), truyền thông loan tải và sau đấy cố sức giãi mã lời khuyên của tướng Nguyễn Duy Linh từng khuyên Vũ nhôm: nên đi du lịch qua màn ảnh nhỏ. Lối dùng từ này mang tính chất của tiếng lóng, giữa họ hiểu với nhau, trong một quan hệ không sáng sủa.
Tản mạn chút xíu về tiếng lóng, lo lắng khi hiện tượng ngôn ngữ này phát tác ở những nơi lẽ ra không nên có, bên ngoài giang hồ.
Cuộc sống thiện lương không cần KÈM THEO hay DU LỊCH QUA MÀN ẢNH NHỎ.
Tiếng lóng không phải ngôn ngữ chệch chuẩn, đấy là sự lạc loài của ngôn từ.
Nguyễn Thành Công