Quan tài ông Kofi Annan được đưa từ Thụy Sĩ về và đặt ở hội trường tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Accra, thủ đô Ghana trong ba ngày, từ 11 đến 13-9. Hàng nghìn người đã tới hội trường bày tỏ tiếc thương người con ưu tú của Ghana.
Các chính trị gia, lãnh đạo địa phương và gia đình chờ đợi để bày tỏ lòng tiếc thương với Kofi Annan trong đó có Tổng thư ký LHQ đương nhiệm - ông Antonio Guterres.
Là nhà ngoại giao người Ghana, ông Kofi Annan sinh ngày 8-4-1938, giữ vị trí Tổng Thư ký thứ 7 của Liên Hiệp Quốc (từ năm 1997 đến 2006). Ông là người có công lớn trong nỗ lực mang lại hòa bình thế giới và cuộc chiến chống lại đại dịch HIV/AIDS toàn cầu.
Cộng đồng Phật giáo thế giới còn biết ơn ông Kofi Annan về nỗ lực trong việc thông qua nghị quyết "Công nhận quốc tế về ngày Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và các văn phòng khu vực" (văn bản số A/54/L.59) vào ngày 15-12-1999.
Trên cơ sở đó, từ năm 2000, vào đầu tháng 5 hàng năm tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ) và các khu vực, Liên Hiệp Quốc tổ chức tưởng niệm ngày Phật đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn.
Hòa bình, hòa bình và hòa bình! Xuyên suốt các thông điệp Vesak của ông Kofi Annan từ năm 2002-2006 đều nhấn mạnh yếu tố hòa bình - bất bạo động trong lời dạy của Đức Phật, đó còn là lời kêu gọi thế giới cần ứng dụng lời Phật dạy để đem đến lợi lạc cho nhân loại. Giác Ngộ online trân trọng giới thiệu lược trích các thông điệp của ông khi còn làm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: ... Trong thời đại toàn cầu có nhiều bất trắc như hôm nay, quan niệm về hòa bình và về tiềm năng cao cả của con người được Đức Phật chỉ bày, trở nên thích ứng hơn bao giờ hết. Nếu muốn khắc phục những thách đố chúng ta đang đối diện hôm nay trong các lãnh vực hòa bình, an ninh, phát triển và bảo vệ môi trường toàn cầu, thì chúng ta cần thoát khỏi lối tư duy hẹp hòi và thiển cận vì lợi ích nhóm, đồng thời, chúng ta cần nâng lên tầm nhìn phổ quát hơn, trong đó phúc lợi của cộng đồng nhân loại rộng lớn trở nên quan trọng hơn phúc lợi riêng cá nhân. (Thông điệp năm 2002) ... Thông điệp của đức Phật là thông điệp về hòa bình và từ bi, đồng thời cũng là thông điệp về tỉnh thức, nhận biết bản thân, hành động của mình và nhận biết về thế giới xung quanh. Đây là thông điệp mà bất kỳ ai quan tâm đến khuynh hướng và vận mệnh của nhân loại cần nghiêm túc đón nhận. (Thông điệp năm 2003) Đạo Phật dạy rằng chúng ta cần ứng xử công bằng và khách quan với đồng loại, đồng thời phải kiềm chế ác tâm, sự hung hãn và ý muốn tổn thương người khác. Dù lòng khoan dung là rất cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta phải đi xa hơn nữa, trong nỗ lực tìm hiểu tha nhân và khám phá những giá trị tích cực nhất trong tín ngưỡng và văn hóa của người khác. (Thông điệp năm 2004) Khi kính mừng Đại lễ Vesak năm nay, chúng ta nên nhớ rằng, bất luận nguồn gốc, chủng tộc, văn hoá hay tín ngưỡng nào, chúng ta đều chia sẻ một quê hương chung, một hành tinh trơ trọi nhỏ bé, nơi chúng ta cần sống gắn bó với nhau. Hãy quyết tâm làm những việc mang lợi ích chung, nhằm xây dựng một đời sống hoà hợp và hòa bình giữa các dân tộc trên thế giới. (Thông điệp năm 2005) Kỷ niệm ngày Vesak năm nay, như đạo Phật đã dạy, chúng ta hãy cùng công nhận tính tương thuộc mật thiết giữa chúng ta. Cùng nhau quyết tâm hợp tác làm việc thiện và hợp tác cho sự sống chung hài hòa và hòa bình của mọi dân tộc trên thế giới. (Thông điệp năm 2006) Vân Tuyền dịch |