Cũng như mọi sinh thể xã hội- ở đây coi ngôn ngữ là một sinh thể như vậy- ngôn ngữ luôn vận động, làm mới, càng rõ trong ngôn ngữ sinh hoạt đời sống: ngõ chạm đầu tiên trong giao tiếp người với người. Theo hướng đấy, để ý dễ nhận ra ra, trong khoảng thời gian gần đây, có xu hướng xài từ vượt quá nội hàm vốn có để mong đạt hiệu ứng, hiệu quả giao tiếp cao hơn, và mong muốn chủ quan ấy của người phát ngôn đã gây nhiễu sự chuẩn mực của ngôn ngữ. Có nhiều dẫn dụ, ở đây bàn chút về từ MÌNH.
MÌNH là từ thuần Việt, phương ngữ Nam Bộ, tồn tại lâu đời trong không gian vùng, vào kho tàng dân gian: “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình…”. Ở phạm vi thân mật gia đình, rõ nhất ở vùng nông thôn, vợ chồng gọi nhau bằng từ MÌNH: mình ơi, cha sắp nhỏ ơi, ông (bà) ơi..cách thân thiết đầy tình cảm. Từ MÌNH trong ngữ cảnh ấy đầy tình cảm, đẹp, mang giá trị giao tiếp. Ngoài lựa chọn đã nêu, ngoài ra từ MÌNH còn dùng để giao tiếp phân định “bên”: bên mình, bên địch, quân mình (quân giặc). Tiếp tục, vẫn theo nội dung ấm áp, từ MÌNH còn được dùng: nhà mình, đồ này của mình… Có một biến tấu thú v ị khi ghép từ, ở Nam Bộ, ví như xài theo cách: anh ở với ai?, “Tui ở nhà MÌNH – YÊN”, mình ên là từ địa phương, ghép hai thành tố.
Theo đà khuếch đại, đẩy cao, mong đạt hiệu quả giao tiếp ngôn ngữ chủ quan, tạo tình cảm, gần đây nhận thấy từ MÌNH được dùng nhiều, trong cửa hàng cửa hiệu, giao dịch thương mại, hướng đến tạo thân thiết với khách hàng, sự thân thiện có lợi cho kinh doanh. Khi nhân viên bán hàng, thu ngân, maketing… nói: hàng này của mình, hóa đơn của mình là…nhằm gieo cảm xúc thân thiện cao với khách, và từ MÌNH được dùng một cách tăng cường, vượt nội hàm vốn có như đã dẫn. Vấn đề ở chỗ có không ít người- khách hàng- cảm thấy hơi kỳ kỳ, có chút ngượng khi nam nữ nhân viên giao tiếp với khách hàng khác giới bằng từ vốn dùng cho quan hệ vợ chồng thân mật. Mới đây, tác giả bài viết đến chi nhánh điện lực- một doanh nghiệp nhà nước- thanh toán hóa đơn điện, nghe cô nhân viên xài từ MÌNH với một nam khách hàng ngang tuổi: “tiền naỳ của mình?” với giọng đầy cảm xúc, và nhận ra thoáng bối rối của cậu trai trẻ. Từ MÌNH với cách dùng mới đã lan vào những chốn vốn xài từ chuẩn mực hơn phạm vi gia đình, làng xã, chợ búa- hiện tượng lan tỏa ngôn ngữ đời sống.
Ngôn ngữ sinh hoạt đời sống, không phải ngôn ngữ hành chính hay chính luận, không vào giấy tờ, văn kiện, phát ngôn nghiêm cẩn- nhưng cũng vẫn có chuẩn mực nhất định. Xài từ MÌNH như đã dẫn nằm trong hiện tượng chung về ngôn ngữ với các ví dụ khác: cực, đỉnh, khủng… Các ví dụ này có nhiều ở không gian mạng, và trong sinh hoạt của giới trẻ: giọng ca này đỉnh quá, điểm này khủng, em ấy xinh cực… Cũng là quá đà, nhằm lăng xê, đấy cao những giá trị thực tế cũng thường thường, chẳng khủng, cực hay đỉnh chút nào.
Sinh hoạt đời sống, có ngôn ngữ, không ai đem ra ce re cắc rắt phân tích mổ xẻ như với chữ nghĩa giao khoa giáo trình, luận văn luận án, diễn văn, phong cách ngôn ngữ sinh hoạt đời sống mang đậm hơi thở mới của xã hội, phong phú, song thiết nghĩ vẫn cần nói và hiểu theo qui luật chung: rõ ràng, đúng, và đẹp.
Từ MÌNH, CỰC, KHỦNG, ĐỈNH… phản ánh hiện tượng quá đà, chệch chuẩn ngôn ngữ, không hề xấu hay tiêu cực, nhưng thiếu yêu cầu về đúng, rõ ràng trong giao tiếp.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về HIỆN TƯỢNG TRONG NGÔN NGỮ SINH HOẠT ĐỜI SỐNG QUA KHUẾCH ĐẠI TỪ “MÌNH” ĐỂ TĂNG HIỆU QUẢ GIAO TIẾP