Hai chị em tôi từ nhỏ đã được ở với bà ngoại. Vì bố mẹ bận công việc nên hầu hết thời gian chúng tôi đều được bà chăm sóc. Không giống như những người bà khác, bà ngoại tôi là một người khá đặc biệt.
“Thương cho roi cho vọt
Ghét cho ngọt cho bùi”
Bà tôi lúc nào cũng áp dụng câu nói này vào trong việc dạy con cái và các cháu. Tôi vẫn nhớ lúc nhỏ mỗi khi làm điều gì sai bà luôn bắt tôi úp mặt vào tường. Còn nếu khi nào cãi láo bà sẽ đánh ngay lập tức chứ không phải là mắng yêu hay im lặng. Lúc ấy tôi ghét bà lắm. Tôi luôn nghĩ bà không yêu mình bằng chị nên mới suốt ngày mắng với đánh tôi đau đến vậy. Nhưng rồi sau này khi lớn lên tôi mới thấy biết ơn vì bà đã không chiều chuộng và làm hư tôi.
Tôi vẫn nhớ hồi nhỏ bà dạy tôi rất nhiều thứ. Bà dạy tôi cách gấp hoa sen khi dâng Phật. Từng động tác bà làm rất nhẹ nhàng và khéo léo. Bà bảo bà học lúc đi chùa, nhìn người khác làm rồi nhớ để về nhà học lại. Bà tôi luôn nhắc làm gì cũng phải cẩn thận và tỉ mẩn nhất là hoa quả khi dâng lễ Phật, lúc nào cũng phải đặt vào đó một sự kính cẩn và một cái tâm chân thành.
Không chỉ dạy về công việc nội trợ bà còn chỉ cho tôi cách ăn mặc của một người con gái. “Lúc nào cũng phải nhớ con gái ăn mặc phải kín đáo, quần mặc phải dài qua mắt cá chân, áo mặc sao khi ngồi vạt áo phải chạm ghế. Có như thế người khác mới tôn trọng mình được. Xưa cụ ông dạy vậy đó”. Lúc ấy tôi cứ nghĩ bà cổ hủ, sống phải thoáng lên chứ. Đây là thời đại công nghệ phát triển chứ có phải thời bao cấp như xưa đâu. Nhưng giờ thấy phong cách ăn mặc của các bạn nữ tôi mới thấy bà dạy đúng thật. Giờ người ta mặc hở hang và sexy quá. Cái gì cũng phơi bày hết ra có gì là hay đâu. Nhiều lúc vẩn vơ suy nghĩ tôi thấy chắc tôi già rồi, nhìn đâu cũng thấy chuẩn mực đạo đức bị xô lệch hết cả.
Tôi vẫn nhớ rõ bà luôn dạy tôi cái gì cũng phải học, phải biết, từ những chuyện nhỏ đến chuyện lớn như đóng đinh, khâu vá đến việc xây nhà như thế nào, phải chọn loại gỗ nào để đóng tủ cho bền. Tất cả việc gì con trai làm được tôi cũng cần phải học. Bà bảo cuộc sống bình đẳng con nào cũng như nhau. Có biết làm nhiều việc thì mới không phải làm phiền đến người khác, rồi lúc bị cuộc đời vứt đi đâu cũng sống được. Ngôi nhà hồi bà ở cũng do bà tự thiết kế rồi chỉ thợ làm. Ai cũng khen bà giỏi, là phụ nữ mà cái gì cũng biết. Những lúc được mọi người khen bà không bao giờ tự phụ hay kiêu ngạo, bà chỉ cười mà nói: “Một nghề thì sống – Đống nghề thì chết. Biết nhiều thì khổ chứ sướng gì đâu”.
Ở làng hầu như ai cũng quý bà. Bởi bà thẳng tính và thương người. Hầu như ai gặp khó khăn gì bà cũng đều giúp. Nhưng lúc nào bà cũng giúp đỡ bằng lý trí chứ không phải bằng cảm tính. Dạo ấy, nhà hàng xóm có anh con trai bị nghiện, bà mẹ gầy gò với khuôn mặt khắc khổ sang vay bà tôi tiền cho con mua ma túy. Nhưng bà tôi không cho. Bà bảo nhu nhược là hại chết con mình. Đã sa chân vào con đường ấy thì phải nuốt nước mắt vào trong mà cho con đi tù. Có như vậy nó mới tỉnh ngộ được. Lúc ấy ai cũng nghĩ bà tôi ích kỷ, đã không giúp mà con nói người ta vậy.
Bẵng đi một thời gian tôi nghe thấy mọi người nói con trai bà hàng xóm đã đi tù. May không đi cùng mấy đứa bạn bởi mấy anh ý chơi quá liều bị sốc thuốc chết hết. Anh hàng xóm may được đi tù mà giờ vẫn sống khỏe mạnh, đang cố gắng cai nghiện để làm lại cuộc đời. Lúc ấy tôi thấy bà nói đúng thật. Đúng là “Khẩu xà tâm Phật”.
Rồi bà phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối, phải đi hóa trị rụng hết tóc. Xưa bà tôi yêu mái tóc lắm. Bà kể có biết bao ông cũng mê bà vì mái tóc này. Nó dài và mượt vô cùng. Lúc bà búi tóc lên nhìn cái gáy cao cao có vài lọn tóc rơi xuống, rồi mặc bộ quần áo lanh màu nâu trầm toát lên một nét cao sang và ý nhị, kín đáo. Tôi biết bà buồn lắm đêm đêm bà toàn khóc một mình. Nhưng sáng hôm sau lại bình thường như không có chuyện gì để con cháu không phải lo lắng. Tôi cũng được thừa hưởng mái tóc của bà. Tôi toàn nhờ bà vấn tóc để cho bà vơi đi nỗi buồn. Bà thường dặn tôi: “Cái răng cái tóc là góc con người. Lúc nào cũng phải chăm sóc cho nó. Tóc dài thì cắt ngắn đi chứ đừng nhuộm mấy cái thứ hóa chất rồi sớm muộn cũng hỏng cả mái tóc”.
Bà cố gắng được khoảng mấy năm rồi mất. Tôi vẫn nhớ rõ những ngày sức khỏe yếu, lúc gần đất xa trời mà bà lúc nào cũng để trên đầu cuốn Chú Đại Bi. Hôm nào khỏe khỏe một chút thì bà ngồi dậy, dựa lưng vào giường ngồi đọc. Khi nào yếu thì bà để trên đầu, chắc làm vậy sẽ thấy bà cảm thấy an tâm. Lúc ấy tôi cũng chả biết bà đọc gì. Tôi chỉ biết mỗi niệm Phật chứ không hiểu mấy sách mà bà hay đọc. Đúng là những lúc nguy nan, khó khăn chỉ cần có một điều gì đó giúp ta tin tưởng thì sự mạnh mẽ trong con người sẽ trỗi dậy.
Bà tôi có một lòng tin Phật rất tha thiết. Mỗi khi nhìn bà lễ Phật, ánh mắt của bà da diết như đang được gặp người cha thân yêu của mình. Dường như bà đang kể hết những nổi khổ đau đang phải chịu đựng vì bệnh tật hoặc có khi bà đang muốn nhắn gửi những nỗi lòng sâu kín của mình. Bà lo cho đàn con, đàn cháu còn thơ dại chỉ mong Đức Phật thương xót che chở cho chúng. Tôi chỉ đoán vậy thôi bởi trong ánh mắt bà có lẽ đang ẩn chứa biết bao cung bậc cảm xúc phức tạp.
Ngày bà mất, trái tim tôi chết lặng. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng với tôi nó diễn ra đột ngột quá. Giờ khi hiểu thêm một chút về đạo Phật, tôi mới hiểu bà ra đi cũng là một điều tốt. Nếu ở lại cõi trần thế này chắc bà còn phải chịu đau đớn lắm. Làm sao tôi có thể ích kỉ mà giữ bà lại mãi bên mình khi bản thân không bao giờ có thể hiểu được cảm giác mà bà đang phải chịu.
Tôi luôn biết ơn vì bà đã dạy cho tôi những bài học về cuộc sống. Bà dạy tôi cách sống như một chiến binh chứ không để tôi sống trong cung điện như một cô công chúa. Tôi vẫn khắc ghi lời bà dặn không lâu trước khi đi xa.
Bà nói: “Cháu là phật tử nghĩa là con của Phật. Đức Phật đã tìm ra được chân lý cao cả nhất, đó là đạo GIÁC NGỘ và GIẢI THOÁT. Bởi vậy, nhiệm vụ của cháu là phải sống có ích, giữ đạo của một người con Phật. Cuộc sống này rồi còn nhiều sóng gió nhưng cháu hãy luôn giữ vững niềm tin. Cháu phải sống sao cho khi nhắc đến mình là một đệ tử của Phật thì đó phải là một sự tự hào. Tự hào - vì cháu đã có một người Thầy vĩ đại”.
Nguyễn Linh Chi
- sinh viên Khoa Quan hệ Công chúng & Quảng cáo, Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Hình ảnh thêm về Bà tôi