Là một cựu giáo viên tiểu học, tôi để ý những điều chia sẻ ở bài viết này từ lâu rồi, về cách dụng từ ngữ tiếng Việt tùy tiện trong nói và viết khiến sự tiếp thu cũng nhiễu theo.
Tiếng Việt mình vận động nhiều cùng thời cuộc, sự mai một biến mất từ ngữ và xuất hiện mới từ ngữ diễn ra dường như hàng ngày hàng giờ khiến sự nắm bắt không dễ dàng.
Chữ quốc ngữ rồi quá trình “Âu hóa” mang đến sự biến đổi lớn lao cho tiếng Việt với các thành tố mới. Nhưng có một làn sóng mang đến biến đổi còn lớn hơn từ quảng bá rồi phổ cập chủ thuyết Mác ở VN, từ công tác tuyên truyền của cách mạng vô sản, một con số khó thể tính toán chính xác nhưng rất lớn từ ngữ của triết học Mác đã “vào” tiếng Việt ở mức khiến theo thời gian, có xu hướng ngày càng rõ rệt nói và viết tiếng Việt mang quá đậm nét sắc thái triết học Mác, cùng với xu hướng ấy là thói quen cường điệu, nói quá, dùng từ ngữ dao to búa lớn cho giao tiếp thường nhật hay trong bối cảnh không cần thiết khiến cách viết và nói vốn có của người Việt bị lệch đi đến chỗ ai cũng cảm nhận được. Vài dẫn dụ thường gặp nêu được đây.
“Nghiên cứu” là từ dùng đại trà, trong khi lẽ ra nó chỉ công việc khoa học ở phòng thí nghiệm, viện, trường đại học… bạ đâu cũng xài từ “nghiên cứu”: nghiên cứu bài tập đại số, nghiên cứu cách tưới cây, nghiên cứu mắc bóng đèn trong phòng… Đấy đâu phải nghiên cứu?
“Vấn đề” là một lạm dụng khác trong xài chữ nghĩa: vấn đề mua bán cá hôm qua giữa tôi và anh, vấn đề con em quấy phá trong lớp học, vấn đề… Đấy đâu phải “vấn đề”?
Lối cường điệu quá đáng, nói quá lên, lên giọng khiến không khí giao tiếp kém mềm mại thân mật. Thay vì nói “tôi ráng (hay cố gắng) làm cho xong việc này”, lại nói “tôi quyết tâm …”, hay “hạ quyết tâm…”. Chỗ dùng của từ quyết tâm hay hạ quyết tâm nơi khác.
“Đề nghị” cũng là một từ nghĩ bị xài quá nhiều và thường khi không đúng chỗ: tôi đề nghị anh làm chuyện này… thay vì “anh giúp em làm chuyện này nhé!”.
Nói chung, nói riêng cũng chung số phận bị lạm dụng, mở miệng theo thói quen “nói chung là…”, cứ như giảng về triết học duy vật quan hệ cái chung cái riêng vậy.
Còn nữa, như khuôn mẫu máy móc, “một là, hai là, ba là…” làm giao tiếp mất sắc thái tình cảm đời thường.
Triết học duy vật, ngôn từ chính trị vô sản có chỗ dùng riêng, xài không đúng nơi đúng chỗ phản tác dụng, không đạt hiệu quả giao tiếp mong muốn, lâu ngày làm hỏng vốn tiếng mẹ đẻ do tạo nên thói quen.
Một lần than với một vị trí thức cùng quan tâm về .. “vấn đề” này, vị ấy phán một câu chí lý theo cách dùng từ quen thuộc : “ngộ độc triết học”- ông là một bác sĩ thâm niên.
Đúng, ngộ độc triết học không hơn không kém, thương cho tiếng Việt …
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về HẠ THẤP GIỌNG ĐỂ NÓI CHUẨN TIẾNG VIỆT