Tác giả bài viết vụng này, từ khi trở thành Phật tử, có duyên đến những nơi được cho rằng có xá lợi Phật.
Chùa Phật Nha (Chùa Răng Phật) ở Tân Gia Ba (Singapore) là một tòa cao tầng, có tầng ngầm để xe, ngay khu China Town tập trung người gốc Hoa, có nhiều người hành hương chiêm bái xá lợi, hành thiền, lễ Phật.
Ở một tư gia cư sĩ thuộc ngoại thành TP HCM, được giới thiệu về xá lợi tóc Phật không chìm trong chén nước.
Nhiều ngôi chùa khắp nơi, trước tam bảo ở chính điện có khung kính trưng bày xá lợi Phật.
Lịch sử Phật giáo VN ghi nhận thời VNCH, Phật giáo Miền Nam từng được cung thỉnh xá lợi Phật và thờ ở Việt Nam Quốc tự.
Một lần gần đây, trong một thuyết giảng Phật pháp chính thức được ghi lại phát trên kênh Yutube, đức đệ tứ Pháp Chủ, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng có nhận xét: làm gì mà có nhiều xá lợi Phật đến như thế, chùa nào cũng có, chắc là phải có giả.
Cũng lịch sử Phật giáo VN ghi nhận long trọng, Ngài Thích Quảng Đức dấn thân đấu tranh dòi hòa bình, bảo vệ Phật giáo năm 1963, đã tự thiêu. Ngọn lửa đã không đốt cháy trái tim vị Bồ tát đạt đạo, và quả tim bất tử được gìn giữu đặc biệt trong một ngăn bí mật ở Ngân hàng quốc gia thời đó. Đấy là xá lợi của hàng Thánh tăng.
Trường chay, tiệt dục, tu hành miền mật, đời sống tâm linh giải thoát, thành tựu của nhiều đời kiếp, khi bậc đạt đạo giác ngộ nhập niết bàn, hóa thân để lại lấp lánh xương cốt bất hoại, xá lợi.
………………
Miên man đi “làm truyền thông Phật giáo”, đến chùa này rồi chùa khác, đọc tài liệu này rồi tài liệu khác, lắng nghe biện giải của hàng thiện tri thức về Đạo, ngẫm suy… Ở đất Bạc Liêu có vị Hòa thượng nức tiếng nhân ái, ưa cứu giúp người, thương tăng ni Phật tử. Ngài kỳ công lập trại trẻ mồ côi, xin từng bó rau, ký gạo về nuôi các em, “nhặt” từng em ở các nơi bất hạnh mang về… Ngài lội bộ đến thăm các ngôi chùa xa xôi hẻo lánh, không kể đến cương vị chức phận trong Giáo hội, chăm lo đào tạo nhân tài cho Phật giáo, hoằng pháp lợi sinh. Vị Hòa thượng ấy có pháp danh Thích Huệ Hà, nay di ảnh được thờ ở gian hậu tổ hầu như tất cả các chùa trong tỉnh Bạc Liêu, tháp mộ ở bên tả chính điện chùa Long Phước trên đường đi Vĩnh Châu. Hòa thượng nhiều năm gánh trách nhiệm Trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, có uy tín lớn cả trong Đạo ngoài đời.
Sư cô thích nữ Huệ Tâm, Trú trì chùa Huệ Tâm ở phường Hộ Phòng, kể: Chùa nhỏ, mưa gió sình bùn, vậy mà Hòa thượng bỏ xe vào thăm, an ủi khích lệ, nhớ hoài. Còn Sư cô Thích nữ Nghĩa Hòa Trú trì Chùa Hổ Phù ở xã Phong Thạnh A, từng tu học trong một khóa đào tạo ở Trường Phật học Chùa Long Phước, nói: Hòa thượng không bao giờ nặng lời với tăng ni, Ngài thương lắm, đi đâu có trái cây gì cũng mang cho tăng ni sinh thọ dụng. bây giờ, Ngài đã viên tịch lâu, khi có chuyện gì phiền não trong nội bộ, lại nhớ và tiếc thương Ngài nhiều. Chú Lành, một cư sĩ được Hòa thượng chăm sóc giúp đỡ cho đi học, nhớ: Hòa thượng thương người lắm, ít ai được. Nhiều trẻ mồ côi trong cơ sở do Ngài sáng lập, bao nhiều năm vẫn luôn đau đáu nhớ ân đức của Ngài như một người Ông, người cha kính.
Công hạnh, lòng lành tiếng tốt Hòa thượng để lại làm rạng rỡ Phật giáo Bạc Liêu, trở thành di sản quý báu cho tăng ni tỉnh nhà. Ngài nhập tháp ngay ngôi chùa đã gắn bó, tiếng lành kia khắp nơi chính là một thứ xá lợi theo nghĩa mở rộng lấp lánh còn lại nhắc nhở về tấm gương tu học tốt đẹp của một bậc giác ngộ.
Xá lợi Phật theo ý nghĩa như vậy còn có ở Phật giáo tỉnh bạn lân cận, Sóc Trăng. Một người bạn tu của HT Huệ Hà, HT Thích Thiện Sanh, nay nhập tháp ở Chùa Khánh Sơn phường 6 TP Sóc Trăng.
Cũng như HT Huệ Hà, HT Thiện Sanh gánh trách nhiệm Trưởng ban Trị sự Phật giáo Sóc Trăng nhiều năm, kiên trì hoằng hóa chúng sinh, bồi dưỡng tăng ni, hành thiện. Tận huyện Hòa Bình của tỉnh Bạc Liêu, Đại đức Thích Huệ Thường nhớ: HT Thiện Sanh thương người lắm, y HT Huệ Hà của tỉnh mình, cũng thân ái với tăng ni.
Đến viếng chùa Khánh Sơn, trước Tháp mộ HT Thiện Sanh có cội sứ mấy mươi năm tuổi uốn mình như trong chậu bon sai, canh tháp mộ. Nghiêng mình thi lễ trước tháp, lòng nhớ những tiếng lành được nghe về bậc chân tu chưa từng được gặp.
Biết bao tấm gương như vậy trong đại gia đình Phật giáo từ khi Đức Phật khai Đạo, không để lại xá lợi theo nghĩa đen, mà bằng đời sống tâm linh, sự phục vụ chúng sinh, xá lợi lấp lánh khắp nơi trong đời sống nhân gian hướng mọi người hướng về Phật.
Xá lợi ấy trân quý lăm trong đời thường.
Nguyễn Thành Công
Hình thuộc về tư liệu của tác giả bài viết.
Hình ảnh thêm về KHI XÁ LỢI LÀ TIẾNG LÀNH