Bạn mến ,
Tôi nghĩ cái cuống rún là nguyên nhân chánh tạo ra sự xúc động của chúng ta khi « tiếp thu « những sáng tác nói về Mẹ ( văn chương, âm nhạc, họa phẩm .. ) .
( Không biết tại sao sự liên hệ mẹ-con trong thời gian thai nghén chỉ được chúng ta, người VN, diễn tả qua động từ « mang « ( 9 tháng cưu mang, mang nặng/đẻ đau, bụng mang/dạ chửa, mang thai … ), chuyện nuôi nấng không nghe nói đến? Có phải vì hình thức ( bụng to ) được « chú trọng « hơn … nội dung ( trong bụng ) ? )
Đụng chạm đến những đề tài thiêng liêng thì chuyện hay, dở là « chuyện nhỏ « Người ta yêu một bài thơ hay đã đành nhưng những bài thơ dở thì cũng được thiên hạ xí xóa, bỏ qua cho.
Những ca khúc nói về Mẹ bao giờ cũng làm tôi xúc động. Theo với thời gian, cường độ xúc động càng tăng! Không như cụ Tam Nguyên « tuổi già hạt lệ như sương « càng lớn tuổi, tôi càng mau nước mắt. Vì xúc động, không phải mít – ướt!
Đầu thập niên 60, đoản văn Bông Hồng Cài Áo của thầy Nhất Hạnh làm xôn xao giới sinh viên học sinh Phật Tử. Đoản văn được viết sau chuyến đi Nhật của Thầy.
Trong một ngày đi mua sách ở Đông Kinh với một đồng đạo, tình cờ gặp một đám bạn sinh viên Nhật của người đồng đạo, một cô sinh viên, sau khi hỏi nhỏ người đồng đạo thầy Nhất Hạnh điều gì đó, đã bước đến, cài lên áo Thầy một bông cẩm chướng trắng. Sau khi đám sinh viên đi rồi, nhờ người đồng đạo giải thích, thầy Nhất Hạnh mới biết đó là tập tục của người Nhật trong ngày Lễ-Mẹ, một ngày lễ có ý nghĩa như Vu Lan của ta, ngày mà, để vinh danh Mẹ, người ta cài lên áo một bông cẩm chướng màu hồng nếu còn Mẹ, và màu trắng nếu Mẹ đã qua đời.
Đóa cẩm chướng hồng đó được thầy Nhất Hạnh cài vào những câu văn giản dị, những hàng chữ làm xúc động người đọc, trong Bông Hồng Cài Áo: một đoản văn được Thầy viết trong những ngày Hè ở Mỹ. Xin nhắc lại là chữ « hồng « dùng để nói về màu ( màu đỏ ), không phải là hoa ( hoa hồng ) như một số người đã nghĩ
Trước thầy Nhất Hạnh, không phải là không có những sáng tác nói về Mẹ nhưng Bông Hồng Cài Áo là đoản văn đầu tiên xưng tụng Mẹ được viết bởi một nhà sư trẻ ( một người mà thế nhân cứ lầm tưởng là phải diệt hết tình cảm, kể cả chuyện yêu mẹ! ), dưới một ngòi bút trong sán . Đoản văn của Thầy Nhất Hạnh gợi ý cho nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết nên ca khúc mang cùng tên vài năm sau đó.
Nhưng, không biết sao, khác với Lòng -Mẹ, là một ca khúc đã đưa tên tuổi Y Vân vào nhạc sử Việt Nam, vào trái tim miền Nam, Bông Hồng Cài Áo của nhạc sĩ Phạm thế Mỹ dường như đã không mang lại được một ảnh hưởng rộng lớn, dù đó là một ca khúc có giá trị?
Sau Lòng- Mẹ, Y Vân viết tiếp Tình-Cha . Lần đầu tiên tôi nghe Tình - Cha là cách đây khoảng .. 2 tháng, qua tiếng hát Hoàng Oanh, trong cuốn Asia « Tưởng niệm Y Vân « của một người bạn ( bạn biết rồi: tôi nhà quê lắm, ít nghe nhạc, xem video VN! ). Tình-Cha, theo tôi, tuy không bằng Lòng - Mẹ, nhưng không phải là một ca khúc dở. Cũng những âm hưởng ngũ cung, những lời ca gần gủi, những hình ảnh xúc động nhưng Tình - Cha, có vẻ như đã không được nhiều người biết đến ( điển hình là tôi! ). Phải chăng vì Lòng - Mẹ lớn lao quá, không còn chỗ cho Tình - Cha ?!
Việt Nam mình không có sự so sánh công lao giữa cha và mẹ. Nếu « công cha như núi Thái Sơn « thì « nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra «. Đưa ra hình ảnh núi cao, sông lớn để nói lên cái Cương của phái Nam và cái Nhu của phái Nữ chứ không có chuyện … nước chảy đá mòn, nhu thắng cương, nhược thắng cường, gì ở đây. Cái thành công của Lòng - Mẹ, theo tôi, là cái cuống rún ( cordon ombilical ) .
Cuống rún là « phương tiện « duy nhất để người mẹ nuôi bào thai. Không nói đến những trường hợp « ngoài ý muốn « nếu sự thụ thai là kết quả của một kết hợp tuyệt vời giữa cha và mẹ thì nguồn sống của thai nhi chỉ là người mẹ. Máu mẹ chảy qua con như nước chảy từ nguồn. Có nghĩa là không bao giờ ngưng, không bao giờ cạn. Máu đó nuôi con lớn lên. Cái chân này thỉnh thoảng đạp, cái tay này lâu lâu lại cum, là nhờ cuống rún. Không có cuống rún, không có 9 tháng 10 ngày, không đỏ mặt, tía tai, không đau đớn, không đi biển một mình, không tiếng oe oe, không niềm hạnh phúc. Cái hạnh phúc sanh em bé là cái hạnh phúc duy nhất trời ban cho người phụ nữ, cái « sáng trời « sau một « cơn mưa « đau đớn tận cùng! Cái hạnh phúc đó, người đàn ông không có được! Được cắt sau khi chào đời nhưng cuống rún vẫn tiếp tục nối đứa con vào người mẹ, bằng một sợi dây vô hình. Một nối liền không có trong cái liên hệ cha-con. Tục ngữ Pháp có câu « il a du mal à couper le cordon ombilical « ám chỉ những đứa bé đeo cứng mẹ hay những ông lớn chồng ngồng mà còn ở với maman, động một cái là « về mét má «! Nên tôi nghĩ, Lòng - Mẹ được người ta đón nhận nhiều hơn Tình – Cha, là nhờ cái cuống rún, một cuống -rún- chưa- lìa ( tên một tác phẩm của nhà văn Trần diệu Hằng )
Nhưng có phải vì không có liên hệ " cuống rún ", mà không có một bông hồng cho Bố ?
Tục ngữ ta có câu « Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà « Vừa để ám chỉ cái « mềm yếu « của người phụ nữ, vừa đưa ra cái « cứng rắn « của người đàn ông, trong việc giáo dục con, cháu .
Phương Đông mình, cái quan hệ cha – con là cái quan hệ có « chừng mực « Cha đi làm cả ngày, về nhà nghiêm nghị , ít nói. Khác với cái quan hệ mẹ-con: gần gủi, thân thuộc. Tôi không có những « kinh nghiệm « này vì cha mẹ tôi đều đi làm nên, nếu bạn ta có thấy tôi hư thì do Vú em nuông chìu quá. Nhưng đừng bảo " tôi hư tại ... Vú " thì nghe quê lắm, dễ bị hiểu nhầm lắm! Bên Tây thì khác. Hai vợ chồng đi cả ngày, ai làm gần nhà thì lo cho con nhiều hơn, không có chuyện phân công, sanh nạnh. Nhớ, năm xưa, một thằng Tây đồng nghiệp than với tôi: « tao vừa là bố, vừa là bạn, vừa là … bà Vú của con. Dạy nó thật là khó! Mày có biết phải làm sao cho nó nghe mình mà không sợ… mình ? « Tôi chỉ biết trả lời: « Mày đi hỏi thằng khác đi, xong rồi nói lại tao ! « .
Không phải mèo này khen miêu khác dài đuôi (?) nhưng tôi thấy đàn ông Việt Nam « ở đây » … giỏi lắm! Đổi đời, vượt biên, nhà lá cũng như nhà tranh! Quân sự, quân sư, dân sự, dân chơi, dân cậu, con trai bà Cả Đọi, cục cưng của Má .. gì gì , cũng « đằng trước: bước « hết. Từ làm vườn, cắt cỏ, lót gạch, sơn nhà, thay ông nước … cho đến đi chợ, rửa chén, trông em, làm bếp, ủi đồ … Cái gì cũng chơi hết. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Nữ tỳ nào cũng vượt qua! Một ông bạn tôi, chủ nhà hàng, còn hãnh diện nói « Cái gì moa cũng làm hết, xếp của moa không trách gì được « Làm như thế, bên kia, bị gọi là « sợ vợ « nhưng bên đây, là « người yêu lý tưởng « biết bao nhiêu « em « mơ ước ( Em thường hay ước mơ / mơ người yêu lý tưởng ) !
Nhà văn Võ Hồng ( 1921 – 2013 ) thì cũng như bạn ta: không sợ vợ, mà thương vợ. Bà Võ Hồng mất sớm (1957), ông không tục huyền, gà trống nuôi con ( 4 , 5 người gì đó ), vừa dạy học, vừa viết văn. Sau 75, các con ông đều vượt biên ( định cư tại Đức ), chỉ mình ông mài miệt tuổi già ở Nha Trang. Ông là một tấm gương sáng cho những người đàn ông yêu vợ, thương con. Ngoài ông ra, khó kiếm được một người nào có đủ tư cách và bản lỉnh để viết « Một bông hồng cho Cha « một bài viết mà tôi rất yêu. Xin gởi đến bạn ta, nhân ngày Lễ - Cha năm nay.
Bon week_end
Bonne fête .
BP
Hình ảnh thêm về Một bông hồng cho cha