NHẬN THỨC PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY
Thượng toạ Thích Thiện Hạnh
Phó Viện Trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội
Nhận thức Phật giáo trong thời đại ngày nay không phải là sự ngẫu nhiên, mà xuất phát từ những nhu cầu thực tế của con người. Khoa học hiện đại xác nhận nhiều tư tưởng của Phật giáo, trong khi xã hội lại đặt ra những thách thức về đạo đức, sức khỏe tinh thần và ý nghĩa cuộc sống. Do đó, nhiều người tìm đến giáo lý nhà Phật, như một phương pháp giúp họ đạt được sự bình an, trí tuệ và đạo đức.
Phật giáo không chỉ là một tôn giáo, mà còn là một kho tàng triết lý sâu sắc, mở rộng cho tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo hay địa vị xã hội. Nếu biết ứng dụng đúng đắn, Phật pháp sẽ là một nguồn trí tuệ giúp cá nhân và xã hội phát triển bền vững.
Trong thời đại ngày nay, xã hội phát triển nhanh chóng, với nhiều biến động về kinh tế, chính trị và đạo đức, ngày càng có nhiều người tìm đến Phật pháp để nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng vào cuộc sống. Nhưng tại sao họ lại quan tâm đến Phật giáo? Việc nghiên cứu giáo lý Phật Đà có mang lại lợi ích gì cho cá nhân và xã hội? Bài viết này sẽ làm rõ nhận thức Phật giáo trong thời đại ngày nay, đồng thời phân tích lý do tại sao nhiều người nghiên cứu Phật pháp cùng với những ứng dụng thực tiễn của giáo lý nhà Phật.
Ngày nay, phong trào nghiên cứu Phật học không còn bị thu hẹp trong giới Phật giáo, mà đã phổ biến vào mọi tầng lớp của xã hội, không phần biệt Tôn giáo. Thậm chí có những tôn giáo khác cố vận dụng giáo lý của Đức Phật, bằng một số hình thức nào đó, phổ biến cho tín đồ của họ. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, kho tàng giáo lý của Đức Phật rất sống động, với thời đại và cũng rất gần gũi với đời thường.
Khoa học hiện đại ngày càng khám phá ra nhiều nguyên lý tương đồng với giáo lý Phật giáo, Như nhà vật lý Albert Einstein từng nhận xét:“Nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng được những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo”.[1] Như vậy, khoa học chính là cầu nối giúp con người ngày nay đến gần hơn với Phật pháp.
Đặc biệt là trong các lĩnh vực vật lý, tâm lý học và thần kinh học. Điều này khiến nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu Phật pháp không chỉ như một tôn giáo, mà còn như một hệ thống triết lý và khoa học tâm thức, để tìm đến sự bình an, trí tuệ và hướng đi đúng đắn trong cuộc sống.
1.1. Trí tuệ và sự giác ngộ
Vì giáo lý của Đức Phật, là một chân lý về nhân bản, cho nên nó bất hủ với thời gian, thích nghi với không gian và hài hòa với cuộc sống nhân loại. Bất luận là kinh điển Đại thừa hay Tiểu thừa, sâu hay cạn, mỗi câu mỗi chữ đều có quan hệ mật thiết với sinh hoạt thường ngày của chúng ta, thế nên, “Phật pháp là điều mà người thời nay nhất định phải cần đến”. Cho nên, mỗi câu mỗi chữ trong kinh điển, cùng song hành với đời sống của chúng ta có quan hệ mật thiết.
Từ đây, để nghiên cứu Phật pháp hiệu quả, cần có phương pháp tiếp cận đúng đắn, tránh rơi vào mê tín hay hiểu sai giáo lý. Phật giáo không chỉ dành cho người xuất gia, mà còn là con đường thực hành dành cho tất cả mọi người. Nếu mỗi người đều ứng dụng giáo lý vào đời sống, xã hội sẽ trở nên hài hòa, an lạc hơn.
Trong thời đại công nghiệp hóa, con người đối mặt với căng thẳng, lo âu, trầm cảm và áp lực từ công việc, gia đình. Phật giáo mang đến phương pháp thực hành giúp con người giảm thiểu khổ đau qua thiền định, chính niệm và từ bi. Nhờ nghiên cứu Phật pháp, con người có thể hiểu được nguyên lý Duyên khởi, Tứ diệu đế và Bát chính đạo, từ đó tìm ra con đường giải thoát khỏi phiền não.
Trong Kinh Bốn niệm xứ, Đức Phật dạy về bốn nền tảng chính niệm giúp con người tỉnh thức và an trú trong hiện tại:“Này các Tỳ-kheo, đây là con đường độc nhất để thanh tịnh hóa chúng sinh, vượt qua sầu bi, đoạn tận khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đạt Niết-bàn: đó là bốn niệm xứ”.[2] Ngày nay, nhiều nghiên cứu khoa học cũng chứng minh, thiền Phật giáo giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm căng thẳng và tăng cường sự tập trung. Do đó, nhiều người tìm đến Phật giáo không chỉ để học hỏi về triết lý mà còn để rèn luyện đạo đức, giúp bản thân trở nên thanh tịnh và góp phần xây dựng xã hội an lạc.
Phật giáo nhấn mạnh đến “tuệ giác” như một công cụ giúp con người nhận ra bản chất thật của cuộc sống, thoát khỏi vô minh và khổ đau. Một trong những lý do quan trọng, khiến nhiều người nghiên cứu Phật pháp là để tìm kiếm trí tuệ và sự giác ngộ. Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy:“Này các Tỳ-kheo, tuệ trí là ánh sáng, là con mắt, là cao thượng nhất trong các pháp. Không có tuệ trí, người ta không thể nhận thức được chính pháp”.[3] Như vậy, Phật pháp không chỉ dành riêng cho Phật tử hay những người xuất gia, mà là một kho tàng trí tuệ cho tất cả nhân loại. Điều quan trọng là mỗi người tiếp cận Phật giáo theo cách phù hợp với chính mình, không bị ràng buộc bởi hình thức mà tập trung vào giá trị thực tiễn của giáo lý.
1.2 Hướng đến đời sống đạo đức
Xã hội hiện đại, với nhiều biến động đã đặt ra, những vấn đề đạo đức nghiêm trọng như tham nhũng, bạo lực, lối sống hưởng thụ vật chất, mà thiếu đi tinh thần từ bi. Phật giáo hướng con người đến đời sống đạo đức, thông qua những nguyên tắc thực hành cụ thể như Ngũ giới, Bát chính đạo, Lục hoà và Tứ nhiếp pháp. Những giáo lý này không chỉ giúp mỗi cá nhân sống thiện lành mà còn tạo dựng một xã hội hòa bình, nhân ái và tiến bộ. Nếu mỗi người đều thực hành đạo đức theo lời Phật dạy, thế giới sẽ trở nên hòa hợp và an lạc hơn.
Phật giáo với nguyên tắc đạo đức dựa trên Tam quy (Quy y Phật, Pháp, Tăng) và Ngũ giới là nền tảng đạo đức căn bản của con người (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng chất gây nghiện) giúp con người xây dựng đời sống thiện lành. Cho nên, trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:“Không làm các điều ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời chư Phật dạy”.[4] Những nguyên tắc này không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi tôn giáo mà còn là nền tảng đạo đức phổ quát cho mọi người trong xã hội, để xây dựng đạo đức cá nhân và cộng đồng. Và Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, người giữ giới thì đời sống được an ổn, không sợ hãi, không hối hận, và sẽ đạt được hạnh phúc ngay trong hiện tại và tương lai”.[5] Như vậy, Ngũ giới không chỉ là nền tảng đạo đức trong Phật giáo, mà còn là nguyên tắc phổ quát giúp con người sống thiện lành, tạo dựng xã hội hòa bình và an lạc, đưa đến con đường đạo đức toàn diện. Đó là Bát chính đạo (Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, và chính định). Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật dạy:“Này các Tỳ-kheo, Bát chánh đạo chính là con đường giúp chúng sinh đoạn tận khổ đau, đạt đến an vui và giác ngộ”.[6] Bát chính đạo không chỉ giúp con người sống đạo đức mà còn là con đường dẫn đến giác ngộ và giải thoát.
Phật giáo không chỉ hướng dẫn cá nhân sống đạo đức, mà còn dạy cách ứng xử tốt đẹp trong xã hội, thông qua Tứ nhiếp pháp, bao gồm: (Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) đây là nguyên tắc giúp xây dựng xã hội nhân ái, giảm bớt xung đột và tạo nên sự gắn kết giữa con người với nhau. Cho nên, trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy:“Này các Tỳ-kheo, người nào thực hành Tứ nhiếp pháp, người ấy sẽ thu phục được lòng người và làm lợi ích cho chúng sinh”.[7] Đây là kim chỉ nam cho đời sống hàng ngày của mọi người.
Đức Phật dạy rằng mọi khổ đau đều có nguyên nhân và có thể chấm dứt thông qua con đường thực hành đạo đức, thiền định và trí tuệ. Trong xã hội hiện đại, ứng dụng giáo lý nhà Phật, giúp con người sống an lạc, hạnh phúc và biết cách đối diện với những thử thách trong cuộc sống.
Sứ mạng của Đức Phật, đến với nhân loại bằng tinh thần khoan dung, kêu gọi mọi người có tấm lòng yêu thương, nhường cơm xẻ áo, nhìn nhau bằng ánh mắt từ hòa, góp phần hình thành nên nền đạo đức xã hội, để hòa điệu với cái “ta rộng lớn” của toàn thể vũ trụ vô biên, Đức Phật đã từng dạy: Một hạnh phúc vĩnh cửu chỉ sống mạnh trong một tâm hồn giải thoát và tâm hồn giải thoát chỉ có thể thực hiện một khi cá nhân chịu nhường bước. Một bản ngã đứng tách riêng ra ngoài, là không thể tồn tại khỏe mạnh được.
Đó là mục đích giáo dục con người hoàn thiện cả về tài lẫn đức trong một xã hội văn minh. Đây là giá trị nhân đạo nhất và khác với mọi tôn giáo khác, trong suốt lịch sử tồn tại và phát triển Phật giáo luôn xuất hiện và thâm nhập vào các dân tộc như sứ giả của hòa bình và an lạc.
Đạo Phật đã dạy một đời sống tốt đẹp không chỉ tạo bằng thức ăn ngon, áo mặc đẹp, mái nhà xinh xắn, mà còn được sinh động bởi ý định trong sạch, một lòng từ bi không giáo điều cũng không triết lí bác học. Mà đó là lòng kính trọng phẩm giá quyền lợi của mọi người. Để hết chiến tranh, xây dựng xã hội văn minh, con người phải hết tham lam, thù hận cố chấp.
Muốn sống hòa bình an lạc, con người phải có tình thương và hiểu biết. Hòa bình không thể có được chỉ bằng cầu nguyện, ký tên, hay hội thảo kêu gọi suông mà phải làm sao cho mọi người tỉnh thức và chuyển hóa. Những lời kêu gọi đó hết sức có giá trị và nhắc nhở cảnh tỉnh nhân loại, hãy đoàn kết góp phần tích cực vào công xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Tư tưởng Phật giáo đang góp phần cùng pháp luật chống lại những biểu hiện tiêu cực, phi nhân tính trong sản xuất, kinh doanh, phai nhạt bản sắc dân tộc trong đời sống xã hội, góp phần phát huy những nét đẹp trong quan hệ giữa con người với con người; xây dựng và điều chỉnh nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới vừa hiện đại vừa giàu bản sắc dân tộc.
Đạo Phật được biểu lộ không những ở giáo lý, mà còn ở thái độ sống của con người. Đạo Phật như là ngọn hải đăng hướng dẫn con người nhận thức rằng, sự phát triển về đạo đức theo lời Phật dạy sẽ là điều kiện cần thiết để đem lại an lạc và hạnh phúc cho con người, và cứu độ cho con người. Con đường của Ngài thật bao dung rộng rãi, hợp lý, có thể hiểu được và hướng đến giác ngộ. Lời dạy của Ngài soi sáng con đường, nhờ đó con người có thể vượt thoát khỏi sự khổ đau để đi đến một cuộc sống tràn đầy ánh sáng, thương yêu yên bình và hạnh phúc.
Vì vậy, mục đích của sự thực hành đạo Phật, là để đạt tới nhận thức sáng tỏ về thực tại (Trí), tình thương rộng lớn với mọi người và mọi loài (Bi) và ý chí bền vững để thành tựu đại nguyện giúp đời (Dũng). Đây là chìa khoá đối với một thế giới yên bình và hạnh phúc, và cũng là sự lớn mạnh của lòng từ bi.
Con người ngày nay, hơn bao giờ hết đang cần đến lòng từ bi. Chỉ có từ bi mới là chiếc xe chở con người tới bờ giải thoát. Từ bi là động lực làm cho tâm rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, là cái gì thoa dịu lòng đau khổ của người. Con người muốn thoát khỏi sự đau khổ và sợ hãi thì hãy luyện tập trí tuệ và từ bi. Đạo Phật coi trí tuệ như một thanh gươm mới chặt được kẻ thù – đó là Vô minh. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là hình ảnh của tuệ giác đại trí và biện tài vô ngại. Như vậy, chỉ có trí tuệ con người mới diệt được khổ, đem vui cho mọi loài, đưa đến an lạc và hạnh phúc.
Trong cuộc sống, con người luôn tìm kiếm sự bình an và hạnh phúc, nhưng không ít người lại trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, dựa dẫm vào người khác hoặc tin vào những thế lực siêu nhiên. Ngài đã nhấn mạnh rằng, con đường giác ngộ và giải thoát phải do chính mỗi cá nhân tự bước đi. Đức Phật đã minh thị:“Các ngươi hãy tự nỗ lực để tiến đến giải thoát giác ngộ. Đức Như Lai chỉ là người dẫn đường”[8]. Đây là một chân lý quan trọng trong giáo lý nhà Phật, thể hiện tinh thần tự giác, tự lực và tự tu tập, giúp con người vượt qua vô minh và khổ đau để đạt đến hạnh phúc chân thật.
Lời dạy này nhấn mạnh rằng con người không thể trông chờ vào sự cứu rỗi từ người khác, kể cả Đức Phật. Ngài chỉ là bậc Đạo Sư dẫn đường, còn việc tu tập và đạt đến giác ngộ là trách nhiệm của mỗi cá nhân.
3.1. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về nghiệp của mình
Tất cả hành động, suy nghĩ và lời nói của người, đều tạo ra nghiệp báo, và chính họ phải chịu trách nhiệm về những gì mình gây ra. Người đời rất ít ai biết được chân tướng sự thật của cuộc sống, không ai là không chấp trước, cho chiếc thân này là của ta (chấp ngã). Cho nên, ai cũng tham sống sợ chết, ai cũng muốn tự tư tự lợi cho riêng bản thân mình, vì vậy mà tạo ra không biết bao nhiêu điều tội lỗi, đến nỗi không thể tự cứu lấy mình. Kết quả là đọa lạc.
Trong Kinh Pháp Cú, câu 165, Đức Phật cũng nhấn mạnh: “Chính ta làm điều ác, chính ta ô nhiễm. Chính ta không làm ác, chính ta thanh tịnh. Thanh tịnh hay ô nhiễm là tự nơi ta, Không ai có thể làm thanh tịnh cho ai”.[9] Lời dạy này khẳng định rằng con người không thể đổ lỗi hay phó mặc số phận của mình cho bất kỳ ai.
Thực tế, trong cuộc sống mỗi người chính là tấm gương phản chiếu của mình, thông qua người khác, thứ mà chúng ta nhìn thấy là cái tôi chân thực của mình. Sở dĩ chúng ta nhìn thấy mặt không tốt của đối phương, là bởi vì chúng ta đã phóng chiếu nội tại ẩn giấu của bản thân mình lên người khác. Đáng tiếc là trong cuộc sống, mọi người chưa ý thức được điều này, vì vậy chỉ biết đau khổ mò mẫm trong bóng tối và cảm thấy bất lực.
Đạo Phật là nơi xây đắp nền móng nhân bản, và tiến xa hơn con người phải thực hành tiến trình Giới-Định-Tuệ cho khế hợp với thân, khẩu, ý, tô bồi un đúc hạt giống an vui giải thoát. Khi con người thực hành được như vậy, con người sống có an vui, sống không còn hận thù ganh ghét, đố kị, chém giết lẫn nhau, sống biết thương yêu nhau thì lúc ấy xã hội sẽ thanh bình, chúng sanh sẽ an lạc.
Vì khi tất cả biết tôn trọng mạng sống của nhau, biết tôn trọng danh dự và nhân cách của nhau, là nền tảng cho mọi tiến trình hướng đến giác ngộ và giải thoát, là cơ sở giúp mọi người đoạn trừ lậu hoặc, chấm dứt cội gốc của sinh tử luân hồi. Đây là một điểm son độc đáo của đạo Phật, là một nét tuyệt mỹ trong giáo lý Phật-đà, kêu gọi sự tự do, tự lực, tự tri của mỗi người,
Đức Phật là một vị thầy lỗi lạc, Ngài là “Con người đã thức tỉnh”, đã trực nhận chân lý về nhân sinh. Ngài kêu gọi mọi người hãy thấy rõ chân lý mà Ngài chỉ là người đầu tiên tìm thấy. Tuy nhiên, Phật giáo không chỉ nhấn mạnh sự tự lực, mà còn hướng đến sự giải thoát thông qua Giới – Định – Tuệ, giúp con người đạt đến sự an lạc và giải thoát hoàn toàn. Trong Kinh Tương Ưng Bộ, Đức Phật nhắc nhở: “Này các Tỳ-kheo, hãy lấy Chánh pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa vào ai khác”.[10] Điều này có nghĩa là mỗi người phải tự nỗ lực học hỏi và thực hành giáo pháp, không nên tin tưởng mù quáng vào giáo điều hay truyền thống mà không có sự quán chiếu bằng trí tuệ.
Cho nên ở thế kỷ chúng ta không thể không thâm nhập kinh tạng, thâm nhập hành trì để thể hiện tu chứng và nắm lấy những nguyên lý căn bản của nền triết học Phật giáo; để xây dựng những hình thức sinh hoạt mới, đem Phật giáo trở về phục vụ sự sống.
3.2. Nhận rõ chân tướng của sinh mạng
Chúng ta đừng chấp trước vào những cảm giác không thật của bản thân hay trong cuộc sống. Tất cả vạn hữu ở thế gian này đều không thật, mà luôn luôn biến đổi, bởi vì thế gian là biến hoại vô thường, không tồn tại mãi mãi. Đó là một định luật chi phối tất cả vạn vật, chi phối đời sống con người.
Trong văn học phương Tây cũng như phương Đông, có nhiều người đã nhắc đến sự thay đổi của vạn vật, như triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus từng nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, nhằm ám chỉ sự vận động không ngừng của vạn vật trong vũ trụ. Hoặc Khổng Tử nói rằng: “Thệ giả như tư phù, bất xả chú dạ” tức là thời gian như sông chảy, dù về đêm vẫn không ngừng. Hay Vạn Hạnh Thiền Sư có nói: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô. Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô. Nhậm vận thịnh suy vô bố úy. Thịnh suy như lộ thảo đầu thô”[11] Bài kệ này thể hiện tư tưởng về sự vô thường của cuộc đời và vạn vật, khuyến khích con người sống an nhiên trước những biến đổi thăng trầm của thế gian. Mỗi phút giây còn tồn tại trên đời, chúng ta cống hiến hết mình, đóng góp xây dựng xã hội ngày càng phát triển, không để những ngày tháng trôi qua vô nghĩa. Đây là một lẽ sống nhân văn cao đẹp nếu ai biết thực hành quán chiếu mạng người vô thường.
Vì vậy, Đức Phật nhấn mạnh đến sự vô thường, mong manh của kiếp người không phải để khiến ta chán nản thân này, mà chỉ giúp ta hiểu thấu mỗi phút giây trong thân đều có sự sinh và diệt, hãy siêng năng tu tập để đoạn trừ tham ái, chấp thủ, không bám víu vào bất cứ thứ gì trên đời, tùy duyên đến đi tự tại, để khi đối mặt với sự biến đổi, ta cũng không chán nản.
Thông đạt điều ấy sẽ giúp mình trân quý những giây phút hiện tại. Ta biết sử dụng châu thân này, tạo các nghiệp thiện lành bằng những việc làm có ý nghĩa, lợi mình, lợi người, nhằm đưa đến sự an lạc cho chính bản thân và kiến tạo cõi Tịnh độ nhân gian. Đây cũng chính là ý nghĩa mà Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ thường nhắc nhở: “Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo”. Cho nên, khi còn khỏe mạnh, chính lối sống bằng sự quán chiếu mạng người trong hơi thở sẽ giúp ta luôn có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ với gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Bởi ta tồn tại bao lâu trên cõi đời này không quan trọng, mà quan trọng là đem lại giá trị gì cho đời.
Đó là bài học vô cùng giá trị từ việc quán chiếu vô thường hay quán chiếu sinh mạng trong từng hơi thở mà Đức Phật muốn truyền tải.
Nhận thức Phật giáo trong thời đại ngày nay không chỉ là một nhu cầu cá nhân mà còn là xu hướng của xã hội hiện đại. Việc nghiên cứu Phật pháp không còn giới hạn trong phạm vi của người xuất gia hay những người theo tôn giáo này, mà đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu rộng rãi, thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội. Không phân biệt tôn giáo, quốc gia, độ tuổi hay nghề nghiệp, ai cũng có thể tiếp cận và tìm hiểu giáo lý nhà Phật.
Vì Phật giáo không chỉ dừng lại ở niềm tin tôn giáo, mà còn chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc, có giá trị ứng dụng trong đời sống hằng ngày.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Duy Hinh, Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.1999.
[1] Einstein, The Human Side, Princeton University Press, 1979, tr. 72
[2] Trung Bộ Kinh, số 10, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2015, tr. 124
[3] Tăng Chi Bộ Kinh, chương IV, phẩm Hương, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr. 214
[4] Kinh Pháp Cú, câu 183, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2010, tr. 97
[5] Tăng Chi Bộ Kinh, chương V, phẩm Giới, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr. 215
[6] Trường Bộ Kinh, kinh 16, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2015, tr. 452
[7] Tăng Chi Bộ Kinh, chương IV, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr. 319
[8] Đại cương Kinh Trường A Hàm, dịch giả Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Nxb 1993, tr.94
[9] Kinh Pháp Cú, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2003, tr 139
[10] Kinh Tương Ưng Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2004, tr 467
[11] “Thiền Uyển Tập Anh”. bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga, Nxb Khoa Học Xã Hội, 1990, tr 69. Ngoài ra, bài kệ cũng xuất hiện trong tác phẩm “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam” của Hòa thượng Thích Mật Thể, Nxb Tôn Giáo, 2004, tr 203.