PHẨM THẬP BẤT THIỆN SỐ 48 (Kinh số 3)
Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật an trú tại vườn Trưởng giả Cấp Cô Độc, rừng cây Thái tử Kỳ Đà, nước Xá Vệ, cùng với 500 vị Tỳ kheo hiện diện.
Bấy giờ Tôn giả A Nan bạch Phật: Trong tương lai, thời gian bao lâu, Đức Di Lặc Như Lai chí chơn đẳng chánh giác mới xuất hiện ở thế gian. Cảnh giới, đệ tử, giáo pháp của Ngài tồn tại như thế nào?
Đức Thế Tôn đáp: Này A Nan hãy lắng nghe, Ta sẽ trình bày. Trong tương lai, cõi Diêm Phù Đề này, có một thành quách tên là Kê Đầu, đất đai phì nhiêu, nhân dân đông đúc, an cư lạc nghiệp, thanh bình thịnh trị.
Quốc độ ấy được cai trị bở nhà vua tên Nhương Khư, dùng chánh pháp trị dân, đầy đủ bảy báu. Khi con người tuổi thọ đúng 84 ngàn tuổi, thì bồ tát Di Lặc, từ cung trời Đâu Suất giáng sinh vào gia đình một vị đại thần của nhà vua. Thân phụ Ngài tên Tu Phạm Ma, thân mẫu tên là Phạm Ma Việt.
Đến khi tuổi thọ loài người giảm xuống còn 80 ngàn tuổi, thì Di Lặc Bồ tát xuất gia, đến dưới cội cây Long Hoa tu hành trong ngày đêm thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ đề.
Sau khi thành đạo, Ngài bắt đầu thuyết pháp, nói về công đức bố thí, trì giới, sinh thiên và tham dục là bất tịnh. Sau cùng nói pháp Tứ đế khổ tập diệt đạo. Trong chúng hội có một Trưởng giả tên là Thiện Tài tâm thanh tịnh, phat tâm xuất gia tu hành chứng quả A la Hán.
Cuối cùng vua Nhương Khư, cha là Tu Phạm Ma, mẹ là Phạm Ma Việt, phát tâm xuất gia tu hành. Nhà vua chứng quả A La Hán, thân phụ và mẫu hậu chứng sơ quả Tu đà hoàn.
Đức Phật Di Lặc cũng dùng pháp tam thừa giáo hóa chúng sanh như Ta ngày nay.
Khi ấy, Đức Phật bảo Ngài Ca Diếp, trong đệ tử của Ta có bốn vị đại Thanh văn. Đó là Ca Diếp, Quân Bồ tát, Tân Đầu Lô, La Vân không nên nhập Niết bàn sớm, hãy đợi đến khi giáo pháp Ta hoại diệt sẽ nhập Niết bàn.
Còn Ca Diếp phải đợi đến khi Đức Di Lặc ra đời mới nhập Niết bàn. Tại sao? Vì Di Lặc Bồ tát là đệ tử do Ta giáo hóa tu hành thành Phật.
Trong tương lai ông nhập Diệt tận định trong một hang núi tại thôn Tỳ Đề nước Ma Kiệt Đà. Khi ấy, Đức Phật Di Lặc đến nhận y Tăng Già Lê do ông trao lại, và sau đó ông mới nhập Niết bàn.
Đức Phật Di Lặc nói pháp chia làm ba hội. Hội thứ nhất có 96 ức người chứng quả A La Hán. Hội thứ hai có 94 ức. Hội thứ ba có 92 ức người chứng quả A La Hán đều là đệ tử của Ta giáo hóa hiện nay.
Khi ấy các Tỳ kheo, đệ tử Phật Di Lặc đều có tên là Tù Tử, cũng như đệ tử Ta ngày nay đều có tên là Thích Tử.
Này A Nan, trong thời gian 1.000 năm sau khi thành đạo, đại chúng đều thanh tịnh, Đức Phật Di Lặc chỉ dùng một bài kệ làm cấm giới:
Miệng, ý không hành ác,
Thân cũng không tạo ác,
Nên trừ ba ác hạnh,
Mau thoát dòng sanh tử.
Nhưng thời gian sau ngàn năm, đại chúng bắt đầu phạm giới, và Đức Phật mới bắt đầu chế giới.
Đức Phật Di Lặc thọ 84 ngàn tuổi, sau khi nhập diệt, giáo pháp tồn tại 84 ngàn năm. Tại sao? Vì chúng sanh thời ấy đều là hạng lợi căn.
Khi A Nan và đại hội nghe Phật nói pháp xong, hoan hỷ phụng hành.
Hình ảnh thêm về PHẨM THẬP BẤT THIỆN SỐ 48 (Kinh số 3)