Cổ lai Bối Thủy kỷ nhân hồi
Rượu nho hảo hạng ly pha lê
Thèm say nhưng sếp dục lên đường
Sa trường đói khát quân sĩ mệt
Cổ lai Bối Thủy chiến sĩ hồi
Ghi chú:
Câu “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” trong thơ Vương Hàn có thể ám chỉ rượu nho và chén ngọc dạ quang.
Theo “‘Bồ đào tửu’, ‘dạ quang bôi’ trong thơ nổi tiếng của Vương Hàn thực ra là gì?” Tác giả Vương Trung Hiếu viết:
Bồ đào tửu mà Vương Hàn nêu trong câu thơ tức là rượu nho (vì bồ đào là quả nho). Rượu nho, còn được gọi là rượu vang, hay rượu chát, có nguồn gốc từ vùng Cận Đông khoảng 9.000 năm trước (cuối thời kỳ Đồ đá mới), về sau phổ biến dần đến Hy Lạp và Ai Cập cổ đại (do người Phoenicia mang rượu nho đi khắp nơi).
Riêng về dạ quang bôi (夜光杯) mà Vương Hàn viết, thực ra trong quyển Hải nội thập châu ký (海内十洲记), học giả Đông Phương Sóc cho biết vào thời Chu Mục Vương (992 - 922 TCN), người Tây Hồ cống nạp cho vua một con dao rất bén, chém sắt như chém bùn, được dùng để chế tác, điêu khắc những loại chén đựng rượu bằng ngọc trắng. Vào ban đêm, khi chứa đầy rượu nho, loại chén này sẽ phản chiếu trong suốt dưới ánh trăng, có thể đó là lý do cho thấy tại sao chén được đặt tên là dạ quang bôi.
Trong ‘Rượu bồ đào, từ mỹ tửu đến thần tửu,’ Vũ Thế Thành viết:
Giá trị nhất của “Lương Châu từ” không nằm ở bồ đào tửu hay dạ quang bôi, mà chính là ở hai câu thơ cuối. Những người sống trong thời chiến, mê rượu vang đã ngẩn người và thuộc lòng “Lương Châu từ” từ hồi chưa biết uống… rượu. Vương Hàn đã lãng mạn hóa tâm trạng người lính nơi trận tiền, sống nay chết mai, thành khúc bi ca bất tử. Vâng, đúng là khúc bi ca: “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.
Đồng ý rằng: Nam vô tửu như kỳ vô phong nhưng theo tôi, say sưa be bét trong lúc làm việc, trong lúc di chuyển, và nhất là đang điều khiển cơ khí như xe cộ, máy bay, ... thì chỉ có lợi bất cập hại, 利不及害, lợi chẳng bù hại – tưởng là có lợi nhưng thực ra cái hại còn lớn hơn. Huống gì trong lúc chinh chiến bảo quốc an dân nơi chốn sa trường.
Tả Quân Đô Thống Lê Văn Duyệt có mối thâm thù với Tiền Quân quân Đô Thống Nguyễn Văn Thành vì Nguyễn Văn Thành đã thường chê bai Lê Văn Duyệt và tướng sĩ của Tả Quân khi ra trận phải nhờ có rượu mới có dũng khí đánh giặc.
Trong khi đó, quân sĩ của Nguyễn Văn Thành rất kỷ luật, trong lúc thi hành quân vụ, cũng như khi lâm trận, nhờ nghiêm lệnh, cấm say sưa, bài bạc. Quân Nguyễn Văn Thành can đảm, đánh trận giỏi cũng nhờ có tướng tài, không nhờ rượu mới có dũng khí.
Tự cổ chí kim, trên thế giới, có quân đội nào, và quan quân nào chưa ra trận đã say sưa, cờ bạc trong quân, lại kiêu binh lúc về hậu cứ mà có thể chuyển bại thành thắng, trong lúc tuyệt vọng, thập tử nhất sinh, như trận Bối Thuỷ của Hàn Tín thưở xưa trong Hán Sở tranh hùng?
Hay gần nhất là trận Bối Thuỷ Dunkik. Anh Quốc đã thành công, vớt được 338,000 binh sĩ, nhờ tinh thần kỷ luật của liên quân Anh Pháp cùng ý chí kiên cường của quân và dân Anh?
“Churchill and his advisers had expected that it would be possible to rescue only 20,000 to 30,000 men, but in all 338,000 troops were rescued from Dunkirk, a third of them French. Ninety thousand remained to be taken prisoner and the BEF left behind the bulk of its tanks and heavy guns. All resistance in Dunkirk ended at 9.30am on 4 June, 1940.”
Khúc bi ca: “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.” Vận đúng vào những cấp chỉ huy lỗ mãng như Trương Phi, làm hại chết mình, chết quân sĩ, và nhất là hại nước, hại dân, làm hỏng đại cuộc.
Lê Huy Trứ
Hình ảnh thêm về Cổ lai Bối Thủy kỷ nhân hồi