Viện Đại Học Vạn Hạnh là một Học Viện Cao Đẳng tự lập do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập năm 1964 ở Sài Gòn. Mặc dầu những giá trị chỉ đạo và Triết lý của Viện là Phật giáo và mặc dù đa số nhân viên quản trị, giáo sư và sinh viên là Phật tử, Viện ngay tự buổi đầu đã mở rộng cửa đón nhận tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo. Viện không phải là một chủng viện dành riêng cho Tăng Ni, dầu rằng người ta luôn luôn gặp những Tu sĩ Phật giáo trong thành phần giáo sư và sinh viên.
Vạn Hạnh trước hết là một trung tâm giáo dục chuyên nghiên cứu giảng dạy tri thức và minh triết của Đông và Tây Phương, của quá khứ và hiện tại. Viện tìm cách truyền đạt cho sinh viên của Viện một lần thấu hiểu và thẩm định mới về văn hóa và lịch sử Việt Nam, nền văn hóa và lịch sử trong đó Phật giáo là yếu tố căn bản. Nhưng Viện cũng có tham vọng trang bị cho sinh viên một nền giáo dục mới, cần thiết để đương đầu với những vấn đề và những thử thách của nước Việt Nam ngày nay.
Thiết tưởng cần phải đặt Viện Đại Học chúng tôi vào vị trí lịch sử của nó. Ảnh hưởng của Phật giáo lần đầu tiên du nhập vào Việt Nam từ Ấn Độ và Trung Hoa vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Các Tông phái được thành lập gồm cả hai ngành Đại Thừa và Tiểu Thừa Phật giáo, dầu cuối cùng Đại thừa chiếm được một số tín đồ đông đảo hơn. Phật tử Việt Nam thường tự hào rằng xứ sở họ là nơi quy tụ được cả hai truyền thống lớn của Phật giáo. Trong thời Hoàng Kim của các triều đại Trần và Lý một ngàn năm trước đây, ảnh hưởng của Phật giáo thật vô song. Chùa chiền lúc ấy là trung tâm giáo dục và văn hóa. Các tu sĩ Phật giáo là những nhà giáo dục, văn nhân, tư tưởng gia của thời đại.
Thầy Nguyên Tạng (Tăng Sinh Khóa III, niên khóa 1993-1997,
hiện nay trụ trì Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu)
có duyên lành viếng thăm Hòa thượng Thích Minh Châu,
vị Viện trưởng sáng lập Học viện, đang phiên dịch kinh tạng Pàli.
(Ảnh: NAG Võ Văn Tường)
Đặc biệt Viện Đại Học Vạn Hạnh chúng tôi lấy tên là một vị sư sáng suốt nhất và được kính nể nhất của thời Hoàng Kim: Thiền Sư Vạn Hạnh. Tiếp theo là một thời kỳ dài trong đó Phật giáo bị lu mờ bởi những sức mạnh nội tại và ngoại tại. Mãi tới năm 1920 những cố gắng có tổ chức mới được khởi sự để hồi sinh Phật giáo và khôi phục lại địa vị xứng đáng của nó ở Việt Nam. Từ ba chục năm trở lại đây, người Phật tử đã nỗ lực tu bổ chùa chiền, cải tổ nền giáo dục Tăng Ni và phát triển những quan niệm và cơ quan công tác xã hội đúng với giáo lý của Đức Phật. Điều đáng buồn là những biến cố bi thảm xung quanh cuộc lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm đã làm người ta không để ý tới sự kiện là Phật giáo ở Việt Nam đang trải qua một thời kỳ thay đổi nội bộ và thích nghi với thế giới hiện đại.
Năm 1964 ở Việt Nam đã chứng kiến toàn thể giáo đoàn Phật Giáo sôi động tiếp sau sự sụp đổ của chính phủ Ngô Đình Diệm. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã được thành lập để đoàn kết những tông phái hiệp hội Phật giáo đã từng độc lập với nhau trong lịch sử. Tân giáo hội đã tổ chức những Tổng Vụ để điều hành về giáo dục, văn hóa, từ thiện, xã hội, thanh niên, cư sĩ, hoằng pháp, tài chính và tăng sự. Vì những phạm vi hoạt động của Giáo hội bành trướng mau chóng, Phật giáo chẳng bao lâu bị bắt buộc phải ý thức rõ rệt rằng Giáo Hội đã gặp phải những sự thiếu thốn nghiêm trọng về yếu tố nhân lực: Thiếu những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm, những chuyên viên cự phách, những cán bộ nòng cốt. Nguy hại hơn nữa là một vài Phật tử sau một đêm bỗng thức dậy tự cho mình là anh hùng vô địch, xem mình là những thánh tướng trong mọi lãnh vực, kể cả những lãnh vực mà họ hoàn toàn không có một chút kinh nghiệm.
Năm 1964 khi tôi từ Ấn Độ trở về nước sau khi hoàn tất tiến sĩ học, tôi ban đầu đảm nhận chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Cao Đẳng Phật Học vừa được thành lập ở Sài Gòn. Khi Viện trên biến thành Viện Đại Học Vạn Hạnh, tôi trở thành Viện Trưởng đầu tiên của Viện. Ngay từ lúc đầu, tôi đã biết rằng tôi sẽ phải chiến đấu chống những trở lực ghê gớm để làm tròn phận sự của tôi.
Trách nhiệm đầu tiên của tôi là đặt Đại Học Vạn Hạnh vào trong vị thế đúng đắn của nó, xây dựng một nền móng vững chắc cho sự phát triển mai sau, và quy tụ những giáo sư và chuyên viên quản trị có khả năng, tư cách để hoàn thành sứ mạng giáo dục đã được giao phó. Phải thành thực mà nói rằng lề lối suy tưởng, truyền thống và tập tục đã khiến nhiều người không thấu hiểu vai trò đích thực của một Đại Học. Thực hết sức vất vả khổ cực cho tôi khi phải thuyết phục cho người ta hiểu rằng Viện Đại học không phải là một cơ sở truyền bá tôn giáo, không phải là bất động sản riêng tư của Viện Trưởng, không phải là cơ cấu phục vụ quyền lợi cho cá nhân hay một tập đoàn. Tôi đã làm nhiều người sững sốt khi nói với họ rằng Đại Học Vạn Hạnh là một cơ sở giáo dục chứ không phải là một trung tâm truyền giáo cho Đại thừa hay Tiểu thừa. Tôi đã làm phật lòng một số người khác và có lẽ đã biến một vài người thành thù nghịch khi tôi từ chối không chịu cho vay tiền của Viện Đại Học Vạn Hạnh, không ban phát đặc ân hay tưởng thưởng bằng cấp cho những người không xứng đáng. Nhu cầu xây dựng sự thanh liêm trí thức cho Viện Đại Học không phải luôn luôn được mọi người thông cảm.
Một công việc không kém phần quan trọng đối với Viện Trưởng là tránh những hành vi chính trị cá nhân, và gia nhập vào một đoàn thể chính trị, cũng như đặt chính trị ra ngoài ngưỡng cửa Đại Học. Thực tế đã chứng minh đó không phải là một việc dễ dàng. Nước Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1967 đã là diễn trường của nhiều xáo trộn và chính biến mà một đôi khi Phật giáo cũng bị liên hệ. Một Đại Học với sứ mệnh đào tạo những lãnh tụ tương lai cho tổ quốc không thể là vật hy sinh cho chính trị đương thời và không thể trở thành một dụng cụ trong tay những chính khách. Giáo sư và sinh viên được tự do tham gia chính trị nếu họ muốn, nhưng họ phải tham gia với tư cách cá nhân. Họ không được phép sử dụng Đại Học như một phương tiện để theo đuổi những mục đích chính trị.
May mắn cho tôi từ năm 1964 tới nay tôi đã lèo lái Đại Học Vạn Hạnh tránh được mọi cơn giông tố chính trị. Tôi đã hạn chế nghiêm ngặt phạm vi hoạt động của tôi và của Viện Đại học vào trong lãnh vực giáo dục mà thôi. Dần dần, những người khác cũng ý thức rõ ràng và tán thán quan điểm và thái độ chính xác và đứng đắn của tôi. Rõ ràng vấn đề làm cho quần chúng hiểu được tầm quan trọng của nền độc lập và tự trị Đại Học là một vấn đề vô cùng khó khăn.
Xây dựng một Viện Đại Học giữa một trận chiến tàn khốc và trường kỳ, tự nó, đã là một thử thách ghê gớm. Một giáo sư Tây phương có lần đã hỏi tôi tại sao chúng tôi bắt đầu xây dựng một Viện Đại Học trong khi đất nước đang có chiến tranh. Tôi đã trả lời rằng chính vì chiến tranh mà Viện Đại Học mới được xây dựng. Chiến tranh là tàn phá và Viện Đại Học là kiến thiết. Chiến tranh có nghĩa là giết chóc và gieo rắc căm thù, Viện Đại Học có nghĩa là kính trọng sự sống và ban phát từ bi. Chiến tranh hạ thấp nhân phẩm, Viện Đại Học nâng cao tính cách thiêng liêng của mạng sống con người. Hơn nữa, một Đại Học chính là nơi đào tạo những lãnh tụ mà quốc gia sẽ cần tới mai sau.
Những sinh viên ngày nay, những kẻ thừa kế một trận chiến tranh và tàn phá triền miên, dễ có khuynh hướng bi quan và hành động vô kỷ luật. Sứ mệnh của Viện Đại Học Vạn Hạnh là tiêm nhiễm cho sinh viên ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ. Chúng tôi đã gặt hái được một vài thành quả. Thực là một kinh nghiệm vô cùng khích lệ, phấn khởi khi xây dựng một Viện Đại Học chầm chậm từ hai bàn tay không và nhìn thấy Viện bắt đầu tràn ngập những sinh viên có can đảm, dám hy vọng và xây dựng tương lai, trong khi chung quanh họ, chém giết và tàn phá tiếp tục không ngừng.
Nhưng một Đại Học không được giới hạn bởi không gian và thời gian, và Viện Đại Học Vạn Hạnh không đặt mình ra ngoài thông lệ đó. Chúng tôi đang hết sức cố gắng để nâng Viện Đại Học Vạn Hạnh lên ngang hàng với truyền thống Đại Học cổ truyền và quốc tế mà bất cứ một học viện cao đẳng nào cũng phải kính trọng.
Tinh thần Đại Học không thể là tôn giáo hay chính trị. Nó phải là khát vọng không hạn chế của một tập thể sinh động, họp thành bởi những cá nhân sáng tạo. Những cá nhân này tham dự vào những hoạt động trí thức của đoàn thể mà vẫn giữ được cá tính sáng tạo của mình. Cá tính sáng tạo trở thành và chính là hiện thể của chân lý, tự do và nhân tính. Đó chính là lý do khiến tinh thần Đại Học không được tách rời khỏi chân lý, tự do và nhân tính. Do đó, một Đại Học phải vượt lên trên mọi chướng ngại của không gian và thời gian, mọi khác biệt của tôn giáo, chủng tộc và lãnh thổ. Viện Đại Học Vạn Hạnh dầu bé nhỏ, sơ khai, vẫn hy vọng hợp tác với những Đại Học Phật giáo khác, với những Viện Đại Học ở Đông Nam Á Châu, và với những Viện Đại Học trên toàn thế giới. Viện sẽ không bao giờ đi ngược lại với sứ mệnh mà Viện đặt ra cho mình, là xây dựng hòa bình giữa quốc gia, hòa đồng giữa các dân tộc, và nhân phẩm cho nhân loại.
Đại Học Vạn Hạnh tuy mới năm tuổi, nhưng đã ghi được một vài tiến bộ đáng kể. Từ năm 1964 đến năm 1966, Viện Đại Học Vạn Hạnh không có trường sở riêng và phải dùng trụ sở của hai chùa Pháp Hội và Xá Lợi.
Ngày nay Viện đã hoàn thành được trường sở chính. Những nhà phụ có thể sắp được xây cất thêm; và một giảng đường sắp thành hình. Phân khoa văn học, Phân khoa Khoa học Xã Hội và một trung tâm Ngôn ngữ đã được thêm vào Phân Khoa Phật học chính. Tổng số sinh viên ghi danh của Viện bây giờ đã trên 2.000 người. Phân khoa Phật học dạy cả hai hệ thống Đại Thừa và Tiểu Thừa, và nghiên cứu tìm một tổng hợp giữa hai hệ thống trên. Tỷ giáo học đặc biệt được lưu tâm, so sánh với thuyết hiện sinh, khoa học, những tôn giáo khác, chủ nghĩa Cộng Sản v.v… nếu điều kiện cho phép.
Phân khoa Văn học cố gắng phát huy cho sinh viên rõ vẻ đẹp của nền văn hóa dân tộc, nhịp cầu nối kết mọi người dân Việt. Phân khoa cũng dạy cả văn hóa những nước khác với ý hướng tạo cho sinh viên một nền giáo dục phổ quát và giúp đỡ họ làm giàu nền văn hóa dân tộc. Phân khoa khoa học Xã hội chia thành khoa học chính trị, kinh tế, xã hội, thương mại, và nhân chủng học. Mục đích của Phân khoa là làm cho sinh viên Việt Nam hiểu cơ cấu xã hội để họ có thể cải thiện và cũng cố xã hội mai sau. Một số những cải tổ giáo dục đã được trù liệu cho phân khoa này, gồm có sự áp dụng phương pháp hội thảo, nhấn mạnh đến mối liên hệ mật thiết giữa giáo sư và sinh viên.
Mặc dù hãy còn nhỏ bé, Đại Học Vạn Hạnh cố gắng bao gồm tất cả những phạm vi hoạt động của một trường Đại Học kiểu mẫu. Thư viện Đại Học chiếm gần trọn lầu 3 và 4 của tòa nhà. Đó là một trong số những thư viện lớn và tối tân nhất ở Việt Nam . Tầng dưới của thư viện gồm có phòng đọc sách, phòng đọc báo, phòng tham khảo, và phòng nghiên cứu dành riêng cho học giả. Kệ sách và nơi làm việc của nhân viên thư viện ở tầng trên. Thư viện có 250 chổ ngồi cho sinh viên và 24 phòng nghiên cứu cho học giả.
Phòng tham khảo rất hãnh diện có nhiều bộ sách Bách khoa và Tự Điển của nhiều ngôn ngữ, gồm cả Sanskrit, Pali, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Trung Hoa v.v… Tất cả Tam Tạng Kinh điển quan trọng của Phật giáo đều có ở đây: Sanskrit, Pali, Trung Hoa, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan (thư viện mới thỉnh thêm bộ Tam Tạng Đại Hàn). Sách phân loại theo hai phân bộ. Phân bộ Phật Học và Phân Bộ Thế Học. Toàn bộ sách của Thư Viện bây giờ có khoảng trên 20.000 cuốn. Dụng cụ trang bị Thư viện và sách phần lớn do cơ quan văn hóa Á châu cung cấp. Cơ quan này giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển một thư viện tối tân cho Viện Đại Học.
Một câu lạc bộ nhỏ được mở cạnh Thư viện, nơi các giáo sư và sinh viên có thể giải khát và dùng vài món ăn chay nhẹ. Ấn quán Vạn Hạnh nằm dọc theo tòa nhà chính. Nhà in này ấn loát tất cả những ấn phẩm của Đại Học, và phát hành hàng tháng một tờ tin tức bằng Việt ngữ và Anh ngữ, tập san Tư Tưởng và một số sách Tu Thư cần thiết.
Trên chóp đỉnh của tòa nhà là Thiền Viện gồm có một vườn thiền, tạo một bầu không khí thỏa mái thanh tịnh giữa thành phố náo nhiệt ồn ào. Thiền viện là một nơi để huấn luyện tâm thức và phát triển trí tuệ. Thiền Viện này tượng trưng cho sự cố gắng của chúng tôi áp dụng một phương pháp tu tập thiền định hoàn toàn tôn giáo của đạo Phật vào trong việc huấn luyện tâm thức và trí tuệ cho cả giáo sư lẫn sinh viên.
Năm năm trôi qua với một vài thành quả đáng kể, nhưng còn nhiều tiến triển khác cần phải viên thành. Chúng tôi tin tưởng ở giá trị thiêng liêng của giáo dục, chúng tôi tin cậy ở tinh thần và lòng phục vụ của giáo sư và thanh niên; chúng tôi trông đợi ở thiện tâm và lòng thông cảm của thân hữu và đồng nghiệp, ở trong và ngoài nước. Con đường đi trong quá khứ đã nhiều gian truân, vất vả. Con đường khởi từ hiện tại cũng không mong đợi bằng phẳng hơn. Nhưng người ta đã nói rằng ở đâu có đời sống, ở đấy có hy vọng. Riêng chúng tôi, chúng tôi biết rằng ở đâu có giáo dục, ở đấy có hy vọng cho tuổi trẻ chúng tôi, cho xứ sở chúng tôi và cho tương lai của chúng tôi.
Hình ảnh thêm về THÍCH MINH CHÂU (1918–2012): VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH, MỘT TRUNG TÂM GIÁO DỤC Ở SÀI GÒN