Kỳ 5
Sự kiện thứ 4: Hà Nội - Đại La - Thủ phủ thời thuộc Đường
Năm 618, nhà Tuỳ mất, Lý Uyên lên ngôi sáng lập nhà Đường. Nhà Đường là đỉnh cao, thời kỳ hưng thịnh nhất của chế độ phong kiến Trung Quốc. Đối với đất Âu Lạc xưa, nhà Đường củng cố thêm một bước về hành chính, năm 679 Giao Châu được đổi thành An Nam đô hộ phủ do một Tiết độ sứ đứng đầu. Dưới phủ là châu, gồm 12 châu, 59 huyện: Giao Châu đô đốc phủ có 8 huyện, nay thuộc Hà Nội, Nam Định; Lục Châu đô đốc phủ có 3 huyện, nay thuộc Quảng Yên, Lạng Sơn; Phúc Lộc Châu đô đốc phủ có 3 huyện, nay thuộc Sơn Tây; Hoan Châu đô đốc phủ có 4 huyện (Nghệ An); Phong Châu đô đốc phủ có 3 huyện (Sơn Tây, Hưng Hoá, Vĩnh Phúc, Phú Thọ); Ái Châu đô đốc phủ có 6 huyện (Thanh Hoá); Thang Châu đô đốc phủ có 3 huyện; Trường Châu đô đốc phủ có 4 huyện; Chi Châu đô Đốc phủ có 7 huyện; Võ Nga châu đô đốc phủ có 7 huyện; Võ An châu đô đốc phủ có 2 huyện; Diễn Châu đô đốc phủ ( Hà Tĩnh, Quảng Bình) có 7 huyện… Dưới châu là huyện do quan huyện người Hán đứng đầu, dưới huyện nhà Đường lần đầu tiên chia thành đơn vị hành chính hương và xã. Tiểu hương có từ 50 đến 160 hộ, đại hương có 160 đến 670 hộ, tiểu xã từ 10 đến 30 hộ, đại xã từ 40 đến 60 hộ. Như vậy, nhà Đường củng cố cấp cơ sở, chia nhỏ để dễ bề cai trị. Tuy nhiên Nhà Đường cũng chỉ nắm tới cấp huyện mà thôi. Thế kỷ IX nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh hải quân tiết trấn do Tĩnh độ sứ đứng đầu. Nửa cuối thế kỷ IX, nhà Đường đặt chức Tiết độ sứ riêng cho Âu Lạc. Như vậy, thời Đường vùng Hà Nội xưa thuộc Giao Châu đô đốc phủ. Những Tiết độ Sứ, Thứ sử, huyện lệnh nhà Đường đã từng cai trị ở Đại La, các châu và các huyện ở nước ta: Khâu Hoà, Ký Đại Lượng, Lý Thọ, Lư Tổ Thượng, Lý Đạo Hưng, Lý Đạo Ngạn, Lý Giám, Liễu Sở Hiền, Đỗ Chính Luận, Đậu Đức Minh, Ninh Đạt, Chữ Toại Lương, Sài Triết Uy, Lang Dư Khánh, Lưu Diên Hựu, Khúc Lãm, Trương Thuận, Trương Bá Nghi, Lưu Hựu, Quang Sở Khách, Tống Chi Đễ, Đỗ Minh Cử, Hà Lý Quang, Trương Khiêm, Khang Kiêm, Triều Hoành, Phụ Lương Giao, Cao Chính Bình, Trương Ứng, Triệu Xương, Bùi Thái, Trương Châu, Mã Tổng, Triệu Quân, Lý Tượng Cổ, Lý Nguyên Hỉ, Lý Nguyên Gia, Quế Trong Vũ, Bùi Hành Lập, Lý Nguyên Thiện, Hàn Ước, Mã Thực, Vu Hồn, Bùi Nguyên Hựu, Điền Tảo, Vương Thức, Thôi Cảnh, Điền Tài Hựu, Chu Nhai, Lý Trác, Lý Hộ, Vương Khoan, Sái Tập, Sái Kinh, Tống Nhung, Cao Biền, Cao Tầm, Tăng Cổn, Trương Nhẫn, Kính Ngạn Tông, Thôi Lập Tín, Chu Toàn Dục, Độc Cô Tổn. Tổng cộng 65 quan chức trong hơn 229 năm thống trị của nhà Đường. [1]
Nhà Đường chuyển trung tâm, đầu não của chính quyền đô hộ từ Luy Lâu về Long Biên ( Giao Châu) và đổi là thành Đại La. Để bảo vệ thành trì và ngăn lũ lụt, các đời Tiết độ sứ đều ra sức huy động sức người, sức của đắp thành Đại La, trong đó Cao Biền (Cao Vương) làm Tiết độ sứ từ năm 856 đã hoàn thiện việc tôn tạo thành này. Cao Biền còn cho nạo vét dòng sông Tô Lịch, làm cho chung quanh thành Đại La có thủy đạo đi lại thuận tiện. Từ cửa sông Tô, thuyền có thể về bắc thành, xuôi xưống vùng Cầu Giấy ra phố Vọng, qua Kim Ngưu rồi ra sông Nhị. Đồng bằng sông Nhị ở ngoài thành Đại La cho mùa màng tươi tốt, lương thực dồi dào, giao thông thuận tiện, Đại La thành một đô thị buôn bán sầm uất, thuyền bè đậu san sát hai bên sông, hàng hoá lên thuyền, xuống thuyền tấp nập. Hai bên bờ sông hàng quán nhộn nhịp. Nhà Đường tăng cường thành quách, tăng cường quân đội để bóc lột và đàn áp nhân dân ta. Thời nhà Đường suy yếu, Đại La còn chịu tai hoạ bởi những cuộc tấn công tàn phá của giặc Nam Chiếu (nay thuộc Vân Nam Trung Quốc, trước thế kỷ XIII là vương quốc của người Thái) vào những năm 816, 832, 846, 853, 858, 862. Năm 863, quân Nam Chiếu chiếm đựơc thành, bọn đô hộ Trung Quốc kẻ bỏ trốn, kẻ chạy về nước. Nhân dân trong thành bị cướp bóc, bị tàn sát, bị bắt về Nam Chiếu hàng vạn người. Nhân dân thành Đại La đã chống trả giặc Nam Chiếu kịch liệt. Năm 865, Cao Biền đánh lui đuợc quân Nam Chiếu nhưng lại quay lại đàn áp nhân dân, tổ chức lại nền cai trị của nhà Đường, đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh hải quân tiết trấn do Tiết độ sứ đứng đầu. Từ đây bắt đầu chức Tiết độ sứ riêng cho Âu Lạc.
------------------------
[1] .Hoàng Đình Long. Quật Khởi. NXB Thế Giới. H. 2008. Tr. 68, 69,70,71.
(Còn nữa)
Hình ảnh thêm về 36 sự kiện tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội (Kỳ 5)