Kỳ 4
Sự kiện 3. Hà Nội - Long Biên - Kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân độc lập (544-602)
Nhà Hán diệt vong, Trung Quốc bước vào cục diện Tam quốc: Nguỵ, thục, Ngô. Từ năm 220 đến 280, nước ta bị nhà Đông Ngô thống trị. Kết thúc cục diện Tam quốc từ năm 280 đến năm 316 nước ta bị nhà Tấn thống trị. Năm 316, nhà Tấn diệt vong, Trung Quốc bị phân liệt thành cục diện Nam - Bắc triều. Nước ta bị nhà Lương ở Nam triều thống trị.
Dưới thời nhà Lương, Lý Bí (Lý Bôn), một Hào trưởng ở Long Hưng (Thái Bình ngày nay) đã lãnh đạo nhân dân ta nhất tề nổi dậy lật đổ chính quyền đô hộ. Thứ sử Tiêu Tư bỏ chạy về nước. Nhà Lương Tổ chức hai cuộc phản kích vào các năm 542, 543 nhưng đều bị quân ta đánh bại. Tháng 1 năm 544 (Giáp Tí), Lý Bí lên ngôi vua, xưng là Lý Nam Đế, đặt niên hiệu Đại Đức, đặt Quốc hiệu Vạn Xuân, định đô ở Long Biên (Tống Bình - Hà Nội). Lần thứ 3 đất Hà Nội lại trở thành kinh đô của một quốc gia độc Lập: Nước Vạn Xuân. Lý Nam Đế đã xây dựng một chính quyền độc lập với một triều đình qui mô có hai ban Văn - Võ. Ban quan văn do Tinh Thiều đứng đầu, Ban quan võ do Phạm Tu đứng đầu. Triệu Túc làm Thái phó. Trước đó, tháng 5 năm 543, Lý Nam Đế thân chinh cầm quân đánh bại Chiêm Thành (Vương quốc của người Chăm, lãnh thổ từ Quảng Trị đến Bình Thuận ngày nay), ổn định biên giới phía Nam.
Tại Long Biên (Tống Bình), Lý Nam Đế là người đầu tiên đã cho xây dựng một toà thành luỹ bằng tre và gỗ ở cửa sông Tô Lịch vào năm 545 và cho tướng Phạm Tu (quê của ông nay thuộc Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) coi giữ để bảo vệ kinh thành. Lý Nam Đế còn cho xây dựng chùa Khai Quốc (mở nuớc) trên bờ bắc Nhị Hà (tên xưa của sông Hồng).[1].
Ngày 20-7-545 (Ất Sửu), nhà Lương sai tướng Dương Phiêu và Trần Bá Tiên tấn công kinh đô Long Biên của nước Vận Xuân. Thành Long Biên vỡ, tướng Phạm Tu đã hi sinh trên chiến luỹ ở sông Tô Lịch, kinh thành một lần nữa rơi vào tay quân giặc. Quân ta rút lui và kháng chiến lâu dài. Lý Nam Đế ốm và mất vào tháng 4 năm 548. Quân ta do Triệu Quang Phục (con của Phạm Tu) chỉ huy rút về Đầm Dạ Trạch (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) tiến hành chiến tranh du kích để kháng chiến. Năm 550, nhà Lương bên Trung Quốc có biến loạn, Trần Bá Tiên đem quân về nước cướp ngôi nhà Lương. Nhân thời cơ đó, Triệu Quang Phục phản công thắng lợi, giết chết tướng giặc Dương Phiêu, giành lại độc lập, lập lại nước Vạn Xuân, Long Biên lại trở thành kinh đô của nước nhà. Triệu Quang Phục lên ngôi xưng là Triệu Việt Vương.
Năm 571, cháu của Lý Nam Đế là Lý Phật Tử mặc dù được Triệu Việt Vương chia cho một phần lãnh thổ và gả con gái cho nhưng y vẫn bất ngờ đánh úp Triệu Việt Vương để đoạt toàn bộ quyền lực và xưng là Hậu Lý Nam Đế. Năm 581, Dương Kiên thống nhất Trung Quốc kết thúc cục diện Nam-Bắc triều lập ra nhà Tuỳ. Năm 602, nhà Tuỳ sai tướng Lưu Phương sang xâm lược Vạn Xuân. Lý Phật Tử bị đánh bại. Kinh đô Long Biên lại trải qua thảm hoạ lần thứ 4 rơi vào tay giặc. Nước Vạn Xuân tồn tại được 60 năm với 3 đời vua: Lý Nam Đế (544-548), Triệu Việt Vương (549-571), và Hậu Lý Nam Đế (571-602). Nước Vạn Xuân tồn tại hơn nửa thế kỷ đánh dấu sự trưởng thành về mặt chính trị của giai cấp phong kiến Việt Nam, của tinh thần dân tộc, tinh thần quốc gia. Là sự khẳng định nền độc lập dân tộc, sự phủ định dứt khoát quyền bá chủ đô hộ của phong kiến Trung Quốc. Với nhà nước Vạn Xuân và kinh đô Long Biên, sự hình thành quốc gia và nhà nước của ta đã rõ rệt, là kết quả 500 năm lịch sử đấu tranh và phát triển toàn diện của Việt Nam, là bước chuẩn bị cho sự ra đời quốc gia phong kiến độc lập sau này. Hơn nửa thế kỷ tồn tại, kinh đô Long Biên và nước Vạn Xuân đã in dấu ấn không phai mờ trong tâm trí nhân dân ta, là nguồn cổ vũ to lớn để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh cho nền độc lập dân tộc.
-------------------------
[1] .Năm 1615, chùa Khai Quốc được dời vào đảo Kim Ngư (Cá Vàng) Hồ Tây.
(Còn nữa)
Hình ảnh thêm về 36 sự kiện tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội (Kỳ 4)