Toàn bộ các dãy nhà trong chùa quay hướng nam như các chùa trên đất Việt, bởi theo Phật giáo, đó là hướng của trí tuệ, của sự bát nhã. Cách bố trí độc đáo, hài hòa giữa các chất liệu đá, gỗ trong toàn hệ thống chùa, sự kết hợp khéo kéo giữa các dãy nhà, vườn cây, hồ sen trong khuôn viên chùa, khiến cho bước chân hành hương nhẹ bẫng.
Nét trầm mặc (Ảnh: Đỗ Thảo)
Chùa được xây vào thế kỉ XVII, theo kiểu truyền thống của các chùa cổ, nhưng có những sáng tạo trong kết hợp với kiến trúc Trung Hoa. Nét kiến trúc theo kiểu “trăm gian”, với 8 đơn nguyên: Tiền đường, Thượng điện, cầu đá, tòa Thích Thiện Am, Trung Đường, Phủ thờ, tòa Hậu đường, hàng tháp đá. Sự kết hợp với kiến trúc Trung Hoa thể hiển ở cây cầu đá, tháp liên hoa trong tòa Thích Thiện Am và trong một số cách bố trí phù điêu trong chùa.
Những cánh cổng cổ và trầm mặc (Ảnh: Đỗ Thảo)
Khuôn viên chùa bề thế với những tác phẩm chạm khắc tinh xảo. Các tác phẩm điêu khắc đá và gỗ được chế tác tỉ mỉ, công phu, với nhiều chủ đề như hoa lá, muôn thú, mây trời...gây ấn tượng mạnh trên các hương án, các tấm gỗ trên xà nhà, các bức phù điêu, hoành phi, câu đối,...Đặc biệt là các pho tượng La Hán, tượng Phật, tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay cũng là những báu vật của Phật giáo Việt Nam.
Cây cầu đá giữa khu chùa ( Ảnh: Đỗ Thảo)
Tượng hộ pháp trong chùa ( Ảnh: Đỗ Thảo)
Tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay được coi là một kiệt tác về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng. Tượng được làm từ thời nhà Lý thế kỉ XVII, tạc tượng Phật bà ngồi trên tòa sen hồng qua bệ tượng hình vuông được trang trí bằng những nét chạm khắc cổ với dáng thư thái, đôi mắt quảng đại như bao quát cả đất trời. Các pho tượng cổ trong chùa đã phủ dấu ấn thời gian, đã có những vết xước, vết trơ sơn nhưng giữ được hồn của tượng Phật và những ý nghĩa hàm súc mà bàn tay những nghệ nhân thời Lý gửi gắm vào.
Tượng phật bà nghìn mắt nghìn tay ( Ảnh: Đỗ Thảo)
Gây ấn tượng mạnh với chúng tôi là tháp liên hoa trong tòa Thích Thiện Am được tạc bằng gỗ, với 9 tầng, 8 mặt, 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành của Phật giáo. Tháp liên hoa nổi bật bởi những hình điêu khắc trên mặt tháp, thể hiện sự tài hoa của bàn tay nghệ nhân. Chiếc cầu đá cong bắc ngang hồ sen, mặt lát đá xanh, 2 bên là những bức phù điêu đá chạm hình chim thú, hoa lá công phu ở giữa khu chùa, tạo nên nét riêng của chùa, sự kết hợp độc đáo với kiến trúc Trung Hoa.
Toàn Tích Thiện Am cổ kính ( Ảnh: Đỗ Thảo)
Tượng Phật cổ trong Thích Thiện Am, gần tòa Cửu phẩm liên hoa ( Ảnh: Đỗ Thảo)
Điểm đặc biệt nhất của chùa Bút Tháp là ngọn bảo tháp bằng đá uy nghiêm. Tháp có tên Bảo Nghiêm, như một cây bút bằng đá khổng lồ vươn cao giữa nền trời xanh. Xung quang tháp được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Bảo tháp là đỉnh cao của nghệ thuật ghép đá và điêu khắc của nghệ nhân Việt Nam. Tháp Bảo Nghiêm là nét độc đáo hiếm có trong hệ thống chùa tại Bắc Bộ.
Chạm khắc trên mặt tháp Bảo Nghiêm (Ảnh: Đỗ Thảo)
Bảo tháp Bảo Nghiêm, nét độc đáo hiếm có của chùa (Ảnh: Đỗ Thảo)
Chùa Bút Tháp uy nghiêm, cổ kính, mang trong lòng biết bao giá trị lịch sử cho dù bụi thời gian đã phủ đầy trên những bậc đá và hành lang.