Thời Nho Giáo, nét chữ quan trọng lắm, người ta coi chữ viết đoán nết người, luận vận mệnh, và cho tận ngày nay, Thư pháp – nghệ thuật viết chữ Hán, ở rộng cả cho chữ Quốc ngữ- vẫn có chỗ đứng trong văn hóa hiển bày mỗi khi tết đến, xuân về hay các sự kiện lễ lạc long trọng. Bây giờ, những nơi còn lưu giữ lối viết dùng cọ, bút lông chấm trên mực đã mài, nắn nót từng nét nhỏ, ẩn hiện bay bổng tường như hội họa, mới thấm thía thế nào là chữ viết với cổ nhân qua những gì còn lại.
Trong một lịch sử gần với nền giáo dục nước nhà, bậc tiểu học, cho đến tận những năm 1980, phân môn tập viết vẫn quan trọng bên cạnh toán, chính tả, làm văn… Học trò vẫn còn dung bút ngòi lá tre bằng sắt, chấm mực trong lọ, hay sang hơn, bút máy bơm mực, để viết trên các dòng kẻ công phu phân đoạn từng nhịp điệu con chữ theo cỡ lớn nhỏ, trò nhỏ mắt tròn mắt dẹt sau những màn tập dượt trên bảng con với phấn, chú tâm đến cao độ trên trang vở, bé mơ được con điểm bảy điểm tám tập viết đặng về khoe bố mẹ ông bà, lòe bè bạn nhưng đâu có dễ, thường thường mỗi lần chấm chỉ có một hay hai điểm tám tập viết mà thôi. Hình ảnh học trò tiểu học gò mình tập viết vào những năm tháng ấy là tiếng lại của thời quá khứ xa xôi.
Sau đấy, từng bước một, chữ viết nhìn đại thể ít được coi trọng hơn, khi bài vở quá nhiều, lối viết tháo, “tốc ký” thích nghi hơn, rồi làn song công nghệ thông tin, con computer xuất hiện nhiều từng ngày, ở phòng game online các bé gõ trên phím máy tính sành sõi tương tác với các trò chơi ảo và tra cứu. Không dừng lại, từng đời điện thoại di động dung phím thay viết cho các tin nhắn… Chữ viết bị cạnh tranh chưa từng.
Nét chữ học trò cẩu thả dần, cũng nhìn đại thể, xấu đi theo năm tháng. Bây giờ, tìm một trang viết tay chân phương, đẹp như ngày cũ quá khó, mà viết coi được được cũng hiếm, học sinh- sinh viên chuộng viết nhanh, viết tắt đánh đố người đọc. Ngay cả hàng trí thức có học hàm học vị hẳn hoi, viết tay cũng không đẹp, và ít viết, ở công sở hay ở nhà, bàn phím gánh hết chuyện viết lách.
Tác giả bài viết này có chữ xấu tệ, ở trường bị thầy cô giáo chê rầy hoài về nét chữ gà bươi, một phàn do chứng cận thị sớm, phần khác có lẽ do không chịu khó ở môn tập viết. Chữ quá xấu, thấm thía mặc cảm mỗi khi cần viết tay vì rõ rằng sẽ đày đọ người đọc, lắm khi người ta không đọc. Chữ xấu, bạn mất tự tin không ít hơn chuyện trang phục, hay lỗi trong phát âm ngôn ngữ… Lớn rồi, chuyện khắc phục chữ viết quá khó, cho nên phím máy tính thành cứu cánh, dù không đẹp, bay bướm, song gõ trên phím các con chữ tiêu chuẩn tiện lợi, hòan thành văn bản dễ đọc, ai cũng ..như ai. Máy tính đã cứu những trường hợp như vậy.
Khi nói về xu hướng xuống của nét chữ viết tay, không hề muốn nói rằng không còn chữ đẹp. Từng nhận được cánh thư viết tay trên giấy kê toa thuốc không kẻ dòng của một vị bác sĩ trưởng khoa gửi qua bưu điện, sững sờ đọc đi đọc lại những con chữ Việt ngay ngắn, đẹp mắt, lời văn mạch lạc hanh thong của một trí thức. Các trang viết tay ấy là hàng hiếm trong thời buổi này, của một trí thức cũ, định hình chữ viết từ thời tú tài thời trước. Cánh thư được nâng niu vì nội dung, song cũng có phần của nét chữ đẹp, đọc tự nhiên nảy sinh lòng trân trọng.
Như một đáp ứng chỗ thiếu, phong trào luyện chữ viết khá rộng khắp, có hẳn các “lò” luyện rao mời ầm ào trên mạng, và bút phục vụ tập viết xuất hiện ở các chỗ bán văn phòng phẩm, các em nhỏ đã thích nâng niu con chữ thay vì “tốc ký” cho ra “chữ bác sĩ” hàng loạt, tín hiệu này đáng mừng.
Khi có một nét chữ xấu, cho dù không đến nỗi ám ảnh “nét chữ nết người” có tính dị đoan, nhưng gây nhiều bất tiện, mất một phần tự tin. Ngay từ bậc học tiên khời tiểu học, chuyện xây nền căn bản cho chữ viết cá nhân thực quan trọng hầu mãi sau này vẫn đường hoàng khi càn viết tay cho bè bạn, từ chỗ bay bướm viết vở tập đọc, đến ghi lại các bài giảng trên giảng đường một cách tự tin, hãnh diện, được người đọc nâng niu trân trọng như vị bác sĩ già đã viết, trong cánh thư phương xa.
Chữ xấu mang đến một nỗi muộn phiền, chữ đẹp mang đến niềm vui…
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về NỖI BUỒN CHỮ XẤU