…tiếng ta còn, nước ta còn…
Theo chiều dài của lịch sử, dân Việt đã hấp thụ những tinh hoa của nền văn minh Trung Hoa, được phản ánh (phần nào) qua từ Hán Việt (HV chữ Hán – tượng hình). Sau đó tiếp nhận thêm nét tinh túy, hiện đại của mẫu tự La Tinh (Phương Tây), mà hình thành nên chữ Việt.
Chữ Việt là sự kết hợp nhuần nhuyễn: tư tưởng và khoa học thuộc hai nền văn minh Đông và Tây, cộng thêm sự sáng tạo, linh động của Ông Cha ta, đã làm phong phú, đa dạng, tiện dụng và ngày càng hoàn chỉnh cho ngôn ngữ Việt.
Khâm phục sự tài tình và linh hoạt của Ông Cha ta, đã nghĩ ra cách đọc chữ Hán bằng tiếng Việt (từ HV) mà không đọc bằng tiếng Hán (tức Việt hóa phần ngữ âm của chữ Hán, biến thành chữ của mình, gọi là chữ Nho – HV). Nói theo ngôn ngữ học hiện đại, là tổ tiên ta đã biết lợi dụng đặc điểm ghi ý không ghi âm của chữ Hán để đọc chữ Hán bằng bản ngữ (tiếng Việt).
Suốt ngàn năm Bắc thuộc, tộc Kinh (một trong các chủng tộc Bách Việt) vẫn giữ được một khác biệt căn bản nhất đó là ngôn ngữ (tức là kho từ vựng, phát âm, ngữ pháp, cấu trúc…) Việt. Ông Cha ta đã học chữ của người Hán để lưu giữ tiếng nói của dân tộc mình, nhưng vẫn giữ nguyên cách tư duy ngôn ngữ (độc lập) của mình. Đã khôn khéo biến “kho Hán ngữ” thành “kho HV” để làm giàu thêm ngôn ngữ Việt. Nhờ giữ được nguyên vẹn tiếng Việt trong suốt hơn nghìn năm Bắc thuộc mà dân tộc ta không bị Hán hoá về ngôn ngữ (như các bộ tộc Bách Việt ở miền Hoa Nam), do đó không trở thành một (dân) tộc ít người của Trung Quốc.
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bất cứ một dân tộc nào nếu đã hình thành một nền văn học (của riêng mình), đều có hai loại văn chương: bác học và bình dân. Ngôn ngữ cũng có ngôn ngữ hàn lâm (trí thức) và ngôn ngữ đường phố (dân gian). Phê bình văn học, phê bình cách sử dụng ngôn ngữ là điều phải có để đất nước tiến lên.
Ngôn ngữ sẽ trở nên chính thống khi nó được phổ biến rộng rãi, được mọi người chấp thuận và được giảng dạy ở nhà trường. Sự đa dạng về ngôn ngữ là điều rất tốt chứ không phải là điều xấu, miễn là sự “đa dạng” được người dân hiểu và chấp nhận.
Nhà ngôn ngữ học đầu tiên (của nước ta) Phạm Quỳnh đã nói: “…tiếng Việt có sức sống vô cùng lớn, vì có thể mượn từ ngoại lai để làm giàu kho từ ngữ của mình. Nhờ mượn chữ Tàu (từ HV) mà tiếng Việt mỗi ngày một giàu thêm; mượn chữ Tàu thì mượn bao nhiêu cũng có thể tiêu hoá được… không kể ngày nay đôi khi có thể mượn thêm chữ Tây nữa…khi du nhập nước ta cũng được người Việt tiếp nhận, sử dụng toàn bộ…”
Sự du nhập những từ ngữ nước ngoài vào ngôn ngữ Việt có mặt tích cực: là làm phong phú, đa dạng thêm tiếng Việt; nhưng nếu lạm dụng những tiếng nước ngoài, nhất là du nhập không chọn lọc, dễ dãi: như các từ ngữ thô tục, ít học, tiếng lóng… “hậu quả sẽ giống như cỏ dại lan tràn rất nhanh, dần dần lấn át không gian của vườn hoa…” nó dễ dàng sẽ giết dần ngôn ngữ chính thống, tinh hoa (được thể hiện qua sách vở, văn học).
Tuy đề cao tiếng Việt, nhưng Phạm Quỳnh chủ trương rất đúng là nên sử dụng thêm từ HV ở mức vừa phải. Ông phản đối quan điểm cực đoan vì muốn bảo tồn tiếng thuần Việt mà bỏ hết từ HV (ông gọi là chữ Nho). Ông nêu ví dụ: Nếu nói “Ông vua Việt Nam đi chơi Bắc Kỳ nay đã về kinh rồi”, nghe sống sượng quá… Nếu dùng mấy chữ Nho (từ HV) mà nói “Hoàng thượng ngự giá Bắc Kỳ, nay đã hồi loan”, có phải là lời văn trang trọng biết bao!
Đúng vậy! như lời dạy cảnh báo của Thầy Đào Văn Bình:“…Thật đau buồn! Tiếng Việt – một ngôn ngữ được tổ tiên sáng tạo, dày công vun đắp, tô bồi với một kho tàng học thuật, văn chương lừng lẫy, nay đang bị tiếng Anh, tiếng Pháp lấn áp, loại bỏ giống như thời thuộc địa vậy…”.
Hơn trăm năm Trịnh – Nguyễn phân tranh, chia đôi đất nước với Đàng Trong và Đàng Ngoài. Gần trăm năm dưới thời thực dân Pháp, đất nước bị chia ba: Bắc Trung Nam, tác hại làm cho ba miền có ít nhiều điều chưa hiểu nhau. Rồi từ 1954 đến 1975 đất nước lại bị chia đôi, cho nên sự khác biệt về nhiều mặt lại gia tăng hơn nữa. Sau 1975, người Miền Bắc tràn vào Miền Nam rất đông và có rất nhiều điều không hiểu Miền Nam vì ngôn ngữ bất đồng.
Văn học Việt từ ngàn xưa đã sử dụng nhiều từ HV. Khi các chúa Nguyễn lập nghiệp ở phương Nam, do “kỵ húy” đã sáng tạo và bổ sung thêm, như các từ: võ, chánh, nhơn, phước… và phổ biến gần 500 năm rồi. Do đó không thể nói “vũ, chính, nhân, phúc…” là đúng; hay “võ, chánh, nhơn, phước…” là sai. Và ngược lại.
Các từ ngữ này sẽ cùng tồn tại và đó là sự đa dạng, làm phong phú thêm cho ngôn ngữ. Càng thêm yêu quý thì càng phải trân trọng và giữ gìn vẻ đẹρ, trong sáng của tiếng Việt.
Vài minh họa để thấy tính đa dạng và nét đặc sắc của tiếng Việt:
Ví dụ 1: Chữ MINH: từ HV, nhưng khi hình thành từ kép (từ đôi), (với đơn độc chữ MINH mà có đến nhiều chữ Hán khác nhau, đọc giống nhau “ming”), tùy thuộc vào trợ từ đi kèm mà nghĩa khác nhau.
minh明nghĩa là sáng sủa, như “văn minh文明”;
minh冥là tối tăm, như “u minh幽暝”;
minh鳴là chim hót, như “điểu minh鸟鳴”;
minh铭là tạc ghi, như “minh tâm铭心” ;
minh盟là thề ước, như “đồng minh同盟” v.v…
Nhận xét: Vấn đề thường gặp phải của từ HV là: “đồng âm, dị nghĩa” (chữ Hán khác nhau, cùng cách đọc và nghĩa khác nhau), nên phải hiểu nghĩa chữ Hán, thì sẽ khắc phục phần nào những nhầm lẫn (đáng tiếc).
Ví dụ 2: Chữ NHÂN (nhơn); từ HV là “đồng âm, dị nghĩa” (chữ Hán khác nhau, tùy cách đọc mà nghĩa khác nhau).
人 (rén) là người (con người), như nhân dân 人民,vĩ nhân 伟人;
仁 (rén) là thân mật (tính cách), hạt giống, như nhân ái仁爱,hạnh nhân杏仁;
因 (yīn) là lý do (nguồn), như nhân duyên 因缘, nhân quả 因果;
姻 (yīn) là nhà trai (nhà gái là hôn 婚), như hôn nhân 婚姻v.v…
Độc đáo là chữ NHÂN (nhơn) thuần Việt, như nhân tiện, phép nhân… (khác biệt với từ HV).
Ví dụ 3: nghĩa chữ VUA (thuần Việt) là người đứng đầu vương triều, thì chữ Hán đến ba chữ: hoàng 皇, đế 帝, vương 王…
*
Phạm Quỳnh từng nói rằng: “…Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin dầu lòng dốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh NGUYỄN DU, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!…”
Người xưa đã dạy: “Thay đổi mà tốt hơn, hay hơn thì hoan nghênh. Thay đổi mà xấu hơn, tệ hơn là phá hoại”. Khi sử dụng (vay mượn) những tiếng nước ngoài, đã có từ (ngữ) tương đương trong tiếng Việt thì liệu có nên chăng? Đó là kiểu lai căng, kiểu “ba rọi”!!?? Khi nói và viết tiếng Việt lại chen vào tiếng Anh, tiếng Pháp… Phải chăng đây là hiện tượng “mới lạ”, “thức thời”! hay là “tiêu cực”? và có đi ngược lại với lời dạy của Ông Cha ta: “ρhải giữ gìn vẻ đẹρ, trong sáng của tiếng Việt”.
Nếu không ngăn chặn kịp thời, loại ngôn ngữ lai căng, bát nháo, quái dị sẽ trở thành dòng chính của văn học…và khi đó thì đã quá MUỘN chăng?
*
Nguồn tham khảo:
Chào đón năm học mới 2023, Kỳ Thanh.
Hình ảnh thêm về Đôi điều về tiếng Việt