Vào Nam gia đình Trang ở vùng Chí Hòa sống quần tụ trong niềm hòa thuận và trong nguồn tin chánh pháp. Riêng về Trang được mọi người nhận xét là đứa con hiếu thuận, trên kính dưới nhường. Gia cảnh khó khăn nhưng nhờ bà Hà Thị Vân giỏi gian buôn bán nên anh chị em Trang đều tiếp tục việc học. Trang học đệ nhị ở trường trung học tư thục Trường Sơn cũng như sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Minh Tâm cho đến “ngày định mệnh”. Trang biết thổi sáo và là cây văn nghệ tích cực của Minh Tâm. Năm 1960 Trang tham gia các phong trào đấu tranh chống đàn áp Phật giáo do Tổng thống Ngô Đình Diệm khởi xướng.
Căm phẫn trước cái chết của 8 Oanh Vũ tại đài phát thanh Huế cũng như việc đánh phá chùa Xá Lợi bắt bớ quý Tăng Ni (20/08/1963) nên khi nhận tin có biểu tình lớn ở công trường Diên Hồng Trang rất háo hức. Sáng 25 tháng 08 năm 1963 Trang cùng chị là Nhung và một người bạn tên Yến hòa vào dòng người và đi đầu trong đám biểu tình. Theo dự kiến đây là cuộc tổng biểu tình của SVHS và Phật tử; hẹn nhau tại công trường Diên Hồng (chợ Bến Thành – Sài Gòn) rồi diễu hành qua Quốc hội (nhà hát Lớn nay là nhà hát Thành Phố). Cuộc biểu tình này do Ủy ban chỉ đạo học sinh liên trường tổ chức nhằm chống lại việc bắt bớ Tăng Ni Phật tử và quy định “thiết quân luật” của chính quyền bấy giờ.
Cảnh sát dã chiến được điều tới, dàn quân và dùng loa yêu cầu đoàn biểu tình giải tán. Bất lực trước khi thế hơn năm nghìn sinh viên học sinh biểu tình cảnh sát đã nổ súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình làm nhiều người chết và bị thương. Quách Thị Trang – một thiếu nữ GĐPT VN 15 tuổi đã nằm xuống mãi mãi. Nhưng cũng từ giây phút đó một đóa sen vừa nở và vì sao đã bừng sáng mãi mãi.
“Trang hỡi Trang, em là vì sao sáng
Giữa khung trời mây mây trắng với trăng thanh
Rồi một sớm có bao nhiêu đầu xanh
Siết tay nhau, giục giã em lên đường”
Nguyễn Hiền
Đau đớn và cảm phục, thương tiếc và ngưỡng mộ nhà thơ Tâm Hải đã viết những dòng thơ:
“.. Tôi viết tên Trang cả triệu lần
Bao niềm thương tiếc lẫn phân vân
Hy sinh tranh đấu chống cường bạo
Muôn triệu con tim thoát ngục trần
Phật giáo sáng ngời trang sử mới
Non sông tưởng nhớ nữ anh hùng
Ngàn thu trân trọng người Trinh nữ
Ðốt nén hương thơm khấn nguyện cầu…”
Đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết bài hát ca ngợi Trang đã một thời được hát vang trong SVHS và Phật tử:
… “Tôi với em không hề quen biết
Xót xa nhiều khi viết đến tên em
Vì đại nghĩa, máu em đã hoà thêm.
Thắm tô lên trên tà áo trinh nguyên
Nhưng hôm nay tưng bừng, non sông đang vui mừng
Đâu bóng hình em giữa trời quê hương
Những mái tóc chấm vai, sân trường tìm đâu thấy
Em thơ đùa trong ánh nắng ban mai
Tôi khóc em trong chiều nay mây tím
Nén hương lòng tôi thắp nhớ tên em
Hình hài mất, nét tinh anh còn đây
Giữa muôn tim, em còn mãi không phai…”
Tại thời điểm đau thương lộn xộn đó đó rất ít người biết đến cái chết của Trang. Ngay cả gia đình Trang cũng chỉ biết tin vài ngày sau đó. Chính quyền Sài Gòn bấy giờ đã cướp xác Trang và an táng ở nghĩa trang Tổng tham mưu (sau này mới biết). Tuy nhiên khi có tin giới HSSV bấy giờ cũng tổ chức một lễ tang lớn và trang trọng.
Năm 1963, sau khi cuộc đảo chánh nổ ra, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát, Chính phủ Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam đã vinh danh Quách Thị Trang bằng cách lấy tên chị đặt cho công viên Diên Hồng.
Năm 1964, để tưởng nhớ Trang, một số sinh viên quyết đinh dựng tượng đài Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành, nơi Trang ngã xuống gần bên tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn. Ban kiến tạo xây dựng gồm: Trưởng ban: Vũ Quang Hùng, SV Khoa học (nay công tác Báo Pháp Luật). Phó ban: Nguyễn Thanh Hùng, SV Đại học Bách khoa và Đào Đức Long, SV Thanh Sinh Công, ở 9/1 và 9/2 Đại học xá Minh Mạng. Nguyễn Thanh Hùng được phân công đi thăm viếng gia đình Trang và gặp hoạ sĩ Mai Lân đặt khắc tượng Trang.
Năm 1965, TT. Thích Mãn Chác đến gắn một bảng đồng nhỏ phía dưới tượng, đề tên:“Liệt nữ Quách Thị Trang” và từ đó Công trường Quách Thị Trang càng được mọi người biết đến.
Năm 1966 gia đình đã cải táng, đưa Trang về chùa Phổ Quang cho đến hôm nay.
Sau 1975, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận Quách Thị Trang là liệt sỹ và nơi Trang đã hy sinh cũng được chính thức mang tên Quảng trường Quách Thị Trang.
Tượng đài Trang ở Quảng trường Quách Thị Trang trước cổng chợ Bến Thành
Ba mươi lăm năm trôi qua nhưng tượng đài Trang vẫn đứng đó khiêm tốn giữa lòng thành phố, dung dị giữa chốn phồn hoa đô hội bậc nhất cả nước. Tượng đài mộc mạc ấy là hình ảnh sống động minh chứng cho cho sự trầm hùng mạnh mẽ của GĐPT VN nói riêng và Phật giáo nói chung.
Minh Triết (tổng hợp)
Hình ảnh thêm về Quách Thị Trang vì sao sáng giữa đời