- Mẹ này, hai ngày nữa mẹ sắp xếp lên trên này một hôm, đến chơi nhà anh Luân mẹ nhé, hai bác bên ấy muốn mời mẹ lên dùng bữa - Hạnh gọi điện về cho mẹ đang ở dưới quê.
- Ừ, thế mẹ có phải chuẩn bị quà cáp gì không con, đến tay không cũng kì - Mẹ loay hoay nghe điện thoại khi đang cuốc đất dưới trời nắng hè gay gắt.
- Thôi, thôi, quà cáp con chuẩn bị cả rồi, mẹ không phải chuẩn bị gì cả đâu - Hạnh dặn dò.
Dù Hạnh dặn là không cần mang quà cáp gì, nhưng mẹ cô vẫn chuẩn bị một ít món quà quê, cho cô và cho cả nhà bạn trai cô. Bà nghĩ, những món này ở thành phố không dễ gì tìm mua.
Người phụ nữ mới ngoài 50, nhưng đã trông như phụ nữ sắp 60 vì những vất vả cuộc sống hằn rõ trên khuôn mặt bà. Bà hớn hở xách theo túi đồ và túi quà, theo đường làng đi ra đường chính để đón xe lên thành phố. Bà con xóm giềng thấy bà phấn khởi liền hỏi han.
- Mẹ cái Hạnh lên thăm con gái trên thành phố đấy à? Cho tôi gửi lời hỏi thăm cháu nó nhé, lâu lắm không thấy cháu về thăm quê”
- Dạ vâng, cảm ơn bác, em sẽ nói với cháu nó. Thôi chào bác em đi cho sớm chuyến xe” Mẹ Hạnh đội chiếc nón lá ban nãy cầm trên tay, rồi tạm biệt người hàng xóm.
Bà bắt chuyến xe sớm, xe chạy băng qua miền quê nghèo hẻo lánh, nơi những thanh niên lần lượt rời quê lên thành phố học tập, rồi chọn đây làm nơi sinh sống, mưu sinh chứ không muốn trở về nữa. Nơi đây chỉ còn những bóng dáng còm cõi, ngày càng già nua, lưng còng với những xào ruộng và mỏi mắt ngóng con về thăm.
Xe vào bến, bà loay hoay xách mấy túi hàng ra khỏi thùng xe, một bác xe ôm già đi theo bà mời bà đi xe, bà thấy bác cũng lớn tuổi như mình, dang nắng để mời khách, mà đâu phải khi nào cũng có khách. Bà nói địa chỉ chỗ trọ của con gái nhờ bác chở đến đó.
Hai người lớn tuổi, hai mảnh đời, có chung lo lắng dành cho những đứa con của mình. Bác xe ôm kể với mẹ Hạnh, hàng ngày nắng hay mưa ông đều có mặt ở bến xe từ sớm, kiếm vài đồng từ khách, mà khách đi xe ôm càng ngày càng ít. Người ít tiền thì đi xe bus cho rẻ, còn người có điều kiện thì đi taxi. Nên đôi khi cả ngày không có khách nào cũng có. Bác nói lúc trước con trai bác khỏe mạnh, cậu ấy theo người ta đi làm phụ hồ, nhưng 2 năm trước bị tai nạn trong lúc đang xây dựng, anh bị đống vật liệu đè lên người, làm đôi chân anh bị liệt. Bác xe ôm bán cả nhà chữa trị cho con nhưng anh không thể phục hồi hoàn toàn. Đi đâu cũng phải nhờ vào đôi nạn, hàng ngày anh cũng vẫn cố gắng đi bán vé số, còn bác chạy xe ôm, đó là nguồn thu nhâp chính của hai cha con.
Mẹ Hạnh nghe câu chuyện của bác, thầm nghĩ mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều so với bác vì có cô con gái giỏi giang, có công việc ổn đinh ở thành phố, tuy nhiều lúc sống xa con bà vẫn có những lo lắng khôn nguôi và nhớ con da diết.
Bác xe ôm xách đồ hộ bà vào tận nhà, một ngôi nhà 2 lầu được Hạnh thuê trọn, mẹ Hạnh cảm ơn và đưa tiền cho bác và hứa nếu có dịp lên thành phố nữa sẽ nhờ bác chở đi. Bác xe ôm chào mẹ Hạnh, rồi lại lên xe lao vào dòng người mưu sinh.
Mẹ Hạnh đến nơi vào buổi sáng, không gọi điện báo trước, cuối tuần bà muốn để con gái có thời gian ngủ thêm một lúc nữa. Bà ngồi đợi ngoài cửa đến tận 9giờ sáng Hạnh mới thức dậy, thấy mẹ ngồi đợi ngoài cửa, cô giật cả mình.
- Trời, mẹ lên lúc nào vậy, sao không gọi con đi đón, đến rồi thì kêu cửa chứ, sao lại ngồi đợi ngoài này, buổi sáng trời lạnh lắm, mẹ mau vào nhà đi!
- Không sao mà, mẹ muốn con ngủ thêm chút nữa, mà dạo này con không lo ăn uống hay sao gầy thế, nhìn mẹ xót quá - Mẹ Hạnh nhìn cô con gái.
- Tại dạo này công việc con hơi nhiều, tẩm bổ lại là mập ngay đó mà, mà con dặn mẹ đừng mang theo quà cáp chi cho mệt mà sao mẹ khệ nệ lên một đống vậy - Hạnh phụ mẹ đưa đống bánh trái quà quê vào nhà.
Mẹ Hạnh vừa vào nhà, vừa sắp xếp đồ đạc đâu vào đó, bà xăn tay giúp con gái dọn dẹp lại nhà cửa, nhìn qua đã biết con gái thường xuyên bận rộn không có thời gian dọn dẹp nhà cửa và tự nấu ăn.
- Mẹ này, mẹ thử mấy bộ đồ này xem có đẹp không, mấy hôm trước con đi mua cho mẹ đó, chắc chắc mẹ mặc vô sẽ sang lắm nhé” Hạnh từ trên gác xuống , mang theo mấy bộ quần áo cho mẹ.
“Con mua làm gì cho tốn kém, mấy bộ đồ lần trước may mẹ mặc vẫn chưa mặc hết mà” Bà nhìn mấy bộ đồ có phần sang trọng không hợp với mình.
“Lần này, bố mẹ anh Luân mời mẹ lên thăm chơi, nên mẹ phải ăn mặc cho tinh tươm hơn thường ngày mới được - Hạnh đưa mấy bộ đồ ướm thử trên người mẹ mình.
- Mẹ ở dưới quê lên thì ăn mặc như vậy được rồi, cần gì phải phô trương hả con - Mẹ chân thành.
- Mẹ này, con nói cái này mẹ đừng giận con nhé, con nói với nhà bên đó mẹ là giáo viên về hưu, mẹ ráng giúp con lần này nhé - Hạnh có vẻ dò xét.
- Sao con phải nói như vậy, nói mẹ làm nông dân làm con thấy thua thiệt lắm sao? - Mẹ Hạnh nhìn cô không vui.
- Không phải, mẹ đừng nhìn con như vậy được không, chỉ là đây là thời điểm không thích hợp để nói, nghe là nhà giáo thì họ nghĩ con được sinh ra trong gia đình trí thức, như vậy cũng ổn hơn chứ mẹ.
Mẹ Hạnh nhìn cô thoáng buồn, có chút tự ái hiện lên trong đôi mắt bà “Mẹ nghĩ nói dối người khác không phải là cách hay đâu con, khi người ta phát hiện ra thì người ta không còn nghĩ tốt về con, cứ nói mẹ là một nông dân thôi không được sao con ?”.
- Con không muốn tranh cãi với mẹ, nhưng nhà anh Luân là một gia đình có bề thế, họ không quan tâm về giàu nghèo, nhưng họ quan tâm đến học thức và văn hóa gia đình, thì mẹ cứ nói như vậy thôi, có gì khó khăn quá vậy.
Mẹ Hạnh nhìn con, tự hổ thẹn với lòng chưa làm gì được cho con, mà còn làm con cái phải khó xử vì xuất thân nghèo khổ của mình, mắt bà ngân ngấn nước
“Thôi tùy con, con muốn thế nào mẹ sẽ làm thế đấy, miễn mọi chuyện thuận lợi cho con”
“Thật hả mẹ, cảm ơn mẹ nhiều” Hạnh ôm mẹ vui sướng, nhưng nào biết lòng mẹ đang nặng trĩu những suy tư.
Hạnh chở mẹ dạo quanh thành phố, mua sắm cho mẹ vài thứ linh tinh, dặn dò mẹ nhiều điều.
Luân đến trước nhà đón, mẹ cô ra mở cửa, Luân là một chàng trai trẻ 28 tuổi, có vẻ ngoài sáng sủa, lịch thiệp, toát lên phong thái của người trí thức, anh mặc áo sơ mi xanh, khoác nhẹ thêm chiếc áo vest. Nhìn thấy mẹ Hạnh anh lễ phép chào hỏi
“Dạ cháu chào bác, bác là mẹ Hạnh phải không ạ?”
“Chào cháu, cháu là Luân à?” mẹ Hạnh nhìn cậu hài lòng.
“Dạ, hôm nay bố mẹ cháu có làm bữa cơm thân mật, mời bác đến nhà dùng cơm ạ, bác cho phép cháu được chở bác và Hạnh đến nhà chơi ạ” Luân mời.
“Cảm ơn bố mẹ cháu và cháu nhé, cháu đợi bác vào gọi Hạnh cùng đi, Hạnh đang chuẩn bị đôi chút” Mẹ Hạnh quay vào trong gọi Hạnh và xách thêm mấy túi quà quê.
Luân đến đón hai mẹ con Hạnh bằng chiếc ô tô sang trọng, lần đầu tiên trong đời mẹ Hạnh được ngồi lên chiếc xe thế này, bà không khỏi xuýt xoa. Luân lịch sự mời bà vào ngồi ở băng ghế sau, Hạnh ngồi bên cạnh anh. Xe bắt đầu chạy.
“Thế công việc hiện tại của cháu là gì vậy Luân?” Mẹ Hạnh hỏi
“Dạ cháu hiện đang làm giảng viên đại học và làm ở một công ty kiểm toán nhỏ ạ ạ” Luân trả lời.
“Nhỏ gì chứ, anh ấy là giám đốc công ty kiểm toán quốc tế YN đó mẹ, nếu mà nhỏ thì không biết ai mới dám nhận mình là công ty lớn nữa” Hạnh bổ sung.
“Làm 2 việc cùng lúc như vậy chắc cháu vất vả lắm nhỉ? Thanh niên bây giờ có thật nhiều hoài bão” Mẹ Hạnh khen ngợi.
“Dạ cũng không vất vả lắm đâu, có Hạnh giúp cháu rất nhiều đó ạ” Luân nhìn Hạnh mỉm cười.
Mẹ Hạnh nhìn con gái đang đang hạnh phúc, lòng bà đầy hạnh phúc, cô con gái nhỏ ngày nào của bà, giờ đã tìm được người mình yêu thương và sắp có cuộc sống ổn định ở thành phố .
Xe dừng lại trước một tòa nhà bề thế, khang trang 3 lầu ở một quận trung tâm. Người làm chạy ra mở cửa và cúi chào cậu chủ của họ. Mẹ Hạnh bước xuống xe không khỏi choáng ngợp và vô thức “Ồ” một tiếng trầm trồ.
Bố mẹ Luân đứng trước bậc thềm ăn mặc sang trọng, tươi cười khi thấy mẹ Hạnh và cô.
Mẹ Hạnh cảm thấy tim mình đập nhanh hơn, bà không khỏi hồi hộp khi đứng trước một quang cảnh xa hoa như thế này, vừa mừng mà cũng vừa lo vô hạn.
“Chào chị, chị mới ở dưới quê lên chơi ạ, đi xe có mệt lắm không?” Mẹ Luân hỏi han.
“Dạ cảm ơn chị, tôi mới lên sáng nay, đi xe cũng không mệt lắm” giọng mẹ Hạnh có vẻ run run khi nhìn thấy mẹ Luân và mình là hai đẳng cấp hoàn toàn khác biệt.
“Mời chị và cháu vào đi ạ, chúng ta cùng dùng bữa. Hôm nay chính tay vợ tôi vào bếp đấy ạ” Bố Luân mời.
Bên trong căn nhà được chiếu sáng bằng những chum đèn tinh xảo, mà giá của nó có thể bằng cả gia sản của mẹ Hạnh. Cả cuộc đời bà, chỉ quanh quẩn ở quê với ruộng đồng, bùn đất, chưa bao giờ nghĩ có thể một ngày sẽ được đứng ở một nơi thế này, bà trở nên khúm núm, thiếu tự nhiên.
Thấy mẹ Hạnh có vẻ lạ lẫm, nhìn ngắm xung quanh với ánh mắt ngưỡng mộ. Hạnh lại gần khoác vai mẹ nói nhỏ.
“Mẹ làm ơn đừng có nhìn ngắm xung quanh kiểu như vậy được không, nhìn khó coi quá đi mất”
“Ừ, ừ mẹ biết rồi” Mẹ Hạnh cố gắng làm vẻ mặt thoải mái.
“Để tôi dắt chị đi tham quan nhà” Mẹ Luân nắm tay mẹ Hạnh
Mẹ Luân nở một nụ cười để xua tan bầu không khí có vẻ ngượng ngùng, bà dắt mẹ Hạnh đi khắp gian nhà với sự xa hoa , lộng lẫy mẹ Hạnh chỉ thấy trên TV. Sợ mẹ mình sẽ vô tình nó hớ gì đó, Hạnh cứ đi theo sát mẹ.
“Cháu Hạnh đây xinh xắn như vậy chắc là nhờ thừa hưởng từ chị” Mẹ Luân khen
“Thật sao, chị quá khen, tôi nào có xinh xắn gì đâu” Mẹ Hạnh nở một nụ cười đầu tiên trong suốt buổi tối.
“Em khen thật đấy, bằng tuổi chị mà ở thành phố, nhiều người phải đi spa, căng da, tiêm botox, và nhiều biện pháp để duy trì sắc đẹp, chị tuy giản dị như vậy mà ăn đứt nhiều người đấy” Mẹ Luân quan sát mẹ Hạnh.
“Chị khéo ăn nói thật đấy, toàn an ủi tôi thôi”
Nhờ cuộc nói chuyện về những phụ nữ cùng tuổi mà hai người mẹ đã trở nên tự nhiên, thoải mái hơn rất nhiều.
Đến bữa ăn, Hạnh khéo léo gửi tặng bố Luân một chai rượu van của Pháp.
“Cháu không cần phô trương vầy đâu, như thế này tốn kém lắm, chỉ cần đến dùng bữa là được rồi” Bố Luân từ chối không muốn nhận.
“Bác nhận cho cháu vui đi ạ” Hạnh thuyết phục.
Cảm thấy hơi khó xử, bố Luân đành nhận “Thôi ta sẽ nhận, nhưng lần sau đừng mua quà tốn kém thế này, ta không thích đâu, lương của cháu tuy cao nhưng sống một mình ở thành phố cần chi phí nhiều, cháu nên tiết kiệm thì hơn. Được rồi, nhưng ta sẽ gửi lại cho cháu một món quà khác”
Ông nói nhỏ với người làm gì đó, một lát sau, ông đưa cho Hạnh một thẻ mua sắm “Cháu dùng cái này, dắt mẹ đi mua sắm cho thỏa thích nhé, lâu mới có dịp chị nhà lên chơi, chị và cháu nhận chút tấm lòng của tôi nhé. Làm thế này hơi thất thố, vì đáng lẽ chúng tôi nên về quê thăm chị trước, đằng này chị phải đi từ quê đến thăm chúng tôi”
“Không có gì đâu ạ, anh đừng suy nghĩ” Mẹ Hạnh khua khua tay.
Mẹ Hạnh gửi tặng mẹ Luân hai bọc to, nào là bánh trái, rau củ ở quê
“Ôi chị cho quà nhiều thế này, em cảm ơn nhiều nhé, mang nhiều thế này đi xe cực lắm” Mẹ Luân nhận lấy.
“Cháu đã nói mẹ rồi, mà mẹ không nghe cứ nhất quyết mang theo” Hạnh giải thích.
“Không sao đâu chị, ở nhà quê chúng tôi, quà cáp mắc tiền không nhiều nhưng cây nhà lá vườn như thế này nhiều lắm ạ, anh chị trên thành phố tìm mua cũng khó” Mẹ Hạnh nói.
“Dạ đúng đó chị, trái cây, với bánh ở quê thế này là ngon nhất, em thích lắm, lâu rồi chưa được ăn, em cảm ơn chị lần nữa nhé” Mẹ Luân đon đả.
Bữa ăn ấm cúng, mẹ Luân và Luân gắp đồ ăn cho mẹ Hạnh, và Hạnh cũng gắp lại mời mẹ Luân và bố anh.
“Lâu rồi em mới vào bếp, không biết chị ăn có vừa miệng không ạ?” Mẹ Luân ân cần hỏi han.
“Ngon lắm ạ, tôi là lần đầu được ăn mấy món ngon thế này đấy ạ” Mẹ Hạnh thật thà.
“Ồ thế ạ, thế chị ăn nhiều vào nhé, chỉ mỗi chị khen em thôi đấy, bố con nhà này nó đi làm suốt có chịu về ăn cơm với em đâu, nên em cũng lười nấu” Mẹ Luân đưa đũa gắp thêm đồ ăn cho mẹ Hạnh.
“Nghe cháu nó nói anh nhà trước kia là bộ đội, còn chị là giáo viên ạ?” Bố Luân hỏi.
Mẹ Hạnh đang định mở miệng nói thì cô đã cướp lời trước “Dạ mẹ cháu là giáo viên, nhưng đã về hưu mấy năm gần đây rồi ạ”.
Hạnh đánh nhẹ chân mẹ dưới gầm bàn, bà nhìn cô rồi gật đầu “Vâng, tôi về hưu mấy năm nay”.
“Thế chị dạy môn nào ạ” Mẹ Luân bê dĩa trái cây đặt trên bàn.
“À tôi”
“Mẹ cháu dạy môn văn đấy ạ” Hạnh nói thay mẹ.
“Vậy ạ, thế tác giả nào chị yêu thích nhất ạ” Mẹ Luân lấy một miếng trái cây mời mẹ Hạnh.
Khuôn mặt mẹ Hạnh tự nhiên trở nên mất tự nhiên, với một người học đến lớp 2 là nghĩ, đọc hết một bài báo đôi khi còn quên mặt chữ thì lấy đâu biết ai là nhà văn, nhà thơ có tác phẩm nào mà yêu thích chứ. Bà chợt nghĩ ra một người mà ai cũng biết
“Nhà thơ Trần Đăng Khoa”
“À, em cũng thích nhà thơ này, khi còn bé bà mẹ nào cũng muốn có một đứa con như thế này đấy, thế chị thích bài thơ nào nhất” Mẹ Luân cứ thế vô tư hỏi tiếp.
Thấy mẹ Hạnh có chút lạ, Luân liền thay đổi không khí “Nói chuyện khác đi mẹ, mấy vụ văn thơ này con nghe không thấm” rồi nở một nụ cười thật tươi.
“Ừ, mẹ vô ý quá, thế chị lên đây chơi được lâu không ạ, có thời gian em dắt chị đi tham quan một số nơi” Mẹ Luân ngỏ lời.
“Cảm ơn chị, chắc mai tôi phải về rồi, tại con lợn nái ở nhà sắp sinh, nhờ con bé cháu qua trông được có một hôm. Với mấy xào ruộng sắp vào mùa thu hoạch rồi, đi lâu tôi không an tâm, chị biết không ở quê toàn làm nông đàn lợn với mấy xào ruộng là tài sản lớn lắm đó. Để nuôi cái Hạnh đi học, tôi chỉ trông chờ vào có chừng đó thôi đấy ạ” Mẹ Hạnh chân thành kể, Hạnh ngồi bên cạnh mặt có vẻ tối sầm lại về mấy câu mẹ mình vừa nói hớ.
“Tôi tưởng chị làm giáo viên cũng có đồng ra đồng vào, với có cả lương hưu nữa chứ” Bố Luân đưa tay chỉnh lại gọng kính.
Lúc này mẹ Hạnh mới thoáng nhận ra những gì mình vừa nói, nhìn con gái mặt đang khó chịu.
“Dạ mẹ cháu nói chung chung ấy mà, bác cũng biết lương giáo viên thì ba cọc ba đồng, tiêu sao cho đủ, phải tăng gia sản xuất thêm thôi” Hạnh chữa cháy.
“Vậy hả? Tại ta nghe cháu nói nhà cháu không làm nông, ruộng cho người ta thuê làm” Bố Luân tinh ý
“Dạ lâu cháu không về nhà nên cũng không biết mẹ cháu nay lại nổi hứng động tay chân” Hạnh gượng gạo.
“Tôi làm cho vui, ở không cũng thấy buồn” Mẹ Hạnh không nhai nổi miếng trái cây trong miệng, bà uống luôn một ngụm nước cho tất cả trôi xuống ruột.
“À thôi cũng đã muộn rồi, con xin phép đưa bác và Hạnh về nhà trước nhé bố mẹ, mai cô ấy phải đi làm sớm”
Luân đứng dậy, đẩy đẩy nhẹ để nhờ mẹ mình giảm bớt căng thằng, vì trước giờ bố Luân không có ấn tượng tốt về Hạnh cho lắm, ông luôn cảm thấy Hạnh không phải là một cô gái đơn giản, ngây thơ như bề ngoài của cô, mà luôn có tham vọng khó đoán. Nhiều lần ông đã có ý kiến với Luân, nhưng anh cứ cười xuề xòa cho qua. Lâu dần bố anh cũng không còn khắt khe như trước, nhưng chưa bỏ được thành kiến.
Suốt đoạn đường về nhà, khoảng cách giữa hai mẹ con chỉ là băng ghế trước và sau, nhưng thực tế nó lại trở nên xa vời, nặng nè đến kỳ lạ, bà tự cảm thấy mình có lỗi. Nhưng cũng cảm thấy cô con gái của bà sao trở nên xa lạ quá, chỉ vì muốn đổi đời bằng bước chân vào nhà giàu, mà sẵn sàng chối bỏ quá khứ của mình. Bà chợt chạnh lòng.
Sau khi Luân về, Hạnh dường như không kiềm nổi những suy nghĩ trong đầu mình lúc này. Hạnh quăng mạnh giỏ xách lên giường
“Mẹ có biết bố anh Luân sẵn đã không thích con rồi, hôm nay cộng thêm những câu nói hồn nhiên của mẹ, chắc chắn ông ấy sẽ không bao giờ chấp nhận con bước vào nhà đó với danh phận con dâu đâu. Mẹ biết để được như ngày hôm nay con đã cố gắng như thế nào để dũ bỏ cái hình ảnh nghèo khổ, quê mùa đeo bám từ khi sinh ra không?”
“Mẹ xin lỗi con” Bà bước sát lại cạnh cô, định ôm cô vào lòng như khi còn bé mỗi lần cô giận dỗi hay đòi gì không được bà vẫn thường lại gần an ủi như thế.
Hạnh gạt ra “Xin lỗi có thay đổi được gì đâu, con không hiểu nổi mẹ luôn đó, có chút chuyện con đã dặn đi dặn lại, thế mà mẹ cũng làm không xong”.
“Con nghĩ cứ nói dối người ta thì hay lắm sao, rồi khi người ta về quê xem nhà thì sao, sớm muộn gì người ta không biết nhà mình nghèo khó” Mẹ Hạnh lúc này không thể chịu đựng nỗi những gì con gái mình đang nói.
“Chuyện đó con sẽ lo, việc của mẹ là hôm nay làm y như lời con nói thôi, họ không quan tâm nhà chúng ta giàu hay nghèo, mà họ muốn người mà con họ lấy phải là con cái của gia đình có tri thức, chứ không phải là mấy người đến đọc chữ còn khó khăn, con cái nhà ít học” Hạnh tuôn ra một tràng.
Mẹ Hạnh không kiềm nổi mình tát Hạnh một cái thật đau, đứa con gái duy nhất, đứa con gái bà dành biết bao niềm yêu thương lại nói với bà những điều như vậy, nó nhục nhã vì mẹ nó ít học, vì mẹ nó nghèo hèn.
Cũng ngay lúc đó, bà chợt ân hận, khi nhìn con gái ôm mặt khóc, nước mắt bà cũng rơi theo. Hạnh lao vào nhà tắm, cô ngồi trong đó khóc.
Đã rất lâu hai mẹ con mới được gặp nhau, mới được ngủ chung, nhưng không phải là những lần thủ thỉ trò chuyện, kể khổ như trước kia, Hạnh quay lưng về phía mẹ, và không muốn nói gì với bà nữa.
Buổi sáng thức dậy, Hạnh đã không thấy mẹ bên cạnh nữa, cô ngồi thẫn người trên giường một lúc, nghĩ chắc mẹ đã về quê rồi. Cô bước xuống nhà một bữa ăn sáng đã được dọn trên bàn do chính mẹ nấu. Bên cạnh có một tờ giấy trắng ghi những dòng chữ xiêu vẹo, của đôi bàn tay chai sần vì làm việc “Mẹ về quê trước, con đừng lo, mẹ xin lỗi”.
Cô ngồi đó, không còn tâm trạng gì để ăn uống. Tự cười mình, luôn tham vọng sẽ sắp đặt chu đáo mọi việc, muốn những gì cô đã định sẽ diễn ra theo ý mình. Nhưng rồi mọi chuyện sẽ đi về đâu.
Cô bỏ lại bữa ăn sáng, thay đồ đến cơ quan.
Nhiều tuần trôi qua, mọi chuyện lại trở về quỹ đạo của nó. Cô vẫn thỉnh thoảng gặp Luân, ở công ty, cũng có lần đi ăn chung vì đã đến mùa kiểm toán, công việc rất vất vả, mỗi lần gặp Luân không hề đả động gì đến chuyện hôm trước. Anh thường như vậy, không bao giờ hỏi đến những chuyện người khác không muốn nói, chỉ khi nào người ta thật sự sẵn sàng muốn nói với anh thì anh luôn lắng nghe.
Một hôm Hạnh đang làm việc với khách hàng, số điện thoại ông chú ở quê gọi lên. Cô vội cúp máy, phần vì đang làm việc, phần vì không muốn nghe điện thoại của họ hàng. Ở quê cứ nghĩ cô siêu phàm lắm, hết con nhà này, nhà kia từ thi cử, học xong ra trường cứ nhờ vả cô xin việc hộ. Mà cô thì không ưa gì những chuyện này.
Sau ngày dài làm việc, Hạnh trở về nhà, mở điện thoại lên, đến hơn hai mươi cuộc gọi nhỡ của ông chú. Linh tính có chuyện chẳng lành, Hạnh mau cháu gọi lại, từng hồi chuông dài, cô lại càng cảm thấy lo lắng hơn, nhìn đồng hồ đã hơn 10h đêm.
“A lô, sau mày không ném điện thoại luôn đi, mày còn gọi lại làm gì, mẹ mày đang làm ngoài đồng thì ngất, đưa vào viện cấp cứu người ta kêu suy thận nặng, tao vừa chuyển viện cho mẹ mày lên đây. Mày không chịu nghe máy lại sợ chú mày nhờ vả chứ gì, con cháu quý hóa.” Ông chú hằn học nói từng câu chua chát với Hạnh.
Hạnh không còn đứng vững khi nghe những lời đó, hôm trước gặp mẹ, bà vẫn còn khỏe cơ mà, cô vội vàng hỏi lại
“Thế giờ mẹ cháu nằm viện nào ạ, để cháu tới”
Sau khi nghe chú nói, Hạnh lao nhanh đến bệnh viện, không còn biết suy nghĩ gì nữa, bộ đồ mặc trên người vẫn chưa kịp thay.
Đã quá giờ thăm bệnh, nên người ta không cho Hạnh vào thăm, cô chỉ đứng ngoài nhìn mẹ đang phải nhờ tới máy thở, lồng ngực cô đau nhói, người mẹ ấy, hôm trước còn nấu cho cô bữa sáng, thế mà cô không ăn. Người mẹ ấy lặn lội từ quê lên thăm cô, rồi bị cô làm cho đau lòng. Giờ đây bà đang nằm kia, thoi thóp với hơi thở nặng nề, lòng cô trào dâng sự hối hận vô tận.
“Sao mẹ cháu lại ra nông nỗi này” Cô quay sang hỏi người chú, trên người vẫn còn mặc nguyên bộ đồ lao động, chắc ông cũng chưa kịp sửa sang gì mà từ ngoài đồng đưa mẹ đi cấp cứu luôn. Sao lúc này cô thấy thương ông quá, giờ cô mới thấy mình ích kỷ, từ khi bố mất, chú luôn là người giúp đỡ gia đình cô nhiều nhất.
“Bác sĩ nói, mẹ mày chỉ còn mỗi trái thận, mà giờ nó lại sắp hỏng rồi. Ông ấy nói mẹ mày có tuổi, sức khỏe không tốt mà lại lao động vất vả, dinh dưỡng không tốt nên chỉ sợ…” Đôi tay sần sùi của chú đang đan vào nhau, ông vừa nói với cô vừa nhón người nhìn vào phòng bệnh.
“Sao kỳ vậy, hàng tháng cháu vẫn gửi tiền về mà, cháu đã dặn dò mẹ cháu không được làm việc nặng, riêng tiền cháu gửi mẹ cháu có thể ăn uống, mua sắm đầy đủ rồi mà, sao bà lại để bị thiếu dinh dưỡng vậy” Hạnh thắc mắc.
“Tao nói thật, mày đừng có đem mấy cái đồng tiền ranh của mày ra mà lên giọng, mẹ mày không thèm xài đâu, tiền mày gửi về, bà ấy mang hết quyên góp cho trường học, giúp lũ trẻ nghèo có điều kiện đi học ấy, ở quê ai cũng khen mày là người tốt có tinh thần khuyến học, chứ ai biết là do mẹ mày quyên góp, cộng cả phần do bà ấy lao động mà có nữa” Chú kể một hơi dài.
Hạnh lúc này không biết nói thêm gì nữa, nước mắt cô cứ thế lăn dài.
Buổi sáng, khi Luân vào viện thăm cô, anh xót xa nhìn cô chỉ sau một đêm đã phờ phạc đi rất nhiều. Anh mua đến cho cô ít đồ ăn sáng, ngồi cùng cô ở ghế đá ở vườn cây sau bệnh viện.
“Bao lâu rồi em chưa về thăm quê” Luân nhìn Hạnh đang thẫn thờ nhìn xa xăm.
“Sao anh lại hỏi em như vậy” Hạnh quay nhìn Luân, anh luôn hỏi những câu hỏi làm cô phải suy nghĩ.
“Em có thể không trả lời, anh chỉ tò mò vậy thôi” Luân mỉm cười.
“Từ tết năm ngoái, anh nói em mới thấy mình sao vô tâm quá, cũng cả gần năm trời chưa về quê xem mẹ sống sao nữa” Khuôn mặt cô lộ rõ cảm giác ân hận, phải rồi, quê cô cách thành phố có 100 cây số thế mà cả năm cô chỉ về nhà thăm mẹ được vài bữa tết.
“Để anh kể cho em nghe chuyện này nhé” Luân đề nghị.
“Tùy anh, nhưng lúc này em không có tâm trạng lắm đâu” Hạnh thở dài.
“ Anh chứ nói cho em biết, thực ra anh chỉ là con nuôi của bố mẹ anh” Luân vô cùng bình thản khi nói ra điều đó.
“Sao, anh là con nuôi” Hạnh vô cùng ngạc nhiên.
“Phải, thật ra bố mẹ ruột anh là nông dân ở dưới quê, bố mẹ nuôi anh, họ không có con, một lần về thăm bạn cũ là bố anh, họ ngõ ý nhận anh làm con nuôi, sẽ cho anh ăn học đàng hoàng, anh là con út trong gia đình. Lúc nhận nuôi cũng đã được 6 tuổi rồi, anh không chịu, khóc rất nhiều, đêm nằm bên mẹ, nghe mẹ dỗ dành lên thành phố chơi rồi ít bữa về lại. Nên dần anh cũng thuận theo.
Dù là bố mẹ nuôi nhưng họ thương yêu anh như con ruột, họ vẫn thường xuyên khuyến khích anh về quê chơi với bố mẹ ruột những lúc rảnh rỗi. Họ kêu dù làm gì cũng không được quên nguồn gốc, anh luôn thầm cảm ơn vì điều đó. Nên giờ anh luôn có hai gia đình, hôm nào anh sẽ dắt em về thăm quê anh, nơi đó bố mẹ anh cũng là những người nông dân hồn hậu chân lấm tay bùn như mẹ em.”giọng Luân đầy cảm xúc.
“Anh biết mẹ em không phải là giáo viên về hưu” Hạnh cảm thấy xấu hổ.
“Biết chứ, biết từ rất lâu rồi, từ khi anh đi làm tình nguyện cho chương trình tiếp sức mùa thi, có lẽ em không nhớ, nhưng anh vẫn nhớ hình ảnh một cô bé gầy còm, đôi mắt tràn đầy hoài bão cùng người mẹ mình khi đó khăn gói ở quê lên thi với gói cơm nắm, và nghỉ trưa bên gốc cây trong sân trường. Anh vẫn còn rất ấn tượng, nên về sau khi gặp lại em anh đã rất bất ngờ về sự đổi khác của em, nói thật anh vẫn thích vẻ gì đó thơ ngây của em trước kia” Luân hồi tưởng.
“Vậy anh chọn em vào công ty một phần coi như gặp lại người quen lạ hoắc năm nào hả” Hạnh nhăn mặt
“Một phần, nhưng cũng vì năng lực em rất khá, nên em hãy tự tin vì mình được chọn vì bản lĩnh của mình nhé” Luân cổ vũ.
Hạnh đã có chút thoải mái hơn hôm qua, lúc này điện thoại cô lại reo
“Hạnh về phòng cấp cứu mau đi, tình hình của mẹ cháu có chuyển biến không tốt” Chú Hạnh giọng gấp gáp.
Hạnh cùng Luân chạy vội về phòng, mẹ cô đã được chuyển vào phòng cấp cứu, lúc cô chỉ biết khóc.
“Mẹ em sao lại bị nặng vậy?” Luân hỏi.
Hạnh lúc này không thể nói gì được nữa, cô chỉ biết khóc nghẹn đứng ngoài phòng cấp cứu.
“Mẹ nó chỉ còn một trái thận thôi, mà giờ lại bị suy thận nữa nên…” Chú Hạnh nói thay.
“Sao chỉ còn một trái ạ” Luân vội vàng.
“Cái Hạnh này mấy năm trước, mẹ nó cứu sống nó đấy, nó sinh ra bẩm sinh có một trái thận bị hỏng, còn một trái đến vài năm trước, lại gặp vấn đề, thế là mẹ nó hiến thay cho nó một trái, nó mới sống khỏe mạnh tới giờ đấy. Mấy năm trước, sức khỏe mẹ nó còn tốt không để ý, nào ngờ giờ lại thế này.” Ông chú nức nở kể.
Ngay sau khi nghe chú của Hạnh kể, Luân đã chạy đi đâu đó, đến chiều khi mẹ của Hạnh đã có chút ổn định, anh trở lại trước mặt Hạnh.
“May quá , mẹ em có cơ hội được cứu rồi”
“Sao có thể chứ?” Hạnh xụi lơ
“Anh sẽ hiến thận cho mẹ em, anh vừa đi làm các xét nghiệm rồi, bác sĩ nói có thể” Luân vui mừng.
“Không được đâu, tuyệt đối không được” Hạnh ngăn cản.
“Em an tâm, không vấn đề gì đâu, bác sĩ nói mọi chuyện sẽ ổn” Luân trấn an tinh thần
“Không được đâu anh, hai bác sẽ không đồng ý đâu anh, nhỡ có chuyện gì, em sẽ sống cả đời có lỗi với hai bác” Hạnh nắm tay Luân.
“Anh đã gọi hỏi ý kiến cả hai bố mẹ, và thuyết phục họ rồi, bố anh nói anh hãy làm theo những gì anh quyết định vì anh đã là người trưởng thành rồi, đừng bao giờ hối hận vì điều đó. Em hãy cho anh cơ hội được thay em tỏ lòng hiếu thảo với người sắp trở thành mẹ của anh nhé” Luân đưa tay lau nước mắt cho Hạnh, rồi ôm cô vào lòng.
Ngày hai người cô yêu thương nhất cuộc đời được đẩy vào sau cánh cửa đóng kín, cô chờ đợi bên ngoài, tim cô đập liên hồi, cô không biết làm gì ngoài cầu nguyện cho họ. Cô hiểu rằng, tiền bạc, danh vọng trong cuộc đời lúc này không còn gì ý nghĩa, cô nguyện mất tất cả chỉ cần họ được bình an trở lại.
Cô cười chính mình, cô cố gắng rũ bỏ cái hình ảnh quê mùa của mình, cố gắng gây sự chú ý với Luân để được bước vào nhà giàu, để đổi đời, vì cô biết cô có giỏi tới đâu một mình cũng không trụ nổi ở đây. Nhưng không hề biết mình chỉ như diễn trò trước mặt anh ấy, vì từ lâu anh đã biết, anh chỉ âm thầm muốn cô hãy trở lại với chính mình, và chính anh cũng dạy cô về đạo hiếu. Cô chưa từng suy nghĩ cô có yêu anh thật không hay chỉ yêu tham vọng của mình. Giờ phút này cô đã cảm thấy rõ ràng, từ sâu thẳm trên cả tình yêu là sự biết ơn, khâm phục lớn lao dành cho anh.
Thời gian trôi đi, cô càng hồi hộp, gần như phát khóc.
Bác sĩ bước ra, tháo khẩu trang, ông cũng đã mệt mỏi sau ca mổ dài, khẽ mỉm cười và đưa ngón tay cái, biểu hiện ca mổ thành công, cô lúc này dựa vào chú mình khóc òa như một đứa trẻ.
Mẹ cô và Luân được đẩy ra, họ còn rất yếu, thuốc mê chưa hết hẳn, cô đi theo nắm lấy tay họ và thầm hứa rồi từ nay về sau cuộc đời cô sẽ dành trọn để mang lại hạnh phúc cho họ.
P/S: Tình yêu thương đơn giản lắm, chỉ cần bạn nhìn ra xung quanh chúng ta, tình yêu đầu tiên hãy dành cho người gần ta nhất. Đây là câu chuyện mình viết tặng các bạn, những bạn trẻ trên dòng đời tấp nập, vô tình chúng ta quên đi tình mẹ, quên đi người đã dành cho ta bao nhiêu yêu thương rồi nhận về mình không ít những khổ đau. Mùa Vu Lang báo hiếu sắp đến, hãy tỏ lòng biết ơn đến Cha – Mẹ những người luôn bên cạnh chúng ta.
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”