Và, chúng tôi đã không hoài công khi được tận kiến nhiều câu chuyện hấp dẫn trên vùng đất này.
Độc đáo phật giáo Nhật Bản
Lâu nay, Nhật Bản được đại đa số người Việt chúng ta biết đến như là một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu của thế giới, song rất ít người biết rằng, đây còn là một trong những quốc gia Phật giáo với số lượng tín đồ nhiều vào loại bậc nhất thế giới.
Theo quyển "Niên giám tôn giáo" do Cục Văn hóa Nhật Bản phát hành, có 127 triệu người dân Nhật tự coi mình là Phật tử và khoảng 250 ngàn tăng, ni.
Cũng theo tài liệu trên, toàn lãnh thổ Nhật Bản hiện có khoảng 75.000 đền, chùa và hơn 30.000 tượng Phật các loại, đây là con số vô cùng lớn khi đem so sánh với các nước Phật giáo khác.
Tuy nhiên, do đặc thù điều kiện địa lý, đó là nằm gần quốc gia có nền văn hóa phát triển cực thịnh trong quá khứ là Trung Quốc nên Nhật Bản chịu ảnh hưởng bởi Đạo giáo.
Song song đó, người dân Nhật còn bị hưởng bởi truyền thống thờ thần hay được gọi là Thần giáo bản địa. Thế nên, khi được du nhập vào từ thế kỷ thứ 7, Phật giáo đã từng bước hội nhập, giao thoa với Thần Giáo, Đạo Giáo để tạo ra cho mình một bản sắc riêng.
Hay nói cách khác, ở Nhật dường như không có sự phân biệt rõ ràng giữa Phật giáo và các tôn giáo còn lại. Rất nhiều ngôi đền vừa thờ thần, vừa thờ Phật và ngược lại.
Và một khi nhắc đến Phật giáo Nhật Bản, không thể không nhắc đến vùng Kansai, một trong 9 vùng địa lý của Nhật Bản.
Nằm ở vùng trung tây của đảo Honshu, vùng Kansai, nơi có cố đô Kyoto một thời được xem là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị và tôn giáo của vương quốc Nhật Bản từ thế kỷ thứ 8 cho đến thế kỷ thứ 19.
Ngoài đường biển ra thì đường hàng không chính là cách duy nhất còn lại để du khách đến hòn đảo này. Và sân bay quốc tế Kansai chính là cửa ngõ để bước vào không gian sống đầy hấp dẫn của vùng đất này.
Được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo có diện tích trên 500 ha và kéo dài trong vòng 4 năm (từ năm 1990 - 1994), sân bay quốc tế Kansai được xem như là biểu tượng cho ý chí kiên cường trong việc chinh phục thiên nhiên của người dân Nhật Bản.
Được ví như là một hàng không mẫu hạm, mỗi năm sân bay Kansai đón trên 10 triệu hàng khách và nhiều năm liền được xếp vào danh sách 10 sân bay có chất lượng phục vụ tốt nhất thế giới.
Khám phá thành cổ Osaka huyền bí
Rời sân bay quốc tế Kansai, vượt qua chiếc cầu treo khổng lồ, chúng tôi có mặt tại trung tâm thành phố Osaka, trái tim của toàn bộ vùng Kansai.
Với dân số khoảng 2,7 triệu người, Osaka được xem là thành phố lớn thứ ba ở Nhật Bản.
Thành cổ Osaka
Trong thời kỳ Edo, từ năm 1603 đến năm 1867, Osaka là một trong những thành phố chính và đóng vai trò như là một hải cảng quan trọng bậc nhất ở miền trung Nhật Bản.
Ngày nay, Osaka không chỉ được biết đến như là một trung tâm kinh tế-văn hóa mà còn là một biểu tượng cho ngành công nghiệp du lịch của vùng Kansai.
Một trong những danh thắng tạo nên sự nổi tiếng và hấp dẫn của Osaka nói riêng và vùng Kansai nói chung là đây - thành cổ Osaka.
Tên gọi nguyên bản của nó là Ozakajo- là một trong những thành quách nổi tiếng và đóng một vai trò quan trọng trong việc thống nhất Nhật Bản vào cuối thế kỷ 16.
Lâu đài Osaka nằm trên khu đất chỉ rộng một km 2 . Nó được xây trên hai bệ đá cao tựa vào hai vách tường đá dựng đứng, bao quanh bởi hai con hào. Kiến trúc lâu đài trung tâm có 5 tầng ở phía ngoài và 8 tầng ở phía trong, và được xây trên một tảng đá cao để bảo vệ người trong thành chống lại những kẻ tấn công bên ngoài.
Theo các tài liệu lịch sử còn lưu lại, thành Osaka ngày nay được xây dựng trên nền một ngôi chùa cổ có tên là Ishiyama Hongan.
Người khởi xướng xây dựng chùa Ishiyama Hongan có tên là Liên Như - một trong những người truyền giáo vĩ đại của Tịnh độ chân tông Nhật Bản vào năm năm 1496.
Mặc dù ý tưởng ban đầu của đại sư Liên Như chỉ là mong muốn tìm một nơi biệt lập để nghỉ ngơi trong yên tĩnh, thế nhưng do thanh danh và đức độ của ngài nên chùa Ishiyama Hongannhanh chóng thu hút nhiều đồ đệ đến tu học và hành đạo.
Ngôi chùa nhỏ mà Liên Như cho xây dựng dần được mở rộng, kèm theo đó rất nhiều nhà cửa và công trình được dựng lên để phục vụ cho những cư dân mới. Khi Liên như qua đời ba năm sau đó, hình dáng và kích thước của chùa Ishiyama Hongan nói chung đã được định hình.
Sau khi chùa Yamashina Mido, một ngôi chùa có cùng niên đại với chùa Ishiyama Honganbị phá hủy năm 1532, chùa Ishiyama Hongan trở thành trung tâm của Phật phái Tịnh độ tông của vùng Kansai.
Tuy nhiên, năm 1583 để phục vụ cho mục đích quân sự, lãnh chúa Tomiyomi Hideyashi- một trong hai người được lịch sử ghi nhận như là người có công thống nhất Nhật Bản đã cho phá hủy chùa Ishiyama Hongan để biến nó thành một pháo đài kiên cố.
Du khách du lịch đến thăm thành cổ
Sau hơn 300 năm trải qua nhiều thăng trầm cùng thời gian và thời cuộc, thành Osaka vẫn đứng vững trước lịch sử như một chứng nhân về những thời kỳ vàng son cũng như đen tối trong lịch sử xứ Phù Tang.
Sau nhiều lần trùng tu và mở rộng, thành Osaka ngày nay có tổng diện tích khoảng 60.000m 2 bao gồm 13 hạng mục và được chính phủ Nhật Bản xếp vào dạng di tích lịch sử quốc gia và là điểm thu hút hàng triệu du khách thăm viếng mỗi năm.
Mặc dù ngôi chùa Ishiyama Hongan- biểu tượng cho một giai đoạn cường thịnh của Phật giáo vùng Kansai giờ đã không còn, song với hàng triệu Phật tử Nhật Bản, ngôi chùa linh thiêng này dường như bao đời nay vẫn tồn tại song hành cùng cổ thành Osaka huyền thoại.
Và đó chính là một trong những dấu chỉ đầu tiên cho thấy rằng, đạo Phật ở Nhật Bản nói chung và vùng Kansai nói riêng rất đa dạng trong hình thức thể hiện. Và trong bất kỳ hình thức gì, thì Phật giáo vẫn tồn tại trong đời sống tâm linh của người dân mặc cho những biến thiên của thời gian và thời cuộc.
Ngôi chùa thiêng của người Nhật
Để giúp cho du khách sẵn sàng hơn trong việc tiếp nhận không gian thiêng liêng và huyền bí, trên đường duy chuyển từ khách sạn đến chùa Gác Vàng, người hướng dẫn liên tục cung cấp cho chúng tôi biết thêm thông tin về thói quen của người Nhật. Theo đó, người dân ở đất nước này thường có thói quen viếng chùa vào dịp đầu năm, mục đích chính của việc này là cầu mong đức Phật hiển linh phù hộ độ trì cho một năm mới thiên nhiên giao hòa, cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đồng hanh thông. Và một trong những ngôi chùa được người dân khắp nước Nhật lựa chọn chính là chùa Gác Vàng mà chúng tôi đang đến.
Theo các tài liệu còn lưu giữ, chùa Kin Ka Ku, tức chùa Gác Vàng hay Kim Các Tự được khởi công xây dựng vào năm 1397.
Cũng theo các tài liệu trên, mục đích ban đầu của việc xây dựng này cốt để tạo ra một lăng mộ dành cho một Shogun hay còn gọi là lãnh chúa của dòng họ Ashikaga nổi tiếng và quyền lực nhất thời bấy giờ. Shogun này có tên là Yoshimitsu, sinh năm 1336, mất năm 1393.
Tuy nhiên, sau khi chấp chính, con ông trao Yoshimitsu - một tín đồ phật giáo thành tâm đã quyết định thay đổi công năng của công trình kiến trúc trên.
Ông từng bước thay đổi cấu trúc và dần dần biến nó thành một ngôi chùa để thờ tự đức Phật, phần còn lại ông biến thành một thiền viện cho tín đồ Phật giáo thuộc dòng Lâm Tế trú ngụ, tu hành.
Tuy nhiên, cũng giống như lịch sử dân tộc và Phật giáo Nhật Bản, chùa Gác Vàng cũng trải qua rất nhiều thăng trầm. Trong cuộc nội chiến mà lịch sử gọi là cuộc chiến Onin (diễn ra 1467-1477), ngôi chùa bị đốt cháy rụi hoàn toàn.
Nguyên do, một trong những người em của lãnh chúa Yoshimasa thuộc dòng họ Ashikaga khi được chọn làm người kế vị (đang là một tu sĩ trong chùa Gác Vàng) bị nhiều người chống đối.
Đỉnh điểm của cuộc chống đối này là một cuộc chiến tranh giữa hai phe và hậu quả của nó là hàng ngàn người đã phải bỏ mạng, chùa Kinkaku bị thiêu rụi.
Tuy nhiên, số phận thăng trầm của chùa Kinkaka vẫn chưa dừng lại ở đó.
Gần 500 năm sau, vào năm 1950, trong một cơn nóng giận, một vị sư trong chùa đã nổi lửa thiêu rụi tòa Gác Vàng .
Sau khi biến tòa tháp 500 tuổi thành tàn tro, nhà sư đã tự tử nhưng bất thành. Nhận thấy mình cũng có một phần trách nhiệm trong việc giáo dục con cái,mẹ nhà sư đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Riêng vị sư nói trên bị tòa tuyên án bảy năm tù giam, tuy nhiên sau 6 năm sống trong hối tiếc, vị sư này đã lâm bệnh và qua đời.
Và sau sự kiện đầy bi kịch đó, chùa Kinkaku đã được trùng tu lớn, đó là vào năm 1955. Đến năm 1987, nhà chùa đã cho dát thêm lớp vàng mới bên trong khu gác vàng.
Những nghi thức thú vị ở chùa Gác Vàng
Trở lại với vai trò của chùa Kinkaku trong đời sống tâm linh của người dân Nhật Bản.
Và một trong những nghi thức thú vị và đậm chất tâm linh ở ngôi chùa này chính là nghi thức ném đồng xu may mắn.
Đại đa số người dân Nhật Bản tin rằng, người nào ném đồng xu lọt vào chiếc hủ được đặt cách đó vài mét càng nhiều thì cả năm sẽ gặp được nhiều điều tốt lành.
Bên cạnh nghi thức ném đồng xu may mắn, rung chuông cầu mong cho sự an bình cho gia đình, bạn bè cũng là một thói quen không thể thiếu đối với người dân Nhật. Và đây chính là một nét rất riêng và rất lạ ở những ngôi chùa Nhật Bản.
Chúng tôi chia tay người dân Nhật Bản cùng những phong tục thú vị đầu năm trong nuối tiếc. Bởi, không dễ gì để khám phá và cảm nhận một tập tục đã có từ ngàn đời nay trong một quỹ thời gian hạn hẹp.
Song, chúng tôi vẫn tin rằng, trong những bước chân tiếp theo, nhiều không gian cuộc sống thú vị ở xứ sở hoa anh đào sẽ mở ra cho chúng tôi khám phá...
Hình ảnh thêm về Thành cổ Osaka - dấu tích của một ngôi cổ tự