Thiền ứng dụng vào y học, vào tâm lý học hiện đại còn có những sắc thái khác nữa. Hiện nay có nhiều trung tâm thiền không tôn giáo mọc ra khắp nơi trên thế giới.
Dưới đây là những câu hỏi về Thiền mà các bạn thường đặt ra cho Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Để nắm bắt đầy đủ, xin vui lòng xem chi tiết trong cuốn “Thiền & Sức khỏe”.
Thiền học khác Phật học như thế nào? Zen là gì? Học thiền mà không theo đạo Phật được không?
Được chứ! Nên nhớ Thiền đã có từ ngàn xưa trước khi có Phật giáo. Nhiều tôn giáo cũng ứng dụng thiền vào việc tu tập như định tâm, cầu nguyện, đọc kinh, “thần chú”… tất cả đều có mục đích thanh lọc thân tâm, từ đó mà tuệ giác (huệ) sẽ bừng sáng. Tuy vậy, thiền Phật giáo có những sắc thái riêng, con đường dẫn tới giải thoát rốt ráo.
Thiền học là một phần của Phật học, nhưng là phần cốt lõi. Phật học có nhiều tông phái như Nguyên thủy, Đại thừa, Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ tông v.v… nhưng nguồn gốc vẫn là một.
Thiền ứng dụng vào y học, vào tâm lý học hiện đại còn có những sắc thái khác nữa. Hiện nay có nhiều trung tâm thiền không tôn giáo mọc ra khắp nơi trên thế giới. Nhiều người hướng dẫn thiền tập bằng rất nhiều cách khác nhau, nên rất cần phải “tỉnh táo” để chọn lựa cách nào phù hợp nhất với cá nhân mình, có cơ sở khoa học, để không gây hoang mang, thất vọng hoặc gây những “side-effects” không hay khác.
Zen có gốc từ chữ Dhyana (Sanskrit) hay Jhana (Pali), được dịch âm thành Chan (Hoa) rồi Zen (Nhật) Thiền (Việt) v.v… Tây phương dịch là Meditation. Các từ khác liên quan đến thiền nên biết để tiện tra khảo: Niệm, chánh niệm (Sati) là Mindfulness; Quán niệm hơn thở hay An-ban thủ ý (Anapanasati) là Mindfullness of breathing…
Thiền học là một phần của Phật học, nhưng là phần cốt lõi.
Nghe Thiền sao thấy có vẻ cao siêu, huyền bí quá?
Quả có những thứ thiền “cao siêu huyền bí”. Đó là thứ thiền dành cho các vị tu sĩ, ngồi tĩnh lặng trên đỉnh núi tuyết cao, trong hang động sâu, xả ly, xa lánh bụi trần, hòa nhập vào vũ trụ mênh mông… Đó là thứ thiền của những vị Alahán, Bồ-tát, nhà tu khổ hạnh, người bình thường chúng ta chỉ biết kính nhi viễn chi.
Ở góc độ người thầy thuốc, tôi quan tâm đến thứ thiền đơn giản mà hiệu quả trong giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đó là thứ thiền trong đời sống hằng ngày. Nó liên quan đến sức khỏe, đến khoa học y học, được nghiên cứu và ứng dụng khá rộng rãi hiện nay. Nó đã mang lại những hiệu quả rất bất ngờ, chữa được nhiều căng thẳng (stress), lo âu, nhiều bệnh lý do hành vi lối sống gây ra mà thuốc men không thể chữa dứt.
Thiền giới thiệu trong cuốn sách này là thiền “Quán niệm hơi thở”, nghĩa là quan sát, dõi theo và nhớ, nghĩ (niệm) về hơi thở vào, hơi thở ra của chính mình. Đi từ phương pháp “thở bụng” giản đơn – nhưng đã có hiệu quả tốt đối với sức khỏe- đến thiền quán niệm hơi thở là một bước tiến xa, từ đó có thể đi sâu đến “thành tựu chánh trí”, đến tuệ giác về vô thường, về duyên sinh, về không, về vô ngã v.v…
Xin vui lòng cho biết ngoài cách thiền Phật giáo ra thì còn bao nhiêu cách thiền khác nữa? Cách thiền đơn giản nhất có phải là ngồi kiết già nhắm mắt và không suy nghĩ để cho tâm lặng phải không?
Thiền Phật giáo như đã nói có hai cách: Thiền chỉ (Samatha) và Thiền quán (Vipassana). Kinh Viên Giác hướng dẫn 25 cách thiền. Hiện nay có tài liệu đưa ra 112 cách. Y học cũng đang nghiên cứu ứng dụng để từ đó tìm ra những “bằng chứng” cụ thể, và “liều lượng” thích hợp trong chữa trị và phòng ngừa bệnh tật nên còn hứa hẹn nhiều phương pháp thiền tập nữa. Nhưng nên nhớ, đó chỉ là phương tiện…
“Ngồi kiết già nhắm mắt và không suy tưởng” không phải là điều đơn giản nhất đâu mà thực sự là một điều cực kỳ khó. Ngồi kiết già đã khó, nhiều người không thể ngồi được – nên ta có thể chọn cách ngồi bán già, thậm chí quỳ trên gối, ngồi lên gót chân, ngồi trên ghế… đều thiền được. Nhắm mắt là cách để không bị ngoại cảnh chi phối, nhưng có người không cần phải nhắm mắt, có người lim dim… sao cũng được, tùy thói quen của mỗi người. Tâm trí ta như khỉ như ngựa (tâm viên ý mã) nhảy nhót lung tung, “gom” lại được không dễ. Vì thế mà phải tìm cách nào đó để gom tâm trí lại một nơi.
Có thể là tiếng đọc kinh, có thể là tiếng mõ, tiếng chuông, có thể là một “câu thoại đầu” bí hiểm, có thể là tràng hạt… và tốt nhất là “chánh niệm” vào hơi thở vào hơi thở ra, vì nó trung tính và có đầy đủ những tính chất của một “pháp” để mà suy gẫm, “quán niệm”. Nếu “dừng” được tâm thì đã ở giai đoạn thiền chỉ (samatha) rồi vậy.
Đâu là bài tập thiền đơn giản nhất mà tất cả mọi người có thể luyện tập được?
Theo tôi, thiền “Quán niệm hơi thở” (Anapanasati), còn gọi là An-ban thủ ý hay Nhập tức xuất tức niệm (meditation of breathing) là cách thiền đơn giản mà hiệu quả nhất, được Phật dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthanasutta) và được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần : “Đây là con đường độc nhất dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đắc Niết bàn…”.
Đây là một phương pháp rất “khoa học thực nghiệm”, áp dụng được cho tất cả mọi người. Bắt đầu bằng tập thở bụng rồi tập đặt chánh niệm vào hơi thở, từng bước đi sâu vào định và huệ. Hơi thở gắn với cảm xúc, lại gắn với hoạt động của cơ bắp. Hơi thở là cầu nối giữa thân và tâm. Nhờ đó, ta có thể “can thiệp” vào hơi thở để bình ổn thân tâm như đã trình bày trên.
BS Đỗ Hồng Ngọc
Hình ảnh thêm về Thiền và một vài câu hỏi - đáp (1)