LỤC TỔ HUỆ NĂNG
HÀNH ĐẠO TỐI THƯỢNG THỪA
Toàn Không
MỤC 1: NHÂN DUYÊN ĐÃ ĐẦY ĐỦ:
Thấm thoát mười lăm năm trôi qua, lúc bấy giờ ngài Huệ-Năng nghĩ: “Ta chẳng nên ẩn dật mãi, bây giờ đã đến lúc ta nên hoằng hóa Phật-Pháp”, rồi Ngài đi đến Chùa Pháp-Tánh tại Quảng-Châu. Hôm ấy Ấn-Tông Pháp-Sư giảng Kinh Niết-Bàn, bỗng có một luồng gió mạnh thổi động lá phướn, một thầy Tăng nói:
- Gió động.
Một thầy Tăng khác nói:
- Phướn động.
Hai thầy Tăng nói qua cãi lại chẳng dứt, thấy thế ngài Huệ-Năng nói lớn lên rằng:
- Không phải gió động, cũng chẳng phải phướn động, ấy là tâm của qúy Thầy động mà thôi.
Mọi người nghe nói đều kinh ngạc, Ấn-Tông Pháp-Sư thấy vậy liền mời Ngài ngồi chỗ trên hết, và hỏi những nghĩa lý huyền ảo, đều được Ngài trả lời trôi chảy với ngôn ngữ giản dị, mà nghĩa lý thích hợp. Ấn-Tông Pháp-Sư nói:
- Hành-giả hẳn chẳng phải là người thường, đã lâu tôi có nghe nói Áo-Pháp của Ngũ-Tổ đã truyền cho Lục-Tổ về phương Nam, có phải về tay ngài không?
Ngài trả lời:
- Tôi không dám (ý khiêm nhượng).
Ấn-Tông liền làm lễ trước Ngài, và xin Ngài trưng Áo-Bát để đại chúng được chiêm bái; sau khi thấy Áo-Bát rồi, Ấn-Tông lại hỏi:
- Đức Hoàng-Mai sau khi phó chúc rồi, Ngài truyền thọ như thế nào?
Ngài Huệ-Năng trả lời:
- Ngũ-Tổ không truyền thọ chi cả, chỉ có luận môn kiến tánh thành Phật, Ngài chẳng luận pháp thiền-định và pháp giải-thoát.
- Sao chẳng luận pháp thiền-định và pháp giải-thoát?
- Vì hai pháp ấy chẳng phải là Phật-Pháp, Phật-Pháp là Pháp chẳng hai.
- Phật-Pháp là Pháp chẳng hai là nghĩa sao?
- Pháp-Sư giảng Kinh Niết-Bàn đã hiểu rõ Phật tánh tức Pháp chẳng hai của Phật-Pháp vậy. Như Cao-Qúy Đức-Vương Bồ-Tát thưa với Phật rằng: “Người phạm bốn điều trọng cấm (là dâm dục, trộm cướp, giết người, và vọng ngữ), làm năm điều đại nghịch (là giết cha, giết mẹ, hại A-la-Hán, khuấy rối chúng Tăng, khởi ác ý mong hại Phật), thì thiện căn và Phật tánh có bị đoạn diệt chăng ?” Phật đáp rằng: “Thiện căn có hai thứ, một là thường, hai là vô thường, còn Phật tánh chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, cho nên Phật tánh không đoạn diệt, ấy gọi là Pháp chẳng hai”.
Ấn-Tông Pháp-Sư nghe Ngài giảng, vui mừng chắp tay thưa rằng:
- Sự giảng Kinh của tôi như gạch bể ngói vỡ, sự luận nghĩa của Ngài cũng như vàng ròng.
Nhân đó, Ấn-Tông Pháp-Sư xuống tóc cho Ngài, và nguyện thờ Ngài làm Thầy; rồi Ấn-Tông mời các vị danh đức đến mà tổ chức lễ truyền thọ Cụ-túc giới cho Ngài.
Qua năm sau, Ngài từ giã tứ chúng mà tới Chùa Bảo-Lâm. Khi ấy Ấn-Tông Pháp-Sư cùng tứ chúng có trên một nghìn người đưa Ngài thẳng tới Tào-Khê, cũng có Thông-Ứng-Luật-Sư ở Kinh-Châu và các vị học-giả kể có tới một trăm người đều theo ở với Ngài.
MỤC 2: MỞ RỘNG ĐẠO TRÀNG BẢO LÂM:
Khi tới Chùa Bảo-Lâm, thấy Chùa chật hẹp, không đủ chỗ dung chứa đồ chúng, Ngài có ý mở Chùa rộng lớn ra.
Chỉ ít ngày sau, Ngài đến viếng một người trong xóm là Trần-á-Tiên mà nói rằng:
- Bần Tăng đến đây muốn cầu thí chủ cho một khoảnh đất vừa đủ trải tấm tọa cụ ngồi thiền.
Trần-á-Tiên nói:
- Tấm tọa cụ của Đại-Sư rộng là bao lớn?
Ngài chỉ tấm tọa cụ và nói:
- Tấm tọa cụ này trông vậy chứ trải ra lớn lắm, khi đã hứa sau này đừng có hối tiếc.
Trần-á-Tiên nói:
- Được, tôi xin hứa.
Ngài cầm tấm tọa cụ phóng ra. Ôi chao! Sao mà nó lớn thế? Bao trùm một vùng rộng lớn của Tào-Khê, lại có bốn vị Thiên-Vương hiện thân ngồi bốn góc! Do chuyện này, bây giờ người ta gọi những núi quanh Chùa là núi Thiên-Vương.
Trần-á-Tiên nói:
- Pháp-lực của Đại-Sư thật là quảng đại, nhưng vì phần mộ của tổ-tiên tôi đều nằm trong khoảnh đất này; ngày sau nếu có xây Chùa-Tháp, xin giữ lại các phần mộ, còn lại tôi xin cúng hết cho Chùa Bảo-Lâm vĩnh viễn. Lại nữa, chỗ đất này có mạch núi sinh Long-Tượng, vậy chỉ nên bình thiên chẳng nên bình địa.
Khi kiến thiết Chùa, nhất nhất đều làm y như lời thỉnh của Trần-á-Tiên. Cũng nên biết thêm là từ đời nhà Lương khi trước, có một nhà Sư tên Trí-Dược Tam-Tạng từ Ấn-Độ qua biển Nam-Hải tới cửa biển Tào-Khê, thấy nước trong vắt, lấy tay bụm nước uống thấy mát ngon và có mùi thơm thì lấy làm lạ, nói với mọi người rằng nước ở đây không khác gì nước bên Thiên-Trúc, trên nguồn khe núi chắc có thắng địa lập nhàn tịnh cảnh (lập Chùa) được. Nhà Sư lần theo dòng nước lên tới nguồn khe núi, nhìn bốn phiá non nước xây vòng, đầu non châu chụm, cảnh đẹp lạ lùng, Sư khen rằng: “Cảnh núi rừng này rõ ràng giống núi Bảo-Lâm bên Thiên-Trúc”.
Nhà Sư bèn kêu những người dân làng Tào-Khê mà bảo rằng: “Nơi núi này nên lập một cảnh Chùa, vì sau 170 năm sẽ có một vị Vô-Thượng Pháp-Bảo khai hóa diễn nói tại nơi đây, số người đắc đạo nhiều như cây rừng, vậy nên đặt tên là Chùa Bảo-Lâm”.
Thuở ấy có quan đầu tỉnh Thiều-Châu tên là Hầu-cảnh-Trung lấy những lời ấy dâng biểu lên Vua nhà Lương, Vua thuận lời xin, lại ban cho tấm vải thêu lớn hiệu Bảo-Lâm, từ đấy Chùa được thiết lập.
MỤC 3: KHAI MỞ PHÁP MÔN VÔ NIỆM, VÔ TƯỚNG, VÔ TRỤ:
Khi ngài Huệ-Năng tới chùa Bảo-Lâm và bắt đầu khai diễn Pháp-Môn Đông-Sơn, tức là Pháp-Môn của Ngũ-Tổ ở núi Đông-Sơn, tính ra thì đúng 170 năm như lời của nhà Sư Trí-Dược Tam-Tạng đã nói; Ngài khai giảng cho tứ chúng nghe về tự tánh Bát-Nhã (là chân tánh chân không).
Pháp-Môn, lấy:
Vô Niệm (là không nghĩ tưởng) làm Tông,
Vô Tướng (là không có hình tướng) làm Thể.
Vô Trụ (là không để tâm vào đâu cả) làm Gốc
Ngài dạy Định-Huệ vốn NHẤT THỂ chẳng phải hai, Định là Thể của Huệ, Huệ là Dụng của Định, ngay trong lúc Định có Huệ, ngay trong lúc Huệ có Định. Ngài ví dụ đèn và ánh sáng, đèn là Thể của sáng, sáng là Dụng của đèn, tên tuy có hai, Thể vốn chỉ một, Định-Huệ cũng vậy.
Về Tọa Thiền Ngài dạy như sau:
- Đối với cảnh giới bên ngoài, tâm niệm chẳng khởi lên gọi là Tọa.
- Đối với bên trong, thấy tự tánh mình chẳng động gọi là Thiền.
Về Thiền-Định Ngài giảng:
- Bên ngoài lià tất cả các tướng gọi là Thiền.
- Bên trong tâm chẳng loạn động gọi là Định.
Ngài giải thích về việc Tổ Đạt-Ma trả lời Lương-Võ-Đế rằng:
“Suốt đời xây chùa, bố thí nhưng không có công-đức, vì các việc làm ấy chỉ là cầu phúc lợi thế-gian, không phải là công đức của xuất thế”. Về Tây Phương cực-lạc xa mười vạn tám nghìn cõi Phật, nghĩa là: “Cần phải tránh làm mười điều ác và tránh phạm tám điều tà, thì tâm sẽ được tự tại thanh tịnh, tức là cõi Phật hiện tiền tại tâm”.
Ngài dạy về Giới-Định-Huệ như sau:
- Giới: là răn chừa, không tạo các nghiệp ác, tức là tịnh thân, tịnh khẩu, tịnh ý.
- Định: Ngoài không nhiễm trần cảnh, trong không tán loạn, trong ngoài vắng lặng.
- Huệ: Nghĩa là tâm địa trống không, trong sạch, niệm niệm thấy tánh, tâm địa quang minh, soi thấu muôn pháp là vạn sự vật.
Lục Tổ đã tùy cơ duyên thuyết pháp, chỉ dạy từng số đông đại chúng, nhiều khi chỉ dạy riêng rẽ cho từng người, cũng như tùy bệnh cho thuốc vậy.
MỤC 4: LỤC TỔ HÀNH ĐẠO:
THỨ NHẤT; HÀNH TƯ THIỀN SƯ:
Một hôm có thầy Tăng tên Hành-Tư, họ Lưu, sinh ở An-Thành thuộc tỉnh Kiết-Châu nghe nói Tào-Khê giáo hóa thịnh hành, bèn đến tham lễ và hỏi:
- Xin Hòa-Thượng chỉ dạy nên làm việc gì để khỏi lọt vào giai cấp?
Ngài nói:
- Thầy đã từng làm việc gì?
Thầy Hành-Tư thưa:
- Thánh-đế cũng chẳng làm.
Ngài lại hỏi:
- Vậy lọt vào giai cấp nào?
Thầy Hành-Tư đáp:
- Thánh-đế còn chẳng làm, giai cấp nào mà có.
Ngài rất trọng thầy Hành-Tư vì cho là có pháp-khí, Ngài bảo thầy làm quản chúng; sau một thời gian, Ngài thấy thầy Hành-Tư đã hoàn toàn sáng tỏ bản tánh, nên một hôm Ngài cho người gọi thầy đến mà bảo rằng:
- Thầy đã đắc Pháp, thầy nên đi đến một phương mà hóa độ chúng-sanh, chớ cho đoạn dứt giáo-pháp đốn-ngộ này.
Thiền-Sư Hành-Tư bèn về núi Thanh-Nguyên ở Kiết-Châu hoằng pháp, mở rộng Thiền-Tông đốn-ngộ. Sau khi Hành-Tư Thiền-Sư tịch, được Vua sắc phong là Hoằng-Tế Thiền-Sư.
THỨ HAI: HOÀI NHƯỢNG THIỀN SƯ:
Thầy Tăng tên Hoài Nhượng, họ Đỗ ở Kim Châu, lúc ban đầu đến lễ An Quốc Sư ở Tung Sơn, An Quốc Sư bảo đến Tào Khê tham vấn Lục Tổ Huệ Năng. Thầy Hoài Nhượng bèn tìm đến lễ bái, Lục Tổ hỏi:
- Thầy ở đâu đến? Có việc gì?
Thầy Hoài-Nhượng đáp:
- Dường như có một việc thì không đúng.
- Còn tu chứng, phải chăng?
- Tu chứng thì chẳng phải là không, còn nói nhiễm trược thì không được.
Lục-Tổ ấn chứng rằng:
- Chỉ cái chẳng nhiễm trược này, Chư Phật đều hộ niệm, thầy đã như vậy, ta cũng như vậy. Tổ thứ 27, đức Bác-Nhã Đa-La bên Tây-Trúc (Ấn-Độ) có lời sấm rằng: “Dưới gót chân thầy sẽ sinh ra một con ngựa tơ mạnh mẽ chà đạp người trong thiên hạ vô số kể”; đó là điềm ứng tại nơi tâm thầy, chẳng cần nói vội bây giờ.
Thầy Hoài-Nhượng liền suốt thông (là Kiến tánh), theo hầu Lục-Tổ 15 năm, và một ngày kia Thiền-Sư Hoài-Nhượng đạt đến chỗ huyền diệu thậm thâm của Đạo.
Sau Hoài-Nhượng Thiền-Sư qua núi Nam-Nhạc mở rộng Thiền-Tông đốn-ngộ. Khi Hoài-Nhượng Thiền-Sư viên-tịch, Vua sắc phong là Đại-Huệ Thiền-Sư.
THỨ BA: CHÍ THÀNH TỚI HỌC ĐẠO:
Thuở ấy lúc Lục-Tổ Huệ-Năng hoằng pháp đốn-ngộ tại Tào-Khê, Hòa-Thượng Thần-Tú dạy đệ-tử tiệm tu tại Kinh-Nam ở miền Bắc, gọi là:
“Nam Năng Bắc Tú, Nam Đốn Bắc Tiệm” hai Tông khác nhau.
Huệ-Năng Đại-Sư bảo đại chúng: “Pháp-môn vốn một Tông, người có Nam Bắc, pháp chỉ có một thứ, nhưng sự thấy có nhanh chậm; pháp chẳng có đốn tiệm, theo căn tánh con người thì có lợi độn nên mới gọi đốn tiệm”
Hòa-Thượng Thần-Tú là người biết mình biết người, nên thường nói với đại chúng: “Lục-Tổ đắc Vô Sư Trí (là tự có trí tuệ mà không thầy giảng dạy), triệt ngộ Pháp Tối Thượng-Thừa, ta chẳng bằng được; vả lại được Thầy ta là Ngũ-Tổ đích thân truyền Áo-Pháp; ta tiếc chẳng đi xa được để thân cận, uổng chịu Quốc-ân, các vị nên đi đến Tào-Khê tham học”.
Một hôm Hòa-Thượng Thần-Tú bảo môn đồ thân tín là Chí-Thành: “Thầy thông minh có trí, hãy thay ta đến Tào-Khê nghe Pháp, tận tâm ghi nhớ các điều thấy nghe, rồi về lập lại cho ta biết”.
Vâng lời thầy, Chí-Thành đến Tào-Khê, theo chúng tham học mà chẳng nói từ đâu đến. Một hôm Lục-Tổ nói với đại chúng:
- Hiện nay có kẻ trộm Pháp ở trong hội này.
Bấy giờ thầy Tăng Chí-Thành bước ra lễ bái và trình nguyên do. Lục-Tổ nói:
- Người của Chùa Ngọc-Tuyền đến mà không nói trước tức là mật thám vậy.
- Thưa Hòa-Thượng, chẳng phải vậy.
- Sao chẳng phải vậy?
- Lúc chưa nói ra là thế, nói rồi chẳng phải vậy.
Đại-Sư hỏi:
- Thầy ông dạy chúng như thế nào?
- Thầy tôi thường dạy đại chúng “trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi chẳng nằm”.
Ngài nói:
- Trụ tâm quán tịnh là bệnh, chẳng phải thiền, ngồi mãi là trói thân, chẳng ích chi, hãy nghe ta nói kệ:
Lúc sống ngồi chẳng nằm,
Chết rồi nằm chẳng ngồi,
Thật đống xương thịt thối,
Đâu lập được công phu.
Thầy Chí-Thành làm lễ mà thưa:
- Kẻ đệ-tử này theo học với Thần Tú Hòa-Thượng, học đạo chín năm mà chẳng được sáng tỏ. Nay nghe Hòa-Thượng nói mới một lần liền tỏ sáng bản tâm. Sự sống chết là việc lớn, con xin Hòa-Thượng mở lòng từ-bi chỉ dạy.
Ngài Huệ-Năng nói:
- Ta nghe thầy ông dạy người học Pháp Giới-Định-Huệ, chẳng hay thầy ông nói cái hạnh tướng của Giới-Định-Huệ như thế nào?
Thầy Chí-Thành thưa:
- Thần-Tú Hòa-Thượng nói: “Những điều ác chớ làm là Giới, ý căn tự trong sạch là Định, các điều lành vâng làm gọi là Huệ”, còn Hòa-Thượng lấy Pháp gì dạy người?
- Nếu nói rằng có Pháp để dạy người đó là dối ông, ta chỉ tùy căn cơ để mở trói, phương tiện ấy giả gọi là “tam-muội”; cứ như chỗ thầy ông nói về Giới-Định-Huệ thật không nghĩ bàn được, chỗ ta nói về Giới-Định-Huệ lại khác.
Thầy Chí-Thành thắc mắc hỏi:
- Giới-Định-Huệ chỉ có một sao lại có khác?
- Giới-Định-Huệ của thầy ông độ người Đại-thừa, Giới-Định-Huệ của ta tiếp người Tối Thượng-thừa, chỗ ngộ giải chẳng đồng. Ta thuyết pháp chẳng lià tự tánh, lià tánh mà thuyết pháp khiến cho tự tánh thường mê, ấy là tướng thuyết. Nên biết tất cả các pháp đều từ tự tánh khởi dụng, ấy là Chân-pháp của Giới-Định-Huệ; hãy nghe ta nói kệ:
Tâm địa chẳng quấy, tánh mình Giới,
Tâm địa chẳng si, tánh mình Huệ,
Tâm địa chẳng loạn, tánh mình Định,
Không thêm không bớt, tánh mình Kim-cương,
Thân tới thân lui, vốn là tam-muội.
Chí-Thành nghe rồi cảm tạ Ngài và trình kệ:
Năm uẩn thân này huyển,
Huyển đâu có cứu cánh,
Trở về tánh Chân-như,
Chấp pháp vẫn chẳng tịnh.
Ngài cho là phải, và bảo:
- Nếu ngộ được tự-tánh, chẳng lập giải-thoát tri-kiến, chẳng có một pháp để đắc, như thế mới được kiến lập vạn pháp. Người kiến-tánh, đi lại tự do, chẳng trì trệ trở ngại, cần dùng liền làm, cần nói liền đáp, khắp hiện hóa-thân, chẳng lià tự tánh, tức được thần-thông tự tại.
Thầy Chí-Thành sau khi nghe Ngài dạy, lễ bái và xin làm thị giả theo hầu Ngài từ đấy.
THỨ TƯ: HÀNH XƯƠNG MƯU SÁT LỤC TỔ, VỀ SAU TRỞ THÀNH ĐỆ TỬ:
Hai vị Tông-chủ tuy không phân biệt, nhưng đồ chúng miền Bắc lại sinh lòng ưa ghét, họ đã tự lập Thần-Tú làm Tổ thứ sáu, lại sợ người đời biết sự truyền Áo-Bát của Ngũ-Tổ, nên sai Hành-Xương đi ám sát Lục-Tổ Huệ-Năng.
Hành-Xương là người Giang-Tây, họ Trương, có tính thành thật; Ngài Huệ-Năng vì đã kiến-tánh giác-ngộ, có đủ sáu thứ thần-thông, nên Ngài biết việc ấy, bèn lấy mười lạng vàng để sẵn nơi chỗ ngồi.
Một hôm, đang lúc đêm khuya Hành-Xương vào phòng của Ngài. Ngài ngồi yên lặng thiền định, Hành-Xương cầm kiếm sắc chém vào cổ Ngài ba lần; rõ ràng chém trúng cổ, mà sao đầu không rơi, lại như chém trong không khí? Hành-Xương còn đang thắc mắc, đột nhiên Ngài cất tiếng ôn tồn bảo:
- Gươm chánh không dùng vào việc tà, gươm tà không dùng được vào việc chánh; ta chỉ thiếu ngươi vàng chứ chẳng thiếu ngươi mạng.
Hành-Xương hoảng kinh, ngã lăn ra chết giấc, một lúc lâu mới tỉnh lại. Hành-Xương vội quỳ gối cầu khẩn ăn năn tội lỗi việc đã làm, vì dại dột nghe theo người khác sai khiến, và xin được chấp thuận cho xuất gia theo Ngài. Ngài lấy vàng đưa cho và nói:
- Ngươi hãy đi đi, e đồ chúng hại ngươi, một ngày kia ngươi hãy đổi dạng rồi đến đây ta sẽ độ ngươi.
Hành-Xương vâng lời Ngài, rồi trốn đi.
Sau khi trốn đi, Hành-Xương xuất gia và tu hành rất tinh tấn. Trải qua nhiều năm, Hành-Xương nhớ tới lời Ngài dạy, đến làm lễ ra mắt Ngài, Ngài nói:
- Ta có lòng nhớ ngươi đã lâu, sao ngươi tới muộn thế?
Thầy Hành-Xương thưa:
- Ngày xưa nhờ ơn Hòa-Thượng tha tội, nay tuy xuất gia tu khổ hạnh, nhưng sau này con khó trả được cái ân đức ấy, chỉ mong Tổ-Sư truyền Pháp để độ chúng-sinh mà thôi.
Nhân trước đó thầy Hành-Xương thường tụng Kinh Niết-Bàn mà không hiểu cái nghĩa vô thường và hữu thường trong Kinh, nay mang ra hỏi, Ngài giảng một hồi, Hành-Xương hốt nhiên tỏ sáng, liền nói kệ trình Ngài:
Người chấp vô thường tánh,
Phật nói hữu thường tâm,
Chẳng dè phương tiện Pháp,
Như mò sỏi tưởng vàng.
Nay ta chẳng tác ý,
Phật tánh hiện rõ ràng,
Chẳng nhờ sự chỉ giáo,
Không đắc đạo cao thâm.
Lục Tổ nói:
- Nay ngươi đã thông triệt thấu suốt, nên ta đổi tên cho là Chí-Triệt.
Thầy Chí-Triệt lễ tạ ơn Tổ-Sư, rồi lui ra trong lòng hoan hỷ.
Khi đó, Lục Tổ Huệ Năng làm Phật sự đã xong, Ngài chuẩn bị việc phó chúc và xa lià thế gian. Chương trình Phút An Lạc hân hạnh sẽ đề cập đến trong bài kỳ tới.
Hình ảnh thêm về LỤC TỔ HUỆ NĂNG HÀNH ĐẠO TỐI THƯỢNG THỪA