Thiệt ngưỡng mộ khi ngắm những nụ cười hiền nhẹ nhõm, an lạc từ con người, nụ cười toát ra từ tâm thái an nhiên, nội tâm trong sạch không khác đoá hoa nở tròn đầy không hề miễn cưỡng. Trong cõi trần ai đầy hỉ nộ ái ố, tham sân si, có được niềm hỷ lạc an nhiên kia đâu có dễ dàng.
Khóc, cười, buồn, vui, hờn giận biểu hiện nội tâm con người, hoạt động tâm lý thông thường. Mỗi cá nhân có một ngưỡng tâm lý riêng, có người chừng đó chừng đó đã vượt sức chịu đựng, khóc. Với người khác, chừng đó chừng đó vẫn bình tĩnh như không có chi. Khi cười, phản ứng vui trước hiện thực, người cười thành tiếng, song không ít người chỉ mỉm cười nhẹ nhàng thôi...
Cảnh trạng, nội tâm thảm, nước mắt chảy bên trong, có người nén lại, bề ngoài vẫn cười, nụ cười giả tượng. Đấy, xung quanh nụ cười biết bao chuyện.
Khóc cười, biểu hiện cảm xúc trên nét mặt, ngôn ngữ cử chỉ, hình thể- như đã viết- thuộc về tâm lý. Thời xưa, người ta công phu nghiên cứu các biểu hiện bên ngoài để nắm bắt nội tâm, đoán vận mạng, gọi là tướng học. Thực ra đấy cũng là khoa học sơ khai thuộc về tâm lý học.
Phật học xét sâu quan hệ tâm và tướng, có câu hay: tướng tùy tâm sinh hay tâm sinh tướng. Nụ cười thuộc về tướng, biểu hiện của tâm.
Nhưng nói thế rất đơn giản về một vấn đề lớn, qua hệ tâm tướng phức tạp, biện chứng, như đã viết: không thể nghĩ cứ vui thì cười, buồn thì khóc. Triết học quy nội dung này trong một cặp quan hệ hiện tượng và bản chất, trong đấy hiện tượng không nhất thiết phản ánh bản chất, có giả tượng: lòng buồn vẫn có thể nén lại, cười gượng
Nghệ thuật sân khấu cho thấy nghệ sỹ có thể làm được gì với nụ cười, tiếng khóc.
Người hời hợt có thể ngộ nhận vơi nụ cười giả tượng, song người tinh ý lại không khó nhận ra đằng sau nụ cười là những gì.
Hiểu đơn giản, cười biểu hiện niềm vui của sự thoả mãn khi cuộc sống như mong muốn, hài lòng. Đấy xét theo lẽ phàm.
Thực tế, không phải cứ giàu có, thành đạt đi cùng tiếng cười, có người hiếm khi cười dù hoàn cảnh tốt. Không ít người nghèo khó vẫn vui cười an lạc.
Một tâm thái an nhiên thiệt khó, tâm thái ấy đem đến nụ cười hỷ lạc- nụ cười đẹp nhất, cười bằng tâm, vui trọn vẹn, thực sự. Niềm hỷ lạc, nụ cười hỷ lạc không bị chi phối bởi lý lẽ thường tình như cười khi có tiền của, danh vị, quyền lợi ( và khóc khi mất tiền của, danh vị, quyền lợi), niềm hỷ lạc cho thấy hạnh phúc nội tâm sâu sắc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nụ cười nhẹ nhàng hỷ lạc với đại chúng, nụ cười thoát tục của bậc chân tu, đạt ngộ. Nụ cười hỷ lạc khônh vì tiền của, danh vị, sự thoả mãn vật chất, cười khi thấy đại chúng thấu hiểu phật pháp, tinh tấn, cười từ tâm, hoa nở từ trong lòng.
Người tu có nụ cười xuất thế gian, cười trong nghịch cảnh, cười trong cảnh huống thế gian khônh thể cười, nụ cười của giác.
Người tu đối cảnh vô tâm, không tác ý, thoát ly phiền não, có nụ cười hỷ lạc. Đấy là cảnh giới thiền.
Ở đời bộn bề ân oán tranh đoạt, nụ cười hiền, nhẹ nhõm, hỷ lạc, cười từ tâm, có ở một đời sống chân thực, thiện lương, lòng không nặng nề. Khi tâm được như thế, anh nông phu nghèo khó vẫn cười hỷ lạc như thường. Không được như thế, tâm nặng ân oán phiền não, đại gia cũng khó có thể cười nhẹ nhõm như anh nông phu kia.
Nụ cười hỷ lạc, có dễ đâu...
Nguyễn Thành Công