Tiếng Việt, theo sự vận động của đời sống, không đứng yên, thấy rõ nhất ở ngôn ngữ sinh hoạt bởi sự phát triển ngữ nghĩa trong sử dụng, từ “bao” là một ví dụ.
“Bao” thường được dung như một thành tố trong các tổ hợp từ ghép: bao la, bao biện, bao hàm.. “Bao” cùng thành tố đi cùng chỉ mức độ, độ lớn của sự vậy hiện tượng đề cập đến: đồng ruộng bao la, ý tứ phát biểu bao hàm…
“Bao” khi dùng như một từ đơn không kèm yếu tố đi cùng, trong ngôn ngữ sinh hoạt, chỉ sự rộng rãi, hành vi chi tiêu: bao ăn. Có thể ví dụ: chầu này tôi bao (trả tiền). Ngữ nghĩa này, khi ghép, có thể đề cập từ “bao cấp” từng đình đám ở xứ mình một thời: bao cấp học phí, sinh hoạt, tức người học không phải chi trả khi đào tạo.
Gần đây, trong ngôn ngữ sinh hoạt, từ “bao” phát triển ngữ nghĩa trong thực tế sử dụng, trong môi trường thương mại- cụ thể ở thị trường buôn bán nhỏ lẻ, hàng rong, kinh doanh cây trái hoa màu hay dịch vụ ăn uống… Khi sử dụng như một chiêu maketting thu hút khách hàng, tiêu thụ nhiều hàng hóa- dịch vụ, bên cạnh các chiêu thức quảng cáo phóng đại tạo hiệu ứng hấp dẫn, có khai thác từ “bao” thoát khỏi phạm vi ngữ nghĩa từng có- truyền thống, dùng để tạo ra hiệu ứng ngữ nghĩa mới: bao ngon, bao tươi, bao rẻ, bao …. Giá trị hàng hóa được đẩy lên, tạo sự hấp dẫn hàm ý: nếu không tươi không ngon có thể trả lại, như một hợp đồng miệng, tuy thực tế hoàn toàn không được như vậy và không dễ đổi trả.
Hiện tượng này cho thấy xu hướng phát triển ngữ nghĩa tiếng Việt trong ngôn ngữ đời sống hiện nay khá phong phú, “bao” chỉ và chỉ là một ví dụ mà thôi.
Khi sử dụng ngữ nghĩa mới của từ “bao” như đã viết, được chấp nhận trong phạm vi ngôn ngữ sinh hoạt- như cách phân loại hiện tại trong giáo khoa giáo trình, nếu bạn dùng từ “bao” như thế ngoài ngôn ngữ đời sống không được chấp nhận, thiếu chuẩn mực, không đạt hiệu quả diễn đạt, lại thiếu thẩm mỹ.
“Xoài bao ngon, mít bao ngọt, cải bao tươi…” vang trên sông trên phố, nghe vẫn là lạ, nhưng..hay.
Tiếng Việt mình đấy thôi.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về SỰ PHÁT TRIỂN NGỮ NGHĨA TỪ “BAO” TRONG NGÔN NGỮ SINH HOẠT.