Vùng Nam Bộ vốn ít bão, khác miền Trung và Bắc, trận bão lụt năm Giáp Thìn cách đây 120 năm kinh hoàng đến nỗi đọng lại trong ca dao, và đến ngày nay vẫn tồn tại trong một thành ngữ phổ biến ở Miền Nam. Các tư liệu cho biết năm Giáp Thìn 1904 cơn bão bất ngờ ập xuống Nam kỳ, quét vùng duyên hải, tàn phá nặng khu vực Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay), Sài Gòn bị tàn phá. Ước có 5000 người chết ở Gò Công, Mỹ Tho, và 3000 người ở Sài Gòn. Thiệt hại về tài sản rất lớn. Cơn bão còn quét sang Cambodia trước khi tan. Đấy là trận bão lịch sử gieo ký ức kinh hoàng qua nhiều thế hệ. ca dao từ thời đó đến giờ hãy còn ghi:
“Rương xe, thùng bộng, mái lơn
Thuyền chài, cối giã, chạy bôn trên đồng
Xác người, xác thú chập chồng
Sóng dồi rều dập, vun giồng lấp khe”
Hay:
“Gặp đây mới biết em còn
Hồi năm bão lụt anh khóc mòn con ngươi”
Hoặc:
“Rủ nhau dập xác cho liền
Gặp đâu chôn đó, chớ hề ai khiêng
Thân chết chôn rồi đã yên
Còn người sống sót gạo tiền đâu ăn?”
Và đây là bài hát ru:
“Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Một trận Đông phong xiêu vợ lạc chồng
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi”
…………………………
Riêng với câu thành ngữ “năm Thìn bão lụt” hòa quyện trong ngôn ngữ đời sống vùng bao đời để nhắc nhớ sự kiện kinh hoàng 1904, và trọng tâm nội dung ở ngày nay khi dung để chỉ chuyện xưa cũ, đã lâu: “chuyện hồi năm Thìn bão lụt”, “xưa lắm rồi, hồi năm Thìn bão lụt”.. “năm Thìn bão lụt” để chỉ cái lâu, xưa cũ cho dù diễn ra hồi đầu thế kỷ XX: “nhắc cho chuyện năm Thìn bão lụt”, “bỏ qua đi, chuyện năm Thìn bão lụt nói làm gì”…
Gàn đây, đồng bằng sông Cửu Long dính cơn bão số 5, bây giờ nhắc lại cũng có câu “hồi bão số 5” nhưng không thể so với thành ngữ “năm Thìn bão lụt”.
Hiện thực đời sống dệt nên ngôn ngữ dân gian, như vậy.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về NĂM GIÁP THÌN 1904 CÒN TRONG THÀNH NGỮ ĐẾN HÔM NAY