Khái niệm “ bình thường”, “ bình thường mới” ở VN xuất hiện từ các văn bản chỉ đạo của nhà nước trong đại dịch vốn đã mang ý nghĩa sự thích nghi với tình trạng dịch bệnh kéo dài tác động lên toàn bộ đời sống xã hội.
Hoạt động sống căn bản không thể ngưng nghỉ: sản xuất, sinh hoạt, học tập, thị trường... Sự hạn chế, phong toả, tiết giảm bằng biện pháp hành chính có giới hạn, không thể đụng đến nhu cầu sống cơ bản của cin người- ở VN, nhà nước dùng cụm từ “ hoạt động thiết yếu” để chỉ.
Học online là sự thích nghi của hoạt động giáo dục, dựa vào công nghệ. Nhà nước hội họp trực tuyến, không chỉ ở VN, các hội nghị quốc tế cũng khai thác phương pháp trực tuyến để vẫn duy trì hoạt động cần thiết nhưng tránh lây nhiễm. Giao tiếp giữa nhà nước và công dân vận dụng công nghệ, qua đường truyền. Nhiều lĩnh vực hoạt động chuyển sang làm việc ở nhà, bằng máy tính.
Sự thích nghi của đời sống trong khu vực phong toả toàn diện như Sài Gòn còn có thể thấy qua bữa ăn gia đình, kệ hàng ở siêu thị: các loại củ thay cho rau xanh. Chuyển vận hoa màu từ vùng trồng trọt vào thành phố bị thắt chặt, các loại củ có thể để dài ngày là giải pháp thay thế rau xanh.
Bữa ăn của một cư dân trung lưu ở Sài Gòn trong giãn cách mà tác giả bài viết được biết: bò viên chế biến sẵn xào với hành tây, thêm dưa leo thái mỏng ở bữa trưa. Bò viên đóng gói mua vét ở siêu thị, dùng nhiều ngày. Có tiền cũng không thể mua hàng như lúc thường vì không thể đi xa, ngay mua online cũng không giao hàng xa được. Có cái gì đấy mang hơi hướng của thời bao cấp thời hậu chiến, dù nguyên nhân khác nhau.
Các loại củ như khoai ( có khá nhiều loại), cà rốt, hành tây, bí...trồng tốt ở xứ mình, dễ vận chuyển, bảo quản đúng cách dùng khá lâu, lại cung cấp dinh dưỡng thực vật thay rau khá phù hợp. Về ví dụ này, dùng củ thay rau, đúng là khó ló cái khôn của người nội trợ.
Khó có thể liệt kê hết những biểu hiện thích nghi của con người trong đại dịch và đấy chính một thuộc tính trong đấu tranh sinh tồn của con người, tự nghìn xưa.
Nguyễn Thành Công