Việc thi cử chọn nhân tài phò vua giúp nước ở nước ta bắt đầu từ thời nhà Lý gọi là thi Minh kinh bác học và Nho học tam trường. Khoa thi Nho học tam trường đầu tiên được tổ chức vào tháng 2 năm Ất Mão (1075) đời vua Lý Nhân Tông, Lê Văn Thịnh đậu thủ khoa. Sang triều Trần, các khoa thi không còn gọi như triều Lý mà gọi là Thái học sinh và phân định thứ hạng những người thi đỗ theo ba bậc là đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp. Mãi đến khoa thi năm Đinh Mùi (1247) đời vua Trần Thái Tông mới đặt định chế Tam khôi gồm ba danh hiệu Trạng nguyên, Bãng nhãn và Thám hoa cho ba người đỗ đầu, số còn lại gọi là Thái học sinh. Khoa thi năm đó Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng La Ma đỗ Thám hoa, 48 người đỗ Thái học sinh, như vậy Nguyễn Hiền là vị Trạng nguyên đầu tiên của nước ta. Tuy nhiên, nếu tính từ khoa thi năm 1075, nói cho công bằng thì Lê Văn Thịnh mới là Trạng nguyên đầu tiên chứ không phải Nguyễn Hiền. Sang thời nhà Nguyễn không lấy danh hiệu Trạng nguyên mà chỉ lấy Đình nguyên (bảng nhãn trở xuống) cho nên Trịnh Tuệ (Huệ) đỗ đầu khoa thi năm Bính Thìn (1736) đời vua Lê Ý Tông là vị Trạng nguyên cuối cùng của nước ta.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì từ khoa thi đầu tiên năm 1075 thời Lý đến khoa thi năm 1736 thời Hậu Lê, nước ta có 55 vị Trạng nguyên, trong đó có 4 vị là “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Đây là danh hiệu cao quí do người đời vinh danh các vị sau khi các vị được các vua nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh sắc phong Trạng nguyên. Đó là các vị Mạc Đĩnh Chi triều Trần, Nguyễn Trực, Nguyễn Nghiêu Tư và Nguyễn Đăng Đạo triều Hậu Lê. Trong bốn vị ấy chỉ có Mạc Đĩnh Chi nổi trội hơn hết, được ghi chép trong các bộ sử lớn như “Đại Việt sử ký toàn thư” (ĐVSKTT) của Ngô Sĩ Liên, “Đại Việt sử ký tiền biên” của Ngô Thì Sĩ và “Khâm đinh Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Nguyễn Trực (1417-1474) đỗ Trạng nguyên năm 1442 đời vua Lê Thái Tông, khi đi sứ sang nhà Minh, nhân có mở khoa thi Đình, ông bèn dự thi và đỗ Trạng nguyên. Tuy nhiên, theo “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quí Đôn thì đó là chuyện truyền miệng trong dân gian. Còn Nguyễn Nghiêu Tư còn gọi là Trạng Lợn (?) đỗ Trạng nguyên năm 1448 đời vua Lê Nhân Tông và Nguyễn Đăng Đạo còn gọi là Trạng Bịu (1650-1718) đỗ Trạng nguyên năm 1683 đời vua Lê Hy Tông, không thấy sử sách nào ghi lại mà chỉ có vài bài viết lẻ tẻ trên mạng nhưng không có nguồn dẫn đáng tin cậy.
Mạc Đĩnh Chi (1280-1346) người Lan Khê, huyện Chí Linh (Hải Dương), cháu nhiều đời Hàn lâm học sĩ Mạc Hiển Tích, đỗ đầu khoa thi năm Bính Dần (1086) đời vua Lý Nhân Tông. Đĩnh Chi dáng người thấp bé, xấu xí nhưng thông minh đĩnh ngộ, học rộng tài cao, bác cổ thông kim, đỗ Trạng nguyên năm 24 tuổi trong khoa thi năm Giáp Thìn (1304) đời vua Trần Anh Tông. Thấy tướng tá, mặt mũi của ông không đẹp, vua Anh Tông không muốn phong chức tước cho, ông bèn làm bài phú “Ngọc tĩnh liên” (hoa sen giếng ngọc) dâng lên vua để bày tỏ lòng mình. Vua xem xong khen ông hết mực và phong ông chức Thái học sinh hỏa dũng thủ sung làm Nội thư gia. Đến đời vua Hiến Tông ông được phong làm Nhập nội hành khiển hữu ty lang trung, sau thăng lên tả ty lang trung. Ông là một vị quan trung thực, liêm khiết chỉ hưởng bổng lộc triều đình nên cuộc sống khá thanh bạch. Một hôm, vua sai người ban đêm lén đến bỏ trước cửa nhà ông 10 quan tiền để thử lòng ông, sáng ra ông đem việc ấy tâu vua, vua nói :”Nếu không có ai đến nhận thì khanh cứ lấy mà dùng”ông mới dám lấy.
Năm Mậu Thân (1308) Đĩnh Chi được triều đình cử đi sứ sang nhà Nguyên (Trung Hoa), trong chuyến đi nầy, tài văn học và sự thông minh nhanh trí của ông đã được thi thố tuyệt vời từ Ải Nam Quan đến tận triều đình nhà Nguyên khiến cho vua tôi họ vô cùng thán phục. Các bộ sử lớn đã chép lại như sau (trích Đại Việt Sử Ký toàn thư):
“Vua (Trần Anh Tông) sai Mạc Đĩnh Chi sang nhà Nguyên. Đĩnh Chi dáng người thấp bé, người Nguyên khinh bỉ, Tể tướng nhà Nguyên mời ông vào trong phủ cùng ngồi. Trong phủ tướng có treo bức trướng mỏng thêu con chim sẻ vàng đậu trên cành trúc(y như thật). Đĩnh Chi đến xem, người Nguyên đều cười cho là hủ lậu, Đĩnh Chi liền kéo hình chim sẻ xé đi, mọi người lấy làm lạ hỏi duyên cớ tại sao? Ông trả lời:”Tôi chỉ nghe người xưa vẽ chim sẻ đậu cành mai, chưa từng thấy ai vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Trúc tượng trưng cho bậc quân tử, chim sẻ tượng trưng cho bọn tiểu nhân. Nay tể tướng lấy cảnh ấy mà thêu vào trướng là đem tiểu nhân đặt lên trên quân tử, sợ rằng đạo của bọn tiểu nhân lớn lên, đạo của người quân tử tiêu đi, cho nên tôi vì thánh triều mà bỏ đi”. Mọi người đều phục Đĩnh Chi nhanh trí” (hết trích).
Khi vào chầu vua Nguyên Vũ Tông cùng với sứ thần Triều Tiên, lúc đó có người dâng lên vua cây quạt, vua bèn truyền Đĩnh Chi và sứ thần Triều Tiên làm bài minh. Sứ thần Triều Tiên nhanh tay viết bốn câu :”Uẩn long trùng trùng. Y Doãn Chu Công. Đông hàn thê thê. Bá Di Thúc Tề (Khí nóng hừng hực, dùng như Y Doãn, Chu Công. Đông lạnh căm căm bỏ rơi như Bá Di, Thúc Tề). Đĩnh Chi liếc thấy bèn cầm bút viết thành bài minh :”Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho. Bắc phong kỳ thê, vũ tuyết tài đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngã phu. Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù” (Khi chảy vàng tan đá, trời đất nóng như lò, người trong lúc đó được trọng như Y Doãn Chu Công, những bậc đại nho. Gió bấc lạnh lùng, mưa tuyết đầy đường, người trong lúc đó như Bá Di Thúc Tề là người chết đói. Ôi! Dùng thì làm, bỏ thì nghỉ, chỉ ta và người được như vậy)(hết trích).
Cái thông minh nhanh trí của ông ở chỗ phỏng theo câu chữ của sứ thần Triều Tiên rồi dẫn thêm ba câu trong sách truyện làm câu kết nên bài minh của ông có ý sắc hơn, văn hay hơn của sứ thần Triều Tiên, được vua Vũ Tông hết lời ngợi khen và sắc phong ông danh hiệu “Lưỡng quốc trạng nguyên” do chính tay vua viết (https://vi.wikipedia.org.wiki/Mac_Dinh_Chi nguỗn dẫn vietnamgiapha.com). Còn vài giai thoại khác nói về văn tài và sự thông minh mẫn tiệp của ông được lưu truyền rộng rãi trong dân gian càng làm cho tiếng tăm của ông và danh hiệu cao quí đó sống mãi với thời gian.
Ngoài 4 vị “Lưỡng quốc trạng nguyên” trên, trong sách “Việt Nam khai quốc chí truyện” (VNKQCT - tên khác là “Nam triều công nghiệp diễn chí”)* của Nguyễn Khoa Chiêm còn có thêm người thứ năm là Phùng Khắc Khoan. Ông người làng Bùng, xã Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Tây) sinh năm 1528, mất năm 1613, là danh sĩ xuất sắc thời Lê trung hưng, có văn tài uyên bác, tinh thông dịch số, có công lớn trong nội trị, ngoại giao, văn học và phát triển kinh tế nông nghiệp, được nhân dân yêu mến gọi là Trạng Bùng (dù ông không đỗ Trạng nguyên), suy tôn là tổ sư nghề dệt the, trồng ngô và mè. Là học trò Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng ông không theo nhà Mạc như thầy mà khuôn phò nhà Lê suốt bốn đời vua Trung Tông, Anh Tông, Thế Tông và Kính Tông, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, từ Ký lục ngự dinh đến Thượng thư bộ Hộ tước Mai quận công.
Theo sách đã dẫn (từ trang 66 đến trang 70) vào tháng 6 năm 1595 đời vua Lê Thế Tông, triều đình sai thượng thư Phùng Khắc Khoan lĩnh lễ vật sang triều cống vua Minh (Thần Tông). Nguyễn Khoa Chiêm tả chân dung Khắc Khoan như sau ”Phùng Khắc Khoan tướng mạo xấu xí, hình dáng thấp bé, tóc rối râu phơ, nhưng bẩm tính thông minh sáng trí, hiểu biết hơn người, có tài năng của Gia Cát (Lượng), Lưu Cơ (Bá Ôn), có sức học của Nhan (Uyên) Tăng (Sâm) Tử (Tư) Mạnh (Tử). Văn chương nhất đời, mưu lược hơn người, đáng là bậc trạng nguyên một thời” (hết trích). Khi yết kiến vua Minh, vua hỏi Khắc Khoan làm chức gì, ông tự nhận là đỗ Trạng nguyên, giữ chức Thượng thư bộ Hộ, vua hỏi ông nhiều câu hóc búa để thử tài, ông đều trả lời suôn sẻ, mạch lạc, thấu tình đạt lý được vua hết lời khen ngợi, ban yến tiệc thết đãi.
Mấy ngày sau, “Vua Minh sai thợ giỏi làm giả một con chim sẻ biết chạy, nhảy, mổ, bay, đặt đậu trên bụi trúc trước điện, cho bay nhảy hệt như chim thật, người lạ nhìn vào không ai phân biệt được. Rồi đó vua Minh cho vời Phùng Khắc Khoan vào chầu, mời lên điện rồi hỏi rằng “Sứ nước Nam có biết con chim sẻ nầy trẫm nuôi đã bao nhiêu năm mà dạn người như thế?”. Phùng Khắc Khoan ngắm nhìn thấy nó biết bay biết nhảy như thường, một lúc sau bèn bước xuống thềm đi đến bụi trúc giơ tay chộp bắt ném xuống giữa sân. Con chim sẻ vỡ thành bốn mảnh gỗ, Khắc Khoan bèn đến trước điện thản nhiên tâu rằng “Trúc là hạng quân tử ví như mình rồng của thiên tử. Sẻ là hạng tiểu nhân ví như kẻ phàm phu tục tử, lẽ đâu lại để cho tiểu nhân đứng trên quân tử? Thế là các quan của thượng quốc khinh mạn thiên tử vậy. Nước thần tuy nhỏ nhưng còn biết phân biệt lẽ vua tôi, đạo cha con, nghĩa anh em, rạch ròi kẻ trên người dưới chứ không ô tạp lộn ngược dưới trên. Lẽ như thế chứ đâu phải thần không biết nó là con chim giả”…Vua Minh nghe tâu xong hơi có ý xấu hổ, làm thinh không nói gì. Từ Tể tướng đến các quan trong triều đều lo sợ, ai nấy đều không ngớt lời khen ngợi Khắc Khoan. Vua Minh bèn ban thưởng cho Khắc Khoan, cho lui về nhà công quán nghỉ ngơi” (hết trích).
Lần khác, vua Minh sai người dẫn hai con ngựa cái giống hệt nhau nhờ Khắc Khoan phân biệt con nào mẹ, con nào con. Ông bèn giơ nắm cỏ trước đầu hai con ngựa, một con nhanh nhẩu bước tới ngoạm lấy nắm cỏ, ông bảo con đó là ngựa con, con kia là ngựa mẹ vì ngựa con láu táu háu ăn nên tranh ăn trước mẹ nó. Vua tôi Minh Thần Tông đều kính phục và khen Khắc Khoan sáng trí, tài giỏi. Tháng mười một “Khắc Khoan dâng biểu xin được trở về nước. Vua Minh có ý muốn giữ lại nhưng sợ mang tiếng thất tín, bèn ban sắc phong cho Phùng Khắc Khoan là “lưỡng quốc trạng nguyên”, ban thưởng vàng bạc vóc lụa, chuẩn cho được trở về nước Nam” (hết trích).
Còn theo ĐVSKTT thì Phùng Khắc Khoan đỗ khoa thi Hương năm Đinh Tỵ (1557) đời vua Lê Anh Tông và đỗ khoa thi Hội năm Canh Thìn (1580) đời vua Lê Thế Tông chứ không đỗ Trạng nguyên (thi Đình). Ông đi sứ sang nhà Minh năm Đinh Dậu (1597) đời vua Lê Thế Tông với chức Tả thị lang bộ Công chứ không phải vào năm 1595 với chức Thượng thư bộ Hộ như sách VNKQCTviết. Vì mãi đến năm 1599 và 1602 ông mới được vua Lê Kính Tông phong chức Thượng thư bộ Công và Thượng thư bộ Hộ. “Đại Việt sử ký toàn thư”cũng không có chép việc Phùng Khắc Khoan được vua Minh sắc phong “lưỡng quốc trạng nguyên” mà chỉ viết “Khắc Khoan đến Yên Kinh vừa gặp tiết Vạn thọ của vua Minh, dâng 30 bài thơ lạy mừng…Vua Minh cầm bút phê rằng “Người hiền tài ở đâu mà không có, trẫm xem thơ thấy hết lòng trung thành của Phùng Khắc Khoan rất đáng khen ngợi”. Liền sai đưa xuống khắc in để ban hành trong nước. Khi ấy sứ thần Triều Tiên là Hình tào tham phán Lý Toái Quang viết tựa cho tập thơ” (hết trích)
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú viết “…Ông lại cùng làm thơ với sứ thần Triều Tiên là Lý Toái Quang, ông cầm bút viết xong ngay khiến Toái Quang rất phục tài. Trở về nước chúa Trịnh Tùng rất kính trọng, gọi ông là “Phùng tiên sinh” mà không gọi tên và người trong nước đều gọi ông là Trạng nguyên vì kính mến tài năng của ông…Ông là người cương quyết, sáng suốt, có tài, cái gì cũng biết được chỗ cốt yếu. Văn chương ông thanh nhã, dồi dào, có các tập truyền ở đời” (hết trích).
So sánh các sử liệu đã dẫn trên thì rõ ràng VNKQCT đã sao chép của ĐVSKTT vì hai nhân vật, hai sự kiện cách nhau gần ba thế kỷ (289 năm) làm gì giống nhau y chang như vậy. Nguyễn Khoa Chiêm đã lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” rồi “thêm mắm dặm muối” vài chi tiết mới cho câu chuyện khác đi đôi chút và ly kỳ, sinh động, hấp dẫn hơn chuyện cũ. Điều đó là khẳng định, vì Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736) làm quan hai đời chúa Nguyễn Phúc Chu và Nguyễn Phúc Trú ở Đàng Trong và viết VNKQCT vào năm 1719 đời chúa Minh Vương. Các sử quan triều Lê trung hưng và Phan Huy Chú cũng sao chép việc sứ thần Triều Tiên làm thơ với Phùng Khắc Khoan từ chuyện Mạc Đĩnh Chi cùng ông ấy làm hai bài “Phiến minh” dâng lên vua Nguyên Vũ Tông trong ĐVSKTT.
Nói như vậy là vì việc viết sử ngày xưa, các sử gia thường dựa vào những bộ chính sử cũ trong nước cùng những bộ ngoại sử, dã sử, giai thoại, gia phả tộc ho…để hoàn thành bộ sử mới. Như sử thần Ngô Sĩ Liên dựa vào hai bộ “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu và “Đại Việt sử ký tục biên” của Phan Phu Tiên để viết bộ ĐVSKTT và hoàn thành năm Hồng Đức thứ 10 (1479) đời vua Lê Thánh Tông, ghi chép từ họ Hồng Bàng năm Nhâm Tuất 2897 TCN đến hết thời kỳ nội thuộc nhà Minh năm 1427 nhưng chưa được khắc in phổ biến. Nó lại được các sử quan triều Lê trung hưng hai lần hiệu đính, sửa đổi, bổ sung và phát triển thêm nhiều sử liệu mới, lần thứ nhứt từ năm 1428 đến năm 1662 đời vua Lê Thần Tông, lần thứ hai từ năm 1663 đến 1675 đời vua Lê Hy Tông và cho khắc in phổ biến vào năm 1697 vẫn với tên ĐVSKTT của Ngô Sĩ Liên. Do đó, việc sao chép và thêm bớt trong khi viết sử là chuyện đương nhiên không thể tránh khỏi đối với các sử gia.
Thiển nghĩ, việc các vị vua Trung Hoa phong danh hiệu “lưỡng quốc trạng nguyên” cho các trang nguyên của Đại Việt ngày xưa cũng giống như ngày nay một trí thức, một giáo sư của nước ta được các trường Đại học của các quốc gia khác tặng bằng “Tiến sĩ danh dự” vậy. Mặc dù danh hiệu “lưỡng quốc trạng nguyên” không được ghi chép trong các bộ chính sử mà chỉ được biết đến qua ngoại sử, dã sử, giai thoại, gia phả tộc họ, nhưng, “không có lửa làm sao có khói” cho nên cứ xem đó là sự thật, là niềm tự hào của đất nước của dân tộc./
Hình ảnh thêm về Tản Mạn Về 'Lưỡng Quốc Trạng Nguyên'