Tu viện Dhammarajika tọa lạc gần Ga Hỏa xa Kamalapur ở khu Basabo của Dhaka. Kể từ năm 2013, từ 5.30 p.m. hàng ngày, sư trưởng của tu viện là Hòa thượng Suddhananda đã cung cấp những gói thực phẩm trong mùa Ramadan. Bên ngoài chùa, những hàng dài người nghèo, chủ yếu là phụ nữ, nhận những gói iftar từ các nhà sư.
“Hàng ngày chúng tôi thường phân phát 300 gói vật phẩm iftar cho những người Hồi giáo nghèo”, Hòa thượng Suddhananda nói. "Phật giáo dạy chúng tôi rằng phục vụ nhân loại là tôn giáo tối thượng. Chúng tôi đang nuôi dưỡng các tín đồ Hồi giáo nghèo không có đủ khả năng để chi trả cho các bữa ăn tối", sư Suddhananda Mahathero, trụ trì của tu viện, cho biết.
Ông rất tiếc về những sự cố gần đây liên quan đến bạo lực giữa tín đồ Phật giáo và Hồi giáo Bangladesh,và ông kiên định việc thực hiện nhiệm vụ tôn giáo về tôn trọng mọi tín ngưỡng và phụng sự những người dễ bị tổn thương của mình.
Vào tối thứ Hai (6-7), hơn 300 người Hồi giáo đang chờ đợi ở cổng tu viện trong khu phố Basabo của Dhaka để nhận được một vài món ngon Iftar.
"Tôi có thể thưởng thức một vài món ăn ngon được phục vụ bởi tình yêu thương và sự chăm sóc", bà Amena Khatun, 70 tuổi, người đã đi bộ vài cây số đến đây nói.
Trong khi một nhà sư trẻ phân phát các vé nhận thực phẩm cho người Hồi giáo nghèo, cảnh sát đã có mặt để đảm bảo quá trình được duy trì trong trật tự.
"Đây là một điển hình tuyệt vời của sự hòa hợp tôn giáo: thể hiện sự tôn trọng và tình cảm đối với những người hàng xóm ăn chay mà không nghĩ đến sự khác biệt về tôn giáo", cảnh sát viên Asad Uzzaman nói.
Người Hồi giáo chiếm khoảng 90% trong số 160 triệu dân Bangladesh, cùng với một cộng đồng nhỏ bé người theo Phật giáo cư trú chủ yếu ở các huyện phía đông nam của đất nước có chung đường biên giới với Myanmar.
Trong tháng 9-2012, hàng chục ngàn người Hồi giáo đã phá hoại và đốt gần một chục ngôi chùa Phật giáo ở miền nam nước này khi cáo buộc rằng một người đàn ông theo đạo Phật đã báng bổ kinh Koran.
Nhiều người Hồi giáo đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để cảm ơn tu viện Dharmarajika trong việc phân phát thực phẩm, đăng hình ảnh các nhà sư cung cấp thức ăn trên Facebook. Những người khác ca ngợi các nhà sư trên Twitter.
"Tôi thực sự đánh giá cao sáng kiến này và cảm ơn họ", Nur Hossain, một nhân viên ngân hàng, cho biết.
Tu viện được thành lập vào năm 1949 và là nhà cho hơn 700 trẻ em mồ côi đang theo học tại một trường học miễn phí do tu viện điều hành.