Hãy tiếp tục với các kinh nghiệm ăn uống dành cho Phật tử được chia sẻ bởi chuyên viên y tế Kerry Monaghan.
Trong khóa tu, mỗi bữa ăn đều là tự nấu, bao gồm bánh mì mới nướng, súp và rau hầm. Chính vì thế, các món ăn chứa không quá nhiều muối, không chất bảo quản, và hương vị thì rất tươi mới.
Tôi luôn luôn khuyến khích khách hàng của mình tự nấu nướng thường xuyên hơn. Bởi lẽ, việc ăn uống khỏe mạnh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu như ta có thể kiểm soát quá trình chuẩn bị thức ăn nhiều hơn. Hãy bắt đầu với bữa sáng, và dần dần chuyển sang các bữa khác.
Các món ăn tự nấu không chứa nhiều muối, không chất bảo quản, rất có lợi cho sức khỏe.
7. Dùng bữa sau khi thiền định
Lịch trình của chúng tôi tại thiền viện là thực hành thiền định trước bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Nhờ vậy mà trước mỗi bữa ăn, mọi người đều trong trạng thái bình tĩnh, thư thái. Đây là một điều tốt bởi lẽ ăn uống với tâm trạng thoải mái trong không gian tĩnh lặng vốn rất có lợi cho quá trình tiêu hóa.
Nếu không vào chùa hoặc tham gia khóa tu, phần lớn chúng ta đều không hành thiền 3 lần một ngày . Tuy nhiên, việc hít thở sâu cũng rất có tác dụng. Hãy dành ra một vài phút để thể hiện sự biết ơn với bữa ăn, và dùng bữa một cách thoải mái, tĩnh tại và thảnh thơi.
Ở thiền viện, mọi người luôn dùng bữa khi không có TV hay báo đài làm xao nhãng. Các bữa ăn được diễn ra trong sự tĩnh lặng tuyệt đối.
Tôi đặc biệt thích dùng bữa sáng trong yên lặng, bởi lẽ buổi sáng là thời gian tốt cho việc suy ngẫm nhất. Ngoài ra, sẽ rất tuyệt vời nếu ta bắt đầu ngày mới một cách thanh bình, không có tiếng ồn ào huyên náo. Nếu chưa bao giờ ăn uống trong không gian yên lặng, bạn nên thử. Đây là một thói quen rất hữu ích.
Mỗi ngày tại khóa tu, bữa sáng đều là cháo, nhưng là với những nguyên liệu ăn kèm khác nhau như hạt bí ngô, nho khô, quế, yến mạch. Bữa trưa và bữa tối thì đa dạng hơn.
Tôi luôn khuyến khích khách hàng của mình tổ chức các bữa ăn trong ngày một cách hệ thống. Trong bữa sáng, tôi dặn họ tìm một thứ mình thích, và luôn luôn dùng nó. Làm như vậy, công tác chuẩn bị vốn đã rất ngắn ngủi cho buổi sáng sẽ diễn ra trôi chảy hơn, giúp cơ chế tiêu hóa trong cơ thể diễn ra nhịp nhàng hơn.
Mặc dù có một đầu bếp chuyên biệt đảm nhận việc nấu nướng trong khóa tu, mọi người vẫn làm các việc vặt trong ngày và giúp đỡ đầu bếp chuẩn bị trước mỗi bữa ăn, dọn dẹp sau khi ăn xong.
Nhờ vậy, tất cả mọi người đều góp phần vào bữa ăn, từ đó cảm thấy biết ơn hơn với người đã nỗ lực nấu cho cả nhóm.
Lam Lan (theo Mind Body Green)